5 bệnh viện nhận thiếu sót vụ từ chối cấp cứu khiến bệnh nhân tử vong

Zing – Chiều tối 15/8, Phó chủ tịch UBND TP. Dĩ An (Bình Dương) Phạm Văn Bảy đã chủ trì cuộc họp khẩn với các cơ sở y tế liên quan đến vụ bệnh nhân tử vong sau khi 5 bệnh viện không tiếp nhận điều trị.

Trường hợp tử vong là ông N.D. (57 tuổi, quê Trà Vinh), tạm trú phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An. Bệnh nhân bị đột quỵ nhưng khi được chở đến 5 bệnh viện cấp cứu thì không nơi nào tiếp nhận với lý do quá tải trong phòng, chống dịch Covid-19. Sau đó, ông D. được đưa về và tử vong tại nhà trọ.

Tại cuộc họp, UBND TP. Dĩ An yêu cầu 5 cơ sở gồm Trung tâm Y tế TP Dĩ An, Bệnh viện Quân đoàn 4, Bệnh viện đa khoa An Phú, phòng khám Ngọc Hồng và phòng khám đa khoa tư nhân Nam Anh chấn chỉnh việc tiếp nhận bệnh nhân, không để sự việc tái diễn.

Các bệnh viện này đã thừa nhận thiếu sót, xin lỗi gia đình ông D., kiên quyết khắc phục chấn chỉnh, không để tái diễn sự việc tương tự.

TP.HCM siết giấy đi đường, ùn ứ tại nhiều chốt kiểm soát COVID-19

Từ sáng 16/8, các chốt kiểm soát COVID-19 trên nhiều tuyến đường như Phan Đăng Lưu, Lê Văn Duyệt, Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) và nhiều chốt tại Q.Gò Vấp liên tục xảy ra tình trạng ùn ứ.
Mặc dù hôm nay (16.8) các chốt không yêu cầu khai báo di biến động dân cư nhưng việc siết chặt thời hạm giấy đi đường khiến nhiều người dân buộc phải quay đầu xe, không thể qua chốt.

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại chốt kiểm soát COVID-19 trên đường Lê Văn Duyệt (đoạn gần cầu Bông, Q.Bình Thạnh), người dân xếp hàng kéo dài vài chục mét tại chốt để chờ đến lượt xuất trình giấy đi đường. Tại đây, tổ công tác yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ tùy thân cũng như giấy đi đường nhưng phải có hiệu lực trong 7 ngày.

Do có quy định mới về thời hạn sử dụng giấy đi đường, nhiều người dân tỏ ra không hài lòng vì chưa được thông tin từ trước, dẫn đến bị động.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, tổ công tác yêu cầu những trường hợp có giấy phép không hợp lệ phải quay đầu và chỉ ra đường khi có giấy tờ hợp lệ.

Tương tự tại chốt Phan Đăng Lưu – Nguyễn Công Hoan (Q.Bình Thạnh) tình trạng ùn ứ tại chốt cũng xảy ra và kéo dài nhiều giờ liền. Gần trăm phương tiện xếp hàng nối dài tại chốt để chờ khai báo, xuất trình giấy tờ đi đường.Tổ công tác cũng liên tục nhắc nhở người dân việc giấy ra đường chỉ có hiệu lực trong vòng 7 ngày và không giải quyết các trường hợp quá hạn. Đối với trường hợp giấy tờ chưa hợp lệ sẽ buộc quay đầu.Cũng trong sáng cùng ngày, rất nhiều trường hợp buộc phải quay đầu vì không đủ điều kiện qua chốt.

Túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà

VnExpress – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) tối 15/8 cho biết những ngày qua nhiều “túi thuốc cùng F0 chiến thắng Covid-19” đã được trao đến từng người dân mắc Covid-19 ở phường 1, quận Tân Bình. Những túi thuốc này vừa góp phần hỗ trợ sức khỏe, giúp F0 sớm khỏi bệnh, lại vừa động viên tinh thần, giúp họ an tâm điều trị tại nhà.

“Chỉ cần được báo có ca F0 hay người dân cần thuốc là sẽ có người đến tận nơi trao túi thuốc cho người bệnh”, anh Ngô Nam Việt, Bí thư đoàn Thanh niên phường 1, quận Tân Bình, chia sẻ.

Mỗi túi thuốc mà F0 nhận được gồm paracetamol 500g (hạ sốt), acetylcystein (tiêu đờm), multivitamin (vitamin tổng hợp), nước súc họng, nước muối 0,9% (natri clorid 0,9%), viên C sủi và khẩu trang, kèm hướng dẫn sử dụng. Đây là những loại thuốc mà Trạm y tế phường 1, nhóm bác sĩ tình nguyện chuẩn bị dựa trên danh mục thuốc theo công văn Bộ Y tế ban hành.

Bên ngoài túi thuốc có in kèm mã QR, để bệnh nhân có thể quét mã và tham gia vào nhóm Bác sĩ đồng hành cùng F0 – phường 1 trên ứng dụng Zalo. Y sĩ Lê Minh Quân, phụ trách chống dịch tại Trạm y tế phường 1, cho biết các thành viên trong nhóm Bác sĩ đồng hành cùng F0 – phường 1 bao gồm thường trực ban chỉ đạo phòng chống dịch, tổ phản ứng nhanh, 6 bác sĩ và hai dược sĩ thuộc đội hình Blouse trắng trực 24/7. Tất cả đều cùng một mục đích hỗ trợ người bệnh ngay lập tức.

Hằng ngày, các F0 sẽ thông báo tình trạng bệnh của mình trong nhóm thông tin này. Qua đó các y, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng cụ thể của từng người và có những hướng dẫn, hỗ trợ điều trị phù hợp. Những trường hợp có triệu chứng sẽ được tư vấn trực tiếp. Riêng F0 cần can thiệp y tế khẩn cấp như hạ nồng độ oxy trong máu (SpO2), cần cung cấp bình oxy tại nhà hoặc chuyển viện khẩn cấp… sẽ được chuyển cho Tổ phản ứng nhanh của phường xử lý theo đúng quy trình.

HCDC dẫn lời bệnh nhân Thành, cư trú tại phường 1, cho biết gia đình ông có 4 F0. Ban đầu khi kết quả xét nghiệm dương tính, cả nhà rất lo lắng, nhất là lúc được biết cả tất cả sẽ cùng cách ly điều trị tại nhà. Tuy nhiên, sau khi được các nhân viên y tế hướng dẫn cách ly tại nhà, cách phân bố nơi ở của từng người, cách liên hệ khi cần thiết và mỗi ngày được các bác sĩ trong nhóm hỗ trợ thăm hỏi, cả nhà đã bình tĩnh, yên tâm hơn.

Có thể bạn quan tâm: