Mô hình sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường – 2 điểm đến” đã áp dụng gần 1 tháng, dù duy trì được chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy nhưng gây ra nhiều khó khăn lẫn rủi ro cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên thời gian thực hiện kéo dài, nhiều nhà máy “3 tại chỗ” gặp khó khăn, chi phí tăng gấp đôi nhưng công suất giảm một nửa, xuất hiện ca nhiễm, công nhân muốn về nhà.

Đại diện Công ty Cổ phần Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau cho Tiền Phong biết, công ty có gần 1.500 lao động. Sau khi chính quyền yêu cầu DN thực hiện mô hình 3 tại chỗ để đối phó với dịch bệnh, công ty phải cắt giảm 2/3 lao động và chỉ bố trí được 500 công nhân làm việc tại chỗ.

“Tất cả công nhân sau đó được chia ra tại các khu vực khác nhau, công ty phải thuê khách sạn, nhà trọ gần nhà máy để họ nghỉ ngơi. Công ty còn tổ chức ăn uống tại phân xưởng, với 3 bữa ăn/ngày, mỗi phần ăn 20 nghìn đồng. Tất cả chi phí do công ty hỗ trợ”, vị này cho hay.

Ngoài ra, để đảm bảo an tâm cho công nhân, công ty còn lắp các tiện ích như wifi, bố trí hệ thống camera giám sát tại cổng, lối ra vào, khu vực lưu trú để tránh người lạ từ ngoài vào. Song tốn kém nhất là khoản xét nghiệm PCR cho công nhân. Với chi phí từ 300-500 nghìn đồng/lần và cứ 3-4 ngày lại xét nghiệm lại, mỗi tháng DN phát sinh thêm chi phí hàng tỷ đồng.

“Nếu dịch bệnh kéo dài liên tục hàng tháng trời như hiện nay DN không đủ sức để duy trì mô hình 3 tại chỗ. Trong khi DN đã cắt giảm công suất hơn 60%, các đơn hàng bị ảnh hưởng. Nếu không có phương án khác để cắt giảm chi phí hoặc ít nhất hỗ trợ công nhân tiêm vắc-xin, DN rất khó trụ với mô hình này”, vị này nói.

Ảnh chụp màn hình Tiền Phong.

Theo VnExpress, tương tự, nhà máy Công ty cổ phần dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú) có 4.400 lao động. Từ ngày 17/7, theo yêu cầu của chính quyền thành phố, doanh nghiệp tổ chức cho 2.200 công nhân ăn ở và làm việc tại chỗ, giảm quy mô sản xuất còn 50%. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự công ty nói nhà máy dự đoán lao động ở lâu sẽ mệt mỏi, tù túng nên cố gắng chăm sóc tốt nhất từ ăn uống, ngủ nghỉ. Thế nhưng sau 25 ngày hoạt động, số công nhân “rơi rụng dần”, hiện còn khoảng 1.800 người bám trụ.

“Doanh nghiệp thực hiện ‘3 tại chỗ’ không có lời, kinh phí tăng cao nhưng năng suất chỉ đạt một nửa”, ông Tuấn nói và cho biết riêng chi phí xét nghiệm sàng lọc mầm bệnh tiêu tốn của nhà máy hơn 2 tỷ đồng. Trong 10 ngày đầu, công ty 3 lần xét nghiệm cho công nhân, chi phí mỗi mẫu test là 300.000 đồng, sau đó thực hiện định kỳ hàng tuần. Ngoài lương, lao động được trả thêm 80.000 đồng mỗi ngày. Công ty đầu tư hơn một tỷ đồng mua chăn màn, chiếu gối, lắp các khu tắm giặt dã chiến, nhà vệ sinh, sân phơi đảm bảo sinh hoạt cho công nhân.

Ông Tuấn cho hay 95% đơn hàng của dệt may Thành Công đem đi xuất khẩu. Trong điều khoản hợp đồng, đối tác loại trừ lý do giao hàng chậm, trễ vì dịch bệnh, nên doanh nghiệp phải sản xuất đảm bảo tiến độ để không bị phạt số tiền rất lớn, chưa kể mất khách hàng. Hiện nhà máy tìm mọi cách động viên công nhân nhưng “cố lắm cũng chỉ đến được ngày 15/9 là buông”.

Không gắng gượng được như dệt may Thành Công, Công ty cổ phần Kềm Nghĩa ở Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) đã xin dừng “3 tại chỗ” sau 2 tuần hoạt động dù trước đó phương án được Ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP HCM và ngành y tế đánh giá rất tốt. Doanh nghiệp đã đầu tư hơn 600 triệu đồng cho công nhân ăn, ở và làm việc tại phân xưởng.

Ảnh chụp màn hình Người lao Động.

Ông Trần Minh Tú, Giám đốc điều hành công ty cho hay nhà máy quy mô hơn 1.500 lao động. Tuy nhiên khi tổ chức phương án, chỉ 194 người tự nguyện đăng ký, công suất chưa đến 13%. Sau một tuần thực hiện, hơn 200 công nhân tiếp tục đăng ký, nâng năng lực sản xuất của nhà máy lên 30%, vừa đủ đảm bảo một số đơn hàng. Doanh nghiệp làm phương án xin tăng lao động gửi lên cơ quan quản lý nhưng không được chấp thuận.

“Có thể các đơn vị đánh giá lo ngại người mới sẽ mang dịch vào nhà máy”, ông Tú nói và cho biết thêm lao động đã ít, một số còn muốn về nhà nên công ty quyết định dừng, thương lượng với đối tác lùi thời gian giao hàng. Doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm COVID-19, đảm bảo tất cả công nhân âm tính mới cho về.

Dệt may Thành Công, Kềm Nghĩa là 2 trong số gần 700 doanh nghiệp thuộc 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và công nghệ cao đăng ký thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường – 2 điểm đến” (chỉ duy nhất tuyến đường chở tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở).

Theo Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM (HBA) Nguyễn Văn Bé, đến thời điểm này chỉ có gần 600 nhà máy ở thành phố hoạt động nhưng hầu hết gặp khó khăn về tài chính, không đủ cơ sở vật chất, tâm lý công nhân bất ổn muốn “bỏ trận địa”.

Lãnh đạo HBA cho rằng thời gian qua một số nhà máy phát hiện ca nhiễm nhưng không được đưa đi kịp thời.

Hiện nay 70% DN thuộc Hiệp hội đang phải bán bù lỗ và hòa vốn; bởi giá nguyên liệu đầu vào đều tăng. Nếu thực hiện “3 tại chỗ” kéo dài quá 1 tháng thì các DN có từ 300-1.000 công nhân sẽ nảy sinh hàng loạt vấn đề”- Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM nói trên báo Dân Việt.

Có thể bạn quan tâm: