Tại TP.HCM, có 5 nhóm thuộc diện bắt buộc phải đeo khẩu trang là cán bộ các sở ngành; tiểu thương, nhân viên trung tâm thương mại, khách sạn… với tổng cộng 322.100 người.

Theo Sở Công thương TP.HCM, đây là những người hoạt động trong ngành nghề thường xuyên tiếp xúc với người dân, khách hàng, nên phải nghiêm túc phòng tránh lây lan nCoV.

Cụ thể, nhóm được ưu tiên nhất là cán bộ, công chức, nhất là những người làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; nhóm 2 là tiểu thương, nhân viên, người lao động làm việc tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi; nhóm 3 là nhân viên làm việc ở cơ sở lưu trú và khách sạn trên địa bàn; nhóm 4 là nhân viên làm việc ở bến xe, cảng hàng không, đường thủy, taxi, xe buýt; và nhóm 5 là nhân viên các bếp ăn tập thể.

Ảnh chụp màn hình vnexpress.net

Theo VnExpress, 5 nhóm này bao gồm 18.000 cán bộ, công chức các sở, ngành, UBND phường, xã; hơn 194.000 tiểu thương, nhân viên lao động làm việc tại trung tâm thương mại, cửa hàng; 73.000 lao động trong các khách sạn, cơ sở lưu trú; hơn 9.000 nhân viên ngành vận tải hành khách và hơn 27.000 người làm việc tại các bếp ăn tập thể.

Khẩu trang cần thiết cho 5 nhóm người này là hơn 966.000 chiếc mỗi ngày (mỗi người 3 cái). Trong khi đó, số lượng khẩu trang sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn là hơn 1,6 triệu chiếc mỗi ngày – chỉ còn gần 689.000 chiếc dành cho người dân.

Sở Công thương cũng đề nghị Sở Y tế thông tin đến các đối tượng ưu tiên bắt buộc sử dụng khẩu trang hằng ngày cần nắm thông tin và giảm nhu cầu sử dụng. Trước khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất, Bộ này đã chỉ đạo hệ thống tham tán thương mại tại các nước như Ấn Độ, Malaysia… có nguồn nguyên liệu là vải không dệt để kết nối nhập khẩu.