Mục lục bài viết
TP.HCM chốt giá dịch vụ xét nghiệm nhanh COVID-19: Chỉ từ 11.000 đồng
NLĐ – Theo Nghị quyết vừa được HĐND TP.HCM khóa X thông qua, giá test nhanh Covid-19 mẫu đơn chưa bao gồm sinh phẩm chỉ 11.200 đồng, xét nghiệm PCR mẫu đơn chỉ 212.700 đồng.
Nghị quyết quy định giá mới áp dụng cho người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế, người có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế.
Mức giá xét nghiệm bao gồm chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương, chưa gồm sinh phẩm xét nghiệm thấp nhất là 11.200 đồng đối với test nhanh mẫu đơn. Xét nghiệm miễn dịch mẫu đơn được áp dụng mức 30.800 đồng.
Theo quy định mới, loại xét nghiệm có giá cao nhất là 212.700 đồng đối với xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR (xét nghiệm xác định). Trong đó, phí lấy mẫu, bảo quản bệnh phẩm là 45.400 đồng và phí thực hiện xét nghiệm, trả kết quả là 167.300 đồng.
Ngoài ra, mức phí xét nghiệm xác định trong trường hợp lấy mẫu gộp 5, 10 mẫu tại thực địa, phòng xét nghiệm sẽ dao động từ 62.500 đồng đến 112.500 đồng.
Theo tờ trình của UBND TP.HCM, việc ban hành nghị quyết nhằm tạo sự đồng bộ giữa giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong cả 2 trường hợp thuộc và không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, với mức giá này, ngân sách Nhà nước có cơ sở thanh quyết toán chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương của dịch vụ xét nghiệm.
HĐND TP.HCM yêu cầu UBND TP thành phố quản lý giá sinh phẩm xét nghiệm để đảm bảo không vượt quá giá quy định.
Cảnh sát hình sự bị tố cùng vợ lừa đảo hàng chục tỷ đồng
VOV – Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đang vào cuộc thụ lý vụ một cán bộ công an công tác tại Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP.Huế bị tố cùng vợ lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.
Thời gian qua, hàng chục người dân ở Thừa Thiên-Huế gửi đơn đến Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế tố cáo việc họ bị một cặp vợ chồng lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn. Trường hợp bị tố cáo là ông Nguyễn Xuân Anh Dũng và vợ là Dương Thị Mỹ Linh (trú tại 38A Trần Lư, phường An Tây, TP.Huế). Trong đó ông Dũng là người công tác tại Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP.Huế.
Theo nội dung đơn tố cáo của bà L.T.T.T (trú đường Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc, TP. Huế), vợ chồng ông Dũng đã vay mượn rồi chiếm đoạt của bà số tiền 4 tỷ 150 triệu đồng, trong đó có 3 tỷ 150 triệu đồng mượn để đáo hạn ngân hàng.
Lúc nhận tiền từ bà T, vợ chồng ông Dũng viết giấy cam kết ngày trả nợ nhưng rồi trong thời gian dài không thực hiện.
“Vào ngày 8/5/2022, tôi về nhà ông Dũng và bà Linh để nói chuyện về khoản tiền vợ chồng ông này đã vay mượn thì bị hành hung gây tổn hại sức khỏe cũng như tinh thần”, bà T cho biết.
Sau thời gian dài không được vợ chồng ông Dũng trả lại tiền đã vay mượn, bà T đã viết đơn tố cáo gửi Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Bà T chỉ là một trong số hàng chục trường hợp người dân ở Thừa Thiên-Huế gửi đơn tố cáo vợ chồng ông Dũng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Rất nhiều trường hợp khác đã gửi đơn tố cáo vợ chồng ông Dũng đến cơ quan công an, như: Ông H.T.T (trú TP.Huế) tố bị lừa 8 tỷ 490 triệu đồng, bà N.T.K.N (trú đường Trần Quang Khải, TP.Huế) tố bị lừa đảo 1 tỷ 548 triệu đồng, ông V.Q.V (trú đường Phan Đăng Lưu, TP.Huế) tố bị lừa 2 tỷ 840 triệu đồng, bà N.T.Đ (trú đường Nguyễn Du, TP.Huế) tố bị lừa 1.420 triệu đồng, bà L.T.K.N (trú đường Hải Triều, TP.Huế) tố bị lừa 2 tỷ 400 triệu đồng, bà P.T.C (trú đường Nguyễn Chí Thanh, TP.Huế) tố bị lừa 2 tỷ 100 triệu đồng…vv.
Theo nội dung đơn của những người dân này, thông qua các mối quan hệ bạn bè, người thân, ông Dũng và bà Linh đã vay mượn tiền của họ rồi chiếm đoạt. Lúc vay mượn tiền, vợ chồng ông Dũng thường lấy lí do cần tiền để đáo hạn ngân hàng và cam kết thời gian trả nợ nhưng sau đó không trả.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, đại tá Đặng Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, hiện Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đang thụ lý giải quyết những đơn tố giác trên.
Đẩy nhanh xây hơn 100.000 căn nhà ở xã hội ở TP.HCM
Laodong – Tại kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa X, diễn ra phiên chất vấn với Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM về chương trình phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn sắp tới.
Trong chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, TP.HCM đặt mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà, trong đó có 100.000 căn NƠXH cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
Theo ông Trần Hoàng Quân – Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, qua rà soát có 33 dự án, có 20% quỹ đất nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại. Nếu xây dựng xong 33 dự án này sẽ có trên 70.000 căn NƠXH. Trước mắt, đã có 14 dự án đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, có thể triển khai ngay trong năm 2022 – 2023, đáp ứng được khoảng 15.000 căn.
Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, điều kiện tiên quyết, để đẩy nhanh việc thực hiện các dự án NƠXH là cải cách thủ tục hành chính. Sở Xây dựng đã tham mưu TP.HCM quy trình rút ngắn các thủ tục đầu tư. Cụ thể, rút ngắn thời gian từ 345 ngày xuống còn 153 ngày đối với dự án có nguồn gốc đất từ doanh nghiệp và từ 540 ngày xuống còn 300 ngày với các dự án nguồn gốc đất công.
UBND TP.HCM cũng đẩy mạnh ủy quyền, phân công UBND quận huyện, Thành phố Thủ Đức để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án NƠXH trong quý III/2022.
Trung Quốc tiếp tục mở rộng, xây dựng phi pháp tại các thực thể trên Biển Đông
Thanhnien – Theo báo cáo của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), Trung Quốc, Đài Loan và Philippines đều đã tiến hành các hoạt động xây dựng mới trên các thực thể ở Biển Đông, gần nhất là trong mùa xuân năm nay.
Tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, cảng tại các đảo Linh Côn, Quang Ảnh và Hoàng Sa đều được mở rộng trong hai năm qua. Cụ thể, cảng trên đảo Linh Côn được mở rộng từ 175 thành 200 mét vào tháng 3/2021, trên đảo Quang Ảnh từ 150 thành 190 mét vào tháng 3/2022 và trên đảo Hoàng Sa từ 190 thành 250 mét một tháng sau đó, theo báo cáo ngày 8.7 của AMTI, một chương trình của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, trụ sở Washington DC).
Mùa xuân này, Trung Quốc đã tiến hành phi pháp một số hoạt động xây dựng nhỏ tại đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như tại đảo Cây và đảo Quang Ảnh thuộc Hoàng Sa. Tại đá Vành Khăn thuộc Trường Sa, một số mái vòm radar mới đã được lắp đặt kể từ khi AMTI lần cuối khảo sát thực thể này.
Từ cuối năm 2019 đến năm 2021, các cấu trúc lớn có mái che màu xanh bí ẩn – có thể là công trình tạm thời – đã được lắp đặt tại mọi địa điểm mà Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa. Theo AMTI, các cấu trúc này dường như được làm theo chuẩn, hầu hết có kích thước dài 50 mét và rộng 15 hoặc 25 mét. Cấu trúc đầu tiên như vậy xuất hiện trên đá Chữ Thập vào tháng 11/2019, tiếp theo là đá Xu Bi vào tháng 4/2020, đá Vành Khăn vào tháng 5, đá Ga Ven và đá Tư Nghĩa vào tháng 8, đá Gạc Ma vào tháng 9 và đá Châu Viên vào tháng 1.2021.
Các cấu trúc màu xanh sau đó xuất hiện tại Hoàng Sa: trên đảo Phú Lâm vào tháng 4/2021, đảo Quang Hòa vào tháng 6 và đảo Hoàng Sa vào tháng 8. Công trình trên đảo Phú Lâm đã được tháo dỡ vào tháng 1 năm nay.
Một số cấu trúc vẫn giữ nguyên vị trí kể từ khi lắp đặt, trong khi những cấu trúc khác đã bị tháo dỡ hoặc chuyển đến địa điểm mới. Gần đây nhất, cấu trúc trên đá Chữ Thập đã được chuyển từ mũi phía nam của thực thể này đến một vị trí trung tâm hơn vào tháng 4 vừa qua. Các cấu trúc trên đá Xu Bi đã chiếm giữ bốn địa điểm khác nhau trong hai năm qua.
Cũng theo báo cáo của AMTI, hoạt động nổi bật nhất của Philippines là cải tạo đường băng trên đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắt đầu vào tháng 12/2018, dự án đã có những bước tiến lớn trong vài tháng gần đây, với nửa dưới của đường băng được rải nhựa hồi tháng 4. Ở những nơi khác trên đảo, nhiều tòa nhà đã bị hư hại đáng kể trong cơn bão Rai vào tháng 12/2021. Hình ảnh hồi tháng 4 cho thấy việc sửa chữa ở nhiều tòa nhà vẫn chưa hoàn thành.
Đài Loan cũng đã nâng cấp đảo Ba Bình thuộc Trường Sa. Theo AMTI, hoạt động cải tạo đất đã diễn ra ở đầu phía tây thực thể này vào mùa xuân năm nay, song chưa rõ việc này phục vụ mục đích gì.
Có thể bạn quan tâm: