Bộ Công an thí điểm rút tiền bằng căn cước công dân

Zing – Sau khi chủ tài khoản quét CCCD qua thiết bị tại cây ATM, hệ thống ngân hàng sẽ kiểm tra, xác thực khuôn mặt, vân tay của công dân trước khi diễn ra giao dịch rút tiền.

Sáng 9/5, đại diện Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết hiện nay, Bộ Công an đã tổ chức thực hiện việc rút tiền bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip tại một số ngân hàng.

Theo đó, Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD (Bộ Công an) đã thí điểm ứng dụng thẻ gắn chip thay thế thẻ ATM tại một số chi nhánh ở Hà Nội và Quảng Ninh. Thời gian tới, cơ quan chức năng dự kiến triển khai thêm nhiều địa phương khác.

Về quy trình sử dụng, sau khi chủ tài khoản quét CCCD qua thiết bị tại cây ATM, hệ thống ngân hàng sẽ kiểm tra, xác thực và đối chiếu thông tin trên thẻ gắn chip.

Sau đó, hệ thống tiếp tục xác thực khuôn mặt và vân tay của khách hàng để phòng ngừa tài khoản giả mạo trước khi công dân thực hiện giao dịch rút tiền.

Bộ Công an đánh giá việc ứng dụng CCCD cho các giao dịch ngân hàng tự động sẽ hỗ trợ nhiều hơn trong các thủ tục hành chính, giảm thiểu nguy cơ giả mạo tài khoản, sai sót khi chuyển hay rút tiền mặt.

Ngoài ứng dụng CCCD trong giao dịch ngân hàng, hiện nay, người dân còn có thể sử dụng thẻ gắn chip hoặc ứng dụng VNEID thay cho thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám chữa bệnh tại một số cơ sở.

Theo Quyết định số 06 phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, Chính phủ kỳ vọng CCCD gắn chip sẽ từng bước thay thế, tích hợp các giấy tờ cá nhân trên cơ sở cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nông dân thua lỗ, doanh nghiệp lãi khủng!

Thanhnien – lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp đang không được phân phối hợp lý bởi trong khi nông dân thua lỗ vì chi phí cao thì nhiều doanh nghiệp kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu vẫn báo lãi!

Từ khi dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí vận chuyển tăng, giá phân bón đã tăng lên đến đỉnh. Cuối năm 2021, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh phân bón lãi khủng.

Cụ thể, Tập đoàn hóa chất Đức Giang (DGC) lợi nhuận tăng tới 352% so với năm 2020. Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí (DPM) lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 3.600 tỉ đồng, tăng 324% so với 2020, đạt mức lợi nhuận cao nhất trong 10 năm qua.

Công ty CP phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) cũng đạt lợi nhuận sau thuế 1.820 tỉ đồng, tăng gấp gần 3 lần. Cũng như Đạm Phú Mỹ, đây là kết quả kinh doanh cao nhất suốt 10 năm hoạt động của DN này.

Tập đoàn hóa chất VN (Vinachem) cũng có doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt mức kỷ lục 51.200 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2020. 

Tiếp đến, trong quý 1/2022, khi chiến sự Nga – Ukraina nổ ra, các DN phân bón một lần nữa than thở thiếu hụt nguyên liệu, khó khăn vận chuyển, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu và tiếp tục đẩy giá phân bón nội địa lên cao, thậm chí một số thời điểm phân bón được cung cấp nhỏ giọt, tạo ra tình trạng khan hiếm cục bộ trên thị trường.

Kêu khó là thế, nhưng kết thúc quý 1/2022, nhiều DN niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh khả quan với mức tăng trưởng cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Có thể kể đến như DGC, Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ tăng gấp 5 – 10 lần so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhờ giá bán bình quân tăng mạnh.

Tương tự, lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) lâu nay vẫn bị chiếm lĩnh bởi các tập đoàn nước ngoài và đến nay việc quản lý giá bán mặt hàng này hết sức khó khăn do những yếu tố về nguồn cung nguyên liệu cũng như việc chi phối của các DN ngoại.

Trong top 10 DN lớn nhất trong lĩnh vực TACN, đa số là các tên tuổi nước ngoài và lợi nhuận hầu như thuộc về họ. Đơn cử như Công ty Japfa (Indonesia) năm 2020 đạt lợi nhuận sau thuế gần 2.000 tỉ đồng, Công ty Cargill (Mỹ) năm 2020 đạt lợi nhuận sau thuế 939 tỉ đồng, Công ty CPV (Thái Lan) lợi nhuận sau thuế đạt 18.896 tỉ đồng…

Thụ động trong giải pháp “cứu” nông dân

Một sự nghịch lý là trong khi giá phân bón trong nước tăng cao, khan hiếm thì các DN sản xuất u rê lại đẩy mạnh xuất khẩu để kiếm lời. Thống kê trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón tăng 47% về lượng và tới 193% về giá trị, tương đương gần 440 triệu USD. Đến thời điểm này thì Bộ Tài chính cùng với Bộ NN-PTNT mới kiến nghị Chính phủ thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu phân bón bằng hình thức áp thuế xuất khẩu 5%.

Thực tế, nông dân bị chi phí ăn mòn vào lợi nhuận vốn đã ít ỏi. Ông Nguyễn Thành An, nông dân ở H.Thoại Sơn (An Giang), cho biết: “Ngoài mặt hàng u rê có xu hướng giảm nhẹ khoảng 100 đồng/kg, các sản phẩm khác vẫn duy trì mức giá cao. Hè thu là vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn về thời tiết, nếu phân bón vẫn tiếp tục duy trì giá cao như hiện tại nhiều khả năng sẽ lỗ vì năng suất thường không cao bằng vụ đông xuân”.

Còn ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay: Từ đầu năm đến nay, các DN sản xuất TACN đã nhiều lần thông báo tăng giá với mỗi lần tăng từ 300 – 400 đồng/kg, nhưng mức giá tăng 300 đồng/kg lại dành cho những thức ăn rất ít sử dụng. Mức tăng 400 đồng/kg tương đương với 10.000 đồng/bao cám và với mức tăng 4 lần như vậy thì có nghĩa mỗi bao cám tăng 40.000 đồng.

Để nuôi heo thịt đạt trên dưới 100 kg/con, người nuôi phải tốn trung bình 10 bao cám (hơn 4 triệu đồng), điều này có nghĩa 1 tạ heo hơi người chăn nuôi đã đội thêm 400.000 đồng tiền cám, ngoài ra các chi phí khác tối thiểu phải cộng thêm 10% giá trị của con heo nữa. Trong khi đó, với giá heo hơi hiện nay trung bình khoảng 55.000 đồng/kg chỉ tương đương với giá thành sản xuất, người chăn nuôi phải mua con giống thì sẽ lỗ vốn.

Tương tự, nhiều hộ nuôi gà cho biết giá cám tăng liên tục đã đẩy giá thành chăn nuôi gà công nghiệp (lông trắng) ở mức cao, hiện phổ biến từ 27.000 – 28.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn nếu gặp rủi ro dịch bệnh. Theo ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, rất nhiều người nuôi gà công nghiệp đang có nguy cơ thua lỗ lớn khi giá thành chăn nuôi tăng liên tục nhưng giá gà bán ra thường thiếu ổn định, dưới giá thành sản xuất.

Trung Quốc ‘ăn’ ít, giá mít Thái rớt thảm còn vài ngàn/kg

PLO – Tại hội nghị trực tuyến về thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh thành Nam Bộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 8/5, nhiều địa phương cho biết giá nhiều loại nông sản rớt thảm, khó tiêu thụ, nông dân thua lỗ.

Đại diện Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết hiện nay sản lượng mít ở địa phương lên tới 90.000 tấn những giá lại quá rẻ, khó tiêu thụ. Giá mít Thái loại 1 chỉ còn 6.000 đồng/kg, mít loại 2 chỉ còn 4.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất của nông dân với cây mít cũng đã lên tới 5.000 đồng/kg.

Đầu ra chuối đang khốn đốn vì xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc nhưng đầu năm với chính sách Zero COVID, thị trường này vẫn đóng nhiều cửa khẩu đường bộ. Đại diện Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết hiện có khoảng 60.000 ha cây ăn quả đang thu hoạch, chủ yếu là chuối. Thế nhưng giá chỉ có 5.000 đồng/kg, nông dân không có lời. Các doanh nghiệp phải xuất khẩu đường biển sang Trung Quốc nên chi phí tăng 3 lần so với đường bộ, mất thời gian, rủi ro cao khiến chuối rớt giá.

Cục phó Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn rau củ quả của Việt Nam. Sản lượng xuất khẩu những tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ năm 2021 vì trong tháng 3, tháng 4/2022 Trung Quốc đóng một số cửa khẩu. Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt COVID-19 trên bao bì, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, nhãn gốc bao bì nông sản nhập khẩu vào nước này.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng cần phải học cách ứng xử của Thái Lan, họ truyền thông đến người nông dân phòng chống COVID-19, tránh lây chéo lên bao bì sản phẩm nên họ vẫn xuất khẩu bình thường vào Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm: