Ba người mất tích trong mưa lớn miền Trung

VnExpress – Mưa to, biển động làm ba người ở Phú Yên mất tích, hơn 50 tàu bị chìm, ở Bình Định hàng trăm nhà ngập, hai người bị thương.

Từ 30/3 đến sáng 31/3, miền Trung xuất hiện mưa lớn bất thường. Ban Phòng chống thiên tai tỉnh Phú Yên cho biết gió giật trong mưa lớn sáng nay đã nhấn chìm hơn 50 tàu ở TP. Tuy Hòa và huyện Tuy An, ba ngư dân mất tích.

Chỉ riêng ở xã An Phú, TP Tuy Hòa, đã có hơn 30 tàu cá bị sóng đánh chìm. “Hầu hết là tàu neo đậu gần bờ, sóng lớn bất ngờ người dân không kịp trở tay”, ông Ngô Đức Hiên, Chủ tịch xã An Phú nói.

Tại Bình Định, mưa lớn hai ngày qua đã gây ngập gần nửa mét khiến sinh hoạt của hàng trăm nhà dân ở phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn, gặp khó khăn.

Sáng nay, ở thị trấn Tuy Phước xảy ra trận mưa lớn kèm lốc xoáy, làm vỡ ngói, bay mái tôn và gãy hai trụ điện ở quán cà phê ở thôn Trung Tín 2 (thị trấn Tuy Phước). Hai người đang ngồi trong quán bị thương được đưa vào bệnh viện.

Theo TS Huy Nguyễn, chuyên gia dự báo độc lập, đây là đợt mưa bất thường, đến sớm, được hình thành bởi một rãnh áp thấp nhiệt đới đi từ phía Đông Nam ngoài khơi Philippines vào Biển Đông và tiếp cận đất Việt Nam. Đợt mưa giúp giải nhiệt cho Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và các tỉnh miền Tây, nhưng sẽ gây thiệt hại đối với một số địa phương ven biển.

Hai cán bộ bị tai nạn, một người tử vong trên đường tránh Nam Hải Vân

Thanh Niên – Vào khoảng 16 giờ 30 cùng ngày, tài xế Đặng Văn Lân (47 tuổi, ngụ xã Cổ Dũng, H.Kim Thành, Hải Dương) điều khiển xe đầu kéo BS 15C kéo theo rơ-moóc lưu thông trên đường tránh Nam Hải Vân, theo hướng hầm Hải Vân đi Túy Loan.

Khi đến địa phận thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng), xe đầu kéo xảy ra va chạm với ô tô BS 92A – 116.47 do ông Nguyễn Văn Sang (41 tuổi, ngụ TX.Điện Bàn, Quảng Nam) điều khiển lưu thông theo hướng ngược lại.

Cú đâm cực mạnh khiến ô tô của ông Sang va chạm với ô tô BS 43A – 643.80 do ông Trương Tấn Mạnh (42 tuổi, ngụ xã Hòa Liên, H.Hòa Vang) điều khiển đang lưu thông cùng chiều phía sau.

Trong lúc Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn đang giải quyết vụ tai nạn này thì tiếp đó lại xảy ra vụ tai nạn liên quan ô tô BS 92A – 116.47 của ông Nguyễn Văn Sang và xe đầu kéo BS 36C – 36487, kéo theo rơ moóc BS 36R – 016.72 do tài xế Lê Văn Duy (37 tuổi, ngụ xã Triệu Thành, H.Triệu Sơn, Thanh Hóa) điều khiển. Hậu quả ông Nguyễn Văn Sang tử vong tại chỗ.

Được biết ông Nguyễn Văn Sang là cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam. Còn ông Trương Tấn Mạnh, người bị thương trong vụ tai nạn, là Trưởng phòng TN-MT UBND H.Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.

FLC, Bamboo Airways có Chủ tịch mới thay ông Trịnh Văn Quyết

Dân Việt – Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC vừa có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) về việc công bố thông tin thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) tập đoàn này.

Theo đó, từ ngày 31/3, ông Đặng Tất Thắng, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, Tổng Giám đốc Bamboo Airways, sẽ chính thức đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT của 2 doanh nghiệp cho đến khi có quyết định mới của đại hội đồng cổ đông và HĐQT.

Trong văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM, phía FLC cho biết việc ông Đặng Tất Thắng đảm nhiệm vị trí cao nhất trong HĐQT FLC và Bamboo Airways phù hợp với điều lệ của Tập đoàn FLC. Cụ thể, Khoản 5, Điều 29 Điều lệ Tập đoàn FLC nêu trường hợp “Chủ tịch HĐQT bị tạm giam thì Phó Chủ tịch HĐQT giữ chức Chủ tịch HĐQT cho đến khi có quyết định mới của HĐQT”. 

Dự kiến, cuộc họp đại hội cổ đông gần nhất của FLC và Bamboo Airways, đại hội đồng cổ đông và HĐQT sẽ xem xét bầu bổ sung, kiện toàn HĐQT của cả 2 doanh nghiệp này.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại, vị trí Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết sẽ do ông Đặng Tất Thắng đảm nhiệm. Quyền cổ đông FLC tương ứng với toàn bộ cổ phần ông Quyết sở hữu tại FLC và các tài sản, quyền tài sản khác của ông Quyết được bà Vũ Đặng Hải Yến thực hiện thay ông Quyết theo giấy ủy quyền được ông Quyết ký ngày 28/3.

Châu Âu quay lưng, châu Á sẽ là “miền đất hứa” của dầu Nga

Cafef – Theo đánh giá của ông Dan Yergin, Phó chủ tịch S&P Global, những chuyến hàng chở dầu của Nga trước nay thường đến châu Âu sẽ chuyển hướng đến thị trường châu Á, khi nước này cố gắng tìm người mua cho hoạt động xuất khẩu năng lượng của mình.

Các nhà nhập khẩu dầu lớn ở châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ đã bị áp lực bởi giá dầu tăng vọt kể từ khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ vào cuối tháng 2. Bên cạnh sự hấp dẫn của giá dầu rẻ, cả Bắc Kinh và New Delhi đều có quan hệ thân thiết với Matxcơva.

Phó chủ tịch S&P Global Dan Yergin nói với CNBC: “Có vẻ như châu Á sẽ là thị trường mặc định cho các thùng dầu của Nga vốn thường được chuyển đến châu Âu”.

Phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế lên Matxcơva, vì đã tiến đánh Ukraine. Mỹ cấm nhập dầu thô của Nga, Vương quốc Anh dự định thực hiện điều tương tự và Liên minh châu Âu cũng đang cân nhắc các biện pháp.

Ông Dan Yergin nói thêm: “Có rất nhiều biện pháp tự trừng phạt đang diễn ra, đơn giản là mọi người không lấy dầu, ngân hàng không cung cấp thư tín dụng, người giao hàng không xuất hiện và thậm chí là người ở một số cảng không nhận dầu của Nga”.

Các nhà phân tích cho biết, điều đó khiến Nga giữ lại một lượng dầu thô dư thừa khó bán và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga là nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới ra thị trường toàn cầu, và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai sau Ả Rập Xê Út.

Yergin nói: “Tôi đã từng nói cách đây 5 tuần rằng Nga là một siêu cường quốc về năng lượng … Tôi nghĩ rằng nước này vẫn sẽ là một nhân tố quan trọng. Nhưng quyền lực năng lượng của Nga sẽ sa sút so với trước đây”.

Đầu tháng này, IEA cho biết, dầu thô của Nga đang được bán với mức chiết khấu kỷ lục. Theo các nhà phân tích, một số công ty kinh doanh hàng hóa gần đây đã giảm giá 30 USD và 25 USD đối với mỗi thùng dầu Ural.

Ngược lại, giá năng lượng xuất khẩu của các nước khác tăng vọt lên mức chưa từng thấy trong hơn một thập niên qua. Giá dầu cao hơn khoảng 80% so với một năm trước, và đã biến động mạnh kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Theo truyền thống, Ấn Độ nhập dầu thô từ Iraq, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Nigeria. Nhưng tất cả các quốc gia lúc này đều đang điều chỉnh giá cao hơn khi giá dầu tăng mạnh.

Các nhà quan sát trong ngành đã nói với CNBC rằng, Nga đã tăng đáng kể việc cung cấp dầu cho Ấn Độ kể từ đầu tháng 3, sau khi chiến sự giữa Nga-Ukraine bắt đầu. New Delhi dường như sẽ mua nhiều dầu rẻ hơn nữa từ Matxcơva.

Ông Yergin nói: “Như bạn biết đấy, Ấn Độ nhập khẩu 85% lượng dầu của mình, vì vậy đó là một cú sốc thực sự đối với nền kinh tế Ấn Độ khi giá dầu tăng. Ấn Độ đang thảo luận với Nga về việc mua dầu với giá chiết khấu cao… nhưng đó là một hệ thống logistic phức tạp. Để vận chuyển 100 triệu thùng dầu mỗi ngày trên khắp thế giới và để thay đổi, điều này sẽ diễn ra không suôn sẻ”.

Có thể bạn quan tâm: