Mục lục bài viết
Bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt để giảm giá xăng
Thanhnien – Từ ngày 1/4, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sẽ được giảm 2.000 đồng/lít và dầu nhờn, dầu diesel, dầu mazut giảm 1.000 đồng/lít.
Ngoài thuế bảo vệ môi trường sau khi được giảm xuống còn 2.000 đồng/lít, giá xăng tại VN còn chịu thuế nhập khẩu từ 0 – 8%, thuế giá trị gia tăng (GTGT) 10% và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) 10%.
Không hiểu vì sao nói xăng dầu không phải mặt hàng thiết yếu rồi lại đi tính thuế TTĐB?
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật ANVI, giá xăng dầu hiện nay cõng thuế, phí lên gần 40% là quá cao, cần điều chỉnh mức chi phối của thuế phí xuống một nửa so với hiện nay. Ông đặt vấn đề: Không hiểu vì sao mà nói xăng dầu không phải mặt hàng thiết yếu rồi lại đi tính thuế TTĐB? Bởi sắc thuế này chỉ đánh vào những hàng hóa xa xỉ hay không khuyến khích tiêu dùng như bia, rượu…
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng nhấn mạnh xăng là hàng hóa thiết yếu bởi dùng cho cả sản xuất và tiêu dùng. Xăng dầu đều đi vào từng ngóc ngách của đời sống kinh tế xã hội. Về nguyên tắc, đối với xăng dầu đã có thuế nhập khẩu, thuế GTGT, tại sao lại có thêm thuế TTĐB trong khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu không chỉ cho người tiêu dùng mà thiết yếu với cả sản xuất?
Theo tính toán của ông Bùi Trinh, xăng dầu chiếm khoảng 5,8% trong giá trị sản xuất và chiếm 8,2% trong chi phí trung gian của nền kinh tế; riêng đối với nhóm ngành vận tải, xăng dầu chiếm 56,1% trong giá trị sản xuất và chiếm khoảng 71% trong tổng chi phí trung gian. Nếu sau khi thuế bảo vệ môi trường được giảm, thì giá xăng dầu cũng còn tăng so với bình quân năm 2021 khoảng 41%, từ đó tác động làm giảm GDP ở chu kỳ sản xuất tiếp theo khoảng 7,3%. Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm đạt 323.800 tỉ đồng, bằng 22,9% dự toán năm và vẫn tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó có thể thấy thu ngân sách đang đạt kết quả tốt.
Đó là chưa kể mức thuế TTĐB thu được từ xăng cũng tăng mạnh. Nếu như giá xăng trước đây là 15.000 đồng/lít, số thuế thu được là 1.500 đồng/lít thì số thuế TTĐB nay đã tăng cao gần như gấp đôi khi xăng chạm mức 30.000 đồng/lít. Vì vậy TS Bùi Trinh nhấn mạnh, cần phải bỏ thuế TTĐB đối với xăng và tiếp tục bỏ luôn thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm này vì không có tác dụng gì trong việc bảo vệ môi trường như tên gọi của sắc thuế.
Chính phủ đã áp dụng chính sách giảm 2% cho nhiều loại hàng hóa đang chịu thuế GTGT 10% kể từ đầu tháng 2 nhằm góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư, qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội. Thế nhưng, xăng dầu lại bị “loại” ra khỏi danh sách các mặt hàng được giảm thuế GTGT trong năm nay.
Luật sư Trương Thanh Đức phân tích xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu nên cũng cần được đưa vào danh sách được giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% như các sản phẩm khác. Thậm chí, trong bối cảnh để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển sau đại dịch thì xem xét giảm nhiều hơn, đưa chính sách thuế GTGT của xăng dầu xuống còn 5%.
“Giá xăng đầu cần giảm xuống nhiều hơn nữa vì dù sao đây cũng là chi phí doanh nghiệp, chi phí cao thì thu nhập lại giảm đi làm cho phần thuế thu nhập cũng giảm. Việc giảm thuế phí đối với xăng dầu không mất đi đâu mà sợ ngân sách giảm”, luật sư Trương Thanh Đức nói thêm.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan biến động trái chiều
Laodong – Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 28/3, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã được điều chỉnh giảm 2 USD/tấn đối với gạo 25% tấm và giảm 5 USD/tấn đối với gạo 5% USD/tấn, thì giá gạo xuất khẩu của Thái Lan được điều chỉnh tăng 5 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 25% tấm; gạo 100% tấm của Việt Nam giữ nguyên, thì gạo cùng loại của Thái Lan được điều chỉnh tăng thêm tới 6% USD/tấn.
Với động thái điều chỉnh này, hiện nay giá gạo 100% tấm của Thái Lan đang ở mức cao nhất trong 4 nước xuất khẩu gạo truyền thống là Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan.
Căn cứ bảng giá chào hàng trên thế giới của các nước, có thể thấy giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam và Thái Lan tương đương nhau, cùng chào bán với mức 410 USD/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam thấp hơn gạo Thái Lan 15 USD/tấn (gạo Việt Nam 393 USD/tấn, gạo Thái Lan: 408 USD/tấn).
Gạo 100% tấm của Thái Lan ở mức cao nhất khu vực: 408 USD/tấn, tương đương với giá gạo 25% tấm của nước này. Các thương nhân cho rằng, giá gạo 100% tấm được bán ngang bằng giá gạo 25% tấm, sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của loại gạo 100% tấm. Với mức bán ra ở mức 338 USD/tấn, gạo 100% tấm có giá khá cạnh tranh với gạo Thái Lan (408 USD/tấn) và Pakistan 345 USD/tấn).
Nguồn tin từ các thương nhân cho biết, trong tuần qua, giao hàng gạo Việt Nam không có nhiều biến động so với tuần trước. Xu hướng xuất khẩu gạo thơm đang tăng mạnh thay cho gạo trắng thông thường, đúng xu hướng tái cơ cấu của ngành nông nghiệp.
Các thị trường truyền thống vẫn thuận lợi trong giao dịch, trong đó, các thương nhân từ thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng cường nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Thống kê cho thấy, trong 22 ngày đầu tháng 3, xuất khẩu gạo sang các thị trường Châu Phi, Trung Quốc và Malaysia đều đạt mức tăng mạnh so với tháng tháng 2/2022. Xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines không nhiều.
Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất tăng lương tối thiểu từ 1/7
Thanhnien – Kết thúc phiên họp Hội đồng Tiền lương quốc gia chiều 28/3, Tổng liên đoàn lao động việt Nam đã đưa ra đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ ngày 1/7.
Theo thông lệ, lương tối thiểu vùng tăng từ 1.1 hàng năm, tuy nhiên đại diện của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hai năm qua người lao động đã mòn mỏi chờ đợi được tăng lương; đến thời điểm này không nên tiếp tục trì hoãn, người lao động cần được chia sẻ khó khăn sau thời gian kiệt quệ vì dịch bệnh và bão giá. Việc tăng lương sẽ có lợi cho cả đôi bên, lao động có thêm tiền trang trải sinh hoạt, doanh nghiệp tăng chi phí song giữ được nguồn nhân lực.
Dù chưa chốt phương án cụ thể, nhưng Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng sớm, từ ngày 1/7.
Người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà nhiều nhất 1 triệu/tháng
Thanhnien – Ngày 28/3, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Theo đó, Chính phủ quyết định hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng, thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng với người lao động làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm đang ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/2 đến ngày 30/6.
Đồng thời, người lao động phải có hợp đồng lao động từ một tháng trở lên được giao kết và bắt đầu thực hiện trước ngày 1/4, đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm doanh nghiệp lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Tại văn bản vừa ban hành, Chính phủ cũng quyết định hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng tiền thuê trọ với người lao động làm việc trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tại khu chế xuất hoặc khu vực kinh trọng điểm; đang ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ 1/4 đến ngày 30/6.
Ngoài ra, người lao động phải đang tham gia BHXH bắt buộc, có hợp đồng lao động xác định thời hạn một tháng trở lên, được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, trừ trường hợp có hợp đồng lao động tiếp nối hợp đồng đã giao kết và thực hiện trước đó.
Trường hợp không tham gia BHXH bắt buộc, mới được tuyển dụng và có giao kết hợp đồng lao động nhưng chưa có tên trong danh sách tham gia BHXH bắt buộc, thì người lao động phải có tên trong danh sách trả lương của người sử dụng lao động của tháng liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
Có thể bạn quan tâm: