Hơn 300.000 người ở quận Bình Tân vẫn chưa được nhận hỗ trợ COVID-19 đợt 3

Thanh Niên – Sáng 25/3, đoàn của HĐND TP.HCM tổ chức buổi tái giám sát về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch và các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 đối với UBND Q.Bình Tân.

UBND Q.Bình Tân cho hay, với gói hỗ trợ COVID-19 đợt 3, đến nay vẫn còn hơn 300.000 người chưa nhận được tiền hỗ trợ, do TP.HCM chưa phân bổ kinh phí.

Hiện nay, UBND Q.Bình Tân kiến nghị TP.HCM sớm phân bổ kinh phí còn lại để hỗ trợ cho người dân thuộc diện thụ hưởng gói đợt 3.

Gói hỗ trợ COVID-19 đợt 3 được triển khai theo Công văn 3181/2021 của UBND TP.HCM và Nghị quyết 97/2021 của HĐND TP.HCM từ đầu tháng 10/2021. Qua nhiều lần “trễ hẹn”, đến nay đã khoảng 5 tháng, TP.HCM vẫn chưa thể khép lại chính sách này. Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, các địa phương chưa hoàn tất gói hỗ trợ COVID-19 đợt 3 gồm: H.Củ Chi, Q.Bình Tân, H.Bình Chánh.

Thực hư việc “phá nát” đình cổ 2000 tuổi, chặt cây đa “trăm năm” ở Hà Nội

Vài ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền những bức ảnh liên quan tới đình Chèm – ngôi đình nằm trên địa phận quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Theo người chia sẻ, phía ngoài đình đang diễn ra quá trình sửa chữa, xây dựng: Toàn bộ bậc thềm, nền đá được tháo dỡ, một cây đa nhiều năm tuổi bị chặt bỏ, cảnh tượng ngổn ngang.

Theo ghi nhận của báo dantri, Phía ngoài đình, mặt hướng ra sông Hồng đang được tiến hành sửa chữa nên ngổn ngang gạch đá, đất, cát Ngay bên cạnh cổng đình là một gốc đa đã bị chặt hạ.

Ông Nguyễn Văn Thắng, một người dân sống gần đình Chèm chia sẻ: “Cây đa được chặt hạ cách đây khoảng 5 ngày, từ đó đến giờ mỗi khi ra đây tôi đều thấy tiếc vì cây khá to, có bóng mát. Tôi lớn lên tại đây, hàng ngày ra đây hóng mát, nên khi cây bị chặt, tôi hụt hẫng”.

Đình Chèm nằm cạnh ven bờ sông Hồng. Theo người dân, nơi đây có niên đại khoảng 2000 năm. Với những giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, đình Chèm đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, những câu chuyện nhuốm màu sắc liêu trai về đình Chèm càng khiến ngôi đình trở nên linh thiêng, huyền bí. Đó cũng là lí do hình ảnh tu sửa tại nơi đây được nhiều người dân quan tâm đến vậy.

Ông Nguyễn Mạnh Thìn, trưởng ban khánh tiết đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) xác nhận, ngôi đình trong quá trình chỉnh trang, tu sửa. Theo ông Thìn, các hạng mục chỉnh trang, tu sửa, bao gồm: Chỉnh trang lại toàn bộ hệ thống tường rào, cây xanh xung quanh đình, hạ cốt sân trước và sân sau đình để đảm bảo trả lại nguyên vẹn đình Chèm trước kia, vốn có 5 bậc, chỉnh sửa phần ngói.

Theo ông Thìn kinh phí trùng tu dự kiến khoảng hơn 10 tỷ đồng.

Dự kiến việc trùng tu, chỉnh sửa sẽ hoàn thành xong trong tháng 4 tới đây. Ông Thìn cũng cho hay, việc sửa chữa, trùng tu này đã được Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội cũng như Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch chấp thuận.

Ông Thìn cho biết thêm, khi có kế hoạch tu sửa cũng đã lấy ý kiến của các cụ trong phường. Cây đa ở trước cổng không phải là cây đa cổ thụ “trăm năm tuổi”, mà đây là cây đa đỏ được trồng từ năm 1996.

Có nên đặc cách tốt nghiệp cho thí sinh F0 ?

Thanh Niên – Năm 2021, dù tổ chức 2 đợt thi tốt nghiệp THPT nhưng cả 2 đợt thi, Bộ GD-ĐT đều xem xét đặc cách cho các thí sinh (TS) thuộc diện F0, F1, F2 hoặc đang ở nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và nơi bị phong tỏa, cách ly phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo yêu cầu của ngành y tế.

Năm nay, cách thức phòng chống dịch bệnh và cách xử trí với F0, F1, F2 đã khác hoàn toàn so với năm trước, số học sinh (HS) là F0 ghi nhận trong năm học này cao hơn rất nhiều so với năm trước. Do vậy, câu hỏi đặt ra là việc đặc cách thí sinh là F1, F2, thậm chí là cả với F0 như năm trước có còn phù hợp nữa không?

Thạc sĩ Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay, đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa ban hành thông tư mới và Bộ cũng đã công bố cơ bản giữ nguyên quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2022 như năm trước thì có thể hiểu TS là F0 vẫn sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp THPT.

Theo ông Bình, việc xét đặc cách phải đảm bảo yếu tố công bằng khách quan, tránh những tiêu cực trong việc xét đặc cách cho thí sinh.

Còn bà Nguyễn Thị Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho rằng, dù số HS là F0 hiện nay đã giảm so với thời điểm đầu tháng 3 nhưng do dịch bệnh diễn biến khó lường với những biến chủng mới liên tục xuất hiện thì không thể tính toán được đến tháng 6, tháng 7 thời điểm diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT dịch bệnh sẽ ra sao. 

Theo bà Quỳnh, Bộ nên tổ chức kỳ thi năm nay thành 2 đợt để dành cho TS F0 chưa thể thi đợt 1 thì sẽ dự thi đợt 2 chứ không nên chỉ tổ chức thi 1 đợt và đặc cách cho TS F0. Việc xét đặc cách tốt nghiệp THPT là cần thiết nhưng nên để cho TS được quyền lựa chọn, nếu không sử dụng quyền đặc cách thì vẫn có cơ hội tham dự kỳ thi để dùng kết quả đó vào việc xét tuyển ĐH, CĐ theo năng lực, nguyện vọng của các em. Việc tổ chức 2 đợt thi vất vả cho đơn vị tổ chức nhưng đảm bảo tối đa quyền lợi của TS, tránh trường hợp TS nhận quyền đặc cách mà tâm trạng lại ấm ức vì mất cơ hội lớn để vào trường ĐH yêu thích.

Đến thời điểm này, việc tính toán đặc cách hay tổ chức thi đợt sau đối với TS F0 hiện vẫn chưa có hướng dẫn từ Bộ, đa số ý kiến đều cho rằng Bộ nên quyết sớm để các trường chuẩn bị.

Rừng ở ‘điểm nóng’ bất động sản Lâm Đồng bị triệt hạ và san lấp

Tuổi Trẻ – Ngày 24/3, lực lượng chức năng huyện Bảo Lâm khám nghiệm hiện trường ghi nhận hàng chục gốc thông cổ thụ có đường kính từ 0,6 – 0,8m bị cưa hạ nằm ngổn ngang, gốc còn ứa nhựa. Những cây thông cổ thụ lớn hơn (có chu vi vừa 2 người ôm) thì bị ken thân (khoét vỏ quanh thân), ken gốc và đốt cháy sém.

Trong diện tích 1,9 ha rừng bị cưa hạ, được cơ quan chức năng kiểm đếm, còn có hơn 220 gốc cây gỗ các loại thuộc nhóm B. 

Ngoài ra, có một số lượng lớn các loại gỗ rừng bị vùi lấp chưa thể kiểm đếm. Hiện tại, cơ quan chức năng đã đưa máy múc vào hiện trường phục vụ công tác khám nghiệm. 

Ngoài số gỗ bị đốn hạ, diện tích đất lâm nghiệp khu vực này còn bị đào múc, san lấp thành đường rộng lớn xóa sạch cây rừng. Rừng bị phá hầu hết là rừng lá rộng nguyên sinh với các loại gỗ thuộc nhóm B, có hàng chục gốc gỗ thông 3 lá hàng chục năm tuổi. 

Đây là diện tích rừng bị triệt hạ thuộc lâm phần do doanh nghiệp tư nhân Anh Hải quản lý, bảo vệ. Cơ quan chức năng đã bắt giữ quả tang Nguyễn Doãn Trung (quê Nghệ An) và Phan Văn Thanh (ngụ xã Tân Lâm, huyện Di Linh, Lâm Đồng) đang điều khiển 1 máy múc đào bới, san gạt trái phép đất lâm nghiệp trên diện tích rừng đã cưa hạ.

Hiện nay, cùng với công tác khám nghiệm hiện trường, Công an huyện Bảo Lâm đang mở rộng điều tra, truy xét để xác định chủ mưu và những người liên quan đến vụ phá rừng.

Có thể bạn quan tâm: