Mục lục bài viết
Thiệt hại hàng ngàn tỉ lãng phí điện gió, ai chịu trách nhiệm?
Như Thanh Niên thông tin, Sở Công thương Gia Lai cho biết trên địa bàn tỉnh này hiện có 629 MW điện gió chưa được đấu nối để vận hành thương mại dù đã hoàn thành công tác thi công từ nhiều tháng qua. Nguyên nhân là hiện vẫn chưa có giá bán điện cho các dự án điện gió đã hoàn thành sau ngày 31/10/2021. Theo đó, sản lượng điện thất thoát khoảng 4,5 tỉ kWh với trị giá khoảng 8.500 tỉ đồng, kéo theo nguồn thu thuế của địa phương cũng thất thoát và áp lực trả nợ vốn vay ngân hàng của các nhà đầu tư (NĐT) tăng cao. Trước tình hình trên, Sở Công thương Gia Lai đã có kiến nghị gửi Bộ Công thương để các dự án điện gió sớm vận hành thương mại, thực hiện mua bán điện.
Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng việc trễ nải này không chỉ gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng, làm khó doanh nghiệp (DN) mà còn lãng phí điện quốc gia. “Chính sách chậm trễ, không nhất quán làm thiệt hại kinh tế DN và thất thoát ngân sách cho địa phương. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc này?”, BĐ Thanh Bình ý kiến. Còn BĐ Trần Thanh bức xúc: “Trăm dâu đổ đầu DN mà. Xây dựng xong rồi bán được hay không là cả một vấn đề, rồi lại bị ép giá nữa chứ”.
“Cần truy trách nhiệm bộ, ngành nào khuyến khích NĐT làm điện gió, rồi khâu nào thuộc trách nhiệm thu mua điện mà không ký hợp đồng mua bán điện với NĐT để gây thiệt hại, lãng phí như thế này”, BĐ Lê Nghiệp nêu vấn đề. Tương tự, BĐ Hong Quan viết: “Trong việc này thì trách nhiệm thuộc về ai? Để lãng phí 8.500 tỉ còn ác hơn cả tham nhũng. Đề nghị xử lý nghiêm những người có trách nhiệm trong vụ việc”.
“Sao không đấu nối, truyền tải vô nguồn quốc gia, coi như bán thiếu, mai mốt có giá rồi thì tính tiền sau? Công trình bao nhiêu là tốn kém, đất nước thì thiếu điện, vậy mà thất thoát hàng ngàn tỉ như thế thì lại không có ai, ban ngành nào xót là sao?”, BĐ Thanh Tùng bức xúc.
Song song đề nghị truy trách nhiệm để lãng phí, thất thoát điện, BĐ cũng đề nghị cơ quan chức năng sớm có hướng “cởi trói” cho DN. BĐ Song Bách viết: “Điện gió là năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, góp phần quan trọng trong việc bù đắp nguồn điện thiếu hụt do các dự án nhiệt điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia… Nếu không sớm được đấu nối phát điện thì vừa lãng phí vừa gây thiệt hại với cả NĐT lẫn nền kinh tế, xã hội… Thiết nghĩ các cơ quan liên quan nhanh chóng ngồi lại tháo gỡ cho DN điện gió; đồng thời phải xác định trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan để xảy ra chậm trễ trong vấn đề này, dẫn đến sự lãng phí khủng khiếp như đã nêu ở trên”.
“Sự trễ nải, chậm chạp trong quản lý dẫn đến thiệt hại thật khủng khiếp. Cho DN đầu tư rồi giữa chừng không biết tiêu thụ thế nào nên để đó. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự lãng phí khủng khiếp này? Trước khi tìm ra được “địa chỉ” chính xác chịu trách nhiệm thì những thiệt hại của DN là không thể bàn cãi. Bộ Công thương cần nhanh chóng tháo gỡ cho DN”, BĐ Buu An sốt ruột. Còn BĐ Ph.Cong viết: “Không thể chấp nhận sự quản lý quan liêu, cần truy cứu đến cùng trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị liên quan. Phải nhanh chóng, gấp rút thực hiện phê duyệt giá. Có thể chưa hợp lý ngay thì sẽ có điều chỉnh sau đó. Không thể để phí phạm như vậy được”.
Đề nghị 2 bộ hướng dẫn ‘gỡ vướng’ cho điện mặt trời áp mái
Tuoitre – Để có cơ sở báo cáo Thủ tướng, trả lời các cơ quan, tổ chức liên quan, Bộ Công thương vừa có văn bản gửi 2 bộ Công an và Xây dựng, đề nghị cho ý kiến liên quan đến lĩnh vực xây dựng và phòng cháy, chữa cháy của các hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Bình Dương. Bộ này cũng cho biết, thời gian qua, bộ nhận được các văn bản liên quan đến vướng mắc trong quá trình thực hiện, hoàn thiện hồ sơ của hệ thống điện mặt trời mái nhà của một số doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời mái nhà tại Bình Dương.
Trước đó, đại diện 48 công ty đầu tư điện mặt trời áp mái đã có đơn kiến nghị gửi tới Thủ tướng, Bộ Công thương, Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam, UBND tỉnh Bình Dương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và một số cơ quan liên quan, khi điện lực các địa phương tạm dừng thanh toán tiền điện, và thông báo sẽ dừng hợp đồng mua bán điện, nếu các doanh nghiệp không được cấp giấy chứng nhận phòng cháy chữa cháy và an toàn xây dựng.
TP.HCM lên kịch bản ứng phó dịch sốt xuất huyết tăng báo động
Thanhnien – Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại TP.HCM từ đầu năm đến nay gia tăng báo động. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 16/7, địa bàn TP.HCM có 235/392 bệnh nhân (BN) nhập viện (còn lại ở các tỉnh chuyển đến).
Hiện TP.HCM đang điều trị cho gần 1.800 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó có 109 ca nặng, 13 ca đang thở máy xâm lấn và 4 ca lọc máu. Như vậy, từ đầu năm đến hết ngày 16/7, TP.HCM đã có gần 29.500 bệnh nhân sốt xuất huyết, trong đó 13 ca tử vong.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM xây dựng kế hoạch tiếp nhận, điều trị từ 2.000 – 6.000 bệnh nhân sốt xuất huyết tại các bệnh viện. Theo kế hoạch, TP huy động 54 bệnh viện chuyên khoa, đa khoa công lập và tư nhân tham gia điều trị.
Bệnh nhân là người lớn có triệu chứng nặng ưu tiên điều trị tại các BV Bệnh nhiệt đới, Chợ Rẫy, Thống Nhất, Trưng Vương, Đại học Y Dược và các BV đa khoa khác… Đối với trẻ em thì điều trị tại BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP. Sở Y tế yêu cầu các BV sẵn sàng trang thiết bị y tế, vật tư, dịch truyền, chế phẩm máu để đáp ứng nhu cầu điều trị trong tình huống nhất định.
Sở Y tế cũng yêu cầu tất cả các BV sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, theo phân tuyến tại TP.HCM và một số tỉnh phía nam, theo phân công của Bộ Y tế. Theo đó, các BV Bệnh nhiệt đới, Trưng Vương, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP là tuyến trên hỗ trợ chuyên môn sốt xuất huyết cho tuyến dưới, triển khai hội chẩn liên viện hoặc cử bác sĩ hỗ trợ tại chỗ khi cần thiết. Hạn chế chuyển BN vượt tuyến, trừ khi quá khả năng.
Tại TP.HCM, BV Nhi đồng 1 hỗ trợ 8 quận, huyện gồm các quận: 5, 8, 10, 11, 12, Tân Bình và H.Hóc Môn. BV Nhi đồng 2 hỗ trợ 8 quận, huyện gồm các quận: 1, 3, 4, 7, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh và TP.Thủ Đức. BV Nhi đồng TP hỗ trợ 6 quận, huyện gồm các quận: 6, Bình Tân, Tân Phú, H.Bình Chánh, H.Cần Giờ và H.Nhà Bè. BV Bệnh Nhiệt đới hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và huấn luyện về điều trị SXH ở người lớn cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM.
Giả mua thận để lừa bán người qua Campuchia
Thanh Niên – Ngoài chiêu trò dụ dỗ “việc nhẹ lương cao” để lừa bán lao động, hiện còn xuất hiện thủ đoạn hứa hẹn “mua thận với giá hàng trăm triệu đồng” nhằm lôi kéo người Việt qua Campuchia để bán.
Ngày 12/7, anh M.Đ.T. (30 tuổi, quê Kiên Giang) gọi điện đến đường dây nóng của Báo Thanh Niên cho biết: “Tụi em bị lừa bán qua Campuchia, hiện đang ở gần cửa khẩu Mộc Bài. Giờ sẽ làm thủ tục nhập cảnh về Việt Nam, tụi em muốn liên hệ với báo, nhằm thông tin để người dân cảnh giác”.
Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, nhóm 3 nạn nhân có mặt tại tòa soạn Báo Thanh Niên trong tình trạng trọng thương. Anh P.V.H (32 tuổi, quê Nam Định) bị đa chấn thương, mắt sưng to, không còn tỉnh táo. Nhóm PV lập tức hỗ trợ phương tiện đưa nạn nhân đến BV đa khoa Sài Gòn (đường Lê Lợi, Q.1) để thăm khám. Vì vết thương khá nặng nên anh H. phải nhập viện để kiểm tra.
Chia sẻ với PV, anh M.Đ.T kể vì làm ăn thua lỗ, anh lên mạng xã hội Facebook nhằm liên hệ với các đối tượng mua bán thận để bán kiếm tiền trả nợ. Sau khi được một đầu nậu hứa hẹn trả hơn 600 triệu đồng, anh T. khăn gói từ Kiên Giang đến TP.HCM. Chiều 10/7, anh được đầu nậu điều ô tô đến một địa chỉ gần Bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân) đón, chở đến gần Mộc Bài. Đến tối cùng ngày, anh T. cùng 5 người khác được xe ôm chở qua Campuchia. “Trước khi đi, họ nói chở đến cửa khẩu để làm thủ tục xuất cảnh đàng hoàng, ai dè lại bắt chúng tôi vượt biên trái phép”.
Anh T. mô tả: “Khi vào sâu trong địa phận Campuchia, sóng điện thoại của tôi không còn khả dụng để tìm vị trí bị giam giữ. Từ Mộc Bài đến điểm tập kết khoảng 200 km; ô tô chở chúng tôi khoảng 3 tiếng là tới nơi. Tôi nghe nhóm này nói chỗ đó gần thủ đô Phnom Penh. Nơi tập kết là căn nhà 3 tầng lầu; tầng 1 có 2 phòng, tầng 2 là nơi ngủ của những người mới bị đưa từ Việt Nam sang; tầng 3 có 4 phòng ngủ của bọn buôn người và 1 phòng dành cho các trường hợp sắp bị bán nghỉ ngơi. Trong các phòng đều có nệm trải dưới nền gạch, không có giường”,
Anh T. bàng hoàng kể sau khi biết bị lừa, anh cùng nhóm người đi bán thận chống đối nên bị đánh, chích điện “xỉu lên xỉu xuống”. Máu chảy lênh láng trên nền nhà nhưng nhóm buôn người vẫn liên tục tra tấn họ.
Anh T. rùng mình nhớ lại: “Bọn chúng giam giữ và đánh chúng tôi nhiều lần. Sau khi đánh bằng gậy đánh golf, họ tiếp tục dùng thanh tre đặc ruột quật từng người. Sau khi anh P.V.H bất tỉnh, một đối tượng trong nhóm nói: nó chết rồi, lát coi vứt xuống biển”.
Ngày 14/7, trao đổi tiếp với PV, anh T. cho hay đã về lại Kiên Giang và nhập viện điều trị. “Bác sĩ nói tôi bị tràn dịch màng phổi, phải điều trị dài ngày. Ra viện, tôi sẽ viết đơn trình báo chi tiết về vụ việc để cảnh tỉnh cho người khác, và mong muốn công an vào cuộc điều tra bọn tội phạm buôn người”.
Có thể bạn quan tâm: