Bộ Y tế cảnh báo sốt xuất huyết có thể bùng phát diện rộng

VnExpress – Bộ Y tế cho biết ca mắc sốt xuất huyết đang tăng tại nhiều địa phương, sớm hơn so với năm 2021, có thể bùng phát diện rộng.

Tại công văn hỏa tốc gửi các địa phương ngày 10/7, Bộ Y tế cho biết, lý do sốt xuất huyết tăng mạnh là thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Tại các gia đình, nhiều ổ bọ gậy (loăng quăng) không được xử lý, chỉ số mật độ muỗi và bọ gậy vượt ngưỡng. Một số nơi thiếu hóa chất, thiết bị, dịch truyền cao phân tử phục vụ điều trị và phòng sốt xuất huyết. Nhân lực y tế dự phòng và điều trị chưa được tập huấn hoặc tập huấn lại về điều trị sốt xuất huyết do hai năm qua tập trung chống Covid-19.

Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trong nước xuất hiện biến thể phụ BA.4 và BA.5, Bộ Y tế dự báo ca mắc sốt xuất huyết và Covid-19 tiếp tục tăng thời gian tới, dịch bệnh có thể bùng phát diện rộng.

Tro cốt của nam thanh niên bị dụ dỗ sang Campuchia phải tự tử đã trở về đất mẹ

PLO – Khuya 9/7, tro cốt của nạn nhân Nguyễn Xuân Được (26 tuổi, ngụ thị xã La Gi, Bình Thuận) đã được anh trai là anh Nguyễn Xuân Lụm đưa từ Phnôm Pênh về đến TP.HCM. Trưa 10/7, anh Lụm đưa tro cốt của em mình về gặp cha mẹ và gia đình. .

Như đã đưa tin, khoảng đầu tháng 4/2022, anh Nguyễn Xuân Được (26 tuổi) bất ngờ bỏ nghề đi biển rồi qua giới thiệu được đưa vào Bình Dương kiếm việc làm. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn gia đình nhận được điện thoại của anh Được, cho biết vừa cùng một số người khác vượt biên sang Campuchia bằng đường biển và đang làm việc cho một Công ty ở Sihanoukville.

Theo chị Nguyễn Hồng Phúc (em gái anh Được), đầu tháng 6-2022, Được nhiều lần nhắn tin cho em gái nhờ nói với gia đình cố gắng vay mượn đủ 53 triệu đồng để sang Campuchia chuộc mình về, vì công ty liên tục tăng chỉ tiêu và mỗi lần không đạt, anh đều bị đánh đập, chích điện tàn nhẫn.

Trưa 5/6, anh Được tiếp tục nhắn tin cho em gái hối thúc gia đình chuẩn bị tiền chuộc vì anh thường xuyên bị đánh đập, bỏ đói. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, anh Được lại nhắn tin yêu cầu gia đình đừng vay mượn tiền bạc để chuộc anh về nữa vì có khả năng bị nhóm người ở Campuchia lừa đảo, mất tiền và sau đó mất liên lạc.

Ba ngày sau, gia đình nhận được hung tin từ Campuchia anh Được đã treo cổ tự tử gửi kèm CMND của anh Được cùng một biên bản bàn giao thi thể của Văn phòng Cảnh sát kỹ thuật khoa học Campuchia.

Theo biên bản này, anh Nguyễn Xuân Được là nhân viên Viện công nghệ Jin Chhay ở số 1, Sihanoukville, tỉnh Preah treo cổ tự sát ngày 8/6 và thi thể được lưu giữ tại chùa Stung Meanchey, Phnôm Pênh.

Sáng 10/7, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hòa cho biết, ông vô cùng biết ơn những người đã giúp đỡ đưa con trai ông về quê hương dù chỉ còn là hũ tro cốt.

Vợ ông Hoà là bà Trương Thị Lai vừa khóc vừa cho biết, mặc dù rất đau đớn khi con trai bị hành hạ đến nỗi phải tìm cái chết.

Indonesia đề nghị AFF điều tra Việt Nam, Thái Lan

VnExpress – Lãnh đội Indonesia Endri Erawan muốn AFF loại Việt Nam và Thái Lan khỏi U19 Đông Nam Á, nếu có dấu hiệu tiêu cực ở trận tối 10/7.

Ông Erawan có mặt ở khu kỹ thuật Indonesia, khi đội nhà thắng Myanmar 5-1. Ông nói rằng bản thân không xem trực tiếp trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan diễn ra cùng giờ, nhưng nghe tin hai đội này đều không muốn tấn công. “Nếu chơi fair-play, họ đã phải tấn công và ghi thêm bàn khi tỷ số là 1-1”, ông nói.

“Tôi hy vọng AFF sẽ điều tra trận đấu đó”, lãnh đội Indonesia nói thêm. “Nếu AFF thấy hành động của hai đội kia là công bằng, hãy cứ tiếp tục. Còn nếu thấy thế là bất công, hãy xem xét loại Việt Nam và Thái Lan khỏi giải”.

Indonesia bất bại ở bảng A với ba thắng và hai hòa. Họ ghi 17 bàn và chỉ thủng lưới hai bàn. Hiệu số bàn thắng bại của Indonesia (+15) bằng Việt Nam (+9) và Thái Lan (+6) gộp lại. Ba đội cũng bằng điểm, nhưng Việt Nam và Thái Lan đứng trên Indonesia do ghi được bàn khi đối đầu nhau. Trong khi đó, Indonesia chỉ hòa Việt Nam và Thái Lan 0-0 ở các lượt trận trước đó.

Hiệu số bàn thắng bại chỉ được xét đến khi các đội có kết quả và số bàn đối đầu ngang nhau. Việt Nam đứng đầu bảng cũng vì có hiệu số bàn thắng bại tốt hơn Thái Lan, sau khi thành tích đối đầu giữa hai đội ngang nhau. “Tôi tin rằng Indonesia mạnh nhất giải, và xứng đáng đứng đầu bảng A”, Erawan nói thêm. “Chỉ vì điều lệ giải mà chúng tôi bị loại”.

Thực tế, Việt Nam và Thái Lan đã thi đấu cầm chừng trong hơn 10 phút cuối trận đấu hôm qua, khi tỷ số 1-1 vừa đủ giúp họ dắt tay nhau đi tiếp. Cầu thủ Việt Nam chỉ chuyền bóng quanh quẩn ở sân nhà, còn Thái Lan không tranh cướp bóng. Thể lực của Thái Lan cũng suy giảm rõ rệt, khi có tới ba cầu thủ phải nằm sân trong giai đoạn này dù không va chạm với ai.

Nhiều CĐV Indonesia cũng cho rằng trận Việt Nam và Thái Lan có dấu hiệu tiêu cực. Trên diễn đàn Asean Football, tài khoản @Oki Alpiansah viết: “AFF dàn xếp tỷ số. Họ thay đổi quy định xếp thứ tự, ưu tiên thành tích đối đầu hơn hiệu số bàn thắng bại. World Cup đâu có như vậy. Hôm nay, tôi đã hiểu tại sao bóng đá Đông Nam Á không thể phát triển và thành tích có thể mua bằng tiền. Chúc mừng đôi bạn tri kỷ Việt Nam, Thái Lan. Thật là bê bối. Tôi không bao giờ tin Thái Lan nữa. Chúc Malaysia vô địch”.

AMTI: Trung Quốc xây thêm vòm radar trái phép ở Trường Sa

VnExpress – Ảnh vệ tinh do AMTI công bố cho thấy Trung Quốc xây thêm vòm radar trái phép trên đảo nhân tạo ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, Mỹ, cuối tuần trước công bố các ảnh vệ tinh, cho thấy một số vòm radar mới trên đá Vành Khăn, thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp.

AMTI cho biết hai vòm radar hình cầu màu trắng xuất hiện trên đá Vành Khăn hồi cuối năm 2020, một vòm xuất hiện đầu năm nay. Các vòm radar trái phép này xuất hiện nổi bật trong ảnh vệ tinh được AMTI chụp ngày 5/6.

Ảnh vệ tinh của AMTI cũng cho thấy các cấu trúc lớn có mái màu xanh được lắp đặt ở nhiều thực thể Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa.

Các mái che màu xanh dường như được dựng theo kích cỡ thống nhất, với chiều dài 50 m và rộng 15-25 m. Mái che đầu tiên được phát hiện vào tháng 11/2019 trên đá Chữ Thập, tiếp tục xuất hiện tại đá Subi hồi tháng 4/2020, đá Vành Khăn hồi tháng 5/2020, đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa tháng 8/2020, đá Gạc Ma vào tháng 9/2020 và đá Châu Viên vào tháng 1 năm ngoái.

Các đá này đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1988. Bắc Kinh sau đó tiến hành hoạt động bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo và xây dựng các công trình quân sự trên những thực thể đó.

Có thể bạn quan tâm: