Mục lục bài viết
‘Nhồi’ học sinh vì áp lực phải có trường chuẩn quốc gia
Thanhnien – Chủ trương chuyển gần 600 học sinh (HS) của Trường tiểu học Hoàng Liệt (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) đã dừng lại vì bị phản ứng, để lại nhiều câu hỏi về cách làm khiên cưỡng để có trường chuẩn quốc gia của địa phương này.
Khi giải thích về việc bất ngờ yêu cầu chuyển gần 600 HS sang trường khác với mục tiêu để trường mình đạt yêu cầu về quy mô, sĩ số của chuẩn quốc gia, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Liệt, thông tin trong cuộc họp của UBND P.Hoàng Liệt với 3 trường tiểu học trên địa bàn phường về công tác tuyển sinh năm học 2022 – 2023 có đề cập tới mục tiêu nâng chuẩn quốc gia, trong đó đưa Trường tiểu học Hoàng Liệt vào danh sách nâng chuẩn trong năm tới.
Trường tiểu học Hoàng Liệt và P.Hoàng Liệt đã đề xuất, tham mưu và xin ý kiến UBND Q.Hoàng Mai về việc giảm sĩ số, chuyển bớt 597 HS từ tiểu học Hoàng Liệt sang tiểu học Chu Văn An để giảm sĩ số của lớp học, đạt chỉ tiêu 35 HS/lớp như quy định tối thiểu đối với trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia của Bộ GD-ĐT.
Cũng theo bà Hạnh, lộ trình lên chuẩn quốc gia không phải bây giờ mới có, mà kéo dài trong vòng 5 năm và 2022 là năm cuối của lộ trình 5 năm ấy.
Theo phân tuyến và lộ trình của UBND P.Hoàng Liệt, để Trường tiểu học Hoàng Liệt đạt chuẩn trong năm nay, cần phân bổ bớt số HS ở các lớp, giảm sĩ số lớp học theo quy định của Bộ GD-ĐT là 35 HS/lớpvà không quá 30 lớp/trường. UBND P.Hoàng Liệt cho biết đã họp và thống nhất giảm bớt số HS từ tiểu học Hoàng Liệt sang Trường tiểu học Chu Văn An.
Trao đổi với PV báo Thanh Niên, ông Trần Quý Thái, Phó chủ tịch Q.Hoàng Mai, cho rằng việc trường lên chuẩn quốc gia là mục đích, mục tiêu rất tốt, nhưng không thể nóng vội, phải có lộ trình rõ ràng. Quận đã yêu cầu nhà trường tổ chức họp, đối thoại và lắng nghe ý kiến của phụ huynh HS, trên cơ sở đó mới đưa ra các thông báo, quyết định chính thức.
Tuy nhiên, sau cuộc họp thống nhất với các trường tiểu học trên địa bàn phường, lãnh đạo Trường tiểu học Hoàng Liệt đã không kịp thời thông báo, tổ chức họp bàn trao đổi lại với phụ huynh về vấn đề phân tuyến, mà trực tiếp đề xuất lên UBND Q.Hoàng Mai. Trong khi đợi quyết định được phê duyệt từ phía quận, nhà trường đã dán thông báo ở cổng trường về việc giảm bớt sĩ số và mục tiêu nâng chuẩn của nhà trường, yêu cầu phụ huynh thực hiện từ ngày 1.7, khiến họ bất ngờ và bức xúc.
Quá tải vẫn bị nhồi nhét
Không chỉ phụ huynh có con ở diện “dọa” bị chuyển đi của Trường tiểu học Hoàng Liệt bức xúc mà ngay cả phụ huynh Trường tiểu học Chu Văn An, nơi dự kiến phải tiếp nhận gần 600 HS chuyển đến, cũng “không hiểu ra làm sao”.
Một bà mẹ có con học lớp 3 ở Trường tiểu học Chu Văn An cho biết trường này hiện có sĩ số lớn nhất trong các trường ở Hà Nội, lớp học nào cũng hơn 60 HS/lớp. Số lớp học lớn hơn so với số phòng học nhà trường có nên mấy năm nay HS phải đi học, nghỉ học luân phiên. Nhiều lớp phải nghỉ học vào 1 ngày trong tuần và đi học bù vào thứ 7 để có đủ phòng học. “Vậy không hiểu sao cấp trên còn đưa thêm hơn chục lớp từ trường khác sang, và nếu thế thì HS trường này chen chúc tới đâu nữa”?, vị phụ huynh này bất bình.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, lẽ ra phải xây thêm trường mới để giảm tải cho cả 3 trường thì chính quyền lại chọn cách làm là đẩy HS sang 1 trường vốn đã cực kỳ quá tải chỉ với mục tiêu để trường còn lại đạt chuẩn quốc gia, mà không tính đến thầy trò ở trường phải tiếp nhận thêm hàng trăm HS kia sẽ khổ sở ra sao.
Thắng kiện nhưng người dân vẫn mòn mỏi chờ đền bù
Thanhnien – Từ năm 2019 – 2020, UBND TP.Buôn Ma Thuột đã ban hành các quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án hỗ trợ đền bù đối với 19 hộ dân (có hợp đồng giao khoán với Công ty TNHH MTV Cà phê Buôn Ma Thuột) để thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng của dự án khu dân cư P.Tân An với diện tích 5,4 ha.
Tuy nhiên, trong quá trình lập phương án hỗ trợ bồi thường khi thu hồi đất, cơ quan chức năng TP.Buôn Ma Thuột đã không xem xét đối với nội dung “hỗ trợ ổn định sản xuất; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm”, khiến người dân có đất bị thu hồi chịu thiệt thòi.
Năm 2021, nhiều hộ dân đã khởi kiện ra tòa án, yêu cầu hủy bỏ một phần các quyết định bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất (quyết định số 3102/QĐ-UBND và quyết định số 4801/QĐ-UBND, cùng ban hành năm 2020) của UBND TP.Buôn Ma Thuột. Cũng trong năm 2021, TAND tỉnh Đắk Lắk đã lần lượt đưa 6 vụ án có nội dung như trên ra xét xử.
Kết quả, tòa chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của người dân, tuyên hủy một phần các quyết định số 3102/QĐ-UBND và số 4801/QĐ-UBND của UBND TP.Buôn Ma Thuột; buộc UBND TP.Buôn Ma Thuột phải bổ sung phương án hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với các hộ dân thắng kiện.
Bao giờ chi trả cho dân ?
Sau khi liên tiếp thua kiện, đầu năm 2022, UBND TP.Buôn Ma Thuột đã phê duyệt phương án điều chỉnh tổng mức đầu tư tại dự án khu dân cư P.Tân An. Đến tháng 4.2022, Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Buôn Ma Thuột cũng lập phương án dự thảo về việc bổ sung hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với 13 hộ dân có đất bị thu hồi tại dự án nói trên. Theo phương án dự thảo, 13 hộ dân có đất bị thu hồi tại dự án khu dân cư P.Tân An sẽ được bổ sung hỗ trợ hơn 11 tỉ đồng; mỗi hộ dân được nhận từ hơn 500 triệu đến hơn 1 tỉ đồng.
Trao đổi với PV báo Thanh Niên, ông Phạm Văn Thái, Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Buôn Ma Thuột, cho biết hiện phương án dự thảo bổ sung hỗ trợ với 13 hộ dân có đất bị thu hồi tại dự án khu dân cư P.Tân An vẫn chưa được UBND TP.Buôn Ma Thuột phê duyệt. “Đang có một số ý kiến về phương án dự thảo. Do đó, tới đây chúng tôi sẽ có cuộc họp với các bên để bàn bạc, thống nhất lại phương án”, ông Thái thông tin.
Ông Nguyễn Văn Năm (trú P.Tân An), một trong các hộ dân thắng kiện, được phương án dự thảo bổ sung hỗ trợ hơn 1,2 tỉ đồng, lo âu chia sẻ: “Đến nay, dự án 5,4 ha với hàng trăm lô đất ở đã được bán gần hết nhưng UBND TP.Buôn Ma Thuột chưa thực hiện các bản án của tòa, chúng tôi cũng không biết khi nào sẽ nhận tiền bổ sung hỗ trợ để tái thiết cuộc sống”.
Liên quan đến vụ việc trên, một lãnh đạo Văn phòng UBND TP.Buôn Ma Thuột cho biết nhiều khả năng phải chờ cuộc họp định kỳ của HĐND tỉnh trong thời gian tới thành phố mới xin được vốn để bổ sung hỗ trợ cho các hộ dân thắng kiện tại dự án khu dân cư P.Tân An.
Ba chính sách ‘sát sườn’ liên quan đến người lao động có hiệu lực từ 1/7
Thanhnien – Từ hôm nay 1/7, nhiều chính sách mới mang lại quyền lợi cho người lao động liên quan đến tăng lương, tăng trợ cấp thất nghiệp, tăng mức hỗ trợ đi xuất khẩu lao động bắt đầu có hiệu lực.
Theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng theo tháng được điều chỉnh tăng thêm 6%.
Cụ thể, mức tăng tương ứng từ 180.000 đồng – 260.000 đồng, chia theo 4 vùng.
Vùng 1 tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng/tháng lên 4,68 triệu đồng/tháng.
Vùng 2 tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng/tháng lên 4,16 triệu đồng/tháng. Vùng 3 tăng 210.000 đồng, từ 3,43 triệu đồng/tháng lên 3,64 triệu đồng/tháng. Và vùng 4, tăng 180.000 đồng, từ 3,07 triệu đồng/tháng lên 3,25 triệu đồng/tháng.
Đối với mức lương tối thiểu theo giờ, cũng chia tương ứng theo 4 vùng: vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Như vậy, từ 1.7, khi lương tối thiểu vùng tăng thì mức hưởng 5 lần mức lương tối thiểu vùng khi nhận trợ cấp thất nghiệp cũng tăng theo, cụ thể:
Vùng 1 sẽ là 23,4 triệu đồng, vùng 2 là 20,8 triệu đồng, vùng 3 là 18,2 triệu đồng và vùng 4 là 16,25 triệu đồng.
Ngoài ra, từ hôm nay, theo Thông tư 09 của Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn một số nội dung thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực.
Theo đó, người lao động tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài sẽ có thêm nhiều hỗ trợ.
Cụ thể, đối với người dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; người thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài có 6 hỗ trợ:
Đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề.
Hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ: tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học.
Hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo: 50.000 đồng/người/ngày.
Hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo: 400.000 đồng/người/tháng.
Hỗ trợ tiền quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép…: 600.000 đồng/người.
Chi phí làm hộ chiếu, làm phiếu lý lịch tư pháp, làm thị thực, khám sức khỏe…
Đối với người dân tộc Kinh thuộc hộ cận nghèo đang sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ:
Tiền đào tạo nghề, bổ túc kỹ năng nghề.
Hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ theo chi phí thực tế, tối đa bằng 70% và hỗ trợ các chi phí khác theo mức hỗ trợ với người dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo.
Giá gas giảm
NLĐ – Chiều 30/6, Chi hội gas miền Nam cho biết giá gas thế giới nhập khẩu theo hợp đồng (CP) tháng 7 vừa chốt ở mức 725 USD/tấn, giảm 25 USD/tấn so với tháng 6. Do đó, giá gas bán lẻ trong nước từ tháng 7 sẽ giảm tương ứng ở mức 583 đồng/kg, tương đương 7.000 đồng/bình 12kg và 26.235 đồng/bình 45 kg so với tháng trước.
Theo đó, giá bán lẻ gas tháng 7 tại TP.HCM về mức từ 450.000 – 480.000 đồng/bình 12kg, tùy thương hiệu.
Trước đó, vào đầu tháng 5 và 6, gas trong nước cũng có 2 lần giảm giá với tổng mức giảm khoảng 60.000 đồng/bình 12kg. So với giá đỉnh lịch sử lập hồi tháng 4, giá gas đã giảm 67.000 đồng/bình 12kg, rời xa mốc nửa triệu đồng/bình 12kg giúp bà nội trợ nhẹ bớt gánh nặng chi tiêu.
Đây cũng là tin vui cho các cơ sở dịch vụ ăn uống vì gas vẫn là nhiên liệu chủ yếu được dùng tại đây, giảm áp lực chi phí đầu vào. Theo các doanh nghiệp cung cấp gas, đối với nhà hàng, quán ăn, do lượng dùng gas nhiều nên được mua với giá sỉ, thấp hơn nhiều so với các hộ gia đình.
Có thể bạn quan tâm: