Mục lục bài viết
F0 mòn mỏi chờ thủ tục hưởng BHXH
VnExpress – Ba lần đến trung tâm y tế phường xin cấp giấy nghỉ ốm, Minh Ánh vẫn bị yêu cầu “về chờ thông báo qua email”.
Ngày 23/2, Ánh, 30 tuổi, trú phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy âm tính với Covid-19 sau 7 ngày điều trị tại nhà. Đợt nhiễm bệnh này tiêu tốn của Ánh gần 3 triệu đồng. Bộ phận nhân sự của công ty khuyên xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (giấy nghỉ ốm) tại địa phương để được hưởng hỗ trợ.
Luật bảo hiểm xã hội quy định, người lao động bị ốm đau phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền, được chi trả trợ cấp bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ. Ánh nhẩm tính nếu được thanh toán, cô sẽ nhận gần 1,1 triệu đồng. “Chẳng thấm vào đâu nhưng có còn hơn không”, cô nói.
Ánh có đủ bốn loại giấy tờ: quyết định cách ly y tế, tên trong danh sách cách ly, tờ khai thông tin cá nhân và kết quả test nhanh âm tính nên được cấp giấy hoàn thành cách ly. Hai ngày sau, cô ra trạm y tế phường xin cấp Giấy nghỉ ốm và được hướng dẫn gửi hồ sơ qua email và chờ phản hồi. Từ đó đến nay, cô nhiều lần ra hỏi khi không thấy mail xác nhận, song vẫn bị yêu cầu chờ thêm. Ánh lo ngại có nguy cơ mất khoản hỗ trợ này, dù đó là quyền lợi chính đáng.
Giải thích về sự chậm trễ này, đại diện của trạm y tế phường Yên Hoà cho biết do số lượng F0 trên địa bàn phường lớn, đội ngũ nhân viên y tế mỏng, nhiều nhân viên y tế nhiễm bệnh, nên xảy ra tình trạng quá tải, ùn tắc cục bộ trong giải quyết giấy tờ. “Chắc chắn chúng tôi sẽ giải quyết hết yêu cầu của người dân, nhưng cần thêm thời gian”, vị này nói.
Chung cảnh ngộ Ánh, anh Đức Hùng, 29 tuổi, trú phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy mắc Covid-19 hôm 7/2, đến ngày 14/2 có kết quả xét nghiệm PCR âm tính nhưng đến nay vẫn chưa được cấp quyết định cách ly y tế và giấy hoàn thành cách ly tại nhà.
“Tôi gọi cả chục cuộc điện thoại xin cấp giấy từ lúc nhiễm bệnh đến khi âm tính, nhưng không có kết quả”, anh Hùng bức xúc.
Theo phản ánh của những người từng mắc Covid-19, thủ tục nhận BHXH quá rườm rà, khiến họ có tâm lý nản lòng và bỏ cuộc.
Cán bộ nhân sự tại một công ty tổ chức sự kiện cho biết, trong tổng số gần 100 nhân viên nhiễm bệnh, chỉ có gần 10 trường hợp nộp Giấy nghỉ ốm, số còn lại chưa được cấp hoặc không có ý định làm. “Đa phần có tâm lý ngại ra phường vì sợ đông, số khác cho rằng Bảo hiểm gây khó dễ nên bỏ luôn”, người này nói.
Vụ con gái mất tích gọi về khóc nức nở: Tìm thấy trong nhà nghỉ ở Hà Nội
Dantri – Sáng 9/3, trao đổi với phóng viên báo Dân trí, em Lô Thị Nhung (SN 1996, trú xã Tam Quang, huyện Tương Dương, Nghệ An) thông tin, đã tìm thấy em gái là Lô Thị T. mất tích hơn nửa tháng nay tại một nhà nghỉ ở Hà Nội cùng với 2 người bạn khác.
Sau khi thông tin về T. được báo chí đăng tải, Nhung đã liên lạc được với em gái và được biết em đang ở tại một nhà nghỉ ở Hà Nội. Ngay sau đó, T. đã được đón về phòng trọ của chị gái đang làm công nhân ở tỉnh Bắc Ninh.
“Em gái bảo do bị hai người bạn rủ rê đi chơi, chứ không biết gì cả”, Nhung cho biết.
Anh Lô Văn Thu – bố cháu T. cũng xác nhận: “Hiện cháu T. đã được chị gái đưa về phòng trọ ở Bắc Ninh. Gia đình cũng đã báo cáo với công an xã và huyện rồi, chúng tôi chân thành cảm ơn mọi người”.
Trước đó, vào ngày 25/2, có 2 người bạn gái cùng lứa với con gái anh Lô Văn Thu đến nhà chơi. Con gái anh có xin phép cho đến nhà bạn sáng hôm sau sẽ về. Tuy nhiên, con gái anh đi luôn từ đó đến nay không về. Anh Thu nhiều lần gọi điện cho con nhưng chỉ có người khác nghe máy.
Đến ngày 27/2, cháu T. gọi điện về cho bố rồi khóc nức nở. Kể từ đó gia đình không liên lạc được với cháu nữa nên đã trình báo cơ quan công an nhờ tìm kiếm.
Hoà Bình: Dông lốc kèm theo mưa đá, gây hư hại 169 ngôi nhà và hoa màu của người dân
Dân Trí – Vừa qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh, thời tiết khu vực tỉnh Hoà Bình có mưa vừa, mưa to, trong mưa dông xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió mạnh.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hoà Bình, có 169 ngôi nhà tốc mái, hơn 11ha hoa màu và hơn 7.000 cây ăn quả của người dân sinh sống tại huyện Kim Bôi, thành phố Hoà Bình (Hoà Bình).
“Chúng tôi yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị, tiếp tục kiểm tra, tổng hợp tình hình thiệt hại ở cơ sở và báo cáo nhanh về Ban Chi huy phòng chống thiên tai tỉnh, để có những giải pháp và kế hoạch hỗ trợ kịp thời cho người dân bị ảnh hưởng. Qua đó, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống và yên tâm sản xuất”, ông Trần Quốc Toản, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi tỉnh Hoà Bình, kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hoà Bình thông tin thêm.
Điều tra việc chi tiền hỗ trợ dịch COVID-19 ở TP.HCM
Zingnews – Ngày 9/3, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an cho biết đang điều tra, xác minh việc chi tiền thực hiện một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng trong đợt dịch Covid-19 ở TP.HCM.
Để phục vụ công tác điều tra, Cục Cảnh sát điều tra gửi công văn đề nghị chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo sở, ban, ngành phối hợp cung cấp hồ sơ tài liệu liên quan đến 2 nội dung:
Một là kết quả thực hiện đến nay đối với việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên địa bàn TP.HCM.
Thứ 2, kết quả thanh tra đối với việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; các vụ việc sai phạm đã phát hiện, kết quả xử lý…
Chiến sự Nga – Ukraine: Giá phân bón phá đỉnh 50 năm, dự báo tiếp tục “căng như dây đàn”
Dân Việt – Sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine khiến giá phân bón đã tăng trên 20%. Tuy nhiên, theo dự báo của một số doanh nghiệp và các chuyên gia trong ngành, giá phân bón thời gian tới có thể sẽ còn tăng mạnh.
Hiện Nga là nhà cung cấp phân bón lớn, chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng nhu cầu phân bón trên toàn thế giới. Đặc biệt, Nga cung cấp đến 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Vì vậy, tác động từ cuộc xung đột vũ trang giữa Nga – Ukraine đang khiến giá phân bón thế giới “nhảy múa”.
Tại thị trường Việt Nam, giá phân bón được đánh giá đã lập đỉnh trong vòng 50 năm qua. Cụ thể, giá phân bón tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tiếp tục rục rịch tăng và đang có hiện tượng “găm hàng”.
Chẳng hạn, giá NPK đầu trâu (20-20-15) tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang được đại lý phân bón Hai Danh “hét” giá 19.000 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg so với cuối tuần qua. Giá NPK đầu trâu TE (20-20-15) cũng tăng lên 200 đồng/kg, ở mức 19.500 đồng/kg. Giá kali bột khoảng 13,5-13,6 triệu đồng/tấn. Giá ure ở mức 1,03 triệu đồng/bao (50kg).
Riêng giá DAP Trung Quốc xanh thì lên 1,3 triệu đồng/bao nhưng đại lý này cho biết đã được… “ký gửi” hết.
“So với cuối tuần qua, giá phân bón đã tăng từ 300- 700 đồng/kg, tùy loại”, đại lý phân bón này cho hay.
Thực tế, giá phân bón tăng mạnh từ đầu tuần này không ngoài dự đoán của giới chuyên gia. Nguyên nhân khiến giá phân bón trong nước “nhảy múa” là vì giá dầu, giá khí tự nhiên tăng mạnh, trong khi chi phí này nhiều khi chiếm 70-90% chi phí sản xuất (khí thiên nhiên cho sản xuất amoniac).
Trong phiên giao dịch hôm nay, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm trở lại đây. Cụ thể, lúc 6 giờ 20 phút ngày 9/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 125,5 USD/thùng, tăng 1,48 USD, tương đương 1,49%. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 128 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent cùng thời điểm này của các năm 2019, 2020, 2021 chỉ dao động ở mức 60-80 USD/thùng.
Ngoài giá dầu tăng, một nguyên nhân khác khiến giá phân bón trong nước tăng đột biến thời gian qua là vì Nga và Trung Quốc – hai quốc gia chiếm lượng lớn phân bón xuất khẩu trên toàn cầu đã quyết định hạn chế xuất khẩu phân bón hóa học để ngăn chặn sự thiếu hụt trên thị trường nội địa và dẫn đến tăng giá.
Cần nói thêm, năm 2020, Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân bón, đạt 7 tỷ USD, theo sau là Trung Quốc với 6,6 tỷ USD và Canada với 5,2 tỷ USD, Mỹ đứng thứ tư với 3,56 tỷ USD.
Đặc biệt, khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác phương Tây hôm 26/2/2022 đã nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng SWIFT (Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication)sẽ ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu tất cả các mặt hàng, trong đó có phân bón của Nga.
Chưa kể, do chiến tranh, việc vận chuyển ammoniac từ Nga qua cảng Yuzhny (cảng chính xuất khẩu phân bón của Nga bị đóng cửa) cũng bị ảnh hưởng mạnh mặc dù Nga chỉ sản xuất dưới 10% ammonia toàn cầu (đứng đầu là Trung Quốc chiếm 32%, tiếp sau là Nga, Ấn Độ, Mỹ).
Theo dự báo, cơn bão giá phân bón có thể sẽ kéo dài khi các lệnh hạn chế/cấm xuất khẩu một số mặt hàng phân bón chủ lực của Nga và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được dỡ bỏ, nguồn cung các loại phân bón như kali và DAP sẽ giảm mạnh.
Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt từ Liên minh châu Âu áp dụng đối với Belarus, quốc gia chiếm tới 20% sản lượng cung MOP (kali clorua – KCL) toàn cầu, đã ảnh hưởng đến tổng lượng kali xuất khẩu.
Dự báo của Công ty CP Tập đoàn Vinacam, riêng với kali, do 100% kali của Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu. Do đó, Vinacam cho rằng giá kali sẽ sớm cán mức 15 – 16 triệu đồng/tấn cho hạt bột và 18-20 triệu đồng/tấn cho hạt miểng.
Thậm chí nếu giá nhập khẩu cán mức 1.000 – 1.200 USD/tấn thì kali miểng sẽ lập đỉnh mới 24 – 25 triệu đồng/tấn.
Có thể bạn quan tâm: