Mục lục bài viết
Một phòng GD&ĐT mua thiết bị chênh lệch 430 triệu đồng
PLO – Ngày 6/5, Thanh tra huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai ban hành kết luận thanh tra dự án mua sắm vật tư, thiết bị dụng cụ giáo dục thể chất và hệ thống nước sạch cho các trường tại Phòng GD&ĐT huyện Đức Cơ.
Theo đó, Thanh tra huyện phát hiện Phòng GD&ĐT huyện Đức Cơ thanh toán sai quy định hơn 430 triệu đồng.
Thanh tra xác định để xảy ra những thiếu sót, sai phạm nêu trên trách nhiệm thuộc về nguyên trưởng phòng GD&ĐT huyện thời kỳ năm 2020 và công chức phụ trách kế toán, một viên chức khác.
Thanh tra huyện đề nghị chủ tịch UBND huyện chỉ đạo Phòng Nội vụ huyện hướng dẫn kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân lãnh đạo và công chức, viên chức chuyên môn liên quan.
Bài học từ hàng loạt vụ cán bộ hành xử thô lỗ với dân
Zing – Dư luận thời gian qua đã vô cùng bức xúc trước nhiều vụ cán bộ hành xử thiếu chuẩn mực, thậm chí là thô lỗ đối với người dân. Và theo các chuyên gia, đây là cơ hội tốt để loại bỏ những ‘cán bộ vô đức’ ra khỏi bộ máy nhà nước.
Ngày 6/5, ông Hà Tiến Dũng – Phó trưởng Phòng xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế, nhận hình thức kỷ luật khiển trách sau thời gian bị tạm dừng công tác.
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc 20 ngày trước, cán bộ này có hành xử thiếu chuẩn mực, thách thức người dân chỉ vì chỗ đậu xe.
Không riêng sự việc này, liên tiếp những vụ cán bộ công chức hành xử thiếu chuẩn mực với người dân trước đó cũng từng gây bức xúc dư luận.
Hồi đầu tháng 1, mạng xã hội Facebook lan truyền clip ghi lại cảnh một người đàn ông trung niên sau khoảng thời gian rất ngắn nói chuyện với hàng xóm đã đấm thẳng vào mặt khiến người phụ nữ choáng váng. Người ‘tung cú đấm’ với nữ hàng xóm chính là ông Vũ Văn Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Trước đó, tháng 8/2021, khi dịch Covid- 19 đang căng thẳng, một nữ nhân viên y tế trong khi lấy mẫu xét nghiệm tại khu chung cư ở TP Đà Nẵng đã bị một người đàn ông tát. Người đàn ông này là Phó chánh văn phòng đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng.
Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Lê Như Tiến nhìn nhận đây là tiếng chuông cảnh báo về đạo đức công vụ và cách ứng xử với dân của một bộ phận cán bộ, công chức.
Với những vụ việc lùm xùm trong dư luận thời gian qua, ông Tiến nhìn nhận từ góc độ văn hóa và nhận định sự hiểu biết về văn hóa, xã hội của một số cán bộ công chức đang “có vấn đề”.
Một phần nguyên nhân, theo ông Tiến do cơ quan, người đứng đầu quản lý cán bộ chưa nghiêm túc, chưa xem xét xử lý triệt để vi phạm, chế tài xử phạt cũng không đủ mạnh khiến cho họ sợ và không dám có những hành vi “trịch thượng” với người dân. “Vì thế, một số cán bộ có chức quyền, dù nhỏ, cũng luôn mang trong mình tư tưởng ‘ở trên nhân dân’, dẫn đến lộng quyền và lạm quyền”, ông Tiến nói.
Không đồng tình với cách ứng xử của một số cán bộ, công chức “vướng lùm xùm” trong nhiều vụ việc kể trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh bày tỏ tiếc nuối khi các quy định của pháp luật đều đã có, song vẫn vẫn xảy ra những trường hợp gây phẫn nộ cho người dân.
Theo ông, cơ chế đã đủ, Luật Cán bộ công chức nhiều lần sửa đổi cũng đề cập rất rõ quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở. Bởi vậy, những trường hợp như cán bộ hành dân, to tiếng, xô xát và đem mác “người Nhà nước” ra dọa nạt dân là những người không xứng đáng và cần thẳng tay loại bỏ.
Ông Dĩnh nêu quan điểm: “Những vụ việc gây bức xúc vừa qua là cơ hội để sàng lọc, loại bỏ cán bộ công chức thiếu đạo đức. Cần xử lý thật nghiêm để làm gương, tránh tình trạng này kéo dài và tồn tại ở nhiều nơi”.
Bên cạnh đào tạo về năng lực hay chuyên môn nghiệp vụ, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng cần chú trọng đào tạo nâng cao đạo đức, văn hóa công vụ cũng như cách ứng xử của cán bộ với người dân.
Cả nước không có ca mắc COVID-19 tử vong trong 24 giờ qua
Thanh Niên – Chiều nay 7/5, Bộ Y tế thông báo 3.345 ca mắc COVID-19 trong nước tại 55 tỉnh, thành. Cả nước không có ca mắc COVID-19 tử vong trong 24 giờ qua. Đây là lần thứ 2 trong vòng 7 ngày qua không có ca tử vong.
Có 473 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó 32 ca thở máy xâm lấn và 2 ca điều trị ECMO.
Bộ Y tế cho biết từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có hơn 10,67 triệu ca nhiễm.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: Hà Nội 1,59 triệu ca, TP.HCM 608.699 ca, Nghệ An 482.493 ca, Bắc Giang 385.717 ca, Bình Dương 383.507 ca.
Trung tâm giống thuỷ sản 155 tỷ ở Cần Thơ, 9 năm chưa bán ra con giống nào
Như Dân Việt đã thông tin, Trung tâm giống thủy sản cấp 1 ở TP.Cần Thơ được khởi công xây dựng từ giữa năm 2013, trên phần đất gần 22ha, với tổng mức đầu tư 155 tỷ đồng. Dự kiến, đến đầu năm 2015 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến năm 2021, dự án Trung tâm giống thủy sản cấp 1 mới hoàn thành.
Ở một diễn biến khác, trong năm 2020, tức thời điểm này dự án Trung tâm Giống thủy sản cấp 1 chưa hoàn thành đã phải hợp nhất với Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản với tên gọi chung là Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thuộc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ.
Theo kế hoạch ban đầu của dự án, Trung tâm giống thủy sản cấp 1 ở TP.Cần Thơ cung cấp khoản 2 tỷ con giống thủy sản cho thị trường mỗi năm. Ngoài ra, còn có chức năng nghiên cứu, bảo tồn các loài gen thủy sản quý hiếm của ĐBSCL. Do nhiều lý do, hiện tại, nơi đây chưa cung cấp ra thị trường bất kỳ con giống nào.
Thị trường bán lẻ hàng hóa VN tăng trưởng cao trở lại
Thesaigontimes – Thị trường bán lẻ trong nước trong những tháng vừa qua cho thấy có nhiều tín hiệu hồi phục tốt và tăng trưởng mạnh trở lại, sau khi bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 4 tháng vừa qua có sự tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ năm trước, hàng hóa dồi dào, sức mua có xu hướng tăng lên.
Cụ thể tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4 vừa qua đạt 455,5 ngàn tỉ đồng, tăng 3,1% so với tháng trước đó và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 1.777,4 ngàn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Bán lẻ hàng hóa trong 4 tháng đầu năm tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, và riêng lương thực và thực phẩm tăng tới 13,2% do giá cả hàng hóa tăng.
Tuy nhiên, nhóm hàng may mặc và đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình trong cùng thời gian trên lại giảm lần lượt 3,5% và 4,6% so với cùng kỳ. Nguyên nhân theo Bộ Công Thương, là do thu nhập của người dân vẫn còn khó khăn sau thời gian dịch bệnh kéo dài.
Thị trường hàng hóa tháng 4 không có biến động bất thường. Nhu cầu hàng hóa nhóm trang thiết bị đồ dùng gia đình, quần áo, giầy dép… tăng khi thời tiết đang chuyển dần sang mùa hè. Nhu cầu du lịch, dịch vụ của người dân tăng lên đáng kể.
Thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn về cung cầu, tuy nhiên do ảnh hưởng của xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới, nên giá một số mặt hàng trong nước như phân bón, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, thép xây dựng tăng so với tháng trước.
Giá các mặt hàng nhiên liệu năng lượng như xăng dầu tiếp tục được điều hành theo hướng bám sát diễn biến của giá thế giới, nhưng hạn chế biên độ biến động để bình ổn thị trường trong nước, giá gas trong tháng 4 cũng được điều chỉnh tăng theo giá thế giới.
Các nhà bán lẻ lớn cũng cho biết, tình hình khách hàng quay trở lại mua sắm ngày càng tăng. Đơn cử như chuỗi bán hàng của AEON Việt Nam, số lượng khách hàng ghé trung tâm mua sắm tăng khoảng 10% so với giai đoạn trước dịch.
Theo ông Furusawa Yasuyuki, với tốc độ tăng GDP được Chính phủ dự đoán vào khoảng 6-6,5% trong năm nay, AEON Việt Nam hy vọng sẽ lấy lại mức tăng trưởng của mình như trước COVID-19.
Tuy nhiên, số lượng khách hàng đã dần quay trở lại nhưng vẫn chưa đạt được ở ngưỡng như trước đây. Mặt khác, tần suất mua sắm của khách hàng giảm đi rất nhiều, tuy nhiên số lượng sản phẩm trên mỗi lần mua lại tăng lên.
Lượng khách hàng muốn mua sắm ở các địa điểm gần nhà cũng ngày càng lớn. Người tiêu dùng cũng ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiền mặt.
Với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao, kinh tế phát triển ổn định, giới phân tích đánh giá Việt Nam là một thị trường bán lẻ hàng hóa đầy tiềm năng, và thu hút nhiều nhà bán lẻ nước ngoài vào đầu tư kinh doanh.
Từ năm 2019 trở về trước, thị trường bán lẻ Việt Nam cho thấy có tốc độ tăng trên 10%. Thậm chí năm 2020, dù bị ảnh hưởng COVID-19, bán lẻ Việt Nam vẫn tăng thêm hơn 11 tỷ đô la so với 2019, đạt hơn 172 tỷ đô la. Do đó, theo giới phân tích, trong bối cảnh khó khăn này, các nhà bán lẻ ngoại với tiềm lực tài chính mạnh tiếp tục “lót ổ” đầu tư sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh về sau.
Và bất chấp dịch Covid-19 bùng phát, tổng mức bán lẻ hàng hóa ở Việt Nam khép lại năm 2021 vẫn tăng trưởng 0,2% và lập kỷ lục mới về doanh số, vượt mốc 173 tỷ đô la Mỹ.
Có thể bạn quan tâm: