Giá xăng giảm 1.000 đồng thuế môi trường

VnExpress – Sáng 6/7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường, thảo luận dự thảo Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn về mức sàn trong khung thuế.

Để giảm tác động tới sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn khung thuế suất theo thẩm quyền quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, thuế này với xăng (trừ ethanol) sẽ giảm từ 2.000 đồng xuống 1.000 đồng một lít. Các loại dầu, mỡ khác giảm 500-700 đồng một lít. Riêng mức thuế với dầu hoả giữ nguyên 300 đồng một lít do đây là mức sàn trong khung thuế.

Tức là mức giảm giá bán lẻ với xăng, dầu, mỡ nhờn tương ứng hạ 550-1.100 đồng một lít, gồm thuế VAT.

Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất giảm về mức sàn thuế bảo vệ xăng dầu, mỡ nhờn từ 11/7 tới.

Điều tra vụ BVĐK Ninh Bình mua kit test của Việt Á giá cao

Thanh Niên – Sau khi phát hiện Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Ninh Bình có dấu hiệu vi phạm trong mua kit test của Công ty Việt Á, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Ninh Bình đã chuyển vụ việc cho Công an tỉnh Ninh Bình điều tra, làm rõ.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Ninh Bình kiểm tra về các gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm Covid-19 của BVĐK tỉnh Ninh Bình.

Quá trình kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Ninh Bình phát hiện, năm 2020, BVĐK tỉnh Ninh Bình thực hiện thủ tục chỉ định thầu rút gọn, ký kết hợp đồng mua kit xét nghiệm Covid-19 theo đơn giá cố định với Công ty Việt Á, giá trị gói thầu là trên 1,575 tỉ đồng. Đến cuối năm 2020, bệnh viện đã nghiệm thu và thanh toán cho Công ty Việt Á 1,050 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gói thầu trên, BVĐK tỉnh Ninh Bình đã lập dự toán chưa đúng quy định khi đưa tên nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa (kit xét nghiệm của Công ty Việt Á) vào trong danh mục để lập dự toán, trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và được UBND tỉnh Ninh Bình quyết định cấp bổ sung ngân sách.

Về báo giá của Công ty Việt Á, bảng báo giá ngày 25/3/2020 do ông Phạm Văn Hiệp – Giám đốc BVĐK tỉnh Ninh Bình gửi qua gmail cho Trưởng khoa Dược BVĐK tỉnh Ninh Bình, sau đó chuyển cho nhân viên trong khoa trực tiếp thực hiện hồ sơ thầu. Theo bảng báo giá, 1 bộ kit test của Công ty Việt Á (gồm 52 kit test) có giá 52 triệu đồng.

Ngoài ra, theo hóa đơn thanh toán lưu tại hồ sơ mua sắm mà BVĐK tỉnh Ninh Bình đã thanh toán cho Công ty Việt Á cho thấy, giá 1 bộ kit test của Việt Á cao gấp 2 lần so với giá mua sản phẩm cùng loại của các đơn vị khác cùng thời điểm đó. Nếu so với giá của Bộ Y tế thì BVĐK tỉnh Ninh Bình đã mua với giá cao hơn 580.000 đồng/test.

Số tiền 1,050 tỉ đồng đã thanh toán khi mua 20 bộ kit test của Việt Á, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Ninh Bình bước đầu xác định BVĐK tỉnh Ninh Bình đã gây thiệt hại cho ngân sách 580 triệu đồng.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Ninh Bình cũng xác định trong quá trình thực hiện mua kit test của Việt Á, BVĐK tỉnh Ninh Bình đã tạo lập một số văn bản, giấy tờ giả tạo; ký hợp đồng mua sắm thiết bị, vật tư y tế tại thời điểm Công ty Việt Á chưa đủ điều kiện sản xuất trang thiết bị y tế.

Kon Tum: Kiểm tra nhà máy thủy điện xả lũ gây lũ chồng lũ

Thanh Niên – Ngày 6/7, Sở Công thương Kon Tum cho biết đã có quyết định kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực công thương đối với 10 đơn vị trên địa bàn.

Trong đó, có Công ty CP thủy điện Đức Nhân Đắk Psi đã vận hành không đúng quy trình, gây ngập lụt, ảnh hưởng đến đời sống của 62 hộ dân.

Theo kế hoạch, đoàn sẽ kiểm tra đơn vị này vào ngày 26.7. Việc kiểm tra sẽ diễn ra tại trụ sở văn phòng làm việc của công ty ở P.Quyết Thắng (TP.Kon Tum) và nhà máy thủy điện tại xã Đắk Psi (H.Đắk Hà).

Trước đó, như Thanh Niên đã phản ánh, do ảnh hưởng của các cơn bão số 6 và số 9 trong các năm 2020, 2021, thủy điện Đăk Psi 5, thủy điện Đắk Psi bậc 1 và Đắk Psi bậc 2 đã xả lũ khiến nhiều diện tích cây trồng, nhà cửa của người dân bị ngập lụt. Sau đó, chính quyền địa phương thống kê, đo đạc thiệt hại. Đến nay, đã xác định có 62 hộ dân bị ảnh hưởng nhưng các chủ đầu tư thủy điện vẫn chưa thực hiện đền bù, hỗ trợ cho người dân.

Qua làm việc, Sở Công thương Kon Tum xác định việc vận hành thủy điện Đắk Psi bậc 1 và Đắk Psi bậc 2 sai quy trình, không chấp hành quy trình vận hành hồ chứa, dẫn đến lũ chồng lũ nên thủy điện này cùng có trách nhiệm đền bù cho dân.

Đối với thủy điện Đắk Psi 5, Sở Công thương tỉnh Kon Tum xác định đơn vị này không thường xuyên thực hiện công tác bảo trì nạo vét hồ nên hồ chứa thủy điện qua các năm vận hành đã bị bùn cát bồi lấp, làm giảm dung tích hồ chứa, ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ.

Do đó, các cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty CP thủy điện Đức Nhân Đắk Psi và nhà máy thủy điện Đắk Psi 5 phải có trách nhiệm bồi thường cho 62 hộ dân có đất đai bị ảnh hưởng quanh lòng hồ thuỷ điện Đắk Psi 5 (xã Đắk Psi) vào năm 2020. Tuy nhiên đến nay, người dân vẫn chưa nhận được đền bù do sự thiếu hợp tác giữa các nhà đầu tư thủy điện.

Bến Tre xin giải cứu dừa do giá còn 2.000 đồng một trái

VnExpress – Ngày 6/7, ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre, cho hay tỉnh vừa gửi văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm từ dừa.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh giá dừa khô trên địa bàn giảm mạnh, từ 6.500 đồng xuống còn 2.000 đồng một trái. Giá sụt giảm do thị trường nhập khẩu chủ lực là Trung Quốc thực hiện chính sách “zero covid”, làm sản lượng dừa khô xuất sang thị trường này giảm gần 80%.

Giá dừa giảm mạnh, kéo dài trong khi chi phí xăng dầu, phân bón tăng cao khiến thu nhập người trồng dừa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hiện, nhiều cơ sở ngừng hoặc hạn chế thu mua khiến dừa khô tồn đọng, nguy cơ bị hư hỏng.

Bến Tre hiện có 77.000 ha trồng dừa (chiếm 80% diện tích dừa miền Tây), mỗi năm, lượng dừa xuất khẩu của địa phương đạt khoảng 350 triệu USD, tới 90 nước.

Có thể bạn quan tâm: