Mục lục bài viết
Từ mai nhiều lỗi vi phạm giao thông bị tăng mức phạt lên nhiều lần
PLO – Chính phủ vừa ban hành Nghị định 123/2021, theo quy định mới kể từ ngày 1/1/2022, Chính phủ quyết định nâng mức phạt đối với hàng loạt hành vi vi phạm lĩnh vực giao thông đường bộ.
Trong đó, hành vi điều khiển ô tô không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) sẽ bị xử phạt 4-6 triệu đồng, thay vì từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng như hiện nay.
Hành vi không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy hoặc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 400 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng, thay vì từ 200 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng như hiện nay.
Tài xế ôtô không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ sẽ bị phạt 6-8 triệu đồng, thay vì 3-5 triệu đồng như hiện nay.
Các hành vi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để tài xế xe khác biết khi buộc phải dừng, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định, quay đầu xe trên đường cao tốc sẽ bị tăng mức phạt từ 6-8 triệu đồng lên 10-12 triệu đồng.
Người lái ôtô có bằng lái xe hết hạn trên 3 tháng; không có bằng lái xe; tẩy xóa, sử dụng bằng lái xe không hợp lệ bị phạt 10-12 triệu đồng, thay vì 4-6 triệu đồng như hiện nay.
Với hành vi đua mô tô, xe máy, xe đạp điện trái phép, mức phạt tăng từ 7-8 triệu đồng lên 10-15 triệu đồng, tịch thu xe; hành vi đua ôtô trái phép tăng từ 8-10 triệu đồng lên 20-25 triệu đồng, tịch thu xe.
Đáng chú ý, Nghị định 123/2021 bổ sung quy định phạt tiền 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện trốn tránh, không trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ khi phương tiện tham gia giao thông qua các trạm thu phí…
Thêm 16.515 ca COVID-19
VnExpress – Các ca mới tại Hà Nội (1.914), Vĩnh Long (1.080), Cà Mau (1.063), Bình Phước (1.003), Khánh Hòa (799), Tây Ninh (776), Bình Định (655), Trà Vinh (571), Đồng Tháp (570), TP HCM (557), Bạc Liêu (541), Hải Phòng (520), Thừa Thiên Huế (404), Bến Tre (367), An Giang (296), Cần Thơ (293), Bắc Ninh (269), Lâm Đồng (259), Tiền Giang (247), Hưng Yên (241), Bình Thuận (217), Sóc Trăng (215), Hậu Giang (195), Quảng Ngãi (195), Quảng Nam (188), Đồng Nai (178), Thanh Hóa (174), Sơn La (170), Kiên Giang (163), Quảng Ninh (155), Đà Nẵng (154), Bà Rịa – Vũng Tàu (152), Hà Giang (150), Ninh Bình (149), Gia Lai (148), Nam Định (119), Nghệ An (109), Bình Dương (107), Đắk Nông (100), Hòa Bình (97), Hà Nam (96), Bắc Giang (85), Vĩnh Phúc (82), Đắk Lắk (78), Lào Cai (70), Thái Bình (65), Long An (63), Ninh Thuận (47), Cao Bằng (45), Thái Nguyên (38), Quảng Bình (36), Lạng Sơn (35), Phú Thọ (33), Hải Dương (29), Tuyên Quang (28), Hà Tĩnh (27), Yên Bái (23), Kon Tum (20), Điện Biên (14), Lai Châu (2).
Hôm nay ghi nhận 226 ca tử vong, riêng TP.HCM 34 ca. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 32.394 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 1.731.257 ca nhiễm. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (503.244), Bình Dương (290.671), Đồng Nai (97.718), Tây Ninh (75.109), Hà Nội (45.838).
5 thị trường đồng ý nối lại đường bay quốc tế với Việt Nam
VTV – Theo Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, có 5 nước và vùng lãnh thổ gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Campuchia và Đài Loan đã thống nhất với kế hoạch nối lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ của Việt Nam.
Trong khi đó, Nhà chức trách hàng không Thái Lan hiện đang trao đổi với Cục Hàng không Việt Nam về kế hoạch bay cụ thể. Trung Quốc và Lào hiện chưa có phản hồi đề nghị của Việt Nam.
Đại diện Đại sứ quán Nhật Bản và Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, do biến chủng Omicron, Nhật Bản hạn chế người nhập cảnh, còn Hàn Quốc hiện đang áp dụng tạm thời quy định cách ly 10 ngày đối với người nước ngoài nhập cảnh (dự kiến đến ngày 15/1/2022) nhưng sẽ xem xét tích cực đề nghị của phía Việt Nam.
Truyền thông trong nước đưa tin, cả 9 thị trường kết nối hàng không với Việt Nam trong giai đoạn thí điểm đều đã xuất hiện ca mắc biến chủng Omicron. Do đó, phía Việt Nam đang đàm phán với các đối tác bổ sung quy định về test nhanh trước khi lên tàu bay.
Hai vụ trưởng Bộ Y tế bị khởi tố do liên quan vụ Việt Á
VnExpress – Ông Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính), Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế) bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng tội danh với hai nhân sự thuộc Bộ Y tế này, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) đã khởi tố ông Trịnh Thanh Hùng (Vụ phó Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ).
Liên quan vụ án, ông Nguyễn Văn Định (Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật, CDC Nghệ An) và Nguyễn Thành Danh (Giám đốc CDC Bình Dương) cùng bị khởi tố với cáo buộc Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
C03 còn khởi tố bà Nguyễn Thị Hồng Thắm (kế toán trưởng CDC Nghệ An), Trần Thanh Phong (Phó phòng Tài chính Kế toán CDC Bình Dương), Lê Thị Hồng Xuyên (Phòng Thí nghiệm CDC Bình Dương), Tiêu Quốc Cường (kế toán trưởng, Phó phòng Tài chính Sở Y tế Bình Dương), Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty VNDAT) và Nguyễn Thị Thuý (nhân viên kinh doanh Công ty VNDAT), Lê Trung Nguyên (giám đốc Vùng Công ty Việt Á).
Ngày 31/12, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn (Bộ Công an) cho biết quá trình điều tra, có “căn cứ xác định dấu hiệu sai phạm trong việc quản lý, nghiên cứu, chuyển giao đề tài khoa học” về sản phẩm kit test Covid-19 tại Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm thời sản phẩm này và việc hiệp thương giá sản phẩm với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế.
Mở rộng điều tra, C03 còn xác định một số lãnh đạo, cán bộ CDC Nghệ An và Bình Dương trong quá trình mua kit test đã “thông đồng, câu kết” với Phan Quốc Việt cùng những người khác ở Công ty Việt Á, Công ty TNHH Phát triển Công nghệ ứng dụng Việt Nam (VNDAT). Hành vi này bị cáo buộc đã vi phạm quy định của Luật Đấu thầu khi tổ chức đấu thầu mua vật tư phòng, chống Covid-19, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Đây là động thái mới nhất của cơ quan điều tra sau gần nửa tháng khởi tố Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á) cùng Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Mạnh Cường (nguyên kế toán trưởng CDC Hải Dương) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Có thể bạn quan tâm: