Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt

VnExpress – Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt với cáo buộc “thao túng” và “che giấu thông tin chứng khoán”, ngày 29/3.

Ông Quyết bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo Điều 211 Bộ luật Hình sự.

Bộ Công an cho hay, cùng với ông Quyết, nhiều cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS và các công ty đang bị điều tra về hành vi “thao túng thị trường chứng khoán”, “che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” trong sai phạm xảy ra ngày 10/1.

Việc làm của những người này bị C01 cho rằng gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hôm nay, nhà chức trách khám chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm với nhiều người liên quan.

Chiều 10/1, Chủ tịch FLC bị phát hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không công bố thông tin trước đó. Tối cùng ngày, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết mới nhận được báo cáo nên ra quyết định phong toả tài khoản của người đứng đầu FLC từ hôm sau.

Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) ngày 11/1 ra thông báo huỷ bỏ giao dịch này và đến 12/1, nhiều nhà đầu tư được hoàn lại tiền đã mua. Ngày 17/1, ông Quyết bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phạt 1,5 tỷ đồng, mức cao nhất theo quy định hiện hành về chứng khoán và đình chỉ giao dịch 5 tháng.

Ông Quyết, 47 tuổi, khởi nghiệp với nghề luật sư khi cùng các cộng sự mở văn phòng luật SMiC năm 2001. Năm 2008, ông lập một loạt doanh nghiệp. Thương hiệu FLC được hình thành đầu năm 2010 dựa trên việc hợp nhất các doanh nghiệp trên.

Năm 2019, Bamboo Airways do FLC thành lập gia nhập thị trường hàng không. Sau hơn 10 năm thành lập, vốn điều lệ của FLC đạt 10.500 tỷ đồng vào đầu năm 2021.

Tính đến tháng 1/2022, Chủ tịch FLC sở hữu hơn 215 triệu cổ phiếu FLC (tương đương khoảng 30% vốn) cùng hàng chục triệu cổ phiếu tại các công ty thành viên như ROS, ART, BOS, GAB…

Ông từng nằm trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Điều tra nguyên nhân vụ tai nạn khiến Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Lê Hòa Bình qua đời

Thanh Niên – Trưa 29/3, Văn phòng UBND TP.HCM thông tin về Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình qua đời sau vụ tai nạn giao thông vào sáng cùng ngày tại Km 21+700 cao tốc TP.HCM – Trung Lương hướng từ TP.HCM đi Trung Lương (thuộc xã Thạnh Đức, H.Bến Lức, Long An).

UBND TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan liên quan của thành phố phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh Long An điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Ông Lê Hòa Bình (52 tuổi, quê quán Quảng Ngãi).

Hai lãnh đạo phường bị cách chức vì ‘để phân lô, bán nền’

VnExpress – Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND phường Thành Nhất và cấp phó bị cách chức do thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo quản lý sử dụng đất đai.

Quyết định kỷ luật bà Loan và ông Vũ Tiến Thành, phó chủ tịch phường được UBND TP. Buôn Ma Thuột (ĐĂK LĂK) đưa ra sáng 29/3.

Hai người bị cách chức (từ ngày 1/4) vì để xảy ra nhiều trường hợp xây nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp; tự ý mở đường, phân lô chia tách thành nhiều thửa đất nhỏ, lẻ dẫn đến hình thành các khu dân cư trên đất nông nghiệp…

Ba tuyến cao tốc sẽ thu phí không dừng từ quý III

VnExpress – Tuyến cao tốc huyết mạch TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi sẽ được thu phí không dừng (ETC) từ quý III/2022.

Ngày 29/3, đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đơn vị đang chuẩn bị đấu thấu thuê dịch vụ thu phí không dừng tại ba cao tốc trên. Các tuyến này có lưu lượng giao thông lớn, việc thu phí không dừng sẽ giúp phương tiện di chuyển nhanh, giảm ùn tắc vào giờ cao điểm.

Ngoài ba tuyến trên, cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình cũng được trang bị thêm 12 làn không dừng. Tuyến đường này đã được đầu tư hệ thống ETC tại 15 làn xe, thu phí từ tháng 6/2020.

Tổng số trạm được lắp hệ thống thu phí không dừng tại bốn tuyến cao tốc là 23. Ngoài làn ETC, các trạm vẫn bố trí thêm một làn hỗn hợp phục vụ ôtô chưa dán thẻ không dừng. VEC ước tính chi phí thuê dịch vụ mỗi năm hơn 180 tỷ đồng trên bốn cao tốc, với tổng chiều dài 495 km.

VEC được Bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, khai thác năm dự án cao tốc gồm: Cầu Giẽ – Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Bến Lức – Long Thành và TP HCM – Long Thành – Dầu Giây. Hiện nay tuyến Bến Lức – Long Thành vẫn chưa hoàn thành và mới có tuyến Cầu Giẽ – Ninh Bình được đầu tư, vận hành hệ thống thu phí ETC.

Có thể bạn quan tâm: