Mục lục bài viết
Loạt lãnh đạo bị kỷ luật, ‘mất ghế’ vì bê bối tình dục
Vietnamnet – Thời gian qua đã có không ít quan chức Việt Nam dính vào những lùm xùm tình ái và phải nhận kỷ luật, bị cách chức. Đây cũng là bài học để nhiều người đương chức đương quyền tự “soi mình”.
Ngày 26/5, ông Lê Minh Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP Đà Nẵng, đã bị kỷ luật với hình thức cách chức vì thiếu tu dưỡng đạo đức, lối sống; vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.
Trước khi ông Lê Minh Trung nhận quyết định kỷ luật, dư luận xôn xao về việc ông có quan hệ “ngoài luồng” với một nữ giáo viên ở Đà Nẵng.
Vướng lùm xùm tình ái khiến “bay ghế” phải kể đến ông Lê Hùng Sơn (nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, Quảng Ninh).
Vào tháng 11/2021, dư luận xôn xao về lá đơn của bà M. (mẹ chồng chị L.M.H., cán bộ huyện Cô Tô) tố cáo ông Lê Hùng Sơn cưỡng hiếp con dâu bà.
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy ông Lê Hùng Sơn đã vi phạm quy chế làm việc, dù là cán bộ cấp ủy viên nhưng ông lại không tu dưỡng đạo đức, sống buông thả, quan hệ bất chính với nhân viên dưới quyền.
Vi phạm của ông Sơn gây dư luận rất xấu, bức xúc trong cán bộ và nhân dân.
Trước khi giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô vào tháng 3/2020, ông Lê Hùng Sơn từng công tác tại Sở KH&ĐT, Phó Giám đốc Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh, Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh.
Một trường hợp tương tự phải nhắc đến là ông Đào Duy Anh (nguyên Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Thái Nguyên).
Đầu tháng 8/2020, Công an tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ Thái Nguyên vụ việc ông Đào Duy Anh bị tố có hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự với nữ nhân viên sở này.
Theo báo cáo, chiều 3/8/2020, ông Đào Duy Anh gọi một nữ nhân viên sở sang phòng làm việc và sau đó ông có hành động thiếu chuẩn mực với nhân viên này ngay tại phòng riêng.
10 ngày sau khi xảy ra sự việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên ký quyết định về việc thi hành kỷ luật đối với ông Đào Duy Anh bằng hình thức cách chức Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Thái Nguyên.
Món nào giá cũng tăng, các nhà bán lẻ vừa ‘níu’ giá vừa… than trời
Tuoitre – Theo các nhà bán lẻ, với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao do chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu, căng thẳng chính trị Nga – Ukraina…, việc bình ổn giá cả từ nay đến cuối năm trở nên khó khăn hơn, đặc biệt trong bối cảnh sức mua giảm sút và tần suất đến siêu thị của người dân giảm.
Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ, nhiều mặt hàng có điều chỉnh giá liên tục trong thời gian gần đây. Bà Đẹp, tiểu thương ở chợ Cây Xoài (TP Thủ Đức), cho biết giá các loại rau củ, hành ngò… đều tăng mạnh như bông cải xanh, rau cải ngọt, cà chua, bí xanh… tăng 2.000 – 3.000 đồng/kg, mặt hàng thủy hải sản giá tăng mạnh hơn trong đó các loại cá hồi, cá lóc… đều tăng so với trước.
Bà Jolie Nguyễn, nhà nhập khẩu thực phẩm, cho biết nguồn hàng hóa để nhập về tiêu dùng cũng rất chậm. Trước đây, một container hàng chỉ mất 3 tháng là có thể xử lý xong, nhưng bây giờ nhiều chuyến hàng chờ cả nửa năm vẫn chưa thấy bóng dáng. Các chuyến tàu bị trì hoãn và thời gian di chuyển, hạ container xuất hàng đều rất lâu, tạo nên nguồn hàng khan hiếm.
Tại cuộc họp đại hội cổ đông mới đây, đại diện doanh nghiệp Kido cho biết giá dầu cọ và giá đường cũng tăng cao gây khó khăn cho sản xuất bánh kẹo, thực phẩm chế biến. Theo ông Trần Lệ Nguyên – tổng giám đốc Kido, tập đoàn xem xét tiết kiệm chi phí và cơ cấu lại thị trường để bù đắp một phần tăng giá của nguyên vật liệu, đồng thời gia tăng kênh bán hàng để đảm bảo doanh thu trong năm 2022 này.
Theo ông Nguyễn Anh Đức – tổng giám đốc Saigon Co.op, với áp lực giá nguyên liệu đầu vào thời gian qua, có nhiều mặt hàng thực phẩm thiết yếu ở hệ thống phải gồng mình chống lãi âm. 75% khách hàng đến siêu thị mua thực phẩm tươi sống, trong khi đây là ngành hàng có tỉ lệ lãi thấp nhất. Nhiều mặt hàng mà để bình ổn được giá, siêu thị phải bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt…
“Có nhiều mặt hàng mà hệ thống nỗ lực bình ổn có chỉ số giá bình quân chỉ bằng 1/4 so với giá bán trên thị trường, thậm chí còn âm. Nhịp tăng giá trong hệ thống cũng chậm hơn so với thị trường nhờ nỗ lực việc đàm phán, chốt giá với nhà cung cấp và chia sẻ lợi nhuận của mình”, ông Anh Đức nói.
Xoay xở để giữ giá bán
Đại diện MM Mega Market Việt Nam cho biết bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm được nhập từ các nhà cung cấp, hệ thống cũng đang dựa vào nhóm hàng nhãn riêng, do siêu thị nghiên cứu và phát triển, với giá thành thấp hơn từ 5 đến 20% so với sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Nhiều hệ thống siêu thị cũng cho biết phải dựa vào quy trình khép kín mô hình từ trang trại đến bàn ăn để ổn định sản xuất và cung cấp hàng hóa kịp thời, đặc biệt là các ngành hàng nhu yếu phẩm cần thiết.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn – giám đốc khối WinMart – cho biết với sự kết nối của Sở Công thương cùng các sở ngành tại địa phương, bộ phận thu mua đã làm việc với hợp tác xã và hộ nông dân để thu mua và đưa vào tiêu thụ, lập chuỗi có chính sách thu mua và bao tiêu sản lượng.
Hệ thống này còn chuyển giao quy trình quản lý chất lượng, bảo quản hàng hóa, hỗ trợ đầu tư thêm các hệ thống về kho tại các vùng nguyên liệu, các vùng sản xuất trọng tâm trong nước…, hình thành một chuỗi từ trồng trọt, chăn nuôi, cung ứng, thu mua và bán lẻ khép kín.
Hệ thống này cũng thu mua và bày bán nhiều loại nông sản như mận hậu, các loại rau củ xứ lạnh như bắp cải, cải thảo, bí xanh, bí đỏ hồ lô… Để kéo giảm mặt bằng giá cũng như trì hoãn tốc độ tăng giá, siêu thị cùng nhà sản xuất chia sẻ lợi nhuận để tung ra các chương trình khuyến mãi. Nhưng với giá cả xăng dầu tăng cao gây áp lực lên toàn bộ chi phí sản xuất và vận chuyển, việc ổn định giá của các nhà bán lẻ không thể như trước.
Chốt hạn trước 30/6, thu phí tự động không còn ‘đường lùi’.
Dantri – Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về vướng mắc trong triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng, các dự án/trạm thu phí BOT và đánh giá khả năng khai thác lưỡng dụng một số sân bay.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), các tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn đều được lắp đặt hệ thống thu phí không dừng ETC, bảo đảm duy trì chỉ một làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều lưu thông; số lượng phương tiện tham gia dán thẻ đầu cuối tăng nhanh, trong 7 tháng vừa qua đã dán được gần 2 triệu phương tiện, nâng tổng số phương tiện tham gia dịch vụ đạt khoảng gần 3 triệu, chiếm hơn 65% tổng số phương tiện trên toàn quốc.
Tuy nhiên, về tổng thể mục tiêu triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng chưa đạt yêu cầu về tiến độ, đặc biệt là việc lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các dự án do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý triển khai quá chậm; còn lúng túng trong việc xử lý sự cố kỹ thuật liên quan thu phí điện tử tại dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân.
Để sớm hoàn thành các mục tiêu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo các nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC khẩn trương lắp đặt các làn thu phí còn lại, đảm bảo tại mỗi trạm thu phí chỉ duy trì một làn thu phí hỗn hợp, hoàn thành trước ngày 30/6.
Bộ GTVT yêu cầu Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam hoàn thành lắp đặt hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các dự án do VEC quản lý. Đến 31/7 nếu không triển khai sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, bao gồm cả việc xem xét việc tạm dừng thu phí (xả trạm).
Mục tiêu đến tháng 9 đạt 80-90%, tiến tới thu phí hoàn toàn tự động không dừng trên cả nước.
Lương hưu bình quân 5,4 triệu đồng mỗi tháng
VnExpress – Khoảng 2,7 triệu người đang hưởng lương hưu với tổng số tiền chi trả gần 14.500 tỷ đồng mỗi tháng, mức hưởng trung bình 5,4 triệu đồng.
Thông tin về tình hình chi trả lương hưu ngày 28/5, bà Lý Hoàng Minh, Phó phòng Hưu trí thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết mức hưởng lương hưu trung bình hiện nay cao hơn thu nhập bình quân của người dân năm 2021 (khoảng 4,2 triệu đồng mỗi tháng).
Mức hưởng cũng không cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế. Từ năm 1995 đến nay, nhà nước đã 22 lần điều chỉnh lương hưu. Hai năm ảnh hưởng đại dịch, lương hưu vẫn tăng thêm 7,4% từ đầu năm 2022. Cụ thể, người hưởng lương hưu, trợ cấp trước ngày 1/1/1995 được điều chỉnh đạt 2,5 triệu đồng một tháng. Người hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng được tăng thêm 200.000 đồng mỗi tháng; người hưởng từ 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng được điều chỉnh đủ 2,5 triệu đồng.
“Lương hưu là mức thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống cho người hưởng”, bà Minh kết luận, cho biết thêm người nghỉ hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, khám chữa bệnh trọn đời do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả mức 95%. Nếu người hưởng không may qua đời thì thân nhân sẽ nhận được tiền tử tuất.
Lương hưu cao hay thấp ngoài thời gian đóng còn phụ thuộc mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Kiểm tra một số doanh nghiệp thấy có tình trạng xây dựng thang bảng lương ở mức thấp nhất để đóng BHXH cho người lao động, hoặc hai bên thỏa thuận chỉ lấy tiền lương ghi trong hợp đồng làm căn cứ đóng BHXH.
Bà Minh lý giải, nhiều chủ sử dụng lao động cố tình lách luật để giảm bớt chi phí đóng vào các quỹ, bởi luật hiện hành quy định người lao động đóng 1/3 và doanh nghiệp đóng 2/3. Người lao động cũng chưa nắm rõ quyền lợi đóng BHXH càng cao thì sau này hưởng lương hưu cũng cao theo. Để hạn chế tình trạng trên, thời gian tới Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tăng thanh tra việc chấp hành quy định về tiền lương tại doanh nghiệp.
Luật hiện hành quy định, người lao động đóng BHXH tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu, dẫn tới nhiều người tham gia thời gian ngắn, không đủ năm tích lũy hưởng hưu trí nên chọn rút BHXH một lần. Trước thực trạng này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự tính sửa luật theo hướng giảm thời gian đóng xuống 15 năm, tiến tới 10 năm để người lao động dễ tiếp cận chính sách hưu trí.
Cả nước có hơn 4,94 triệu người cao tuổi sau độ tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó, 2,7 triệu người hưởng lương hưu; 640.000 người hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; hơn 1,7 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Còn hơn 9 triệu người sau tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng một tầng an sinh nào khác. Nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn vẫn từ hỗ trợ của con cái, tới 38%; 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội.
Có thể bạn quan tâm: