Tràn lan phân bón giả, nông dân lãnh đủ

Tuoitre – Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, qua kiểm tra nhiều cửa hàng bán phân bón trên địa bàn, cơ quan này phát hiện nhiều lô phân bón NPK cao cấp, kali silic 61%, phân bón cao cấp 19-3-20+TE và phân bón hỗn hợp NPK BDH-2 giả và kém chất lượng. 

Các hàm lượng chính của những lô phân này thấp hơn rất nhiều so với quy định. Chủ nhân của những lô phân kém chất lượng này đến từ một doanh nghiệp ở Long An và hai doanh nghiệp tại TP.HCM.

Ông Nguyễn Thành Phước – chi cục trưởng – cho biết, đã ban hành các quyết định xử phạt, đồng thời có văn bản gửi Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật TP.HCM, cũng như tỉnh Long An. 

Tương tự, ông Trần Thanh Hiệp – chánh thanh tra Sở NN&PTNT cho biết, đã chuyển vụ việc sang Công an tỉnh An Giang. 

Trong đó, lô phân bón gồm 150 bao (50kg/bao) NPK 16-16-8+TE của một doanh nghiệp (có địa chỉ tại TP.HCM và Long An) bị phát hiện là hàng giả. Một lô với 281 bao phân bón giả khác, gồm 167 bao phân bón NPK 16-16-8+TE và 114 bao phân bón kali silic 61% tại một cơ sở ở huyện Tịnh Biên, cũng do một doanh nghiệp khác có trụ sở tại Long An sản xuất.

Brazil tăng cường xuất khẩu thịt heo sang Việt Nam

Thesaigontimes – Nhà sản xuất thịt lớn nhất Brazil BRF cho biết, phía Việt Nam đã chấp thuận việc nhập khẩu thịt heo từ một nhà máy của công ty này ở Mato Grosso (Brazil). 

Hiện BRF đã xuất khẩu thịt heo sang Việt Nam từ một nhà máy ở Uberlandia thuộc bang Minas Gerais (Brazil), tuy nhiên công ty này không tiết lộ số lượng xuất khẩu. BRF cho biết, sẽ tập trung xuất khẩu các mặt hàng thịt có giá trị cao sang thị trường Việt Nam.

Giám đốc truyền thông của BRF Luiz Tavares, nói với Reuters: “Việc cấp giấy phép (nhập khẩu thịt) sẽ cho phép BRF phát triển trong một thị trường địa lý chiến lược, phù hợp với kế hoạch tăng cường mức độ liên quan của công ty tại các trung tâm tiêu dùng lớn trên toàn cầu”.

Theo dữ liệu từ chính phủ nước này, Việt Nam hiện là thị trường nhập khẩu thịt heo lớn thứ năm của ngành sản xuất thịt Brazil. Trong năm 2021, Việt Nam nhập hơn 45.000 tấn sản phẩm thịt heo, chiếm 4% tổng lượng xuất khẩu chủng loại thịt này của Brazil.

Việt Nam hiện đang nhập khẩu thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 20 thị trường, trong đó Brazil chiếm 40%, Nga chiếm 22% và Đức chiếm 13%…

Yêu cầu “truy quét” người tâm thần vẫn được cấp giấy phép lái xe

Dantri – Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu Sở Giao thông vận tải (GTVT) các tỉnh, thành phố quản lý chặt chẽ công tác đào tạo và cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX).

Theo cơ quan này, thời gian qua, các cơ sở khám chữa bệnh của ngành y tế đã kịp thời tổ chức khám và cấp giấy chứng nhận đủ sức khỏe cho người dân có nhu cầu học mới và cấp đổi GPLX. Tuy nhiên, vẫn có cơ sở khám chữa bệnh cấp giấy chứng nhận đủ sức khỏe cho người mắc bệnh tâm thần hoặc tiền sử mắc bệnh tâm thần và được tiếp nhận để cấp, đổi GPLX.

Cụ thể, lái xe Nguyễn Văn Thâu (37 tuổi) tại Bình Định là đối tượng theo dõi sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, gây tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 2 người chết, 15 người bị thương tại tỉnh lộ 363 thuộc địa bàn xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, cơ sở y tế địa phương vẫn cấp giấy chứng nhận đủ sức khỏe cho tài xế này để đổi GPLX.

Để quản lý chặt việc cấp, đổi GPLX cho người dân có đủ các tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định, kịp thời phát hiện và không cấp mới, cấp đổi GPLX cho các trường hợp mắc bệnh tâm thần hoặc tiểu sử mắc bệnh tâm thần, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố đề nghị Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh tổng hợp danh sách những người mắc bệnh tâm thần hoặc tiền sử mắc bệnh tâm thần gửi Sở GTVT và công khai trên trang trên thông tin điện tử của Sở Y tế để phục vụ việc tra cứu khi khám sức khỏe hoặc cấp, đổi GPLX hoặc quản lý người lái xe.

Việt Nam – Mỹ đối thoại về hợp tác vũ trụ dân sự

NLĐ – Thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam ngày 28/3 cho biết trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8/2021, Phó Tổng thống Kamala Harris khẳng định tầm quan trọng của các nỗ lực của Mỹ và Việt Nam nhằm đảm bảo các hoạt động trong vũ trụ được tiến hành một cách có trách nhiệm và bền vững. Là một phần của những nỗ lực chung đó, các quan chức Mỹ và Việt Nam đã họp trực tuyến từ ngày 22 đến 24/3 trong khuôn khổ Đối thoại vũ trụ dân sự Mỹ-Việt Nam lần thứ ba.

Đối thoại tập trung vào sự hợp tác trong quan sát trái đất từ vũ trụ. Các đại biểu đã thảo luận về dự án SERVIR-Mekong (https://servir.adpc.net/), hợp tác với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) để giúp các quốc gia sử dụng dữ liệu vệ tinh giải quyết các thách thức về an ninh lương thực, quản lý tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, chất lượng không khí và thiên tai. Các đại biểu cũng thảo luận về việc sử dụng công nghệ không gian địa lý để hỗ trợ quản lý thiên tai, khoa học trái đất và nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải dân sự.

“Đối thoại vũ trụ dân sự này tái khẳng định chiều sâu hợp tác và sức mạnh của các mối quan hệ trong khuôn khổ Đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ”- Đại sứ quán Mỹ khẳng định.

Có thể bạn quan tâm: