Thêm 15.586 ca nhiễm, tổng số tử vong vượt 31.000

VnExpress – Bộ Y tế tối 25/12 công bố 15.586 ca nhiễm, trong đó 15.559 ca ở 57 tỉnh thành; Hà Nội tiếp tục dẫn đầu với hơn 1.800 ca; 241 ca tử vong tren cả nước và chỉ tính riêng TP.HCM 42, tổng số tử vong lên 31.007 ca.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM 499.513 ca, Bình Dương 289.933, Đồng Nai 96.621, Tây Ninh 69.666, Long An 40.015 ca. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam ghi nhận 1.636.455 ca nhiễm.

Hơn 1.000 công nhân ngừng việc phản đối cách tính lương

VnExpress – Cuộc ngừng việc tại Công ty TNHH Nobland Việt Nam tại Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp diễn ra từ hôm qua đến sáng nay khi nhà máy gọi từng nhóm khoảng 5 công nhân lên văn phòng ký vào biên bản thỏa thuận cách tính lương mới.

Thay vì trả lương theo thời gian đã thoả thuận trên hợp đồng (mỗi ngày làm 8 tiếng), đầu năm tới doanh nghiệp tính theo sản phẩm. Với cách này, tất cả lao động mỗi tháng nhận lương cơ bản như nhau, gần 5 triệu đồng. Sau đó, tuỳ số lượng sản phẩm hoàn thành, mức độ chỉ tiêu, công nhân nhận thêm thu nhập. Cách tính mới được cho sẽ thiệt đối với lao động thâm niên vì hàng năm công ty tăng lương cơ bản lên 5%.

Nữ công nhân tham gia phản đối cho biết, đã gắn bó với công ty 17 năm, đến nay mỗi tháng lương cơ bản 9,1 triệu đồng. Mức này là cơ sở để chị đóng bảo hiểm xã hội, hưởng lương hưu. Tuy nhiên, với cách tính mới mà nhà máy đưa ra, lương cơ bản của chị sẽ giảm gần một nửa.

“Như vậy là không công bằng với những người đã theo công ty nhiều năm qua”, nữ công nhân nói. Những công nhân làm trên 10 năm giờ đã lớn tuổi nếu tính lương theo sản phẩm sẽ không “chạy” nổi sản lượng, không đạt chỉ tiêu dễ bị đào thải. Ngoài ra nếu nhà máy đưa ra đơn giá thấp, chỉ tiêu sản lượng cao, công nhân không hoàn thành thì mỗi người chỉ nhận gần 5 triệu đồng “không đủ trả tiền phòng trọ, gửi con”.

Trong khi đó, phía công ty cho rằng cách tính mới để kích thích sản xuất, nâng cao sản lượng. Nếu công nhân làm việc chăm chỉ, nâng cao tay nghề, thu nhập sẽ tăng lên gấp 2-3 lần. Phía nhà máy sẽ chú trọng thay đổi công nghệ để nâng cao năng suất. Công ty phải áp dụng mức lương sàn cho tất cả lao động để đảm bảo công bằng khi tính lương sản phẩm. Những người không đủ hoàn thành chỉ tiêu được hỗ trợ một khoản chi phí cơ bản để sinh hoạt.

Trước phản ứng của công nhân, chiều nay, ông Kim Shin Young, Tổng giám đốc Công ty Nobland Việt Nam đã đối thoại, chấp nhận tiếp tục thực hiện việc chi trả lương theo thời gian. Nhà máy sẽ thí điểm thực hiện cách tính lương theo sản phẩm với những người đồng ý. Những công nhân cho rằng “mình bị ép ký vào biên bản thỏa thuận được quyền rút lại nguyện vọng, tiếp tục làm việc như cũ”.

Công ty TNHH Nobland Việt Nam, 100% vốn Hàn Quốc, hoạt động tại TP HCM từ năm 2003, chuyên ngành may mặc, với hơn 2.600 lao động. Xưởng xảy ra cuộc ngừng việc có khoảng 1.800 công nhân.

8 quận ở Hà Nội có thể dừng hoạt động không thiết yếu

VnExpress – Công bố đánh giá cấp độ dịch trong phòng chống Covid-19 vào chiều 25/12, Hà Nội có thêm 6 quận chuyển từ “vàng” sang “cam” gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ.

Cùng với hai quận Đống Đa và Hai Bà Trưng được đánh giá cấp độ 3 từ trước đó, 8/12 quận của thủ đô đã ở mức nguy cơ cao về dịch.

Theo quy định, những nơi này sẽ phải áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng với cấp độ dịch như: dừng nhiều hoạt động không thiết yếu như văn hóa, thể thao, giải trí; các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán mang về, đóng cửa trước 21h. Hoạt động kinh doanh tại chợ cóc, chợ tạm bị cấm…

Đống Đa và Hai Bà Trưng đang áp dụng các biện pháp trên.

Giá xăng tăng mạnh

Laodong – Từ 15h chiều nay, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo đó, Liên bộ quyết định thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 550 đồng/lít, dầu diesel ở mức 200 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut ở mức 552 đồng/kg.

Sau khi thực hiện việc trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường là:

Xăng E5 RON 92 không cao hơn 22.550 đồng/lít (tăng 468 đồng/lít so với giá hiện hành; xăng RON 95-III không cao hơn 23.295 đồng/lít (tăng 494 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

Dầu diesel 0.05S không cao hơn 17.579 đồng/lít (tăng 245 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); dầu hỏa không cao hơn 16.518 đồng/lít (tăng 196 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

Dầu mazut 180 CST 3.5S không cao hơn 15.745 đồng/kg (giữ nguyên so với giá bán hiện hành).

Việt Á ‘lại quả’ ở Quảng Bình hơn 20% bằng kit xét nghiệm

Tuoitre – Ngày 25/12, ông Phạm Văn Ngọc – giám đốc Công ty Dược phẩm Quảng Bình xác nhận đơn vị này chính là đầu mối nhập kit xét nghiệm của Công ty Việt Á về rồi phân phối lại cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình làm xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng từ khi dịch bắt đầu tăng cao.

Theo ông Ngọc, Công ty Dược phẩm Quảng Bình đã mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á với tổng giá trị khoảng hơn 7 tỷ đồng. Mức giá mà Công ty mua đều đúng mức giá ấn định của Bộ Y tế theo từng thời kỳ, được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Khi về bán lại cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các bệnh viện, Công ty Dược phẩm Quảng Bình cũng bán đúng giá đã mua.

Ông Ngọc cũng xác nhận công ty ông được chiết khấu hoa hồng trực tiếp trên mỗi đơn hàng với mức hơn 20%.

Trao đổi với truyền thông trong nước, ông Đỗ Quốc Tiệp – giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình xác nhận đến nay đơn vị này đã nhập khoảng 29.000 kit xét nghiệm COVID-19, trong đó toàn bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á đều được nhập qua trung gian Công ty Dược phẩm Quảng Bình.

Về mức giá, ông Tiệp khẳng định giá nhập đúng với mức giá được công bố trên cổng thông tin của Bộ Y tế. Mức giá này được chia thành 3 giai đoạn, giai đoạn đầu 509.000 đồng/kit, giai đoạn 2 là 470.0000 đồng/kit, giai đoạn 3 là 367.000 đồng/kit.

Xin hỏi Bộ Y tế người nhập cảnh dưới và trên 14 ngày khác nhau thế nào?

Laodong – Ngày 24/12, Bộ Y tế ban hành quy định người nhập cảnh ngắn ngày không phải cách ly y tế song phải tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Ngắn ngày là dưới 14 ngày, dài ngày là 15 ngày trở lên.

Rất nhiều hướng dẫn kèm theo cho nhóm đối tượng “ngắn ngày” này, ví dụ: “Người nhập cảnh ngắn ngày và người tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày phải thực hiện đầy đủ quy định 5K, tự theo dõi sức khỏe, khi có một trong các biểu hiện: sốt, ho, đau rát họng hoặc khó thở thì thông báo cho cơ quan quản lý và y tế địa phương để xử lý theo quy định”.

Theo tác giả Lê Thanh Phong của báo Lao Động, đọc xong hướng dẫn của Bộ Y tế không khỏi hoài nghi, thắc mắc. Xét về dịch tễ, xin hỏi Bộ Y tế rằng, người nhập cảnh dưới 14 ngày và trên 14 ngày khác nhau thế nào?

Nếu như người nhập cảnh đã tiêm đầy đủ vaccine, âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR) trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh, thì vào Việt Nam ở một ngày cũng như nhiều ngày, tại sao dưới 14 ngày không cách ly và 15 ngày thì cách ly?

Quy định trên là quá thừa, bởi vì tiếp xúc với người nhập cảnh ngắn ngày hay dài ngày, với bất cứ ai thì cũng phải tuân thủ các biện pháp phong dịch, đó là quy định chung.

Vậy thì quy định thêm đối tượng “nhập cảnh ngắn ngày” để làm gì cho thêm phức tạp, rối rắm?

Hãy cứ quy định chung đối với người nhập cảnh, dù một ngày hay một năm cũng như nhau khi họ đã đảm bảo các quy định tiêm đầy đủ vaccine và xét nghiệm âm tính.

Hãy tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn, các nhà quản lý để thống nhất quy định chung đối với người nhập cảnh.

Mới đây, đại sứ quán một số nước đề nghị Việt Nam miễn cách ly người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh, có xét nghiệm PCR âm tính.

Những quy định, hướng dẫn phòng dịch phi khoa học, làm phức tạp thêm thủ tục, gây khó khăn cho người nhập cảnh cần phải bỏ đi. Mở cửa nhưng còn quá nhiều then cài chưa tháo được – tác giả Lê Thanh Phong nhấn mạnh.

Hà Nội khởi công xây dựng thêm 3 tuyến đường sắt đô thị trong thời gian tới

Dantri – Sáng nay (25/12), ông Dương Đức Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, trong 5 năm tới ba tuyến đường sắt đô thị mà TP sẽ hoàn tất thủ tục đầu tư, khởi công là tuyến số 5 đoạn Văn Cao – Hòa Lạc, tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội – Hoàng Mai và tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh: Sóc Sơn; Sơn Tây; Hòa Lạc; Xuân Mai; Phú Xuyên; Đồng thời kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành thuộc vùng thủ đô, thông qua các tuyến đường hướng tâm: Quốc lộ 1A (QL), QL3, QL6, QL21; QL21B.

Hà Nội sẽ đầu tư các trục Tây Thăng Long, Ngọc Hồi – Phú Xuyên, đường trục phía Nam; các đường vành đai gồm: Vành đai 3.5, vành đai 4 và vành đai 5; hệ thống cầu vượt sông gồm: Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4); cầu Đuống 2 (trên QL1A cũ).

Lãnh đạo TP. Hà Nội nói sẽ hoàn thành đầu tư đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông của 5 huyện theo đề án lên quận là Gia Lâm; Đông Anh; Hoài Đức; Đan Phượng; Thanh Trì; tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện mạng lưới bến xe khách liên tỉnh khu vực Vành đai 4 theo quy hoạch, là các đầu mối giao thông kết nối hành khách quan trọng của khu vực đô thị trung tâm kết nối các địa phương và tỉnh thành trong cả nước.

Có thể bạn quan tâm: