Xã khóa cổng nhà dân có F0 và giữ luôn chìa khoá

Sáng 23/2, mạng xã hội Facebook lan truyền một clip kèm nội dung “Gia đình này có con và bà nội bị F0, vừa trẻ con, vừa người già có bệnh nền nhưng chính quyền địa phương đem khóa dây, khóa cửa cổng và cầm chìa khóa đi…”.

Theo đó, clip này được quay tại xã Đồng Than, H.Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Những người trong nhà cho biết họ đồng ý khóa cửa để thực hiện cách ly, phong tỏa; thậm chí họ còn tự khoá cửa nhà mình. Nhưng họ thắc mắc nếu khóa cửa nhà mà không đưa chìa khoá, nhỡ trẻ con trong nhà (F0) chuyển biến xấu, cần cấp cứu thì chính quyền có đến kịp để mở cửa hay không.

Đáp lại, người đàn ông đứng bên ngoài cánh cổng nói: “Thế này cháu điện về Ủy ban xã đi, chứ còn tất cả các trường hợp phong tỏa thì chú phải cầm chìa khóa!”.

“Cháu cứ đề nghị lên xã đi, còn chú chỉ biết thực hiện chỉ đạo của trên thôi!”, vị này nói xong thì lên xe đi.

Trưa 23/2, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Phạm Văn Nam – Chủ tịch UBND xã Đồng Than xác nhận gia đình bị khóa cửa trong clip có F0 và xin được cách ly tại nhà. Để phong tỏa nhà F0 nên có khóa cửa. Việc này là theo chủ trương của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của xã, chứ huyện không chỉ đạo.

Sau khi biết gia đình này không đồng ý khóa cổng, Ban Chỉ đạo chống dịch của xã đã mở cửa. “Chúng tôi không ép buộc người dân. Họ không đồng ý thì chúng tôi không khóa. Quan trọng là họ phải có ý thức.

Kết quả điều tra ban đầu vụ giả mạo sinh viên vào khu điều trị F0

Zing – Ngày 23/2, Công an TP.HCM thông tin về việc kết quả điều tra ban đầu về vụ giả mạo sinh viên Đại học Y dược TP.HCM để vào Khu điều trị F0.

Qua điều tra, cảnh sát bước đầu xác định khoảng tháng 7/2021, Đại học Y dược TP.HCM đã tạo lập nhóm chat trên mạng xã hội để sinh viên đăng ký tham gia hỗ trợ tại Khu cách ly trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM. Để tham gia, sinh viên phải làm theo hướng dẫn (bằng đường link Google Form) và nộp kèm bản photo thẻ sinh viên.

Lợi dụng sơ sót trong việc kiểm tra thông tin do sinh viên cung cấp, Nguyễn Quốc Khiêm (24 tuổi, quê Ninh Thuận) tìm trên mạng hình ảnh, mẫu thẻ sinh viên của Trường Đại học Y dược TP.HCM để chỉnh sửa, cắt ghép hình ảnh của bản thân.

Người này sau đó chụp hình để đăng ký làm tình nguyện viên và được Đại học Y dược TP.HCM tuyển chọn tham gia hỗ trợ Khu cách ly tại trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM (quận 12).

Ngày 16/8/2021, Trung tâm Y tế quận 12 đã có quyết định về việc điều động, phân công nhân sự, trong đó có Khiêm hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại khu cách ly tập trung Trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM với nhiệm vụ tiếp nhận và theo dõi sức khỏe của bệnh nhân nhiễm Covid-19 và những trường hợp F1, kiêm nhiệm công tác hậu cần.

Tháng 9/2021, nhận thấy việc giả mạo sinh viên Đại học Y dược TP.HCM có dấu hiệu bị “bại lộ”, Khiêm lấy lý do cá nhân và xin nghỉ việc.

“Hiện cảnh sát làm việc với cá nhân, tổ chức có liên quan; làm rõ động cơ, mục đích của Khiêm và củng cố hồ sơ, tài liệu để xử lý theo quy định của pháp luật”, Công an TP.HCM thông tin.

Bộ trưởng Công Thương: Nguồn xăng đủ cung ứng đến hết tháng 3

Zingnews – Tại buổi làm việc với các đầu mối xăng dầu chiều 22/2, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, với mức 3,7-3,8 triệu tấn từ nguồn xăng dầu dự trữ, cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước và đặc biệt từ nguồn hàng nhập khẩu gấp 3 lần bình thường từ đầu tháng 2 đến nay, thì Việt Nam có đủ lượng xăng dầu cung cấp cho thị trường đến hết tháng 3.

“Vụ thị trường trong nước và Hiệp hội xăng dầu sẽ tham mưu chi tiết cho Bộ để có phân bổ cho các thương nhân phân phối, các doanh nghiệp bán lẻ trong những ngày tới để bảo đảm tất cả địa phương không được thiếu xăng dầu đến hết tháng 3”.

Bộ trưởng cho biết từ cuối tháng 3 trở đi, Bộ sẽ quyết định điều hành theo kịch bản rằng  lượng xăng dầu sản xuất trong nước thiếu hụt bao nhiêu sẽ được bù đắp vào bấy nhiêu từ nguồn nhập khẩu cộng với 20% gia tăng để đáp ứng cho nhu cầu phục hồi kinh tế.

Ông Diên yêu cầu từ tháng 3, doanh nghiệp nhập khẩu, tư nhân phân phối, bản lẻ xăng dầu đều phải khai báo rõ số lượng xăng dầu nhập khẩu và bán ra trên cổng thông tin của doanh nghiệp và Bộ Công Thương.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói rằng “Doanh nghiệp nào găm hàng sẽ bị đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi đăng ký kinh doanh”.

Rau quả Trung Quốc tràn vào Việt Nam, nông sản Việt tắc đường thông quan

Sputniknews – Trong khi rau quả từ Trung Quốc vẫn đang ồ ạt vào Việt Nam thì ở chiều ngược lại xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này lại sụt giảm mạnh 18,5% trong tháng đầu năm 2022.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, các doanh nghiệp Việt đã bỏ ra 166,7 triệu USD để nhập khẩu rau quả trong tháng 1/2022, tăng 26,4% so với tháng 12/2021 và tăng 12% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc trong tháng 1 lên đến 72,8 triệu USD, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 30% tổng rau quả nhập khẩu của cả nước.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc lại chỉ đạt 148,9 triệu USD trong tháng đầu năm 2022, giảm mạnh 18,5% so với cùng kỳ năm 2021, giảm 3% so với tháng cuối năm ngoái.

Dù đã đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản sang các thị trường khác như Mỹ (tăng 69,8% so với cùng kỳ), Hàn Quốc (tăng 31,6%), Nhật Bản (tăng 12,2%) nhưng vẫn chưa bù đắp được sự sụt giảm đến từ thị trường Trung Quốc.

Nguyên do là bởi TQ là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm 50% tỷ trọng xuất khẩu.

 Tổng kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam trong tháng đầu năm 2022 đã giảm 2,1% so với tháng 12 năm ngoái, và giảm 5,2% so với cùng kỳ, đạt 293,2 triệu USD.

Khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Trung Quốc bắt đầu từ cuối năm 2021, do bị tác động bởi chính sách “Zero Covid” của Bắc Kinh.

Khi đó, từng có đến hàng ngàn container nông sản, phần lớn là trái cây dễ hư hỏng ùn ứ ở cửa khẩu các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh…Việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch bệnh ở các cửa khẩu đã làm kéo dài thời gian thông quan.

Nông sản Việt Nam ngày gặp càng nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt hơn khi các nước như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Mỹ… cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sang TQ.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có nhiều sản phẩm rau quả tương tự như của Việt Nam, do đó Bắc Kinh đã ban hành nhiều chính sách bảo hộ sản phẩm trong nước.

Có thể bạn quan tâm: