Thủ tướng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ xây đường sắt cao tốc Bắc Nam

VnExpress – Sáng 22/7, tại buổi tiếp ông Maeda Tadashi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu, ngoài dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam, Thủ tướng đề nghị Nhật Bản và JBIC thúc đẩy chương trình hợp tác ODA thế hệ mới mà Thủ tướng hai nước đã trao đổi; hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, trong đó có các dự án đường bộ cao tốc đang được đẩy mạnh trên cả nước, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, nâng cao năng lực y tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thủ tướng cũng đề nghị Nhật Bản và JBIC giúp đỡ Việt Nam tiếp cận khoản hỗ trợ 10 tỷ USD Thủ tướng Nhật Bản đã cam kết tại Hội nghị COP26 để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 năm 2050.

JBIC tập trung hỗ trợ Việt Nam về tham vấn chính sách, nguồn vốn, công nghệ, nhân lực, kinh nghiệm quản trị để phát triển nền công nghiệp chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo; đặc biệt là hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực chế tạo, sản xuất các trang thiết bị trong lĩnh vực điện mặt trời, điện gió, với kế hoạch, dự án cụ thể.

Thủ tướng mong muốn JBIC khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch đầu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang Việt Nam, thúc đẩy Nhật Bản sớm thành nhà đầu tư số một tại Việt Nam.

Đáp lại, Chủ tịch JBIC đánh giá cao những cam kết, hành động của Việt Nam về các vấn đề môi trường. Ông Maeda Tadashi nhất trí với đề nghị của Thủ tướng, khẳng định JBIC mong muốn hợp tác cùng Việt Nam về nhiều mặt trong nhiều lĩnh vực.

Chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc từng được trình Quốc hội vào tháng 6/2010 song không được thông qua. Đầu năm 2022, báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đã trình và đang được Hội đồng thẩm định xem xét.

Lần này, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dài 1.559km, tốc độ thiết kế đoàn tàu 350km/giờ, tốc độ khai thác 320km/giờ; được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách; còn đường sắt Bắc Nam quốc gia hiện nay được cải tạo để chở hàng.

Tổng mức đầu tư dự kiến trên 58 tỷ USD (tương đương 1,3 triệu tỷ đồng). Giai đoạn một (trước năm 2030) sẽ đầu tư hai đoạn Hà Nội – Vinh và TP.HCM – Nha Trang, tổng mức đầu tư khoảng 112.000 tỷ đồng.

Đơn vị tư vấn tính toán đoàn tàu khai thác tốc độ 320km/giờ đi từ Hà Nội đến Vinh mất một giờ, trong khi di chuyển bằng đường hàng không bao gồm thời gian bay, kiểm tra an ninh sẽ mất 3 giờ. Đường sắt đi trên chặng Hà Nội – Nha Trang là 4,2 giờ, tương đương đi máy bay và làm thủ tục khoảng 4,5 giờ; chặng Hà Nội – TP.HCM là 5,5 giờ, dài hơn máy bay chỉ một giờ.

Giá vé tàu tốc độ cao 320km/giờ được tính toán và giữ ở mức bằng khoảng 75% giá vé bình quân máy bay.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: ‘Một bộ phận đảng viên giữa đường gãy cánh’

Tuoitre – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, bà Trương Thị Mai trong một hội nghị được tổ chức vào ngày 22/7 đã thừa nhận ngày càng có nhiều tổ chức cơ sở Đảng bị kỷ luật, trong khi một số đảng viên thì ‘gãy cánh giữa chừng’. 

Theo bà Mai, trong nhiệm kỳ 2016 – 2020 có 664 tổ chức cơ sở Đảng bị kỷ luật, tăng 114 tổ chức so với nhiệm kỳ 2010 – 2015; trung bình mỗi năm có hơn 100 tổ chức bị thi hành kỷ luật.

Bà Mai cho biết, ‘mỗi nơi, tổ chức cơ sở Đảng bị kỷ luật thì ở đó lòng tin của nhân dân bị giảm sút. Sau này, đề nghị ở đâu tổ chức cơ sở Đảng bị kỷ luật phải thay cấp ủy. Không thể để mấy ông cán bộ bị kỷ luật ngồi đó mãi, ảnh hưởng lòng tin của dân”.

Về hạn chế của đội ngũ đảng viên, bà Mai chỉ rõ một bộ phận đảng viên thiếu năng lực, trình độ, phai nhạt lý tưởng, sống thực dụng, suy thoái, vi phạm pháp luật…

Phá đường dây cho vay nặng lãi hơn 2.000%/năm

Chiều 21/7, xác nhận với Vietnamnet, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (A05) cho biết, vừa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (C02) và Công an tỉnh Lào Cai triệt phá đường dây cho vay nặng lãi quy mô lớn, hoạt động xuyên quốc gia do các đối tượng nước ngoài cầm đầu.

Để hoạt động, các đối tượng thành lập Công ty TNHH Công nghệ Funmobi và bộ phận quản lý, điều hành, thẩm định, hỗ trợ hoạt động vay đặt tại TP.HCM; bộ phận trung gian thanh toán hoạt động chi hộ/thu hộ đặt tại TP.Hà Nội và bộ phận nhắc nợ/thu hồi nợ đặt tại tỉnh Lào Cai.

Ba bộ phận này giao cho Nguyễn Thị Hoài Thương (29 tuổi, trú Quận 9, TP.HCM), Phạm Thị Huyền (32 tuổi, trú TP.Lào Cai, Lào Cai) và Chống Ngọc Phụng (23 tuổi, trú quận Bình Thạnh, TP.HCM) điều hành.

Đường dây này sử dụng gần 300 ứng dụng cho vay tiền trên điện thoại di động như Vndong, Hitien, Zdong, Hvay,… đồng thời liên kết với gần 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính để cung cấp các gói sản phẩm cho vay trị giá từ 2 đến 7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày với lãi suất hơn 2.000%/năm.

Theo A05, tính đến nay đã có khoảng 159.000 khách hàng vay tiền qua các ứng dụng Vndong, Hitien, Zdong, Hvay,… với tổng số tiền vay là 1.802 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 659,6 tỷ đồng, số tiền thực tế khách hàng đã trả nợ là 830,1 tỷ đồng, phí phạt là 9,87 tỷ đồng, số tiền thu lời bất chính là 322,6 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng đã làm việc với 41 nghi phạm, thu giữ 72 điện thoại di động, 43 máy tính và giấy tờ, tài liệu có liên quan đến hành cho vay lãi nặng này.

Sở Y tế TP.HCM triển khai thí điểm ‘cấp cứu trầm cảm’

Thanh Niên – Ngày 22/7, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở Y tế triển khai thử nghiệm “cấp cứu trầm cảm” ngoại viện do Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đảm trách.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, khi phát hiện người thân trong gia đình hoặc đồng nghiệp, một thành viên trong một tập thể cùng làm việc chung, sinh hoạt chung có các biểu hiện và dấu hiệu của chứng trầm cảm nặng thì gọi ngay đến số 115 – số trực cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc số 19001267 – số điện thoại chăm sóc khách hàng của Bệnh viện Tâm thần.

Sau khi tiếp nhận cuộc gọi, nhân viên y tế trực tổng đài sẽ hỏi một số câu hỏi sàng lọc và sẽ báo tin khẩn cấp đến đội cấp cứu 115. Nhận được tin, đội cấp cứu ngoại viện 115 sẽ tiếp cận hiện trường để thuyết phục và đưa người bệnh đến Bệnh viện Tâm thần để được chăm sóc và điều trị. Khi tình trạng rối loạn tâm thần thuyên giảm, người bệnh sẽ được chuyển về địa phương chăm sóc ngoại trú thông qua mạng lưới chăm sóc rối loạn tâm thần dựa vào cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm: