Mục lục bài viết
Cháy bãi giữ xe vi phạm giao thông, hàng trăm xe máy bị thiêu rụi
Thanh Niên – Chiều 22/5, Công an TP. Thủ Dầu Một đã có thông tin sơ bộ liên quan đến vụ cháy bãi giữ xe vi phạm giao thông của Công an P.Tân An (TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương).

Theo báo cáo của công an, vụ cháy xảy ra lúc gần 11 giờ cùng ngày, sau khi được dập tắt đã có 144 chiếc xe máy đã bị thiêu rụi. Rất may không có thiệt hại về người. Nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra.
Đề nghị giữ Lịch sử là môn học bắt buộc
VnExpress – Sáng 22/5, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể thảo luận chương trình dạy Lịch sử bậc THPT. Phó chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân, quy định Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ cần thiết kế khối lượng kiến thức lịch sử phần bắt buộc và phần lựa chọn cho phù hợp.
Giải thích về đề nghị trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho biết đa số thành viên Ủy ban không đồng tình việc đưa Lịch sử bậc THPT thành môn lựa chọn. Ủy ban đánh giá, Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử.
Môn học này còn bồi dưỡng cho học sinh năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội.
Học sinh THPT (15-17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, xã hội, các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người. Việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh THPT là cần thiết nhằm phát triển toàn diện, khêu gợi khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.
“Nếu không lựa chọn môn Lịch sử ở cấp THPT (tỷ lệ có thể lên tới 50%), các em sẽ không được tiếp cận với kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này”, bà Hoa nói, thêm rằng ở nhiều nước, môn Lịch sử bậc THPT luôn bắt buộc.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đồng tình Lịch sử phải là môn học bắt buộc vì thực tế học sinh THPT không mặn mà với môn học này, điểm số tại nhiều kỳ thi rất kém. Nguyên nhân không hẳn do Lịch sử không hấp dẫn mà chương trình nặng về “hàn lâm, ôm đồm và cách trình bày khá tẻ nhạt”. Bà đề nghị thay đổi theo hướng khuyến khích các em nhìn nhận, đánh giá chứ không chỉ thụ động tiếp thu.
Người nuôi heo ‘méo mặt’ khi giá thức ăn tăng tiếp
Thanh Niên – Các công ty kinh doanh và sản xuất thức ăn chăn nuôi lại thông báo tăng giá thức ăn chăn nuôi từ ngày 25/5 tới.
Công ty TNHH Tongwei Tiền Giang vừa phát đi thông báo: Từ ngày 26/5, giá sản phẩm cám heo con và đậm đặc tăng 400 đồng/kg; tất cả sản phẩm còn lại tăng 300 đồng/kg.

Tương tự, Công ty TNHH Sunjin Vina – chi nhánh Tiền Giang cũng thông báo tăng giá thức ăn gia súc, gia cầm từ ngày 27/5 với mức tăng 400 đồng/kg đối với thức ăn hỗn hợp lợn con và đậm đặc; tăng 300 đồng/kg với tất cả sản phẩm còn lại.
Trước đó, Công ty cổ phần MNS Feed cũng thông báo chính thức tăng giá thức ăn chăn nuôi từ ngày 26/5. Cụ thể, tăng 400 đồng/kg đối với thức ăn cho heo con; tăng 320 đồng/kg đối với thức ăn dành cho heo thịt… Công ty TNHH De Heus cũng tăng giá thức ăn chăn nuôi thêm từ 300 – 400 đồng/kg. Công ty TNHH Jafta Comfeed Việt Nam tăng giá thức ăn chăn nuôi từ ngày 25/5 thêm 300 đồng/kg.
Như vậy, đây là lần tăng giá thức ăn chăn nuôi lần thứ 5 trong năm nay. Nguyên nhân tăng giá thức ăn chăn nuôi được các công ty đưa ra là do nguyên liệu nhập khẩu đầu vào tăng giá quá mạnh. Sau tăng, chi phí trung bình mỗi con heo bán ra bị tăng thêm khoảng 100.000 đồng chỉ riêng tiền thức ăn chăn nuôi tại kỳ tăng giá này.
Ngân hàng Nhà nước cảnh báo nợ xấu tăng, đặc biệt là bất động sản
Thanh Niên – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa có báo cáo bổ sung tới Quốc Hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh COVID-19, NHNN cho biết hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề. Theo đó doanh thu và khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn bị sụt giảm kéo theo sự suy giảm chất lượng tín dụng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
“Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD vẫn đang được kiểm soát dưới mức 2%, tuy nhiên những khó khăn của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp, người dân có thể sẽ bộc lộ rõ nét hơn trong thời gian tới, khi đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dự báo sẽ tiếp tục tăng”, cơ quan này nhận định.
Bên cạnh đó, theo NHNN dịch bệnh đã tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của khách hàng, dẫn đến kết quả xử lý nợ xấu thông qua hình thức khách hàng trả nợ và xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt là tài sản bằng bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi.
Ngoài tác động làm suy giảm chất lượng tài sản, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp còn có nguy cơ làm suy giảm mức độ an toàn vốn cũng như kết quả kinh doanh của các TCTD khi các TCTD phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro.
Thời gian gần đây, kết quả kinh doanh của hệ thống các TCTD được cải thiện, song NHNN cho rằng, kết quả này có được chủ yếu là do các TCTD nỗ lực tiết giảm chi phí, đẩy mạnh tăng trưởng từ các mảng hoạt động dịch vụ. Hoạt động tín dụng hiện vẫn là hoạt động mang lại nguồn thu chủ yếu cho các TCTD song sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2019 đã làm giảm tốc độ tăng trưởng thu nhập từ lãi của các TCTD trong thời gian gần đây.
Trong bối cảnh đó, dự báo TCTD có thể gặp khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ xấu nói chung, nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 nói riêng và dự kiến nợ xấu của ngành ngân hàng có thể gia tăng trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm: