Mục lục bài viết
Kỷ luật, đề nghị chuyển công tác hai CSGT có lời nói thiếu văn hoá
Zingnews – Ngày 20/7, Công an tỉnh Hậu Giang cho hay vừa có quyết định kỷ luật đối với hai cảnh sát giao thông có hành vi sai phạm khi thi hành nhiệm vụ.
Theo diễn tiến vụ việc, ngày 25/6, Tổ tuần tra gồm 3 cảnh sát giao thông khi tuần tra trên địa bàn TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang thì phát hiện một ôtô điều khiển vi phạm luật giao thông.
Do người điều khiển phương tiện vi phạm không có giấy phép lái xe nên cán bộ Tổ tuần tra là đại úy Lê Vũ Đức và đại úy Phan Thành Đỉnh đã trực tiếp điều khiển xe về chốt để xử lý theo quy định.
Trong quá trình điều khiển phương tiện về chốt, đại úy Đức và đại úy Đỉnh đã vi phạm Luật Giao thông khi không thắt dây an toàn và nhiều lần thốt ra những lời không văn hoá.
Hành vi của 2 cán bộ CSGT đã được camera ghi lại và phát tán trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của lực lượng công an.
Phạt tối đa một triệu đồng với hộ dân không phân loại rác
VnExpress – Hộ gia đình, cá nhân không phân loại; hoặc không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ bị phạt từ 0,5 đến một triệu đồng.
Theo Nghị định 45/2002, có hiệu lực từ ngày 25/8 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị, chung cư, tòa nhà văn phòng bị phạt từ 200 đến 250 triệu đồng nếu không bố trí thiết bị, phương tiện, địa điểm để phân loại tại nguồn, thu gom, lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt.
Mức phạt từ 250 đến 300 triệu đồng áp dụng đối với hành vi không tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân; không bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trong khuôn viên của dự án đầu tư.
Quy định cụ thể về phân loại rác sẽ do UBND các tỉnh thành ban hành tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương.
Ông Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng việc ban hành chế tài xử phạt người dân không phân loại rác là hợp lý. Tuy nhiên cơ sở vật chất, nhân lực ở Việt Nam hiện nay chưa đảm bảo cho việc phân loại rác tại nguồn đồng bộ từ người dân, thu gom, tập kết đến vận chuyển và xử lý. Minh chứng là các đợt thí điểm ở Hà Nội, TP.HCM kết quả đều không thành công.
Để quy định đi vào cuộc sống, ông Tùng cho rằng thời gian tới cần tổ chức đào tạo cho người dân cũng như đội ngũ thu gom để họ nắm được quy tắc, cách thức phân loại, thu gom rác hợp lý.
Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết mỗi ngày cả nước phát sinh gần 45.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó TP.HCM khoảng 9.500 tấn, Hà Nội hơn 6.500 tấn.
Cá heo trôi dạt vào vịnh Dung Quất
Dantri – Vừa qua, một con cá heo dài 2m, nặng khoảng 1 tạ đã bị trôi dạt vào vùng vịnh Dung Quất. Người dân hợp sức đưa cá ra khơi nhưng bất thành.
Được biết, Con cá heo được một nhóm du khách phát hiện tại khu vực biển Rạng thuộc vùng vịnh Dung Quất vào chiều 19/7. Đây là khu vực giáp ranh giữa tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam.
Ông Nguyễn Duy Khắc – một du khách tham gia giải cứu cá heo – cho biết, con cá dài hơn 2m, nặng khoảng 1 tạ. Cá heo không bị thương nhưng có biểu hiện đuối sức. Nhóm du khách hợp sức đưa cá ra khơi nhưng cá không thể tự bơi nên bị sóng đánh dạt vào bờ.
Mất hơn 2 giờ đưa cá ra khơi nhưng bất thành, nhóm du khách báo cho người dân địa phương tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên, con cá heo sau đó đuối sức dần rồi chết.
Đến sáng 20/7, người dân địa phương đã chôn cất cá heo theo tín ngưỡng của làng chài.
Vùng vịnh Dung Quất thường xuyên có cá voi, cá heo dạt vào bờ. Những con cá dạt vào bờ hầu hết sẽ đuối sức và chết sau đó. Cá voi và cá heo chết sẽ được ngư dân chôn cất, thờ phụng với niềm tin chúng sẽ che chở, giúp đỡ khi gặp nạn trên biển.
Bệnh cúm ở Hà Nội tăng mạnh, có ca phải thở máy
Dantri – Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân.
Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội trong thời gian vừa qua ghi nhận tình trạng dịch cúm bùng phát mạnh trái mùa.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, thống kê từ đầu năm đến 17/7, Thủ đô đã ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Số ca mắc có xu hướng gia tăng trong 4 tháng trở lại đây, trong tháng 6 đã ghi nhận 887 trường hợp mắc, tăng 60% so với số mắc ghi nhận trong tháng 5.
Theo số liệu báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tổng số bệnh nhân mắc cúm trên địa bàn Hà Nội điều trị tại bệnh viện là 252 trường hợp, bệnh nhân ghi nhận chủ yếu ở nhóm đối tượng trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 44,1%), tiếp đó là nhóm tuổi 18-49 tuổi (chiếm 39,7%).
Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, điều trị ngoại trú; 71 trường hợp có chỉ định nhập viện (chủ yếu là trẻ em, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, hầu hết điều trị khỏi sau 3-4 ngày).
Đáng chú ý, chỉ trong 2 tuần gần đây, đã có gần 100 bệnh nhân tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để thăm khám do xuất hiện triệu chứng của cúm. Trong đó, có nhiều bệnh nhân đều là công nhân hoặc người nhà tại cùng một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh.
Theo TS Văn Đình Tráng, phụ trách khoa Vi sinh – Sinh học phân tử, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong số 100 mẫu bệnh phẩm được đưa tới khoa trong thời gian qua, có tới 60% dương tính với cúm A.
Bệnh viện Thanh Nhàn có ngày ghi nhận đến 20 bệnh nhân mắc cúm A, tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ các năm.
Theo BS Phạm Thị Kiều Loan – Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Hà Nội, có 4 chủng virus cúm mùa gồm: A, B, C và D, trong đó virus cúm A và B là 2 chủng chính ở người có thể gây ra các đợt dịch cúm mùa, cũng như các trường hợp tản phát và đợt bùng phát ngoài mùa cúm.
Thời gian ủ bệnh dao động từ 1 – 4 ngày (trung bình là 2 ngày).
Bệnh cúm mùa đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng như sốt, ho, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, đau họng và chảy nước mũi. Tuy nhiên không phải trường hợp nào mắc cúm đều có đầy đủ các triệu chứng của bệnh, ước tính có khoảng 75% các ca nhiễm cúm không có triệu chứng điển hình.
Có thể bạn quan tâm: