Hà Nội đề xuất tăng gần gấp đôi học phí trường công

PLO – Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP. Hà Nội vừa có dự thảo nghị quyết về việc quy định mức thu học phí với các trường mầm non, phổ thông công lập tại Hà Nội từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026 để xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP. Hà Nội.

Theo đó, trong năm học 2022-2023, dự kiến mức học phí THCS từ 50.000-300.000 đồng/tháng, gấp đôi mức 19.000-155.000 đồng đang áp dụng, hầu hết các bậc còn lại có mức tăng tương tự.

Theo đó, 12 quận nội thành và các phường tại thị xã Sơn Tây thuộc vùng 1; các thị trấn thuộc 17 huyện ngoại thành là vùng 2; các xã (trừ xã miền núi) của 18 huyện, thị thuộc vùng 3; còn lại các xã miền núi được xếp vào vùng 4. Năm trước, Hà Nội chia thành ba vùng, gồm thành thị, nông thôn và miền núi.

Dự thảo nghị quyết được xây dựng theo khung học phí mới tại nghị định 81/2021 của Chính phủ. Học phí dự kiến của Hà Nội ở mức sàn, tức mức thu thấp nhất. Với các trường chưa đảm bảo chi thường xuyên, học phí vùng 1 và 2 là 300.000 đồng mỗi tháng. Hai vùng còn lại thấp hơn, dao động 100.000-200.000 đồng (vùng 3) và 50.000-100.000 đồng (vùng 4).

Như vậy, năm mới tới đây học phí ở Hà Nội có thể sẽ tăng gấp đôi năm ngoái, trừ bậc THPT vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng.

Hà Nội chọn huyện Thường Tín để xây sân bay thứ hai

VTC – Tin từ Vụ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Hội đồng thẩm định Nhà nước đang trình Thủ tướng phê duyệt Đề án quy hoạch mạng cảng hàng không – sân bay cấp quốc gia. Trong đề án có  quy hoạch sân bay thứ hai của Hà Nội.

Vị trí xây dựng sân bay này đã được Hà Nội đề xuất đặt ở khu vực huyện Thường Tín. Theo đánh giá, vị trí này có thể tránh được núi ở khu vực phía Tây, ít ảnh hưởng tới vệt tiếp cận của máy bay khi về Nội Bài. Đồng thời có thể nghiên cứu hướng đường cất, hạ cánh song song với đường cất – hạ cánh của sân bay Nội Bài.

“Hà Nội cơ bản đã thống nhất ở khu vực Thường Tín, vị trí xây dựng chi tiết sau này sẽ có quy hoạch cụ thể”, nguồn tin cho hay.

Nghiên cứu sân bay thứ hai cho Hà Nội đặt ra nhằm giải quyết trường hợp sân bay Nội Bài bị quá tải.

Tỉnh đầu tiên chi tiền hỗ trợ thuê trọ cho lao động

VnExpress – Ngày 20/5, UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt hỗ trợ tiền trọ cho công nhân các công ty chế biến thủy sản trên địa bàn, mức tiền 500.000 đồng mỗi người. Theo quy định, tiền sẽ được chuyển về doanh nghiệp chi trả trực tiếp cho người lao động trong 2 ngày. Đây là những lao động đầu tiên nhận hỗ trợ, sau gần hai tháng triển khai gói an sinh trên cả nước với dự kiến 3,4 triệu người thụ hưởng.

Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện 55 địa phương đã ban hành kế hoạch giải ngân hỗ trợ; 6 tỉnh chưa có động thái và hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên không có lao động thuộc chính sách hỗ trợ. Tiến độ giải ngân chậm do địa phương đang rà soát, hoàn thiện thủ tục. Doanh nghiệp, người lao động đang làm hồ sơ, lập danh sách và qua các bước xác nhận từ cơ quan chức năng.

Một số địa phương đông lao động thuê trọ như Bắc Giang dự kiến 90.000 người nhận hỗ trợ, Bảo hiểm xã hội tỉnh này đã xác nhận hơn 2.000 hồ sơ. TP.HCM có khoảng 1,2 triệu lao động thụ hưởng, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã duyệt hồ sơ cho 15.000 người.

Hôm qua, Chính phủ đã có công điện đôn đốc các tỉnh thành nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ tiền thuê trọ và hoàn thành trong tháng 8.

Gói 6.600 tỷ đồng được Chính phủ ban hành hôm 28/3, hỗ trợ tiền nhà cho lao động với mức 1,5-3 triệu đồng mỗi người, tối đa ba tháng. Hai nhóm thụ hưởng gồm người có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội đang làm việc trong doanh nghiệp và người quay lại thị trường lao động, làm việc khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế, 24 tỉnh thành thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm.

Mỹ và EU tăng mạnh nhập khẩu quần áo và giày dép từ Việt Nam

Theo The SaiGon Times, các nhà mua hàng của Mỹ và các nước trong khu vực châu Âu (EU) đã tăng mạnh nhập khẩu các sản phẩm may mặc và giày dép từ Việt Nam.

Theo số liệu cập nhật mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 4 vừa qua, xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,15 tỉ đô la Mỹ, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 11,83 tỉ đô la, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 2,15 tỉ đô la.

Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong 4 tháng vừa qua tăng mạnh sang Mỹ với trị giá xấp xỉ 6 tỉ đô la, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng tăng 1,26 tỉ đô la. Với kết quả này, thị trường Mỹ đóng góp đến 59% vào trị giá tăng xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.

Số liệu diễn biến xuất khẩu trong 4 tháng từ năm 2012 đến nay cũng cho thấy, xuất khẩu nhóm hàng này sang EU cũng tăng vượt trội trong 4 tháng đầu năm, đạt gần 1,3 tỉ đô la, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước.

Một số thị trường khác như Hàn Quốc trong cùng thời gian trên đạt 1 tỉ đô la, tăng 8,7%. Nhật Bản cũng là một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhóm mặt hàng này của Việt Nam, đạt 1,05 tỉ đô la, nhưng lại sụt giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái…

Các doanh nghiệp lớn trong ngành nhận định tương đối khả quan về tăng trưởng xuất khẩu ngành may mặc sang Mỹ và EU trong thời gian tới, do đây là nhóm mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam, đều được các đối tác quay trở lại, đơn hàng dài, số lượng lớn.

Mặt khác, xu hướng hiện nay các khách hàng, nhà nhập khẩu đều muốn giảm bớt khâu trung gian, và làm trực tiếp với các đơn vị sản xuất nhằm giảm bớt chi phí.

Đồng thời, với chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, nhiều khách hàng lo ngại sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung, gián đoạn chuỗi cung ứng, nên có xu hướng chuyển đơn hàng sang các nước lân cận, và Việt Nam đang có lợi thế trong khu vực về ngành hàng dệt may.

Đối với lĩnh vực giày dép, số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu giày dép trong 4 tháng qua đạt trên gần 7,32 tỉ đô la, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường Mỹ đạt kim ngạch lớn nhất,3,16 tỉ đô la, chiếm 43% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường EU đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt trên 1,77 tỉ đô la, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 24,3%.

Các chuyên gia cho rằng, các nhà nhập khẩu Mỹ có xu hướng chuyển dịch nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia cung ứng truyền thống sang các quốc gia mới nổi khác. Và Việt Nam đã “ghi điểm” trong mắt các nhà nhập khẩu Mỹ, EU, Nhật Bản… nhờ sản phẩm chất lượng, ổn định, giá cả cạnh tranh.

Có thể bạn quan tâm: