Mục lục bài viết
Điều tra lại vụ án mẹ ‘nữ sinh giao gà’
TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại vụ án bà Trần Thị Hiền, mẹ của “nữ sinh giao gà”, bị cáo buộc mua bán ma túy.
Ngày 18/5, tại trụ sở TAND tỉnh Điện Biên, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng cáo kêu oan của bà Hiền, 46 tuổi và Vì Thị Thu, 40 tuổi, về tội Mua bán trái phép chất ma túy.
Vụ án còn có 3 bị cáo khác nhưng không kháng cáo là Vì Văn Toán (chồng Thu), Lường Văn Hùng và Bùi Văn Công. Ba người này đều bị tuyên phạt tử hình về các tội Giết người, Hiếp dâm, Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản trong vụ án cưỡng bức, sát hại con gái bà Hiền.
Chiều 19/5, sau hai ngày xét xử, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy bản án sơ thẩm, đề nghị giữ nguyên quyết định với bị cáo Thu và điều tra lại phần liên quan bà Hiền. Tòa yêu cầu làm rõ nhiều vấn đề như lời khai mâu thuẫn của các bị cáo, kết quả giám định, thực nghiệm hiện trường, tài liệu về số tiền mua bán ma túy,…
Luật sư Vũ Thị Nga (bào chữa cho bà Hiền) cho rằng lẽ ra vụ án nên hủy từ phiên sơ thẩm do “vi phạm tố tụng nghiêm trọng”. Hơn nữa, HĐXX nên hủy toàn bộ nội dung vụ án để điều tra lại cho khách quan bởi nhiều nội dung còn mâu thuẫn – VnExpress.
Cựu thứ trưởng Trương Quốc Cường bị phạt 4 năm tù
VnExpress – Sau ba ngày nghị án, 14h hôm nay TAND Hà Nội chưa tuyên án như thông báo mà bất ngờ quay lại phần xét hỏi với việc VKS đưa ra mức án đề nghị mới cho một số người với lý do “xét thái độ thành khẩn”. Trong đó, cựu thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường được đề nghị 4-5 năm tù, giảm 3 năm so với án đề nghị trước đó, 7-8 năm.
Hai cựu cán bộ Cục Quản lý Dược là Phạm Hồng Châu và Nguyễn Thị Thu Thuỷ; cựu chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng và bốn cựu nhân viên cũng được VKS đề nghị mức án mới, thấp hơn từ 6 tháng đến 24 tháng so với trước.
Theo bản án tuyên lúc 16h, cựu thứ trưởng Trương Quốc Cường bị phạt 4 năm tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2, điều 285, Bộ luật Hình sự năm 1999. Ông Cường bị cấm đảm nhiệm các chức vụ, hành nghề liên quan y – dược trong vòng 3 năm sau khi chấp hành sau bản án.
Cựu chủ tịch VN Pharma Nguyễn Minh Hùng, nhận thêm 18 năm tù về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Tổng hợp với bản án 17 năm tù tại vụ án thuốc giả của VN Pharma giai đoạn 1, bị cáo phải chấp hành 30 năm tù.
12 bị cáo còn lại, bị HĐXX tuyên phạt mức án 2-20 năm tù. Các bị cáo phạm tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh buộc phải liên đới bồi thường thiệt hại vụ án, được xác định 31,5 tỷ đồng. Trong đó, riêng Nguyễn Minh Hùng phải bồi thường 10 tỷ đồng.
HĐXX cho biếttrong vụ án có nhiều cá nhân liên quan song chưa bị khởi tố, vì thế sẽ tiếp tục kiến nghị làm rõ. “Việc tòa không đề cập những người này không phải là thiếu sót, cũng không phải là bỏ lọt tội phạm”, bản án nêu.
Bản án xác định, năm 2008-2010, Nguyễn Lê Xuân Khang (người Việt Nam quốc tịch Canada) bàn với Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) làm giả hồ sơ các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada để nhờ hai công ty đứng tên xin cấp số đăng ký.
Một số cán bộ Cục Quản lý Dược vì “thiếu trách nhiệm hoặc có động cơ cá nhân” đã làm trái công vụ trong quá trình thẩm định, xét duyệt. Vì thế, 7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada được cấp số đăng ký.
Từ đây, một số lượng lớn tân dược được buôn bán, nhập khẩu bằng nhiều hợp đồng và phụ lục, chứng từ giả.
Tại vụ án này, tổng lượng thuốc nhập 838.100 hộp, trị giá hơn 1,2 triệu USD, được nâng khống thành hơn 2,5 triệu USD, tương đương 54 tỷ đồng. Số thuốc giả đã được VN Pharma bán cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc hơn 600.000 hộp, thu lợi bất chính hơn 31,5 tỷ đồng.
Trong vụ án, Khang được xác định trực tiếp thỏa thuận mua bán 6 thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada cho 5 doanh nghiệp trong nước thông qua 36 hợp đồng, tổng gần 1,6 triệu hộp, trị giá 4,6 triệu USD (tương đương 94,6 tỷ đồng). Hiện Khang bỏ trốn, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xử lý khi bắt được.
Nhiều dự án điện gió hoàn thành nhưng không thể vận hành
Thanhnien – Ngày 18/5, Sở KH-ĐT tỉnh Gia Lai cho biết hiện có 7 dự án điện gió đầu tư trên địa bàn được công nhận vận hành thương mại toàn nhà máy với tổng công suất 446,2 MW, 4 dự án điện gió được công nhận vận hành thương mại một phần dự án với tổng công suất 117,2 MW.
Ngoài ra, còn có 5 dự án điện gió đã triển khai thi công nhưng chưa được công nhận vận hành thương mại với tổng công suất 341,2 MW và 1 dự án điện gió đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng với tổng công suất 50 MW.
Với suất đầu tư khoảng 2 triệu USD/MW điện gió, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào điện gió đang như ngồi trên lửa do không thể vận hành. Nguyên nhân là do các dự án hoàn thành sau ngày 31/10/2021, hiện vẫn chưa được Bộ Công thương ban hành giá bán điện.
Đề xuất chi gần 23.000 tỷ đồng làm đường Vành đai 4
VnExpress – UBND TP. Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND cùng cấp bố trí vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Theo phân kỳ, giai đoạn 2021-2025 dự án cần hơn 19.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 hơn 3.800 tỷ đồng.
Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư Vành đai 4 vùng Thủ đô hơn 85.800 tỷ đồng, chia thành ba nhóm dự án với 7 dự án thành phần. Trong đó, nhóm một với 3 dự án thành phần giải phóng mặt bằng ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Nhóm hai với 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn 3 địa phương. Nhóm ba với một dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc theo phương thức đối tác công tư loại hợp đồng BOT.
Theo chương trình làm việc, ngày 20/5, HĐND TP. Hà Nội họp chuyên đề xem xét, quyết định về việc bố trí, cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô.
Tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô dài 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài – Hạ Long). Trong đó, đoạn qua Hà Nội 58,2km, qua Hưng Yên 19,3, qua Bắc Ninh 25,6 và tuyến nối 9,7km.
Quy mô đường 4 làn xe cao tốc, tốc độ 80km/h; có 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh cắt ngang với đường hiện trạng và các lối ra vào cao tốc. Dự kiến 65% tuyến đi trên cao.
Có thể bạn quan tâm: