Đề nghị cấm ‘chia lô bán nền’ khi sửa luật Đất đai

VnExpress – GS Đặng Hùng Võ đề nghị cấm “chia lô bán nền” trong dự án Luật Đất đai sửa đổi để tránh “chôn” tiền vào đất, không thúc đẩy sự phát triển.

Bộ Tài nguyên Môi trường đang hoàn chỉnh dự án Luật Đất đai sửa đổi, chuẩn bị trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (khai mạc vào tháng 5). Chia sẻ tại hội thảo khoa học do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, Giáo sư Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường) cho biết, cơ quan soạn thảo đã bốn lần đề cập đến mục tiêu sửa Luật Đất đai. Đó là sửa luật để phát triển nông nghiệp, phát triển bất động sản du lịch, tháo gỡ ách tắc trong phê duyệt đất dự án nhà ở, và giải quyết việc người nước ngoài nhờ người Việt đứng tên các lô đất ở Việt Nam.

Cho rằng dự luật vẫn còn vĩ mô, chưa giải quyết các vấn đề cụ thể, ông Võ đề xuất ban soạn thảo “cấm chia lô bán nền, chỉ sử dụng cách thức này ở một số vùng nông thôn đang cần đất ở cho các hộ gia đình tách ra từ một hộ, không mang tính thị trường”. Nguyên nhân là chia lô bán nền khiến người dân tích tiền trong đất, để nguyên đất mà không xây dựng hạ tầng phát triển kinh doanh. Điều này chỉ mang lại hiệu quả kinh tế ngắn hạn, lâu dài sẽ phát sinh nhiều hệ lụy, làm cạn kiệt tài nguyên.

Theo ông Võ, sau Luật Đất đai 2003, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã viết tay yêu cầu Nghị định 181 phải có điều cấm hoàn toàn phân lô bán nền ở khu vực đô thị và phát triển quy hoạch đô thị. Nhưng chỉ vài năm sau đó, quy định lại mở hơn, cho phép phân lô bán nền ở thị trấn và nông thôn. Đến Luật Đất đai 2013 thì cho phép chia lô bán nền ngay trung tâm thành phố. “Điều này là không hợp lý nên cơ chế chia lô bán nền phải dứt khoát bỏ. Đất sốt đầu tiên là ở đất nền, sau đó mới ở loại đất khác”, ông nói.

GS Võ cũng cho rằng, dự luật cần quy định “vốn hóa đất đai”, nghĩa là có các phương thức chuyển đất đai thành vốn được tính bằng tiền. Ví như Nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng làm tăng giá trị đất. Phương thức này đã được Đà Nẵng thực hiện thành công, khi thành phố phát triển hạ tầng đô thị tại các xóm nghèo của ngư dân giữa sông Hàn và bãi biển Mỹ Khê để tạo dựng trung tâm thành phố mới. Ngư dân được tái định cư tới các làng chài mới có điều kiện sống tốt hơn. Sau đó, chính quyền thu toàn bộ giá trị đất đai tăng thêm tại các khu đô thị mới và đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị Đà Nẵng cũ.

Theo kinh nghiệm đầu tư của các nước châu Âu, châu Mỹ, việc bỏ tiền ra làm hạ tầng luôn mang lại giá trị đất đai tăng thêm, bù đắp toàn bộ số tiền đã bỏ ra, đem lại lợi ích cho cả chính quyền và người dân. Tuy nhiên, hình thức thu giá trị đất đai tăng thêm tại Việt Nam gần như đang bị bỏ qua (trừ Đà Nẵng). Đây là nhược điểm lớn trong hệ thống quản lý đất đai ở Việt Nam.

“Tôi cho rằng Việt Nam cần khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai thông qua vốn hóa, làm nguồn vốn chủ yếu để đầu tư phát triển. Có như vậy, kinh tế đất nước mới tự đứng trên đôi chân của mình chứ không phải trông chờ vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Heo hơi giảm sâu, giá thịt hầu như không thay đổi

Thanh Niên – Ngày 17/3, giá heo hơi trên cả 3 miền dao động trong khoảng 51.000 – 54.000 đồng/kg. Cùng thời điểm này của một năm trước, giá từ 73.000 – 77.000 đồng/kg. Lùi thêm 1 năm nữa, là giữa tháng 3.2020, giá heo hơi dao động từ 83.000 – 90.000 đồng/kg. Như vậy, trong 1 năm qua, giá heo hơi đã giảm khoảng 22.000 – 23.000 đồng/kg, tương đương giảm 28 – 30%. Nếu tính 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, giá heo hơi giảm trên dưới 35.000 đồng/kg.

Thế nhưng, khảo sát trên thị trường bán lẻ thịt heo ngày 17.3, giá thịt heo từ chợ dân sinh dao động từ 80.000 – 180.000 đồng/kg; trong các siêu thị Co.opMart, CitiMart, SatraFoods… thịt heo Vissan giá từ 85.000 – 255.000 đồng/kg; thịt heo C.P trong hệ thống Bách Hóa Xanh từ 130.000 – 238.000 đồng/kg; thịt Meat Deli trong chuỗi cửa hàng tiện lợi WinMart từ 140.000 – 190.000 đồng/kg; thịt heo sạch G-Kitchen từ 89.000 – 304.000 đồng/kg.

Đặc biệt, những mặt hàng thịt được tiêu thụ mạnh như sườn non, ba chỉ, nạc đùi… trong các hệ thống bán lẻ hiện đại đều có giá rất cao. Chẳng hạn, trong hệ thống SatraFoods, Co.opMart… sườn non heo có giá 255.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn 247.000 đồng/kg, ba rọi 185.000 đồng/kg, nạc dăm 171.000 đồng/kg, nạc đùi và vai heo 155.000 đồng/kg, thịt đùi heo 146.000 đồng/kg, cốt lết 125.000 đồng/kg. Trong Bách Hóa Xanh, ba rọi rút sườn 238.000 đồng/kg, ba rọi 176.000 đồng/kg, sườn non 218.000 đồng/kg. Trong cửa hàng thịt sạch G-Kitchen, sườn non heo 305.000 đồng/kg, ba rọi heo rút sườn 278.000 đồng/kg, ba rọi 210.000 đồng/kg, nạc vai 186.000 đồng/kg, thịt đùi 180.000 đồng/kg. Tại một số chợ dân sinh khu vực Q.1, Q.Tân Bình, sườn non và ba rọi rút sườn giá 180.000 đồng/kg; sườn già, nạc dăm 130.000 đồng/kg; cốt lết, thịt xay 110.000 đồng/kg…

Dữ liệu giá thịt heo tại các siêu thị khu vực TP.HCM đúng 1 năm trước cho thấy, có khá nhiều mặt hàng thịt heo trong siêu thị thấp hơn giá bán hiện tại từ 2.000 – 10.000 đồng. Cụ thể, thịt ba rọi 180.000 đồng/kg (thấp hơn giá hiện tại 5.000 đồng/kg), nạc dăm 169.000 đồng/kg (thấp hơn 2.000 đồng), nạc đùi 145.000 đồng/kg (thấp hơn 10.000 đồng), thịt vai 135.000 đồng/kg (thấp hơn 20.000 đồng/kg)… Cùng thời điểm, giá thịt mát Meat Deli năm ngoái so với năm nay có tăng, giảm tùy mặt hàng. Chẳng hạn, ngày 17.3.2021, thịt ba rọi giá 205.000 đồng/kg (cao hơn giá hiện tại 15.000 đồng), nạc vai 172.000 đồng/kg (cao hơn 22.000 đồng), thịt đùi heo 140.000 đồng/kg (thấp hơn 10.000 đồng), nạc đùi 146.000 đồng/kg (thấp hơn 4.000 đồng)… So với giá thịt tại chợ dân sinh ngày 17.3.2021, mức giá sau một năm tương đương, từ 110.000 – 180.000 đồng/kg, trong đó, cao nhất vẫn là sườn non và ba rọi rút sườn từ 180.000 đồng/kg – bằng mức giá bán hiện tại.

Có thể thấy, bất chấp giá heo hơi hiện tại đã thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái (77.000 đồng/kg), song giá thịt heo trong siêu thị không có nhiều thay đổi, thậm chí có nhiều mặt hàng còn cao giá hơn.

Lợi nhuận người trồng lúa giảm hơn 11 triệu đồng/ha vì chi phí tăng

Thanh Niên – Cùng thời điểm năm trước, lợi nhuận vụ đông xuân 2020 – 2021 của người trồng lúa là 29,1 triệu đồng/ha. Nhưng năm nay chi phí vật tư tăng cao đã khiến lợi nhuận nông dân giảm mạnh, chỉ còn 18,2 triệu đồng/ha.

Cụ thể tại hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ đông xuân 2021 – 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông và vụ mùa 2022 khu vực Nam bộ, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Tổng diện tích xuống giống vụ đông xuân 2021 – 2022 toàn vùng Nam bộ là 1,5 triệu ha, giảm 18.260 ha; năng suất ước đạt 71,91 tạ/ha, sản lượng ước đạt 11,3 triệu tấn, giảm 87.000 tấn so với vụ đông xuân 2020 – 2021.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất vụ đông xuân 2021 – 2022 là 3,266 triệu đồng/ha, năng suất bình quân đạt 71,96 tạ/ha, giá bán trung bình 5.500 đồng/kg lúa tươi thì lợi nhuận người nông dân có được là 18,209 triệu đồng/ha. Trong khi đó, giá thành sản xuất vụ đông xuân năm trước là 3.068 đồng/kg, năng suất bình quân 71,87 tạ/ha, lợi nhuận 29,103 triệu đồng/ha. Điều này có nghĩa chi phí vật tư tăng cao đã ăn vào lợi nhuận của người trồng lúa hơn 11 triệu đồng/ha.

Từ 5/5/2022 tạm dừng thu phí thủ công tại cao tốc Hà Nội – Hải Phòng

Laodong – Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và khai thác đường ôtô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ tạm dừng thu phí thủ công dự kiến từ ngày 0 giờ ngày 5.5 để chuyển sang áp dụng thí điểm hình thức thu phí điện tử không dừng (ETC).

Theo bà Bùi Thị Quỳnh, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đơn vị sẽ tạm dừng cung cấp các dịch vụ thu phí khác như thu phí một dừng (MTC) và thu phí bằng thẻ trả trước – Touch and Go (TNG) trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Theo đó, chỉ có các phương tiện tham gia giao thông sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng và bảo đảm số dư trong tài khoản thì mới lưu thông được qua các trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.

Tân Sơn Nhất tạm đóng một đường băng, khách cần theo dõi lịch bay

Zing – Ngày 18/3, các hãng hàng không đồng loạt khuyến nghị hành khách theo dõi lịch bay thường xuyên do một đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất vừa tạm dừng khai thác.

Việc này có thể ảnh hưởng đến giờ khởi hành, giờ đáp của các chuyến bay, đặc biệt trong khung giờ cao điểm có nhiều chuyến bay cất – hạ cánh.

Các hãng Vietnam Airlines, Bamboo Airways và Vietjet Air khuyến nghị hành khách thường xuyên theo dõi điện thoại hoặc email để cập nhật lịch bay trong trường hợp có thông báo thay đổi.

Đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết từ 21/2 đến nay, sân bay luân phiên đóng – mở đối với 2 đường băng để thi công, kết nối đường lăn mới. Dự kiến công tác thi công hoàn tất vào 30/4.

Có thể bạn quan tâm: