Người dân vụ xô xát công nhân thủy điện lên tiếng

Liên quan đến vụ xô xát giữa nhóm công nhân của Công ty TNHH năng lượng Mây Hồ xảy ra tại thôn Lủ Khấu, xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa) chiều 14/3, làm 8 người bị thương.

UBND tỉnh Lào Cai cho biết, nguyên nhân ban đầu là do trong phạm vi thi công dự án còn 3 hộ dân có trang trại nuôi cá hồi dưới hạ lưu chưa thống nhất được với chủ đầu tư thủy điện Mây Hồ về yêu cầu mức hỗ trợ, nên một số người dân đã ngăn hoạt động thi công và xảy ra xô xát với nhóm người của Công ty TNHH năng lượng Mây Hồ (chủ đầu tư thủy điện Mây Hồ).

Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 15/3, anh Chảo Láo Lở (người dân xã Ngũ Chỉ Sơn) cho biết do bức xúc về việc chủ đầu tư dự án thủy điện Mây Hồ chưa đền bù nhưng vẫn tiến hành thi công, gây ảnh hưởng đến trang trại nuôi cá của các hộ dân trong xã nên người dân đã tập trung để phản đối.

“Chủ đầu tư đền bù với giá thấp nên chúng tôi chưa đồng ý. Mỗi khi dự án thi công, đào múc suối thì dòng nước bị đục, bẩn khiến cá nuôi bị chết. 

Nhiều lần chúng tôi đề nghị chủ đầu tư đền bù thỏa đáng để chúng tôi kiếm kế sinh nhai khác nhưng không được nên chiều qua người dân đã tập trung không cho xe công trình đi. 

Sau đó, có một nhóm thanh niên tới cầm theo gậy lao vào đánh người dân nên chúng tôi phải dùng những viên đá để đuổi nhóm người này” – anh Lở nói.

Ông Vù A Súa, bí thư Đảng ủy xã Ngũ Chỉ Sơn, cũng xác nhận đây là nguyên dân chính dẫn tới việc người dân ngăn cản thi công và xảy ra xô xát.

“Có 3 trang trại cá của 9 hộ dân xã Ngũ Chỉ Sơn ở phía sau đập thủy điện Mây Hồ. Theo kế hoạch, khi thủy điện đi vào hoạt động thì người dân sẽ mất nguồn nước để nuôi cá, do đó chủ đầu tư phải hỗ trợ cho người dân.

Do chưa thống nhất được mức hỗ trợ, người dân chưa nhận đền bù nhưng chủ đầu tư vẫn thi công gây chết cá, nhiều lần người dân bức xúc, kiến nghị nhưng không được giải quyết nên chiều 14/3, người dân tập trung chặn đường, sau đó xảy ra xô xát” – ông Súa thông tin thêm.

Hà Nội bỏ quy định cấm hàng quán bán sau 21 giờ

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa có công điện gửi các quận, huyện về việc triển khai thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và mở cửa trở lại các hoạt động du lịch trong tình hình mới của thành phố.

Trong công điện thành phố cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn uống được phép hoạt động bình thường, không quy định đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình thực tế tại địa phương, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động triển khai, bảo đảm số lượng người tham gia các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Khuyến cáo người có biểu hiện nghi ngờ như ho sốt, khó thở, mất vị giác không tham gia hoạt động tại các địa điểm đông người.

Các hoạt động tập trung đông người như đám cưới, đám hỏi, đám tang… hạn chế số người tham gia cùng thời điểm.

Các hoạt động mở cửa, bình thường hoá đang được Hà Nội triển khai trên nhiều mặt. Chiều nay, UBND Q.Hoàn Kiếm cũng cho biết sẽ khôi phục lại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm từ 18.3, sau gần 1 năm dừng hoạt động vì dịch Covid-19.

Mở lại tuyến đường thủy Cửa Đại – Cù Lao Chàm

VnExpress – Từ ngày 16/3, tuyến vận tải đường thủy nội địa quốc gia Cửa Đại – Cù Lao Chàm được hoạt động trở lại sau hai ngày tạm dừng.

Ông Trương Văn Sơn, Chánh thanh tra Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam, nói việc khôi phục nhằm giải quyết tạm thời nhu cầu đi lại cấp thiết của người dân đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP. Hội An). Đội Quản lý Bến thủy nội địa, thuộc Thanh tra Sở, cấp phép cho phương tiện tại đầu bến Cửa Đại. Tại bến Cù Lao Cham, TP Hội An sẽ cấp phép cho tàu rời bến.

Để đưa tuyến đường thủy này hoạt động ổn định, ngày 16/3, Thanh tra Sở sẽ họp với lãnh đạo TP. Hội An bàn các giải pháp đảm bảo an toàn, tránh để xảy ra các tai nạn như vụ lật tàu Phương Đông 05 làm 17 người chết.

Khoảng 14h ngày 26/2, tàu cao tốc Phương Đông 05 chở 39 người (gồm 36 khách du lịch đến từ Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, 1 lái tàu, 2 phục vụ) từ đảo Cù Lao Chàm vào cảng Cửa Đại. Cách bờ khoảng 3 km, tàu bị lật làm 17 người chết, còn lại được cứu sống.

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Quảng Nam có chức năng kiểm tra, giám sát, việc cấp phép cho tàu rời bến Cửa Đại theo đánh giá của giới chuyên môn là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Việc cấp phép tàu cao tốc chuẩn SB xuất bến ở Cù Lao Chàm được giao cho một đơn vị cấp xã cũng được cho là không đủ thẩm quyền cũng như khả năng chuyên môn.

 Việt Nam khôi phục chính sách đơn phương miễn thị thực với 13 nước

VnExpress – Ngày 15/3, Chính phủ ban hành nghị quyết về việc miễn thị thực cho công dân các nước: Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Anh và Bắc Ireland, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus. Đây là những nước đã được Việt Nam đơn phương miễn thị thực từ cuối năm 2019.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát từ năm 2020, Chính phủ đã có nghị quyết ngừng thực hiện cơ chế này.

Hôm nay, Việt Nam bắt đầu mở cửa du lịch với khách quốc tế. Trước đó ngày 25/2, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao khẩn trương có tờ trình Chính phủ về việc áp dụng chính sách thị thực như trước khi có đại dịch Covid-19.

Đột kích kho hàng lớn, phát hiện hàng chục nghìn kit xét nghiệm gắn nhãn ‘made in China’

Tuoitre – Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, lực lượng chức năng vừa bất ngờ kiểm tra kho C5 – H19 khu vực cảng Hà Nội, số 838 Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tại đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện 112 thùng hàng cactông chứa nhiều sản phẩm liên quan đến các mặt hàng phòng, chống, điều trị COVID-19 do nước ngoài sản xuất. Thời điểm kiểm tra, chủ kho chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp của toàn bộ lô hàng.

Qua kiểm đếm, đoàn kiểm tra đã ghi nhận gần 60.000 bộ kit xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 do nước ngoài sản xuất, trên vỏ ngoài thùng cactông có thể hiện xuất xứ hàng hóa gắn nhãn “made in China”.

Cùng với đó, đoàn kiểm tra còn ghi nhận hơn 3.000 sản phẩm thuốc tân dược và gần 200.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, tất cả đều do nước ngoài sản xuất. Trị giá ước tính lô hàng trên 10 tỉ đồng.

Theo ông Vũ Văn Huyện, phó đội trưởng Đội QLTT số 5, đây là lô hàng lớn nhất liên quan đến các mặt hàng phòng chống dịch được Đội QLTT số 5 phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra và xử lý từ đầu năm 2022 đến nay.

Toàn bộ số kit xét nghiệm do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp. Hiện đoàn kiểm tra đang tiếp tục xác minh, nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định.

Có thể bạn quan tâm: