Thêm 600 người Việt sơ tán khỏi vùng chiến sự Ukraine về nước

Thanh Niên – Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, sáng 13/3, có 2 chuyến bay cứu trợ tiếp theo đưa gần 600 công dân Việt Nam và gia đình sơ tán từ Ukraine sang các nước lân cận đã về tới Hà Nội.

Trong đó, chuyến bay số hiệu VN58 chở 288 người từ Warsaw (Ba Lan) hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào 9 giờ 30 phút.

Chuyến bay số hiệu VN68 chở 291 người từ Bucharest (Rumani), hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào lúc 11 giờ.

Cả 2 chuyến bay do Tập đoàn Sun Group tài trợ kinh phí và Hãng hàng không Vietnam Airlines thực hiện. Tới nay, đã có 4 chuyến bay cứu trợ, đưa hơn 1.000 người Việt về nước.

Tính đến 16 giờ ngày 12/3, các cơ quan đại diện Việt Nam đã đón hơn 4.500 người sơ tán từ Ukraine sang các nước lân cận.

Chính phủ trình giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

VnExpress – Dự thảo nghị quyết về giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đến hết năm 2022 sẽ được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/3.

Bộ trưởng Tài chính sẽ thừa uỷ quyền Thủ tướng, ký tờ trình báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đề xuất trước đó của Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu sẽ giảm một nửa so với hiện hành, tức giảm 2.000 đồng mỗi lít với xăng. Mức giảm với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng mỗi lít, mỡ nhờn là 1.000 đồng mỗi kg, dầu hỏa 700 đồng mỗi lít.

Sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua, quy định này dự kiến có hiệu lực từ 1/4 tới. Sau giảm thuế này, mỗi lít xăng dự kiến giảm tương ứng 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng.

Ngày 11/3, giá xăng dầu trong nước đã có mức tăng mạnh nhất trong lịch sử dù liên bộ Công Thương – Tài chính đã chi 750-1.000 đồng từ Quỹ bình ổn xăng dầu cho mỗi lít xăng, 1.500 đồng cho mỗi lít dầu diesel. Mặt bằng giá bán lẻ trong nước với xăng RON 95 đã lên sát 30.000 đồng một lít, xăng E5 RON 92 là 28.980 đồng, còn dầu diesel 25.260 đồng. Đây là các mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Bộ Xây dựng nói gì về đề nghị xây cơ sở hỏa táng để xử lý người chết do dịch bệnh?

NLĐ – Bộ Xây dựng vừa nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình do Ban Dân nguyện chuyển đến với đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ chỉ đạo các địa phương chưa có cơ sở hỏa táng nhanh chóng đầu tư xây dựng để chủ động xử lý người chết do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

Cùng với đó để đồng thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn khi đất đai dành cho việc làm nghĩa địa chôn cất người chết ngày càng hạn chế, trong khi nhu cầu hỏa táng khi chết của người dân ngày một nhiều và có xu hướng trở thành phổ biến.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết ngày 26/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng với mục tiêu từng bước đưa việc sử dụng hình thức hỏa táng trở thành phổ biến của người dân.

Hiện đã có khoảng 30 địa phương xây dựng các cơ sở hỏa táng với khoảng 140 lò được lắp đặt (không bao gồm các lò hỏa táng trong các chùa Khmer tại các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long). Tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng tại các địa phương đã từng bước tăng lên, trong đó riêngTP. Hà Nội và HCM là 2 địa phương có tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng cao nhất (trên 70%).

Nhà máy nước hơn 25 tỷ đồng bỏ hoang

VnExpress – Nhà máy nước Hưng Thông (huyện Hưng Nguyên) hoàn thành nhiều hạng mục từ 4 năm trước, song đến nay vẫn chưa thể hoạt động vì thiếu nguồn nước thô.

Nhà máy nước xã Hưng Thông có vốn đầu tư 25,8 tỷ đồng, với công suất thiết kế 1.000 m3/ngày để cung cấp nước sạch cho hơn 1.200 hộ dân ở địa bàn. Công trình do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư, khởi công từ năm 2014.

Năm 2018, dự án cơ bản hoàn thành với hệ thống nhà làm việc; hai hồ chứa; khu xử lý và đường ống dẫn nước (mạng lưới cấp nước cấp III)… Tuy nhiên từ đó đến nay, nhà máy chưa một lần vận hành.

Nhiều người dân địa phương bức xúc bởi công trình hàng chục tỷ đồng bị bỏ hoang nhiều năm, trong khi họ chưa có nước sạch. “Mấy chục hộ ở xóm tôi vẫn sử dụng giếng khơi gần cánh đồng để sinh hoạt, nguy cơ ô nhiễm từ thuốc trừ sâu, nước bẩn từ chăn nuôi ngấm xuống giếng rất cao”, một người nói.

Ông Nguyễn Hữu Phúc, Chủ tịch xã Hưng Thông, cho biết hơn 5.000 nhân khẩu đang có nhu cầu sử dụng nước máy. Xã đã nhiều lần có văn bản kiến nghị song chưa có kết quả.

Lãnh đạo Ban quản lý Dự án đầu tư và Xây dựng huyện Hưng Nguyên, giải thích nguyên nhân chính do thiếu nguồn nước thô đầu vào để sản xuất.

Chính quyền cho rằng chi phí tìm nguồn nước thô từ nơi khác để thay thế đang gặp khó khăn bởi chi phí lắp đường ống dẫn tốn kém. Huyện đang kêu gọi một số đơn vị vào đầu tư, nhằm sớm vận hành công trình, đưa nước về tận hộ.

Có thể bạn quan tâm: