Bão RAI sẽ vào Biển Đông thành bão số 9

Thanh Niên – Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, chiều nay 13.12, áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là cơn bão RAI.

Cập nhật lúc 13 giờ cùng ngày, tâm bão RAI cách phía nam Philippines khoảng 1.500 km về phía đông. Trong 2 – 3 ngày tới, bão RAI tiếp tục mạnh thêm, di chuyển chủ yếu hướng tây tây bắc, tốc độ trung bình 15 km/giờ.

Dự báo đến ngày 17/12, bão RAI đi vào phía nam Biển Đông và trở thành cơn bão số 9.

Dự báo từ ngày 17 – 18/12, các vùng biển phía nam khu vực Biển Đông bắt đầu chịu ảnh hưởng của cơn bão số 9.

Thêm 15.377 ca nhiễm, ba tỉnh thành lần đầu gần 1.000 ca

VnExpress – Trong 15.377 ca nhiễm Bộ Y tế công bố tối 13/12 có 15.349 ca tại 60 tỉnh thành.

Hôm nay ghi nhận 242 ca tử vong, riêng TP.HCM 75 ca. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 228 ca/ngày. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 28.081 ca.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM 488.174 ca, Bình Dương 287.556, Đồng Nai 92.575, Tây Ninh 39.615, Long An 39.312 ca.

Diễn biến mới vụ công nhân bị thu phí xét nghiệm COVID giá cao

VnExpress – Sự việc xảy ra tại Công ty TNHH Uchiyama Việt Nam, đóng tại Khu công nghiệp VSIP, TP. Thuận An. Việc khấu trừ tiền xét nghiệm RT-PCR được công ty thông báo cho lao động song không nói rõ giá tiền. Đến lúc nhận lương cách đây 3 hôm, nhiều công nhân “tá hỏa” khi thấy mức phí quá cao dẫn đến thu nhập nhận về không còn bao nhiêu.

Theo danh sách công ty đưa ra, trong tháng 11, có 87 công nhân xét nghiệm Covid-19 phải tự chi trả, với số tiền hơn 220 triệu đồng. Người xét nghiệm trong lần đầu tốn 1,9 triệu đồng, lần 2 và 3 đều mất 1,3 triệu đồng. Phần lớn công nhân được yêu cầu xét nghiệm 2 lần, tốn 3,2 triệu đồng; 4 người phải lấy mẫu 3 lần, tổng chi phí 4,5 triệu đồng…

Một công nhân cho hay việc xét nghiệm RT-PCR được công ty liên kết Phòng khám đa khoa An Thuận (TP Thuận An), nhưng không báo giá cho người lao động, chỉ bảo sẽ trừ lương. “Sau 3 lần xét nghiệm tốn 4,2 triệu đồng, cùng thời gian làm việc ít do nhiễm COVID-19 bị cách ly, lương tháng 11 của tôi còn hơn 3 triệu đồng, chỉ đủ đóng tiền trọ”, nam công nhân nói và cho hay mức phí công ty đưa ra cao gấp 3 lần quy định Bộ Y tế, từ đó đề nghị cơ quan chức năng làm rõ.

Ông Nguyễn Phước Lâm, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Uchiyama Việt Nam, cho biết từ ngày 18/10, nhà máy chấm dứt “3 tại chỗ” và tổ chức sản xuất theo phương thức “3 xanh”. Người lao động được xét nghiệm PCR đầu vào, toàn bộ chi phí do công ty thanh toán. Sau mấy ngày hoạt động, nhà máy liên tục phát hiện ca nhiễm, ảnh hưởng sản xuất, trong khi ý thức phòng dịch của công nhân không tốt. Nhiều người vẫn túm tụm hút thuốc, nói chuyện bất chấp khuyến cáo của Tổ an toàn COVID-19.

Ngày 21/10, ban giám đốc ra thông báo trường hợp lây nhiễm do yếu tố công việc như phải tiếp xúc nhiều, làm việc trong điều kiện không thể giãn cách, tiếp xúc F0 tại nhà máy… sẽ được trả toàn bộ chi phí xét nghiệm, điều trị. Ngược lại, các trường hợp nhiễm từ cộng đồng, ủ bệnh trước khi vào nhà máy hoặc từng vi phạm quy tắc 5K… sẽ không được công ty trả tiền xét nghiệm.

Đất Thủ Thiêm đắt nhất thế giới, vượt cả Mỹ lẫn Hong Kong, chuyên gia nói gì?

Cafef – Ngày 10/12, Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp TP.HCM) tổ chức bán đấu giá 4 lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).

Với giá trị hơn 37.300 tỷ đồng thu về từ hơn 30.000 m2 đất, tính bình quân mỗi m2 đất ở đây có giá hơn 1,24 tỷ đồng. Theo quy hoạch được duyệt, chỉ tính riêng tiền đất, mỗi căn hộ ở 4 khu đất này phải gánh thấp nhất là 35 tỷ đồng/căn.

Phiên đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bất động sản có tên tuổi, như Phát Đạt, Cát Tường, Bắc Thủ Thiêm, Bất động sản Đồng Tiến v.v 

Nhưng cuối cùng, trong 4 doanh nghiệp thắng đấu giá chỉ có 1 cái tên quen thuộc trong giới bất động sản là Công ty Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt – thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh, 3 doanh nghiệp còn lại đều là hoàn toàn xa lạ.

Lô đất ký hiệu 3/12 với diện tích hơn 10.000 m2 được Tập đoàn Tân Hoàng Minh đấu giá thành công với 24.500 tỷ đồng. Con số này tương đương khoảng 2,5 tỷ đồng/m2.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, với mức giá đất đắt đỏ của bất động sản tại Thủ Thiêm, ông cảm thấy “lo hơn vui”, bởi giá đất đã vọt lên quá xa.

Như vậy, giá đất tại khu trung tâm TP.HCM đã cao ngang ngửa những khu vực có giá bất động sản đắt đỏ nhất thế giới như Tokyo, Hong Kong. Trong khi thu nhập khai thác bất động sản và thu nhập kinh doanh – tài chính của TP.HCM thì rõ ràng chênh lệch.

Ông Hiển tính “Trước khi cuộc đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm diễn ra, [ở] các nơi đất đắt nhất thế giới, nếu chúng ta tính mức 1 triệu USD mua được bao nhiêu m2, thì tại Monaco sẽ mua 16m2; tại Hong Kong mua được 22m2, New York là 25m2, London khoảng 28m2, Paris 46m2, Sydney 48m2, Thượng Hải 54m2… Trong khi nếu tính mức giá mà Ngôi Sao Việt trúng thầu hôm qua, 1 triệu USD tại TP.HCM chỉ mua gần 10m2”. 

Khu đô thị Thủ Thiêm có diện tích 657 hecta, nằm bên bờ sông Sài Gòn, giáp quận 1, được chia làm 8 khu chức năng với công năng riêng biệt. Trong đó, khu chức năng số 3 và số 4, nơi có 4 lô đất vừa đấu giá thành công, được quy hoạch là khu thương mại, dân cư đa chức năng, bố trí dọc tuyến Đại lộ Vòng cung.

Hà Nội được phép dùng kết quả test nhanh xác định F0

VnExpress – Bộ Y tế ngày 12/12 đã cho phép Hà Nội xác định F0 khi có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính, thay vì xét nghiệm PCR, trong bối cảnh số ca nhiễm có xu hướng tăng.

Test nhanh kháng nguyên là phương pháp lấy mẫu dịch tỵ hầu xét nghiệm nhanh, kết quả có sau 15 phút, độ chính xác khoảng 70-80% nên mang ý nghĩa tầm soát, sàng lọc.

Phương pháp xét nghiệm PCR là lấy mẫu xét nghiệm bằng máy, độ chính xác cao, mang giá trị khẳng định nCoV, tuy nhiên mất nhiều thời gian hơn test nhanh.

Tính đến tối 12/12, Bộ Y tế công bố Hà Nội tổng cộng gần 18.000 ca nhiễm, trong đó riêng ngày 12/12 thành phố có gần 1.000 ca – cao nhất từ trước tới nay tính theo ngày.

Có thể bạn quan tâm: