Mưa lớn, nhiều tỉnh miền Bắc xuất hiện lũ

VnExpress – Cơ quan khí tượng ghi nhận lượng mưa từ 19h ngày 11/5 đến 7h ngày 12/5 ở Cam Đường (Lào Cai) là 73mm, Thượng Quan (Bắc Kạn) 94mm, Kim Loan (Cao Bằng) gần 130mm, Quảng Yên (Quảng Ninh) gần 80mm.

Lưu vực sông Thương, Lục Nam, Trung ở Lạng Sơn, Bắc Giang đã xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên 2-7m. Mực nước sông Cầu thuộc hệ thống sông Thái Bình đã lên xấp xỉ báo động 2 (cao nhất là báo động 3).

Tại TP. Lào Cai (Lào Cai), mưa lớn cục bộ đã khiến một số tuyến đường ở vùng trũng thuộc các xã như Bắc Cường, Nam Cường, Bình Minh, Bắc Lệnh bị ngập. Phương tiện không thể đi qua, nhiều xe bị mắc kẹt giữa điểm ngập hơn 50cm.

Tại Bắc Kạn, sáng nay một bé trai 5 tuổi tại xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, bị lũ cuốn trôi và hai người khác bị thương. Bắc Kạn cũng ghi nhận 5 nhà bị đổ sập, hơn 50ha lúa, hoa màu bị ngập, hai đập tạm bị cuốn trôi.

Bắc Giang, tỉnh giáp với Lạng Sơn, cũng ghi nhận thiệt hại do mưa lũ trong hai ngày qua với hơn 100 ha hoa màu bị ngập, nhiều tuyến đường bị chia cắt do hơn 1.100m3 đất đá sạt lở.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, chiều và đêm nay, vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục mưa 40-60mm, có nơi trên 80mm. Riêng Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên mưa 60-100mm, có nơi trên 150mm.

Từ đêm 14/5, rãnh áp thấp sẽ bị khối không khí lạnh đẩy qua Bắc Bộ khiến vùng mưa có xu hướng mở rộng hơn xuống miền Trung. Hai ngày 15-16/5 các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ sẽ có mưa giông.

Do mưa kéo dài nên các sông suối Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ ở thượng lưu 2-5m, hạ lưu 2-3m. Đỉnh lũ trên thượng lưu sông Chảy, sông Lô và sông Hoàng Long có khả năng lên báo động 1, thượng lưu hệ thống sông Thái Bình và các sông suối nhỏ thuộc Bắc Bộ lên mức báo động 2-3.

Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên.

Đợt mưa ở các tỉnh vùng núi, trung du phía Bắc xảy ra từ tối 9/5, tâm mưa đầu tiên ở Lạng Sơn khiến một người chết, gần 200 nhà bị ngập, sau đó lan rộng. Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh trong vùng ảnh hưởng chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất.

Nông dân điêu đứng vì giá phân bón tăng cao nhất trong 50 năm qua

VnExpress – Giá phân bón tăng lần thứ tư liên tiếp, cao nhất trong 50 năm qua, khiến hàng triệu nông dân ở miền Tây lâm vào cảnh chật vật, càng làm càng lỗ.

Hai hôm trước, ông Lê Văn Đức, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) thu hoạch 2 ha lúa Hè Thu, năng suất 7 tấn một ha, thu về hơn 80 triệu đồng, lời 35 triệu đồng. Trước khi tới đại lý phân bón trả tiền, ông hứa sẽ có món quà tặng cháu nội, song đành thất hứa khi nghe giá phân bón tăng cao. Thời gian qua, phân bón liên tục “lập đỉnh” khiến lợi nhuận làm lúa ngày càng giảm. Chi tiêu của cả gia đình ông Đức 7 người phải tằn tiện mới đủ sống.

Hiện, phân DAP tăng thêm 100 nghìn một bao (50 kg) lên gần 1,4 triệu đồng, đạm và kali tăng 40-50 nghìn, giá hơn 950 nghìn đồng, mức giá cao nhất trong 50 năm qua. Theo ông Đức, so với hai năm trước mỗi loại phân tăng gấp ba lần, trong khi giá lúa lại từ 6.500 đồng giảm còn 5.900 đồng mỗi kg.

Không chỉ phân, giá thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng 20-30% so với mùa trước. Một số dịch vụ nông nghiệp tăng theo, chi phí làm đất tăng 200 nghìn đồng lên 1,7 triệu đồng một ha, tương tự công thu hoạch tăng thêm 300 nghìn, giá 2,5 triệu đồng mỗi ha. Tổng chi phí chi phí đầu tư tăng hơn 40% cách đây hai năm, vào khoảng 23 triệu đồng mỗi ha, chưa tính công lao động của chủ ruộng.

Sắp tới ông Đức sẽ chia đất cho ba người con nhưng tin chắc các con không làm ruộng vì thu nhập khó đủ sống. 

Chỉ đạo khẩn vụ thông thầu, nâng giá mua vật tư chống dịch lên 900%

Zing – Ngày 11/5, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có văn bản gửi các cơ quan liên quan, yêu cầu thực hiện kết luận thanh tra liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo đó, xét kiến nghị của Chánh Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tại kết luận thanh tra, UBND tỉnh chỉ đạo giao Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh căn cứ kiến nghị ở Mục I phần D của kết luận thanh tra để tổ chức thực hiện.

Cụ thể, Sở Y tế phải làm việc trực tiếp với đơn vị tư vấn để chấn chỉnh các sai phạm tại kết luận; phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các cơ sở y tế thực hiện việc điều phối sử dụng các trang thiết bị y tế đảm bảo hiệu quả.

Sở Y tế cũng có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành các danh mục hàng hóa mua sắm tập trung liên quan phòng, chống dịch bệnh.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật khẩn trương có giải pháp đối với hàng hóa đã mượn nhưng nay chưa trả cho nhà cung cấp; lập phương án xử lý lượng hàng hóa vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, trang phục hiện nay còn tồn đọng cho phù hợp, đặc biệt là lượng hàng hóa tài trợ, viện trợ đạt hiệu quả cao.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng cần báo cáo UBND tỉnh, Sở Y tế về việc xử lý số tiền thu từ xét nghiệm nhanh kháng nguyên và test RT-PCR; thực hiện đối chiếu số lượng hàng hóa đã cấp phát, bàn giao giữa Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với các đơn vị.

Về xử lý trách nhiệm, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao giám đốc các Sở Nội vụ, Sở Y tế, Sở Tài chính căn cứ kiến nghị của Chánh thanh tra tỉnh tại kết luận để thực hiện.

Trong kết luận của Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đề nghị Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ra văn bản phê bình Giám đốc Sở Y tế đối với các thiếu sót trong kết luận; xem xét trách nhiệm của các Tổ thẩm định của Sở Y tế; trách nhiệm của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và trách nhiệm các cơ sở y tế đối với các thiếu sót trong kết luận.

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấn chỉnh trong công tác thẩm định dự toán và thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong kết luận có nêu.

Trước đó, hôm 10/5, Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu công bố kết luận thanh tra về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Giai đoạn thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2021.

Đáng chú ý, Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kết luận có hiện tượng thông thầu khi mua vật tư phòng chống dịch, một số gói thầu bị nâng giá 200-900%.

Phát biểu tại Washington, thủ tướng Phạm Minh Chính nói ‘Việt Nam chọn chính nghĩa không chọn bên’

VnExpress – Phát biểu hôm nay tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, Hoa Kỳ hôm 11/5, thủ tướng chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính cho rằng quan hệ Việt – Mỹ đã phát triển vượt bậc sau gần ba thập niên bình thường hóa quan hệ.

Thủ tướng cho biết Việt Nam luôn mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ trên cơ sở chân thành, tiếp tục củng cố lòng tin, trách nhiệm của cả hai bên.

Về đường lối ngoại giao, thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết “Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng”. 

Quan hệ Việt – Mỹ đã phát triển và đạt nhiều thành tựu trong những năm qua. Hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013 và Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam năm 2016.

Theo Bộ Ngoại giao VIệt Nam, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ chín của Mỹ. Kim ngạch song phương năm 2021 đạt hơn 111,56 tỷ USD. Đến tháng 3, đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, đứng thứ 11 trong 141 nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm: