Hào quang mặt trời xuất hiện tại Lào Cai, Yên Bái

VnExpress – Hào quang bao quanh mặt trời xuất hiện tại thị xã Sa Pa (Lào Cai), Yên Bái vào trưa 10/5, khoảng 10 phút.

Khoảng 10h50, anh Phùng Việt Hùng, 37 tuổi, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa, nhận tin xuất hiện một quầng ánh sáng xung quanh mặt trời ở thung lũng Tả Van – Mường Hoa. Anh chạy ra và cùng hơn 10 du khách chụp khoảnh khắc này. Hơn 10 năm sống và làm việc tại Sa Pa, đây là lần đầu tiên anh thấy hiện tượng này.

Cùng thời gian trên, người dân ở xã Đông An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cũng thấy hiện tượng này. Khi mây tràn qua, hào quang quanh mặt trời mất dần.

Anh Vũ Thế Hoàng, Hội trưởng Thiên văn Hà Nội cho biết, có thể xuất hiện hào quang mặt trời và hào quang mặt trăng.

Quầng mặt trời hoặc mặt trăng thường là dấu hiệu dự báo mưa. Tuy nhiên, một số quầng hào quang chỉ đơn thuần là tín hiệu cho thấy lượng nước ở thượng quyển gia tăng.

Quầng quanh mặt trăng xuất hiện nhiều hơn, còn quầng mặt trời rất hiếm gặp và được coi là hiện tượng thời tiết lý thú. “Bạn không nên quan sát trực tiếp hiện tượng này bằng mắt thường trong thời gian quá lâu vì ánh sáng mặt trời sẽ gây ảnh hưởng, cần sử dụng các loại kính chuyên dụng”, anh Hoàng chia sẻ.

Hơn 100 ngôi nhà rạn nứt, gần 300 giếng cạn nước bất thường

Dân Trí – Theo báo cáo của UBND xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, từ tháng 1/2020, trên địa bàn bản Công, Na Hiêng xảy ra tình trạng giếng nước cạn, sụt lún ruộng dọc khe suối. UBND xã đã kiểm tra hiện trạng, báo cáo UBND huyện và phòng, ban liên quan để kiểm tra, tìm nguyên nhân.

Đầu tháng 2/2022, tình trạng sụt lún không chỉ xảy ra ở ruộng lúa nước, nghiêm trọng hơn trên địa bàn các bản như: Công, Pòong, Na Hiêng và Na Noong xảy ra rạn nứt tường, nền, móng nhà dân.

“Tình trạng khô cạn giếng nước, sụt lún ruộng lúa, rạn nứt nhà tại xã Châu Hồng, đặc biệt các xóm, bản kể trên chưa từng xảy ra”, báo cáo của UBND xã Châu Hồng nêu.

Từ những năm 2000 đến nay, trên địa bàn xã Châu Hồng có 11 doanh nghiệp khai thác (gồm 5 doanh nghiệp khai thác quặng, 7 doanh nghiệp khai thác đá), đặc biệt có doanh nghiệp khai thác quặng dưới lòng đất theo hình thức hầm lò. Gần đây, nhiều đơn vị sử dụng phương tiện, máy móc hiện đại, nhất là trong lĩnh vực khai thác quặng thiếc dưới lòng đất đã xuất hiện những bất thường nêu trên khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Từ cuối năm 2019 đến tháng 4/2022, xã Châu Hồng có 279 giếng nước sinh hoạt bị cạn trơ đáy; 13 hố sụt lún ở ruộng lúa nước, ven khe suối. Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2022, có 114 ngôi nhà bị rạn, nứt… Ước tính thiệt hại lên đến 57 tỷ đồng.

Ghi nhận tại cánh đồng lúa ở xã Châu Hồng, Quỳ Hợp có nhiều biển cảnh báo nguy hiểm, cấm người dân tới gần. Có những thửa ruộng được chính quyền và ngành chức năng rào kín để đề phòng trẻ nhỏ gặp tai nạn.

Trước thực trạng nêu trên, UBND huyện Quỳ Hợp đã hợp đồng với Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ tiến hành khảo sát, đánh giá chi tiết hiện trạng, xác định rõ nguyên nhân sụt lún đất và giếng nước khô cạn tại bản Na Hiêng, Công, Quèn và các khu vực có sụt lún đất; phát hiện, khoanh định các khu vực phát triển hang hốc karst trong đá carbonat và hầm lò khai thác; đề xuất các biện pháp phòng tránh hợp lý nhằm ngăn chặn các sự cố gây thiệt hại cho người và tài sản có thể xảy ra…

Diện tích nghiên cứu 20km2, gồm khu vực dân cư và dọc theo tỉnh lộ 532, đoạn từ xã Châu Hồng đến xã Liên Hợp, huyện Quỳ Hợp.

Yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ xã “lật kèo” khiến dân uất ức suốt 17 năm

Dân Trí – Liên quan đến vụ dân đổi “đất vàng” cho xã làm đường rồi bị “lật kèo”, uất ức đi đòi quyền lợi suốt 17 năm, ngày 10/5, thông tin từ UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết các cơ quan chức năng đã có cuộc làm việc để giải quyết, trả lại quyền lợi cho hộ gia đình đã đổi đất cho xã Phúc Trạch cách đây 17 năm là ông Nguyễn Đồng Huyên, trú thôn 3 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch.

Như Dân trí đã phản ánh, đầu năm 2005, UBND xã Phúc Trạch xây dựng đường giao thông trung tâm cụm xã, gia đình ông Huyên có diện tích đất nằm trong diện giải tỏa.

Khu đất ở của gia đình ông Huyên nằm sát mặt đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và có gần 100 m2 đất cần giải tỏa để mở rộng đường giao thông. Tháng 12/2005, UBND xã Phúc Trạch làm biên bản giải quyết đền bù đất và hoa lợi trên đất đối với hộ ông Huyên.

Theo đó, tổng diện tích đất ông Huyên bị thu hồi là 98,56 m2, được bồi thường với giá 44,3 triệu đồng; thiệt hại về cây cối hoa màu trên đất và tiền hỗ trợ xây hàng rào, nâng cấp vườn… được thống kê hơn 11 triệu đồng. Tổng số tiền áp mức giá bồi thường hơn 55 triệu đồng.

Gia đình ông Huyên cũng đã chấp thuận chủ trương và thống nhất các phương án đền bù, thu hồi đất của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thời điểm đó, thay vì nhận tiền bồi thường, ông Huyên được hội đồng giải phóng mặt bằng của xã Phúc Trạch thỏa thuận cấp lại cho gia đình ông một lô đất khác với diện tích 610 m2.

Thỏa thuận còn nêu rõ, UBND xã Phúc Trạch có trách nhiệm làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giao cho gia đình ông Huyên trong quý III/2006.

Thống nhất phương án là vậy, nhưng sau đó UBND xã Phúc Trạch bất ngờ “lật kèo”, chẳng những không cấp đất cho hộ ông Huyên theo thỏa thuận mà còn lấy gần 200 m2 đất ngay tại vị trí hứa cấp cho ông Huyên để cấp cho một hộ gia đình khác ở cùng địa phương.

Suốt 17 năm qua, ông Huyên đã nhiều lần tìm đến UBND xã Phúc Trạch cũng như UBND huyện Bố Trạch để đòi quyền lợi, gửi đơn khiếu nại khắp nơi, thế nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

“Tôi đã khiếu nại nhiều lần, qua 3 đời chủ tịch xã rồi nhưng vẫn không được giải quyết. Thời điểm đó chính quyền xã nói đang trống nhiều khu đất, thay vì nhận tiền thì cấp khu đất khác nên tôi mới đồng ý phương án này. Thế nhưng 17 năm rồi tôi vẫn không được giải quyết quyền lợi”, ông Huyên bức xúc.

Sốt “view” du lịch, dân san ủi, lấn suối đá cổ hàng trăm triệu năm

Dân Trí – Thấy suối đá cổ hàng trăm triệu năm ở Gia Lai thu hút du khách, dân địa phương ngang nhiên san ủi, lấn suối, mở rộng đất lấy “view đẹp”… với suy nghĩ được bồi thường giá cao khi nhà nước quy hoạch.

Suối đá cổ Ia Ruai nằm tại làng Vân (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), giáp với địa phận xã Ia Phí. Đây là địa điểm du lịch mới nổi lên vào năm 2021.

Suối đá cổ làng Vân có nhiều trụ đá hình lục lăng có niên đại trên 100 triệu năm. Suối trải dài 50m, rộng 15m. Các trụ đá xếp cạnh nhau trông như các “tổ ong”.

Sau khi suối đá cổ được phát hiện, mỗi ngày có hàng trăm lượt người đến nơi này để chiêm ngưỡng, tắm suối, chụp ảnh.

Theo ghi nhận phóng viên, khu vực suối đá cổ bị đất lấp, tiếp giáp với diện tích đất trồng cây cà phê của người dân. Một khu đất cạnh đá cổ bị máy xúc của hộ dân múc lên đổ tràn ra sát bờ suối. Nhiều diện tích đá cổ đã bị đất đá lấp hoàn toàn. Khu đá cổ bị xâm hại, khách tham quan không thể di chuyển tới đây do đất đá được chất cao.

Theo báo cáo của UBND Thị trấn Ia Ly, diện tích đất ngay cạnh khu vực suối đá bị vùi lấp là của gia đình ông Rơ Châm Jip (trú tại làng Yăh, thị trấn Ia Ly) và con rể là Rơ Châm Dên (làng Al, xã Ia Mơ nông).

Vào khoảng cuối tháng 1/2022, gia đình ông Jip đã thuê máy múc để đào bới san gạt một phần đất rẫy và lấn ra bờ suối đá tạo thành ruộng trong diện tích 14,5×50 m. Việc làm này đã thay đổi hiện trạng đất của khu vực, gây ảnh hưởng tới cảnh quan chung của suối đá đĩa.

UBND thị trấn Ia Ly lý giải, nguyên nhân xảy ra vụ việc trên là do khu vực suối đá đĩa được quy hoạch phát triển du lịch. Nhiều người, doanh nghiệp tới khu vực tìm mua đất, rẫy với giá cao.

Có thể bạn quan tâm: