Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xác minh nghi vấn rò rỉ đề Toán

VnExpress – Tại buổi họp báo chiều 8/7, ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng Quản lý chất lượng, cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nắm được phản ánh về nghi vấn rò rỉ đề môn Toán.

Nghi vấn xuất phát từ việc có thông tin một thí sinh chụp đề thi Toán, gửi lên một ứng dụng giải bài tập nhờ hỗ trợ vào 15h28 phút hôm 7/7. Theo quy chế, thí sinh chỉ được cầm đề khỏi phòng thi sau khi hết thời gian làm bài, tức 16h. Hình ảnh đề thi mà thí sinh này chụp lại đã được gấp gọn để che phần tên và số báo danh, đồng thời tài khoản người này sử dụng cũng ẩn danh.

Bộ Giáo dục cho biết đã cùng Bộ Công an vào cuộc xác minh thông tin để xử lý theo quy định hiện hành.

Môn Văn cũng bị đặt nghi vấn lọt, lộ khi nhiều người đoán trúng tác phẩm được hỏi trong đề thi. Ông Phong cho biết Bộ đã chuyển cơ quan công an xác minh, làm rõ, đồng thời khẳng định “đây chỉ là việc dự đoán tên tác phẩm, không phải lộ đề”.

Cần Thơ báo cáo không phát hiện tham nhũng sau khi ‘tự kiểm tra’

Tuoitre – Báo cáo của UBND thành phố Cần Thơ cho thấy 6 tháng qua không phát hiện vụ tham nhũng nào từ hoạt động tự kiểm tra, giám sát của các cơ quan, đơn vị. 

Nói về kết quả nói trên, Chánh thanh tra thành phố, ông Trần Phước Hoàng, cho rằng việc này là ‘đáng mừng, nhưng cũng cần quan tâm’.

Ông Hoàng nói thêm: “Thành  phố cần tiếp tục tự kiểm tra, tự giám sát, phát hiện kịp thời, đừng để xảy ra rồi để phải xử lý theo quy định của pháp luật”.

Nộp lại tài sản tham nhũng trước khi bị phát hiện sẽ giữ kín danh tính, không bị xử lý

VnExpress – Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí vừa đề xuất tăng biện pháp phòng ngừa, tạo điều kiện cho người phạm tội tham nhũng, kinh tế khắc phục hậu quả để giảm xử lý hình sự, thay thế bằng khởi kiện dân sự với mục tiêu tăng tỷ lệ thu hồi tài sản thất thoát, tham nhũng.

Nêu ý kiến về đề xuất trên, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng trong bối cảnh hiện nay chưa nên cho phép người tham nhũng nộp tiền để giảm án hình sự.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng An ninh Trịnh Xuân An nói, hiểu đơn giản đề xuất trên là cho phép người phạm tội tham nhũng được nộp tiền để giảm hình phạt tù và nhà nước thu hồi được tài sản.

“Hệ lụy của tham nhũng, tiêu cực là quá lớn để có thể bù đắp bằng vật chất, và mục đích của việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngoài thu hồi tài sản, còn bảo vệ lợi ích công, củng cố lòng tin của người dân”, ông An nói.

Ông nhấn mạnh, Việt Nam xác định tham nhũng như giặc nội xâm, vô cùng nguy hiểm. Do đó, muốn áp dụng cơ chế kinh tế, cho phép dùng tài sản để chuộc lại lỗi lầm “cần thời gian để nghiên cứu”; không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế nhưng cũng không dân sự hóa các hành vi phạm tội và “bất cứ ai cũng phải đi trên đường ray pháp luật”.

Khác với ông Trịnh Xuân An, nguyên Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Nam “đồng tình một phần” với đề xuất của Viện trưởng VKSND Tối cao. Ông Nam cho rằng cần xây dựng cơ chế để cán bộ tự giác nộp lại tài sản tham nhũng trước khi bị phát giác, tăng tỷ lệ thu hồi tài sản cho nhà nước.

“Người nộp lại tài sản tham nhũng trước khi bị cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện hoặc trước khi bị khởi tố, điều tra có thể xem xét giữ kín danh tính, không bị xử lý kỷ luật hoặc điều tra, truy tố”, ông Nam nêu quan điểm.

Với trường hợp cán bộ nộp lại tài sản tham nhũng sau khi đã bị phát hiện hoặc đang trong quá trình tố tụng thì nên coi là tình tiết xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật hoặc mức án. Ai khắc phục được toàn bộ vi phạm có thể được xem xét áp dụng mức khoan hồng đặc biệt, nhưng “không phải là biện pháp tha bổng”. 

Hàng nghìn tàu cá nằm bờ vì bão giá xăng dầu

Đang mùa đánh bắt hải sản, tuy nhiên hàng nghìn tàu cá dọc các tỉnh miền Trung phải nằm bờ, ngư dân đi làm thợ đụng qua ngày vì giá xăng dầu quá cao.

Tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng), khoảng 550 tàu cá của ngư dân nhiều tỉnh miền Trung về neo đậu. Nhiều tàu đậu gần một tháng vì giá xăng dầu cao, đi khơi xa không đủ bù lỗ chi phí.

Thống kê từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước trải qua 17 đợt điều chỉnh với 13 lần tăng, 4 lần giảm. Hiện mỗi lít xăng E5 RON 92 là 30.890 đồng, RON 95-III 32.760 đồng, tăng lần lượt 8.340 và 9.470 đồng so với cuối năm 2021. Tương tự, dầu diesel 29.610 đồng, tăng trên 12.000 đồng so với cuối năm ngoái.

Một số tàu cá cắt cử người ở lại trông coi, cũng có tàu phó mặc. Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, ngoài giá xăng tăng, hải sản đánh bắt về gặp khó trong khâu xuất khẩu nên giá không thể tăng. Nhiều tàu thuyền chủ động về quê nhà neo đậu để giảm chi phí phát sinh nếu ở lại Đà Nẵng nằm bờ.

Tương tự tại Quảng Nam, những ngày này âu thuyền An Hòa, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, có hơn 100 tàu cá nằm bờ. Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, tỉnh có hơn 3.000 tàu cá, song số tàu nằm bờ vì giá xăng dầu tăng cao đến nay chưa thống kê cụ thể.

Tỉnh Quảng Bình có đội tàu cá đánh bắt xa bờ hùng hậu với hơn 1.200 chiếc. Hiện, hơn 350 chiếc nằm bờ với nhiều lý do như không có bạn tàu, hải sản không được mùa, giá thấp, trong đó nguyên nhân chính vẫn do giá nhiên liệu tăng cao quá sức chịu đựng của ngư dân.

Có thể bạn quan tâm: