Đình chỉ cô giáo đánh học sinh… ngáp to trong lớp

Ngày 6/5, trao đổi với phóng viên Dân trí, thầy Nguyễn Xuân Sơn – Hiệu trưởng trường THCS Hùng Vương cho biết Ban giám hiệu trường đã tổ chức họp và đưa ra hình thức tạm đình chỉ công tác một tuần đối với cô giáo B.T.T.T. (SN 1984).

Trước đó, vào sáng 6/5, đoạn clip dài 12 giây do học sinh quay lại lan truyền trên mạng xã hội. Hình ảnh thể hiện trong clip cho thấy một cô giáo bắt một nam sinh nằm trên bàn, lấy thước nhôm đánh vào mông và đếm “1 roi, 2 roi, 3 roi…6 roi”

Trong bản tường trình cô T. gửi cho Ban giám hiệu trường THCS Hùng Vương nêu rõ, vào ngày 4/5, trong giờ Ngữ văn ở lớp 8H, em N.B.N.Q đã ngáp lớn.

“Tôi hỏi cả lớp em nào vừa ngáp nhưng không ai trả lời. Mặc dù cô giáo hỏi nhiều lần nhưng không học sinh nào nhận lỗi. Sau đó, cô giáo hỏi thăm ban cán sự lớp, phê bình các em ban cán sự lớp vì không theo dõi lớp thì một bạn ngồi cùng bàn đã báo cáo là em Q.” – cô T. trình bày.

Cô giáo T. trình bày thêm, trong lúc nóng giận, vì muốn các trò có nhận thức tốt hơn, dám chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm nên đã phạt em Q. vài roi.

“Thực sự lúc ấy, tôi phạt em Q. cũng như thương và răn dạy con cháu của mình. Tôi không hề có một suy nghĩ nào ghét bỏ các em. Sau bao nhiêu năm đứng trên bục giảng, tôi luôn tâm huyết và trách nhiệm với công việc, luôn quan tâm và gần gũi với học sinh” – cô Trang viết.

Cô giáo đã gửi lời xin lỗi đến các em học sinh, phụ huynh và ban giám hiệu nhà trường vì hành vi thiếu kiềm chế của bản thân. Cô giáo rất mong phụ huynh, ban giám hiệu nhà trường lượng thứ và cho cô giáo cơ hội sửa sai.

Bán rẻ 43ha ‘đất vàng’ cựu lãnh đạo Bình Dương và đồng phạm gây thiệt hại hơn 5.000 tỷ đồng

VnExpress – Ngày 6/5, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng vụ án bán rẻ 43 ha “đất vàng” của Tổng công ty Sản xuất – xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (hay còn gọi là Tổng công ty 3-2).

Viện kiểm sát đã truy tố ông Trần Văn Nam – cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương – về tội “vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Hàng loạt cựu lãnh đạo, lãnh đạo Bình Dương cũng bị truy tố gồm: Phạm Văn Cành – cựu phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, cựu chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương; Trần Thanh Liêm – cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Nguyễn Thanh Trúc – phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Trần Xuân Lâm – chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương; Võ Văn Lượng – chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương; Ngô Dũng Phương, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương; cựu cục trưởng, cục phó Cục Thuế…

Theo cáo trạng, năm 2011, Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3/2) xin được giao hai mảnh đất tại khu liên hợp tỉnh gồm 43 ha đất xây khu dân cư Tân Phú và 145 ha xây sân golf, nghỉ dưỡng. Năm 2012, ông Trần Văn Nam khi đó là phó chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định giao khu đất 43 ha và 145 ha cho Tổng công ty 3/2 theo hình thức “giao đất có thu tiền sử dụng đất”.

Tuy nhiên, các bị can là lãnh đạo Cục Thuế và cán bộ Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu, đề xuất áp dụng đơn giá từ năm 2006 để thu tiền sử dụng đất với Tổng công ty 3/2. VKS cho rằng ông Nam nhận thức được việc Cục Thuế tỉnh Bình Dương đề xuất áp giá đất năm 2006 để tính tiền sử dụng đất giao cho Tổng công ty 3/2 năm 2012 là trái quy định, nhưng vẫn cho thực hiện.

Hành vi của ông Nam và các đồng phạm bị cáo buộc gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 761 tỷ đồng.

Cáo trạng cũng xác định, từ năm 2015, Tổng công ty 3/2 bắt đầu cổ phần hóa. Các bị can là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và một số cơ quan tham mưu của tỉnh đều biết việc ông Nguyễn Văn Minh và đồng phạm chuyển nhượng 43 ha đất và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho tư nhân là trái quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Tuy nhiên, nhóm cựu lãnh đạo tỉnh đã không ngăn chặn hành vi của bị can Minh, yêu cầu khắc phục thu hồi tài sản cho Nhà nước. Thậm chí một số cựu lãnh đạo còn hợp thức hóa thủ tục để Nguyễn Văn Minh hoàn tất việc chuyển nhượng tài sản Nhà nước sang công ty do con rể mình thành lập và bán cho công ty tư nhân.

Giá trị khu đất 43 ha tại thời điểm khởi tố vụ án năm 2019 là 1.335 tỷ đồng nên các bị can bị cáo buộc gây thiệt hại 984 tỷ đồng.

Tại khu đất 145 ha, VKS cho rằng bị can Nguyễn Văn Minh và con gái Nguyễn Thục Anh tìm cách thâu tóm bằng cách đưa đi liên doanh, góp vốn. Tỉnh ủy yêu cầu khu đất phải để lại để Tổng công ty 3/2 sử dụng sau khi cổ phần hóa. Tuy nhiên, Nguyễn Văn Minh đã đưa 145 ha vào danh mục “tài sản chờ thanh lý” để không xác định giá trị quyền sử dụng đất.

Khu đất sau đó được góp vốn vào Công ty Tân Thành rồi lòng vòng chuyển nhượng giữa các doanh nghiệp sân sau của ông Minh. Các sai phạm khiến Tổng công ty 3/2 chỉ thu về 442 tỷ đồng trong khi giá trị thực là 4.472 tỷ đồng. Từ đó, bị can Nguyễn Văn Minh và các đồng phạm gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn, hơn 4.030 tỷ đồng.

Ngoài các sai phạm trên, ông Nguyễn Văn Minh còn bị cáo buộc cùng đồng phạm có hành vi tham ô tài sản. Với mục đích để Công ty Phát triển của bị can Thục Anh (con gái ông Minh) trả nợ ngân hàng khoản vay 132,8 tỷ đồng góp vốn vào Công ty Tân Thành, ông Minh lập chủ trương để Tổng công ty 3/2 nhận chuyển nhượng 19% vốn góp từ Công ty Tân Thành. Cuối năm 2018, ông tổ chức cuộc họp, thống nhất việc để Tổng công ty 3/2 mua lại 19% vốn của Công ty Tân Thành với chi phí hơn 964 tỷ đồng.

Giá trị mỗi cổ phần của Tân Thành chỉ hơn 16.000 đồng, nhưng bố con ông Minh và đồng phạm đã chuyển nhượng với giá hơn 105.000 đồng/cổ phần (chênh lệch hơn 89.000 đồng/cổ phần), gây thiệt hại 815 tỷ đồng. Số tiền này bị cáo buộc là tiền tham ô trong vụ án. Trong số này, VKS xác định ông Minh trực tiếp chiếm hơn 154 tỷ đồng.

Đề nghị lắp 5 trạm quan sát động đất ở Kon Tum

VnExpress – Chính quyền tỉnh Kon Tum đề nghị hai công ty thuỷ điện ở địa bàn lắp thêm 5 trạm quan sát để theo dõi chính xác, đầy đủ các trận động đất đang gia tăng.

Yêu cầu được UBND tỉnh Kon Tum gửi Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh và Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh, ngày 6/5.

Cụ thể, Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh lắp mới ba trạm quan sát tại thủy điện Thượng Kon Tum và kết hợp ba trạm quan sát động đất hiện có do Viện Vật lý địa cầu quản lý.

Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đrinh lắp đặt, cấp kinh phí cho hai trạm quan sát động đất, kết nối với 6 trạm quan sát ở khu vực thủy điện Thượng Kon Tum.

Động thái này đưa ra trong bối cảnh động đất ở Kon Tum gia tăng thời gian gần đây. Phần lớn dư chấn đều tập trung ở huyện Kon Plông – địa bàn xây dựng hai công trình thủy điện Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh.

Hơn một năm qua, động đất ở Kon Tum tăng khoảng 5 lần so với tổng số trận xảy ra trong 120 năm. Hôm nay, địa bàn huyện Kon Plông cũng ghi nhận hai trận động đất 3,4 và 3,2 độ richter.

Có thể bạn quan tâm: