4 người bị lũ cuốn khi đang thi công hầm thủy điện

NLĐ – Ngày 3/7, lãnh đạo UBND huyện Nậm Pồ (Điện Biên) cho biết vào khoảng 6 giờ cùng ngày, tại xã Si Pa Phìn đã xảy ra trận mưa to gây ra lũ tại khe suối bản Phi Lĩnh (huyện Nậm Pồ).

Theo đó, vào thời điểm trên, tại công trường đào hầm thuỷ điện của Công ty TNHH Thương mại số 6 Điện Biên đang có 4 công nhân đang thi công đào hầm tại cửa hầm số 3. 

Do mưa to, nước lũ lớn bất ngờ tràn vào trong hầm làm 4 người bị cuốn vào bên trong. Hậu quả khiến Giàng A Chớ (SN 1994), Giàng A Lử (SN 2000), Sùng A Cử (SN 1996) bị thương và đã được đưa đi cấp cứu; còn anh Lý A Dia (SN 1997) mất tích.

Lý do không công bố danh tính 2 nghệ sĩ Việt bị tố hiếp dâm tại Tây Ban Nha

Dantri – Theo thông tin từ tờ tin tức Tây Ban Nha Majorca Daily Bulletin và một số tờ tin tức của Anh như Daily Mail, The Mirror, The Sun, hai nam nghệ sĩ đến từ Việt Nam đã bị một cô gái người Anh 17 tuổi tố cáo vì hành vi cưỡng hiếp cô trên đảo Majorca (Tây Ban Nha).

Sự việc đã được cô gái trình báo tới cảnh sát địa phương tại đảo Majorca. Hai đối tượng mà cô gái tố cáo là hai người đàn ông đang ở tuổi 37 và 42, đến từ Việt Nam, một người là diễn viên, một người là nhạc sĩ.

Các tờ tin tức hiện đều nhấn mạnh rằng đây là hai nghệ sĩ nổi tiếng trong showbiz tại Việt Nam. Sự việc vẫn đang được điều tra, danh tính hai người đàn ông bị cô gái tố cáo vẫn đang được nhà chức trách giữ kín.

Trước nay, đối với những vụ việc dạng này, nhà chức trách tại Tây Ban Nha thường chỉ cung cấp cho giới truyền thông những thông tin về quốc tịch và độ tuổi của người bị tố cáo, ngoài ra, thông tin cá nhân chi tiết và cụ thể như tên riêng và hình ảnh của người bị tố cáo sẽ được giữ kín trong quá trình điều tra.

Động thái giữ kín danh tính của người bị tố cáo mà nhà chức trách Tây Ban Nha thực hiện là dựa trên Luật Ley Orgánica, với những quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, không cung cấp thông tin chi tiết về nghi phạm trong quá trình nhà chức trách tiến hành điều tra.

Khách ra đảo Lý Sơn phải trả thêm nhiều cước phí

VnExpress – Ngoài giá vé tàu tăng cao, người dân khi ra đảo Lý Sơn đem hành lý vượt 20 kg trở lên phải trả thêm cước vận chuyển hàng hoá, bốc xếp…

Mức phí này được Ban quản lý Cảng Sa Kỳ áp dụng từ đầu tháng 7. Song gặp phản ứng của người dân và chính quyền địa phương, dự kiến ngày mai Sở Giao thông Vận tải họp với ban quản lý cảng, huyện Lý Sơn và đơn vị vận chuyển hành khách, hàng hóa tuyến Sa Kỳ – Lý Sơn.

Trước đó, theo thông báo của Ban quản lý Cảng Sa Kỳ, khách khi đi trên tuyến chỉ được miễn cước 20 kg hành lý xách tay, nếu nặng hơn phải trả thêm cước. Với các thùng hàng 10-70 kg, giá cước 8.000-45.000 đồng một lượt, cùng phí bốc xếp 700 –10.000 đồng mỗi lượt.

Ngoài ra, giá vận chuyển xe máy là 55.000 đồng một lượt, thêm 20.000 đồng bốc xếp; lưu kho thêm phí 5.000 đồng một ngày mỗi chiếc. Xe đạp chịu cước vận chuyển là 20.000 đồng một lượt và 10.000 đồng bốc xếp; phí lưu kho 3.000 đồng mỗi chiếc một ngày.

Theo lý giải của Ban Quản lý cảng, cước vận chuyển mới được căn cứ trên các quy định về vận tải đường thủy nội địa; kế hoạch phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuy nhiên, nhiều người dân Lý Sơn không đồng tình với giá vận chuyển hàng hóa nói trên. Họ cho rằng mức cước mới khiến người dân ở đảo phải gánh chi phí đi lại, khám chữa bệnh rất lớn, giá hàng hóa bị đội lên cao so với đất liền. Hồi tháng 5, vé tàu ra đảo tăng thêm 35.000 đồng, ở mức 213.000 đồng một vé.

“Vé tàu đã tăng cao, giờ còn thu thêm cước ký gửi hàng hóa, hành lý, không ai chịu nổi, mỗi lần đi và về tốn đến 500.000 đồng”, anh Đặng Văn Sâm, người dân đảo Bé nói.

Đề xuất giảm thêm 1.000 đồng thuế bảo vệ môi trường với xăng

Tiền Phong – Phó thủ tướng Lê Minh Khái ngày 3/7 đã ký Nghị quyết 82 của Chính phủ để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giảm thêm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu và mỡ nhờn, dựa trên đề xuất của Bộ Tài chính.

Xăng: Giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.

Nhiên liệu bay: Giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít.

Dầu diesel: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít.

Dầu mazut, dầu nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít.

Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg.

Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.

Việc giảm thuế nếu được thông qua sẽ bắt đầu từ 1/8 đến hết năm 2022. 

Việc giảm thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn, từ đó góp phần hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, góp phần giảm giá thành sản phẩm và góp phần ổn định lạm phát.

Cạn nguồn lao động dệt may, da giày

VnExpress – Dệt may, da giày đối mặt tình trạng không có lao động trẻ bổ sung, trong khi công nhân đang làm sẵn sàng đổi sang ngành khác hoặc bỏ thành phố về tỉnh.

Sau dịch, Công ty cổ phần dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú) cần tuyển hơn một nghìn lao động bù đắp số nghỉ việc và mở rộng sản xuất cho gần 20 nhà máy ở các tỉnh, thành. Các nhà máy của Thành Công sẵn sàng tuyển người mới dạy nghề may, đảm bảo lương, thưởng nhưng chưa đủ hấp dẫn. Lao động trẻ chỉ muốn làm các công việc phụ, ngại ngồi vào chuyền do phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tốc độ…

Không chỉ khó tuyển mới, Công ty Thành Công còn đối mặt biến động lao động ngay trong nội bộ. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự công ty, nói ngành dệt may không còn hấp dẫn công nhân. Bằng chứng một lượng lớn lao động ở các nhà máy nghỉ việc để chuyển sang các ngành khác thu nhập tốt hơn. Chưa kể xu hướng lao động dịch chuyển ngược từ thành phố về các địa phương do chi phí ở thành thị ngày càng đắt đỏ, “lương 8-9 triệu mỗi tháng không thể sống nổi”.

“Lao động dệt may đã cạn nguồn, tìm người mới rất khó. Các nhà máy đang tranh nhau công nhân có tay nghề”, ông Tuấn nói và cho biết khan hiếm lao động khiến nhiều nhà máy không thể đạt 100% công suất. Với những chuyền được bổ sung đủ người, năng suất vẫn đi xuống do người mới chưa quen nghề, không bắt được nhịp sản xuất.

Tương tự, Công ty TNHH MTV giày dép Vĩnh Phong trước năm 2020 quy mô 500 lao động, xưởng sản xuất rộng 3.500 m2, chỉ đủ khả năng nhận gia công cho hai khách hàng. Sau khi nhiều đối tác đặt hàng, ban giám đốc quyết định chuyển nhà máy từ Bình Tân ra huyện ngoại thành Hóc Môn, nhà xưởng rộng 10.000 m2, với hơn 1.000 lao động. Thế nhưng, sau hai năm nhà máy tuyển không đủ người, hiện chỉ gần 300 công nhân làm việc.

“Không thể tìm ra người”, bà Phan Thị Minh Thu, Phó giám đốc công ty nói. Nếu trước đây, một tuần nhà máy có thể tuyển 50 công nhân có tay nghề, giờ đây cả tháng, sử dụng đủ kênh chỉ kiếm được 10 người. Chưa kể, người đến ứng tuyển đa phần lao động lớn tuổi, ngấp nghé 40, bị nhiều ngành “chê”. Trái ngược kế hoạch mở rộng sản xuất để nhận thêm khách hàng, giờ đây Công ty Vĩnh Phong rơi vào tình trạng lao động giảm gần một nửa trong khi tiền thuê xưởng tăng gấp đôi. Doanh nghiệp cũng không thể nhận thêm đối tác mới.

Thiếu lao động, khó tuyển mới cũng là tình trạng của nhà máy Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân) – doanh nghiệp gia công giày đông công nhân nhất TP HCM. Sau dịch, công ty cần tuyển mới 8.800 lao động nhưng đến nay chỉ lấp đầy được 65%. Chưa kể, mỗi tháng có 500-650 công nhân nghỉ việc. Phía doanh nghiệp cho hay không còn đặt nặng mục tiêu tuyển đủ người vì biết rõ “không thể nào đạt được”. Các thương hiệu cũng chuyển đơn hàng vừa đủ để nhà máy làm.

Dệt may, da giày là hai ngành hàng dùng nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam. Trong đó, dệt may khoảng hai triệu lao động, chiếm 25% toàn ngành chế biến, chế tạo. Con số này ở ngành da dày là hơn 1,4 triệu, chiếm tỷ lệ trên 18%. Những năm gần đây, đặc biệt sau Covid-19, hai ngành phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động.

TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, cho rằng lao động bỏ dệt may, da giày để chuyển sang các ngành khác có giá trị, năng suất cao hơn, lương tốt hơn như điện tử, du lịch… là xu hướng tất yếu. Thời gian tới, hai ngành hàng này sẽ không còn là thế mạnh khi Việt Nam dần dịch chuyển lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị.

Ông Bình nói nếu nhìn theo kinh nghiệm của các nước, ngành dệt may và da giày của Việt Nam sẽ phải thay đổi, tái cấu trúc với mô hình tăng trưởng khác. Thậm chí hai ngành phải thu hẹp, không dựa nhiều vào lao động giá rẻ như hiện nay vì những lợi thế này sẽ mất dần.

Có thể bạn quan tâm: