Mục lục bài viết
Việt Nam nói về việc bỏ phiếu trắng với nghị quyết lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga
Tienphong – Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 3/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết quan điểm của Việt Nam khi bỏ phiếu trắng cho nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine tại phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 1/3.
Bà Hằng cho biết, quan điểm của Việt Nam là hết sức quan ngại về tình hình xung đột xung đột vũ trang ở Ukraine, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoà bình và an ninh ở khu vực và thế giới.
Bà Hằng nói: “Chúng tôi cho rằng ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đàm phán và đàm phán trên tất cả các kênh để đạt được giải pháp lâu dài, có tính đến lợi ích của các bên, trên cơ sở Hiến chương của Liên Hợp Quốc và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết lập trường này của Việt Nam đã được nêu rõ trong tuyên bố của Người phát ngôn ngày 25/2 và phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 1/3.
Nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua hôm 1/3 với 141 quốc gia trên tổng số 193 quốc gia bỏ phiếu thuận, 35 quốc gia bỏ phiếu trắng và 5 quốc gia bỏ phiếu chống. Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc nằm trong nhóm bỏ phiếu trắng.
Đề xuất chuyến bay đón công dân Việt Nam từ Ba Lan
VnExpress – Vietnam Airlines đề xuất tổ chức chuyến bay đầu tiên đón công dân Việt Nam ở Ukraine về nước theo đường Ba Lan.
Theo Vietnam Airlines, chuyến bay dự kiến cất cánh sáng 5/3 từ Hà Nội, đến Ba Lan trong chiều cùng ngày, dự kiến đưa khoảng 270 công dân Việt Nam từ Ukraine về nước trong sáng 6/3.
Tuy nhiên, đại diện Vietnam Airlines cho biết, nhiều hành khách khi hồi hương sẽ không thể kịp làm xét nghiệm trước chuyến bay, thậm chí có người chưa tiêm đủ liều vaccine; chưa kịp đăng ký cơ sở lưu trú để cách ly khi về nước.
Do đó, Vietnam Airlines đề nghị Bộ Y tế cho phép miễn các yêu cầu về xét nghiệm và tiêm chủng trước chuyến bay và có hướng dẫn về việc tổ chức cách ly với các hành khách trong diện nêu trên.
Hãng cũng kiến nghị Bộ Ngoại giao sớm có chỉ đạo về việc tổ chức chuyến bay, hỗ trợ trong việc xin phép bay theo kênh ngoại giao.
Ngoài Vietnam Airlines, các hãng VietJet Air và Bamboo Airways cũng đã chuẩn bị phương tiện và sẵn sàng phương án để thực hiện các chuyến bay đưa người Việt Nam tại Ukraine về Việt Nam từ các sân bay tại Romania, Ba Lan, Séc…
Theo Cục Hàng không Việt Nam, phương án sơ tán dự kiến là công dân Việt Nam tại Ukraine sẽ di chuyển đường bộ sang các quốc gia láng giềng. Công dân ở Kiev sẽ di chuyển sang Ba Lan, ở Kharkiv sẽ sang Nga và ở Odessa sẽ sang Moldova hoặc Romania, sau đó chuyến bay sẽ đưa công dân từ các quốc gia này về nước.
Phong tỏa 1.600 tỷ đồng liên quan vụ Việt Á
VnExpress – Cơ quan điều tra đã tiến hành phong tỏa, kê biên, thu hồi tài sản trị giá 1.600 tỷ đồng liên quan vụ Việt Á, theo Trung tướng Tô Ân Xô.
Người phát ngôn Bộ Công an cho biết thông tin nêu trên tại họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều 3/3. Bộ Công an đã làm việc xuyên Tết để thúc đẩy quá trình điều tra vụ Việt Á; đồng thời, ủy thác cho cơ quan điều tra 62 tỉnh, thành thu thập tài liệu liên quan, bao gồm việc bán kit xét nghiệm trực tiếp hoặc gián tiếp cho các tổ chức, pháp nhân tại địa phương.
Cơ quan điều tra cũng đang đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh tại các bộ, ngành có liên quan. Theo ông Xô, việc này nhằm làm rõ hành vi sai phạm trong việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành sản xuất, hiệp thương giá, thông tin quảng cáo, tổ chức sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm… liên quan đến kit xét nghiệm của công ty Việt Á.
Trước đó, báo cáo tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội ngày 18/1, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt bị cáo buộc nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 lên khoảng 45%, chi “hoa hồng” gần 800 tỷ đồng.
Hiện, Bộ Công an đã khởi tố hơn 20 người về nhiều tội danh: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa và Nhận hối lộ.
Ngày 20/1, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường khẳng định, việc điều tra sẽ không dừng lại ở “cán bộ cấp vụ” và “không có vùng cấm”.
Người nuôi 14 con hổ bị phạt tù
VnExpress – Nguyễn Văn Hiền, 40 tuổi, chủ hộ nuôi 14 con hổ trái phép bị cáo buộc tội Vi phạm về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm.
Ngày 3/2, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên bị cáo Hiền, trú xã Đô Thành (huyện Yên Thành) 7 năm tù giam.
Theo hồ sơ, Hiền là chủ của gia đình nuôi 14 cá thể hổ Đông Dương trong tầng hầm. Hôm 4/8, khi bị Công an Nghệ An và đơn vị liên quan phát hiện việc nuôi hổ trái phép, gia chủ khai hổ được đưa về từ Lào lúc đang bé, nuôi nhốt nhiều tháng.
Cùng ngày, một lực lượng làm nhiệm vụ khác cũng ập vào nhà một hộ dân khác ở xóm Phú Xuân, cùng xã Đô Thành, phát hiện thêm 3 con cùng loại. Dự kiến, vụ án này sẽ bị đưa ra xét xử trong thời gian tới.
17 con hổ tại hai nhà dân hôm đó được lực lượng làm nhiệm vụ bắn thuốc mê, cho bỏ vào lồng sắt vận chuyển tới một khu sinh thái để chăm sóc. Tuy nhiên, tới nay 9 con đã chết. Nguyên nhân chưa được công bố.
8 con hổ là tang vật trong vụ án này đang được gửi tạm tại khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm (huyện Diễn Châu). Dự kiến cuối tháng 3, Nghệ An sẽ bàn giao đàn hổ này cho Vườn thú Hà Nội sau khi UBND TP. Hà Nội đồng ý.
Có thể bạn quan tâm: