Mục lục bài viết
Đường trên cao Bắc – Nam dài 14,1km tăng chi phí lên hơn 8.000 tỷ đồng
Dân Việt – Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đã trình UBND TP báo cáo tóm tắt đề xuất đầu tư xây dựng dự án đường trên cao Bắc – Nam từ đường Cộng Hòa đến đường Nguyễn Văn Linh theo hình thức đối tác công tư (PPP, hợp đồng BOT).
Theo đó, so với báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi cách nay 5 tháng, tổng mức đầu tư dự án đường trên cao Bắc – Nam từ đường Cộng Hòa đến đường Nguyễn Văn Linh hiện nay được ước tính đã tăng hơn 8.000 tỷ đồng.
Thông tin của CII, dự án đường trên cao Bắc – Nam TP.HCM dài 14,1km tạo trục đường trên cao xuyên suốt theo tuyến Bắc – Nam, kết nối khu vực trung tâm thành phố (quận 1, 3, 5, 4) với khu đô thị Nam Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo CII, do chưa đủ điều kiện xác định thời điểm chính thức làm dự án nên qua tính toán tại thời điểm năm 2022, tổng mức đầu tư dự án 38.192 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 18.992 tỷ đồng, chi phí làm đường 19.200 tỷ đồng. So với báo cáo đầu kỳ trước đó, tổng đầu tư lần này tăng hơn 8.000 tỷ đồng, chi phí tăng phần lớn do bồi thường giải phóng mặt bằng.
Xăng trong nước tăng tiếp
Thanh Niên – Các dữ liệu cho thấy, giá xăng dầu tại kỳ điều hành lần này (ngày 1/6) sẽ tiếp tục tăng. Trong đó, giá xăng tăng mức cao hơn giá dầu.
Ngày 30/5, một lãnh đạo đầu mối kinh doanh xăng dầu phía nam cho biết, giá xăng RON95 nhập khẩu đã bao gồm phí vận chuyển tính đến cuối tuần qua đã lên đến 154,26 USD/thùng, xăng E5 RON92 lên 146,08 USD/thùng, dầu diesel vọt lên 149,49 USD/thùng.
Dữ liệu từ Bộ Công thương cho thấy, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 26/5 cũng tiếp tục tăng so với giá tại kỳ điều chỉnh ngày 23/5 ở mức 142,44 USD/thùng đối với xăng RON 92, xăng RON 95 150,62 USD/thùng…
So với 10 ngày trước, lãnh đạo công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu này thông tin, giá bán xăng thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore hiện cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 380 – 870 đồng/lít, dầu diesel cao hơn 90 đồng/lít. Mức tăng này chưa tính quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Dự báo, tại kỳ điều hành tới, ngày 1/6, giá xăng bán lẻ trong nước tiếp tục tăng trên dưới 500 đồng/lít. Tuy nhiên, tùy vào mức chi trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu của cơ quan điều hành, đặc biệt, giá dầu thế giới vẫn đang đà tăng mạnh, mức tăng có thể thay đổi theo chiều hướng cao hơn.
Bộ Công an cấp hộ chiếu online từ 1/6/2022
Dân Việt – Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp hộ chiếu phổ thông (không gắn chíp điện tử) cho công dân trên Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an.
Theo đó, công dân Việt Nam ở trong nước có căn cước công dân gắn chíp điện tử hoặc căn cước công dân 12 số còn giá trị, có khả năng thanh toán lệ phí trực tuyến qua hệ thống thanh toán điện tử, có thể đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an để đăng ký hồ sơ, thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hộ chiếu qua bưu chính hoặc đến nhận trực tiếp tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh khi có kết quả.
Về quy trình, người dân truy cập vào Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công an, đăng nhập vào hệ thống, sau đó chọn thủ tục muốn thực hiện.
Sau đó, điền đầy đủ các thông tin đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu X01, bao gồm cả địa chỉ email và upload ảnh chân dung (để in trên hộ chiếu).
Cuối cùng, lựa chọn hình thức nhận hộ chiếu qua đường bưu điện hoặc đến trực tiếp và thanh toán lệ phí trực tuyến
Trường hợp công dân không đủ điều kiện sử dụng dịch vụ công mức độ 4 hoặc có nhu cầu nộp hồ sơ trực tiếp thì áp dụng quy trình đăng ký, tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp hộ chiếu hiện hành.
Với việc triển khai cấp hộ chiếu qua Cổng dịch vụ công cấp độ 4, công dân có thể chủ động khai tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu qua mạng Internet vào bất kỳ thời gian, địa điểm nào, bằng các phương tiện có kết nối Internet mà không phải đến trực tiếp cơ quan xuất nhập cảnh để xếp hàng nộp tờ khai, chụp ảnh.
Theo kế hoạch đề ra, từ ngày 4 -14/5, Cục Quản lý xuất nhập cảnh phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan tiến hành chạy thử nghiệm, hoàn thiện hệ thống.
Từ ngày 15/5, việc cung cấp dịch vụ công nêu trên được triển khai thí điểm tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an thành phố Hà Nội và sẽ được chính thức triển khai trên toàn quốc kể từ ngày 1/6.
Nông dân thiệt hại khi làm lúa gần nhà máy ở Tràm Chim
VnExpress – Gần hai năm qua, việc hình thành nhà máy gạch, khai thác khoáng sản gần Vườn quốc gia Tràm Chim khiến nhiều hộ dân trồng lúa ở đây thiệt hại.
Giữa trưa, ông Nguyễn Văn Tài, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, băng đồng thăm thửa ruộng 3.000 m2 trồng nếp đang trổ bông, nằm gần nhà máy gạch của Công ty cổ phần bê tông Hà Thanh. Đây là lần thứ ba trong ngày ông ra đồng khi thấy ruộng nếp bị bệnh bất thường. Đám lúa hư hại nặng nhất ở gần nhà máy, lá cháy, hạt đen, biểu hiện lép hạt.
Sau nhiều ngày quan sát, ông Tài nghi ngờ ruộng nếp bị khói bụi của nhà máy bay sang ảnh hưởng quá trình thụ phấn. “Chỗ nào khói xoáy xuống chỗ đó liền bị bệnh”, người nông dân gần 50 tuổi nói. Trước tình trạng ruộng lúa bị thiệt hại, ông Tài gửi đơn đến chính quyền địa phương, nhờ phân xử. “Mùa rồi lúa hư hết nửa bông, vất vả ba tháng mới có hạt gạo, sao mà không xót”.
Hàng xóm của ông Tài, ông Nguyễn Minh Em cũng cho biết từ ngày nhà máy đi vào sản xuất, khói bụi nhiều khiến cây trái quanh nhà suy kiệt, không ra bông. Ngoài ra, việc nhà máy bỏ hoang nhiều thửa ruộng đã thu mua, chờ lấy đất sét làm gạch, khiến chuột sinh sôi, phá hại mùa màng.
“Họ mua hơn 60 ha đất ruộng, ai có đất liền kề không muốn cũng phải bán vì có làm ruộng được đâu”, ông Em nói. Gần đó, gia đình ông Tư Phấn cũng phàn nàn vì tiếng ồn nhất là xe container chở gạch, xe ben chở đất hoạt động suốt ngày. “Con người còn muốn điên đầu nói chi chim cò ở vườn quốc gia”, ông Phấn nói.
Ông Phùng Văn Út Ngoan, Bí thư kiêm Trưởng ấp K12, xã Phú Hiệp, cho biết vụ trước nhà máy phải bồi thường cho một nông dân vì làm hư hại ruộng lúa. Mùa này ông tiếp tục nhận đơn của người dân, đang chờ giải quyết. Trưởng ấp nói cách đây mấy tháng xe ben chở đất sét về nhà máy rơi vãi khiến đường bùn sình, bụi nhiều. Bị người dân phản ứng gay gắt, nhà máy phải ngưng.
Theo ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, người dân nhiều lần phản ánh đường xá lầy lội do xe chở đất của nhà máy gạch. Riêng việc nhà máy mua đất lúa của nông dân để khai thác khoáng sản, ông Nam thông tin dự án được tỉnh cấp phép, “tuân thủ quy định đấu thầu, đánh giá tác động môi trường”.
Nhà máy gạch của Công ty cổ phần bê tông Hà Thanh, tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, hoàn thành hồi tháng 10/2020, được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản, làm gạch với diện tích 25 ha. Chủ doanh nghiệp sau đó đề xuất nâng dự án nhà máy lên cụm công nghiệp rộng 60 ha. Vị trí cụm công nghiệp nằm trong vùng đệm, cách ranh Vườn quốc gia Tràm Chim 300-700 m.
Đề nghị này bị một số chuyên gia, nhà khoa học phản đối bởi lo ngại tiếng ồn, khí và nước thải từ cụm công nghiệp ảnh hưởng hệ sinh thái Vườn quốc gia Tràm Chim – Ramar (khu bảo tồn ngập nước) thứ 2.000 của thế giới. TS Lê Phát Quới, Trung tâm Khoa học Môi trường và Sinh thái, cho biết nhà máy và cụm công nghiệp đang đề xuất nằm kế khu A5 của vườn – nơi sếu đầu đỏ hay về trú ngụ.
Sau hơn 30 gắn bó với số lượng hàng nghìn con, ban quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim rộng hơn 7.500 ha, ghi nhận trong năm nay và trước đó 2020, đàn sếu đầu đỏ không về vườn kiếm ăn, trú ngụ như thông lệ hàng năm.
Theo TS Quới, khí thải từ sản xuất công nghiệp dù qua xử lý giảm ô nhiễm, song vẫn chứa những nguyên tố độc hại. “Thấy ống khói nhà máy nhả nghi ngút, con sếu nào dám về, chưa kể nguồn thức ăn của chúng như củ năng kim, ốc, cá cũng bị ảnh hưởng”, ông nói.
Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu về hoạt động bảo tồn ở Tràm Chim, công nghiệp khoáng sản cụ thể là khai thác đất sét ở độ sâu 5-9 m tạo nên các hố rộng và sâu. Trong khi khu vực này xa sông Tiền, phù sa bồi đắp hàng năm rất ít, tài nguyên khi đã khai thác khó được tái tạo.
Việc phát triển cụm công nghiệp trong vùng đệm Ramar Tràm Chim nếu thành hiện thực còn vi phạm qui định của Luật Đa dạng sinh học. Bởi trong công tác bảo tồn thiên nhiên, khu vực vùng đệm rất quan trọng, giúp tăng khả năng bảo vệ sự đa dạng sinh học bên trong khu bảo tồn thiên nhiên.
Quyết định số 08/2001 của Chính phủ cũng ghi: “Mọi hoạt động trong vùng đệm phải nhằm mục đích hỗ trợ cho công tác bảo tồn, quản lý và bảo vệ khu rừng đặc dụng; hạn chế di dân từ bên ngoài vào vùng đệm”.
Vùng đệm của Vườn quốc gia Tràm Chim với diện tích rộng hơn 16.800 ha, nằm xung quanh vùng lõi, bao gồm 13 ấp thuộc 5 xã (Phú Thọ, Phú Thành B, Phú Hiệp, Phú Đức, Tân Công Sính) và hai khóm thuộc thị trấn Tràm Chim.
Chiều 30/5, UBND tỉnh Đồng Tháp đã họp khẩn cùng các sở ngành, địa phương sau khi đề xuất xây cụm công nghiệp kề vườn quốc gia bị báo chí phản ánh. Kết thúc buổi họp, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin Đồng Tháp chưa có chủ trương thành lập cụm công nghiệp Phú Hiệp.
Có thể bạn quan tâm: