Mục lục bài viết
Xe chở rác gây sập cầu nông thôn
VnExpress – Ôtô 15 tấn chở đầy rác chạy vào đường nông thôn đã làm sập cầu có tải trọng 3,5 tấn ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, rạng sáng 29/3.
Xe chở rác của Công ty TNHH Xây dựng Đỗ Duy, ở quận Ninh Kiều. Khoảng 4h, xe chở khoảng 6 tấn rác do tài xế 54 tuổi chạy từ trung tâm TP. Cần Thơ về máy xử lý ở huyện Thới Lai. Khi qua kênh Ba Chu, xe làm sập cầu Thủy Lợi.
Tại hiện trường, cầu dài khoảng 20m, khung sắt, sàn gỗ bị biến dạng, nghiêng, lún sâu sang một bên. Lực lượng chức năng đã phong tỏa hiện trường, điều tiết, hướng dẫn người dân chạy đường vòng khoảng một km.
“Bước đầu xác minh, do trời tối, tài xế lạc đường nên chạy vào đường này dẫn đến sập cầu”, thượng tá Trần Văn Dũng, Trưởng công an huyện Phong Điền nói và cho biết kết quả test nhanh tài xế không có nồng độ cồn và âm tính ma túy.
Bà Vũ Đặng Hải Yến ngồi “ghế nóng” FLC sau khi Trịnh Văn Quyết bị bắt
NLĐ – Tối 29/3, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) đã phát đi thông cáo sau khi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn, bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Tập đoàn FLC cho biết, vụ việc hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng quan trọng của FLC trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh cũng như phát triển bền vững trong thời gian tới. Đồng thời, cũng không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với FLC.
Cũng theo Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết đã ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn FLC, thay mặt và đại diện cho ông Trịnh Văn Quyết thực hiện các công việc, quyền của Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways); cũng như toàn bộ quyền cổ đông tại hai doanh nghiệp nói trên theo đúng quy định pháp luật và điều lệ của công ty.
Đồng thời, ông Trịnh Văn Quyết cũng ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến toàn bộ các quyền liên quan đến các tài sản, quyền tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Quyết.
Sau ngày 1/4, giá xăng giảm được bao nhiêu?
Thanh Niên – Theo Bộ Công thương, giá xăng dầu thế giới mấy ngày gần đây có xu hướng tăng mạnh. Đặc biệt, có ngày giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore đối với xăng RON95 vọt lên 136,26 USD/thùng; xăng RON92 cập nhật đến ngày 25.3 về mức 125,96 USD/thùng, nhưng nguyên tuần trước cũng tăng hơn 4 – 6 USD/thùng. Tương tự, giá dầu diesel trong tuần qua tăng liên tục, có ngày leo lên mốc 148,96 USD/thùng.
Cập nhật đến chiều qua 29/3, một lãnh đạo doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu phía nam tính toán, sau được giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) 2.000 đồng/lít và chưa tính trích quỹ bình ổn, theo giá nhập khẩu, giá bán lẻ xăng tại kỳ điều hành tới (1.4) sẽ giảm khoảng 1.400 đồng/lít. Còn giá bán lẻ dầu diesel sau khi giảm thuế BVMT 1.000 đồng/lít, theo giá nhập khẩu vẫn tăng khoảng 1.000 đồng/lít (chưa trích quỹ bình ổn giá). Vị này phân tích sau khi trích lập quỹ bình ổn, giảm thuế BVMT, mức giảm tối đa các mặt hàng xăng tại kỳ điều hành tới vào khoảng 1.000 đồng/lít. Chiết khấu dành cho đơn vị bán lẻ cũng phải 300 – 500 đồng/lít thì họ mới “sống” được. Còn với dầu diesel, giá bán lẻ sau trích lập quỹ bình ổn giá sẽ tăng khoảng 600 đồng/lít. “Đó là tính toán của nhà kinh doanh. Còn phía Bộ Tài chính chắc chắn sẽ cân nhắc về mức trích và chi quỹ thế nào chưa biết được. Theo tôi, muốn cứu thị trường thì thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với xăng dầu phải giảm nữa”, vị này nói.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế: Nhiều nước lợi dụng COVID-19 để hạn chế tự do
RFI – Tình hình nhân quyền trên thế giới vẫn không được cải thiện trong năm 2021. Báo cáo của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, được công bố ngày 29/03, khẳng định đại dịch Covid-19 và sự leo thang xung đột trên thế giới đã làm gia tăng tình trạng vi phạm nhân quyền và bất bình đẳng, đặc biệt là ở Trung Đông và Bắc Phi.
Theo bản báo cáo, “tình trạng nghèo đói gia tăng, mất an ninh lương thực và việc nhiều chính phủ lợi dụng dịch bệnh để trấn áp đối lập và các phong trào phản đối đã lan rộng trong năm 2021”. Ngoài ra, phải kể đến mối đe dọa từ các cuộc xung đột mới “ngày càng lớn, trong khi những xung đột trước đó ngày thêm trầm trọng”.
Tổ chức nhân quyền chú ý đến vùng Trung Đông và Bắc Phi, cụ thể là ở Libya, Israel và những vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng hoặc ở Yemen, nơi “các cuộc đối đầu đã dẫn đến hàng loạt vi phạm luật nhân quyền quốc tế và nhân quyền nói chung”. Ngoài ra, nhiều chính phủ còn bị cáo buộc “không ưu tiên tiếp cận vac-xin cho người dân, kể cả vac-xin ngừa Covid-19”.
Trả lời đài France 24, bà Heba Morayef, giám đốc phụ trách vùng Trung Đông và Bắc Phi của Amnesty International, nhận định : “Hai năm vừa qua, đại dịch đã khiến thế giới bớt quan tâm hơn đến các cuộc xung đột trong vùng, như chiến tranh ở Syria và Yemen đang bị quên lãng. Một số chính phủ, trong đó có Bắc Phi, đã lợi dụng dịch Covid-19 để can thiệp hoặc ra luật vi phạm quyền tự do ngôn luận với danh nghĩa khẩn cấp dịch tễ”. Vì các đạo luật này, các phong trào phản đối ở Liban, Irak, Algérie đều bị cấm.
Tuy nhiên, dù có dịch bệnh hay không, báo cáo của tổ chức Ân Xá Quốc Tế cũng lên án nhiều biện pháp hạn chế tự do ngôn luận ở Trung Đông và Bắc Phi qua việc “nhiều chính phủ ban hành các đạo luật hà khắc, hình sự hóa việc thực hiện quyền cơ bản này”.
Có thể bạn quan tâm: