Xăng dầu lãi khủng trên khốn khó của người dân?

Sau khi “cơn bão” đại dịch COVID-19 qua đi, người dân, doanh nghiệp lại phải đón nhận cơn “bão giá”.

Xăng dầu là một trong các mặt hàng ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và cộng đồng doanh nghiệp, khi mặt hàng này tăng giá, đã kéo theo hầu hết mặt hàng khác đều tăng mạnh, điều đó thấy rõ trong thời gian gần đây, từ đồ ăn thức uống, gas… cho đến sắt, thép, vật liệu xây dựng đều tăng chóng mặt. Cơn bão giá khiến không chỉ người dân mà cả cộng đồng doanh nghiệp cũng cảm thấy đuối sức, thì ngược lại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn lãi “khủng” lên cả ngàn tỷ đồng.

Theo bài viết phân tích, bình luận trên báo Người Lao Động có tựa đề “Xăng dầu lãi khủng trên khốn khó của người dân” cho hay, điển hình, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR, đơn vị vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất – Quảng Ngãi) công bố báo cáo tài chính với mức lãi tăng vọt. Chỉ trong quý II/2022, doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần 52.000 tỷ đồng, lãi ròng hơn 9.900 tỉ đồng – tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Còn tính chung 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp này lãi ròng khoảng 12.300 tỉ đồng.

Doanh thu nhiều, lãi nhiều là bình thường, nhưng tỉ lệ lãi trên doanh thu trong quý II lên đến 20% quả là điều “không tưởng” với bất cứ doanh nghiệp ngành nào trong bối cảnh sản xuất – kinh doanh phải đối mặt với khó khăn chồng chất. Trong ngành xăng dầu, tỉ lệ lãi trên doanh thu 20% cũng là cao mức ngất ngưởng bởi biên lợi nhuận lĩnh vực này thường thấp.

Nên nhớ, khoảng thời gian doanh nghiệp đạt mức lãi khủng chính là giai đoạn giá xăng dầu tăng vùn vụt làm chao đảo thị trường, tác động tiêu cực đến hàng loạt ngành sản xuất – kinh doanh từ vận tải, tiêu dùng đến công nghiệp, thực phẩm… Ngay ngành nông nghiệp cũng bị “vạ lây” khi giá phân bón tăng cao, giá xăng dầu dùng cho máy móc nông nghiệp, vận chuyển “ngoạm” vào vốn sản xuất. Ấy vậy mà ngành kinh doanh mặt hàng đầu vào thiết yếu cho cả sản xuất – kinh doanh lẫn đời sống như xăng dầu lại lãi khủng khiếp như thế.

Theo phân tích của bài viết này, khi tác động của làn sóng tăng giá xăng dầu đến nền kinh tế và đời sống người dân quá lớn, Quốc hội đã phải họp để ban hành một nghị quyết về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm kìm giữ giá, giảm khó khăn cho người dân. Thế nhưng, ngành kinh doanh xăng dầu vẫn có biên độ lợi nhuận ngất ngưởng, bất chấp nền kinh tế bị tác động đến đâu, đời sống người dân khốn khó thế nào?

Xăng dầu không giống những mặt hàng tiêu dùng khác. Nó là hàng hóa đặc biệt, là nhu cầu thiết yếu và có thể xem như dòng máu của nền kinh tế công nghiệp. Giá xăng dầu biến động sẽ tác động dây chuyền và gây ảnh hưởng cực lớn đến đời sống người dân và cả nền kinh tế.

Bài viết nêu quan điểm, với tầm quan trọng của loại nhiên liệu này, bắt buộc cần có những chính sách quản lý phù hợp nhằm bảo toàn sự cân bằng quyền lợi giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Mặt hàng càng thiết yếu càng cần sự kiểm soát chặt chẽ. Một số quốc gia thậm chí còn hy sinh lợi nhuận hoặc chấp nhận lỗ trong kinh doanh xăng dầu để bảo đảm hoặc tăng quyền lợi của người dân. Còn Việt Nam thì sao?

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng cao, nền kinh tế bị tổn thương nhưng doanh nghiệp trong ngành càng lãi “đậm” đã cho thấy sự bất ổn trong quy định về kinh doanh xăng dầu. Chẳng hạn, cho đến nay, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn được tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít dù cho diễn biến thị trường ra sao và người dân, doanh nghiệp phải oằn mình gánh chi phí tăng mạnh thế nào!?.

Quảng Ninh sắp có nhà máy lọc hóa dầu trị giá 1.5 tỷ USD

Zing – Ngày 27/7, đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ và trao giấy chứng nhận đầu tư Dự án nhà máy hóa dầu Stavian trị giá 1.5 tỷ tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Dự án được xây dựng trên diện tích 30 ha tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (xã Tiền Phong, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) nằm sát đường cao tốc Quảng Ninh – Hà Nội – Hải Phòng và là trung tâm công nghiệp của thị xã Quảng Yên. Quy mô nhà máy sản xuất 600.000 tấn Polypropylene/năm.

Ông Nguyễn Đức Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu Stavian Quảng Yên, đại diện chủ đầu tư dự án, cho biết dự án sẽ được triển khai xây dựng ngay sau khi nhận được giấy chứng nhận đầu tư.

Dự án sử dụng công nghệ PDH từ Honeywell UOP (Mỹ) và công nghệ PP từ LyondellBasell (Italy) để cho ra thành phẩm Polypropylene với chất lượng tốt nhất.

Dự kiến đến quý IV/2026, dự án hoàn thành hạng mục xây dựng nhà máy, vận hành thử và sẽ đi vào vận hành thương mại.

TP.HCM muốn hợp tác với Hoa Kỳ để xây dựng đô thị thông minh

Voatiengviet – Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi mới cho biết rằng thành phố này “đang tập trung thực hiện chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh và sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp của Hoa Kỳ trong hai lĩnh vực này”.

Cổng thông tin TP.HCM cho biết rằng ông Mãi nói như vậy trong cuộc gặp hôm 26/7 với bà Marie Damour, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, khi nhà ngoại giao này đến chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại thành phố.

Ngoài việc hợp tác để xây dựng đô thị thông minh, ông Mãi cũng được dẫn lời nói rằng TP.HCM “cũng mong muốn thu hút các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ chia sẻ kinh nghiệm và đầu tư vào thành phố trên các lĩnh vực như xây dựng hạ tầng, quản lý đô thị, năng lượng sạch, y tế, giáo dục, thích ứng với biến đổi khí hậu…”

Trong cuộc trao đổi, tin cho hay, ông Mãi cũng cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua.

‘Việt Nam đang phải ứng phó cùng lúc nhiều loại dịch bệnh’

Thông tin này được trang web của Bộ Y tế Việt Nam đăng tải hôm 26/7 đồng thời cho biết rằng nước này đang “tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi”.

Trang tin của Bộ nói rằng dịch COVID-19 “có xu hướng tăng số mắc trong 2 tuần qua” với các biến thể phụ của Omicron, đồng thời đưa ra nhận định rằng nhiều người dân “chủ quan” sau khi tiêm vaccine COVID-19 mũi 2 và từng mắc COVID-19 nên “chưa tham gia tích cực” vào việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4.

Bộ Y tế cũng nói rằng cùng lúc đó bệnh sốt xuất huyết “tiếp tục diễn biến phức tạp” với hơn 124.000 ca mắc và hàng chục ca tử vong từ đầu năm 2022 đến nay và “có nguy cơ lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên”.

Báo điện tử chính phủ hôm 25/7 đưa tin rằng trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, thủ tướng chính phủ ban hành công điện tăng cường phòng, chống, trong đó yêu cầu “giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện”.

Ngoài các bệnh truyền nhiễm trên, Bộ Y tế cho biết rằng “bệnh tay chân miệng cũng bắt đầu ghi nhận nhiều trẻ nhỏ mắc”.

Bộ này mới đây cũng đã tổ chức một cuộc họp khẩn nhằm bàn phương án đối phó với dịch đậu mùa khỉ hiện lây lan ở nhiều nước trên thế giới.

Có thể bạn quan tâm: