Giám đốc CDC Đắk Lắk ôm nhân viên khóc nức nở

NLĐ – Ngày 27/5, sau khi tống đạt các quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam, Công an tỉnh Đắk Lắk tiến hành dẫn giải Giám đốc CDC Đắk Lắk Trịnh Quang Trí về nhà để khám xét nơi ở.

Trước khi rời cơ quan, ông Trịnh Quang Trí khóc nức nở, ôm từng nhân viên trong đơn vị. Một số nhân viên CDC Đắk Lắk cũng òa khóc, dặn dò ông Trí giữ gìn sức khỏe khi bị dẫn đi.

Trước đó, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Trịnh Quang Trí, ông Trần Thanh Mỹ (Trưởng phòng Tài chính – Kế toán), ông Đặng Minh Tuyết (Phó trưởng Khoa Xét nghiệm), bà Trần Thị Nguyên Hằng (nhân viên Khoa Xét nghiệm), bà Trần Thị Mai Anh (nhân viên Khoa Dược) và bà Đinh Lê Lê Na (nhân viên kinh doanh của Công ty Việt Á tại Đắk Lắk và Tây Nguyên) để điều tra về hành vi vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk quyết định bắt tạm giam đối với 3 người gồm: Trịnh Quang Trí, Trần Thanh Mỹ và Trần Thị Nguyên Hằng.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên, CDC Đắk Lắk mua sắm hơn 63.000 kit test COVID-19, tổng trị giá hơn 13 tỷ đồng của Công ty Việt Á.

Sau khi nhận được tiền thanh toán, Công ty Việt Á đã chuyển vào tài khoản của bà Đinh Lê Lê Na để chi cho những người nói trên với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.

Cụ thể, chi cho ông Trịnh Quang Trí (Giám đốc CDC Đắk Lắk) hơn 1,32 tỷ đồng, chi cho ông Trần Thanh Mỹ (Trưởng phòng Tài chính – Kế toán) hơn 240 triệu đồng, chi cho ông Đặng Minh Tuyết (Phó Khoa Xét nghiệm) 81 triệu đồng và bà Trần Thị Nguyên Hằng (nhân viên khoa xét nghiệm) hơn 1,36 tỷ đồng.

Phú Thọ: Nhận 2 tỷ từ Việt Á, Phó Giám đốc trung tâm xét nghiệm bị bắt

Dân Việt – Ngày 27/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Gia Phú, Phó Giám đốc Trung tâm xét nghiệm thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ liên quan đến việc nhận 2 tỷ đồng tiền “hoa hồng” từ Công ty Việt Á.

Kết luận Thanh tra nêu, trong 2 năm 2020 – 2021, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã ký kết 8 hợp đồng mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19 với Công ty Việt Á, tổng giá trị hơn 8,2 tỷ đồng.

Quá trình thanh tra tại Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, đoàn thanh tra nhận được thông tin liên quan đến việc ông Trần Gia Phú nhận tiền “hoa hồng” của Công ty Việt Á.

Trong kết luận Thanh tra, bà Hồ Thị Thanh Thảo, cán bộ của Công ty Việt Á có liên hệ với ông Trần Gia Phú xin số tài khoản để chuyển tiền “hoa hồng”.

Theo đó, từ tháng 11/2020 đến tháng 9/2021, bà Thảo đã 4 lần chuyển cho ông Phú (2 lần chuyển vào tài khoản cá nhân ông Phú và 2 lần chuyển vào tài khoản của bố vợ ông Phú – số tài khoản ông Phú cung cấp) với số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Đoàn thanh tra xác định, ông Phú không báo cáo việc nhận số tiền trên với Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và Sở Y tế.

Chỉ đến khi đoàn thanh tra đến làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ (ngày 25/1/2022), ông Phú mới báo cáo sự việc và xin nộp vào ngân sách Nhà nước toàn bộ số tiền đã nhận từ Công ty Việt Á.

Hà Nội đếm phương tiện để điều chỉnh giao thông

VnExpress – Một số điểm thường xảy ra ùn tắc ở Hà Nội sẽ được tổ chức đếm lưu lượng phương tiện để có giải pháp điều chỉnh phương án giao thông.

Yêu cầu trên vừa được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội giao Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông chủ trì thực hiện.

Các tuyến đường, khu vực được tổ chức đếm phương tiện, gồm: Quốc lộ 6 (đoạn trong khu vực nội đô), nút giao Ngã Tư Sở; Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi; Vũ Trọng Khánh – Trần Phú. Ngoài ra, còn có trục đường 70 đoạn Hà Đông – Văn Điển, ngã ba Xa La – cầu Bươu, nút giao cầu Tó; trục đường Láng Hạ – Lê Văn Lương, nút giao Vũ Trọng Khánh – Tố Hữu, Lê Văn Lương – Hoàng Minh Giám.

Căn cứ số liệu đếm lưu lượng phương tiện, các đơn vị sẽ tính toán khả năng thông hành của các nút và đề xuất phương án điều chỉnh giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc.

Luật sư cho rằng bản án 4 năm tù cho cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường là ‘quá nhẹ’

BBC – Ý kiến của một số luật sư nói với BBC, cho rằng bản án 4 năm tù dành cho Cựu thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường là “quá nhẹ” nên “khó thuyết phục được công chúng”.

Ngày 19/5, Toà án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội tuyên án đối với cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường và 13 bị cáo trong vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Công ty VN Pharma, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và một số đơn vị liên quan.

Ông Trương Quốc Cường bị tuyên phạt 4 năm tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đáng chú ý hơn là việc ông Cường được Viện kiểm sát (VKS) đề nghị giảm gần nửa mức án so với ban đầu, với lý do thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin: “Kết thúc phần xét hỏi bổ sung, diễn biến bất ngờ xảy ra khi đại diện VKS đề nghị giảm án cho một loạt bị cáo. Đặc biệt, bị cáo Trương Quốc Cường được đề nghị giảm từ mức 7-8 năm tù xuống mức 4-5 năm tù.”

“Theo đại diện VKS, ban đầu ông Cường chỉ thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu với ba trong bốn nội dung cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, quá trình xét xử, ông Cường thay đổi nhận thức bằng việc ‘xin nhận nốt trách nhiệm’ với cáo buộc còn lại là ‘không đình chỉ lưu hành thuốc giả dù đã nhận được cảnh báo’. Điều này thể hiện bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải…”

Sau khi bản án của Toà án Hà Nội được công bố, nhiều người Việt Nam cho rằng bản án 4 năm tù dành cho cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường là không tương xứng.

Trao đổi với BBC qua điện thoại, luật sư Hà Huy Sơn đánh giá mức án phạt 4 năm tù là “quá nhẹ đối với ông Cường”.

Ông Sơn so sánh với trường hợp một vị cựu cục trưởng Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Trung Quốc, chức vụ tương đương với ông Trương Quốc Cường, đã bị xử tử hình hồi năm 2007.

Cụ thể, tháng 7/2007, Toà án Trung Quốc tuyên án tử hình cựu Cục trưởng Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Zheng Xiaoyu do tham nhũng 6,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 850.000 USD tính theo giá trị tại thời điểm đó).

Ông này bị cáo buộc nhận hối lộ để cho một số loại thuốc không đủ tiêu chuẩn được cấp phép, tuồn ra thị trường Trung Quốc. Mặc dù, theo BBC News, ông Zheng đã thành khẩn nhận tội và hợp tác với công an điều tra nhưng vẫn bị xử tử hình.

“Qua so sánh đó thì tôi cho rằng mức án này quá nhẹ đối với ông Cường,” Luật sư Hà Huy Sơn lặp lại nhận định của mình.

Trả lời BBC, từ TP.HCM, luật sư Đặng Đình Mạnh cũng cho rằng bản án 4 năm tù cho ông Cường “chưa tương xứng” với hành vi phạm tội của bị cáo như đã nêu trong cáo trạng.

“Theo cáo trạng, vụ án được xác định có tính chất và hậu quả gây ra đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội. Thế nhưng, mức phạt cho ông cựu thứ trưởng đã chưa tương xứng với sự xác định đó,” ông Mạnh đánh giá.

Mặc dù Hội đồng xét xử (HĐXX) đánh giá hành vi của các bị cáo “gây dư luận bất bình”, nhưng chính bản án dành cho ông Cường cũng lại gây bất bình cho nhiều người.

“Mức hình phạt của ông cựu thứ trưởng không tương xứng với hành vi phạm tội và cũng không phù hợp với quy định hiện hành. Cho nên, đã gây nên sự bất bình của công chúng là điều dễ hiểu,” luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét.

Luật sư Mạnh nói thêm: “Quả thật, bản án tuyên hình phạt 4 năm tù đối với ông cựu thứ trưởng Bộ Y tế thật khó mà thuyết phục được công chúng về tính chính đáng của nó.”

Trong khi các bị cáo khác trong vụ án này như Nguyễn Minh Hùng (cựu tổng giám đốc VN Pharma) nhận mức án 18 năm tù về tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, việc ông Cường chỉ phải nhận 4 năm tù cũng đã là điều gây hồ nghi.

Theo luật sư Hà Huy Sơn: “Ông Hùng có thể với vai trò là người thực hành, còn ông Cường với vai trò người lãnh đạo thì theo tôi đáng lẽ ông Cường cũng phải chịu hình phạt ngang với ông Hùng chứ không thể là thấp hơn”

Vì theo ông Sơn, “vai trò lãnh đạo có thể là nguồn gốc, nguyên nhân xảy ra vụ án này”.

Còn luật sư Đặng Đình Mạnh thì cho rằng: “Chỉ cần so sánh với nhiều bị cáo khác trong vụ án có mức hình phạt trên 10 năm tù sẽ thấy ngay sự phi lý.”

Có thể bạn quan tâm: