Mục lục bài viết
Hơn 140 trẻ em chết đuối chỉ trong 1 tháng hè
Tuổi Trẻ – Theo ông Đặng Hoa Nam – cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – thương binh và xã hội, tử vong do đuối nước có xu hướng giảm, từ 3.300 trẻ (năm 2010) xuống còn 1.990 trẻ (năm 2021). Trung bình giảm từ 3-5%/năm, tương đương khoảng 100 trẻ/năm.
Thống kê sơ bộ từ Trung ương Đoàn từ tháng 1 đến tháng 5/2022 cho thấy có 142 em tử vong do đuối nước. Tuy nhiên, chỉ trong dịp hè từ tháng 5 đến gần hết tháng 6, số trẻ em tử vong bằng với số trẻ tử vong trong 5 tháng đầu năm. Như vậy trong dịp hè, tỉ lệ tử vong do đuối nước rất cao.
Nguyên nhân là phụ huynh và người chăm sóc trẻ lơ là, chưa sát sao trong giám sát, nâng cao nhận thức về kỹ năng bơi an toàn, nhất là với trẻ dưới 6 tuổi. Do vậy, thời gian tới sẽ đẩy mạnh tuyên truyền tới phụ huynh và người chăm sóc trẻ về kiến thức phòng tránh đuối nước.
Xăng giảm gần 7.000 đồng/lít, hàng hóa vẫn khó giảm
Zing – Từ đầu tháng đến nay, giá xăng trong nước đã giảm gần 7.000 đồng/lít, về mức tương đương cuối tháng 2, nhưng giá hàng hóa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngược lại các mặt hàng tươi sống như rau củ, thịt cá lại có xu hướng tăng.
Theo ghi nhận của Zing, hiện giá hàng hóa tại các siêu thị vẫn giữ nguyên mức đã thay đổi tăng trước đó. Còn tại các chợ, một số mặt hàng đồ khô, gia vị đứng yên, số khác như rau, thịt rục rịch tăng giá.
Khảo sát tại một số chợ truyền thống, cửa hàng thực phẩm và chợ lẻ trên địa bàn TP Hà Nội như chợ Linh Lang, Cống Vị (quận Ba Đình), chợ Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), chợ Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân)… giá bán lẻ thịt lợn đã tăng thêm 5.000-10.000 đồng/kg so với đầu tháng do giá heo hơi tăng cao. Hiện giá mặt hàng này ở mức 100.000-180.000 đồng/kg, tùy loại thịt.
Còn rau xanh vẫn biến động nhẹ theo ngày, mỗi kg rau xà lách dao động 50.000-60.000 đồng; cải ngọt 15.000-20.000 đồng/kg, bắp cải 20.000-25.000 đồng/kg, cà chua 30.000 đồng/kg…
Các mặt hàng đồ khô cũng khó giảm theo giá xăng. Đơn cử với sữa, đầu tháng 7, Công ty TNHH Nestle Việt Nam thông báo tăng giá một số mặt hàng sữa công thức trong phạm vi 5%. Trước đó, Công ty CP sữa Việt Nam điều chỉnh tăng giá loạt sản phẩm sữa 4-10%.
Trao đổi với Zing, đại diện WinCommerce cho biết trong suốt giai đoạn giá xăng tăng mạnh, doanh nghiệp đã đàm phán với các nhà cung cấp để giữ giá hàng hóa ổn định, ít biến động. “Hiện, chúng tôi vẫn theo sát tình hình giá xăng dầu để tiến hành đàm phán với các nhà cung cấp về việc điều chỉnh giảm giá các mặt hàng”, đại diện chuỗi siêu thị Winmart/Winmart+ chia sẻ.
Tuy nhiên, người này thừa nhận hiện chưa có nhiều nhà cung cấp điều chỉnh giá kịp thời theo giá xăng.
“Điều này có thể lý giải do việc thay đổi giá xăng mỗi tháng 3 kỳ nên giá cả thị trường, biến động chuỗi cung ứng cần có độ trễ nhất định để điều chỉnh. Tức phải cần một khoảng thời gian để các ngành nghề, lĩnh vực tính toán lại chi phí, từ đó áp dụng lên giá cả đầu ra của sản phẩm, hàng hóa”, vị này phân tích.
Một số doanh nghiệp trong ngành F&B cũng thừa nhận với Zing, họ chưa thể giảm giá ngay bởi giá xăng chiếm tỷ trọng không lớn trong giá thành sản phẩm như giá cước vận chuyển khoảng 3-4%.
“Chi phí đầu vào, đặc biệt là các loại nguyên liệu nhập khẩu vẫn tăng và ở mức cao. Do đó, menu của chúng tôi vẫn chưa thể điều chỉnh giảm ngay và cần thời gian để xem xét”, lãnh đạo một chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh chia sẻ.
Một số chuyên gia kinh tế nhận định cần khoảng thời gian vài tuần đến 1-2 tháng để hình thành sự điều chỉnh chung của giá hàng hóa, dịch vụ, thực phẩm. Việc giá xăng giảm liên tiếp trong 3 kỳ điều hành chỉ tạm thời chặn được đà tăng giá nguyên vật liệu, hàng hóa đồng thời làm giảm sức ép lên doanh nghiệp, chặn nguy cơ lạm phát…
Giá tôm trong nước tăng cao, xuất khẩu lại gặp khó
Zing – Hai tuần qua, giá tôm thẻ và tôm sú tăng mạnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Lưu Trường Giang, đại diện kinh doanh của Công ty TNHH Thủy sản Tấn Phát (huyện Trần Đề, Sóc Trăng), cho biết giá tôm thẻ loại 20 con/kg đã trở lại mốc cao như cuối năm 2021 là 230.000 đồng. Tôm loại 25 con/kg giá 183.000 đồng, 80 con/kg 115.000 đồng, 100 con/kg giá 99.000 đồng.
Ngày 25/7, đơn vị của anh Giang cho nhân viên kéo 15 tấn tôm thẻ nuôi trong 2 ao tại huyện Trần Đề và Cù Lao Dung. Hai ao này tôm loại 70-90 con/kg, người nuôi lãi khoảng 300 triệu đồng mỗi ao.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, giá 230.000 đồng/kg là tôm thẻ loại A5, còn loại A1 lên đến 243.000 đồng, tăng 12.000 đồng so với cùng kỳ năm 2021. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Sóc Trăng có hơn 56.264 ha tôm được thả nuôi, đạt 75% so với kế hoạch và bằng 123% so với cùng kỳ; ước sản lượng thu hoạch hơn 89.102 tấn.
Ngành thủy sản tỉnh Sóc Trăng cũng xác định tôm thiệt hại lũy kế từ đầu năm đến nay hơn 2.023 ha, chiếm 4,7% diện tích thả và cao gần 147 ha so với cùng kỳ.
Trao đổi với Zing, ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), nói rằng ngành tôm năm nay có nhiều khó khăn do giá nguyên liệu trong nước tăng cao nhưng thị trường nước ngoài rất yếu. Nguyên nhân do Trung Quốc đóng cửa để phòng dịch Covid-19 nên Ecuador và Ấn độ đã bán tháo tôm qua thị trường Mỹ, Canada, Nhật, châu Âu….
“Trung Quốc đã cho nhập tôm lại rồi nhưng tôm Ấn Độ, Ecuador còn ứ đọng ở các thị trường khác nên tình hình năm nay khá xấu. Các doanh nghiệp phải chịu khó vì giá nguyên liệu trong nước cao. Năm nay tôm thất mùa, không bằng mấy năm trước nên nuôi truyền thống đang giảm, còn ao bạt thì nông dân không có vốn mạnh”, ông Phẩm chia sẻ.
Việt Nam thu hơn 56 tỷ USD từ xuất khẩu điện thoại, máy tính
Zing – Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện thoại và linh kiện của Việt Nam là 29,17 tỷ USD, trong khi nhóm hàng máy tính và thiết bị điện tử đạt 27,68 tỷ USD.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng điện thoại và linh kiện tại Việt Nam trong tháng 6 đạt 4,39 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước.
Tính trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu các mặt hàng điện thoại và linh kiện mang về cho Việt Nam 29,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mặt hàng có mức tăng xuất khẩu lớn nhất trong 2 quý đầu năm với mức tăng 4,12 tỷ USD.
Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang thị trường Mỹ đạt 6,61 tỷ USD (tăng 53,7% so với nửa đầu năm 2021), sang Trung Quốc đạt 6,45 tỷ USD (tăng 16,6%) và Hàn Quốc đạt 2,78 tỷ USD (tăng 29,8%). Giá trị xuất khẩu sang các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đạt 3,2 tỷ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 6 đạt 5,17 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước. Trong 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nhóm hàng này đạt 27,68 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dựa trên số liệu, kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang Mỹ đạt 7,32 tỷ USD (tăng 26,9% so với cùng kỳ năm ngoái), Trung Quốc đạt 5,89 tỷ USD (tăng 12,1%), EU đạt 3,73 tỷ USD (tăng 18,5%), sang Hong Kong đạt 2,88 tỷ USD (tăng 1,3%) và Hàn Quốc đạt 1,79 tỷ USD (giảm 5,1%).
Về số liệu nhập khẩu hàng hóa, ngành hàng điện thoại và linh kiện trong tháng 6 đạt giá trị 1,43 tỷ USD, giảm 3% so với tháng trước. Nửa đầu năm nay, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này đạt 10,28 tỷ USD, tăng 13,5% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn là 2 thị trường cung cấp điện thoại và linh kiện chính của Việt Nam với giá trị nhập khẩu đạt 9,35 tỷ USD, chiếm 91% tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này.
Trong số đó, giá trị nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 5,1 tỷ USD (tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái) còn Trung Quốc đạt 4,2 tỷ USD (giảm 0,1%).
Với ngành hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, trị giá nhập khẩu trong tháng 6 là 6,73 tỷ USD, giảm 3,1% so với tháng 5. Kim ngạch nhập khẩu ngành hàng này trong nửa đầu năm đạt 43 tỷ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành ngành hàng nhập khẩu có mức tăng cao nhất nửa đầu năm (9,26 tỷ USD).
Trong số đó, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD (tăng 29,3%), Hàn Quốc đạt 12,31 tỷ USD (tăng 39,3%), Đài Loan đạt 5,85 tỷ USD (tăng 33,8%) và Nhật Bản đạt 3,51 tỷ USD (tăng 40,6% so với 6 tháng đầu năm 2021).
Có thể bạn quan tâm: