Vỡ đập chứa nước sân golf Tam Đảo, dân trở tay không kịp

Tuoitre – Do mưa lớn, lượng nước trong hồ dâng cao dẫn tới vỡ đập chứa nước của sân golf Tam Đảo (thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) khiến một số hộ dân không kịp trở tay, tài sản bị thiệt hại, ảnh hưởng.

Trao đổi với truyền thông trong nước chiều ngày 24/5, ông Trần Văn Bình – chủ tịch UBND thị trấn Hợp Châu xác nhận thông tin trên và cho biết, sáng cùng ngày đập chứa nước của sân golf Tam Đảo bị vỡ.

Theo ông Bình, trước đây đập nước này khá rộng, tuy nhiên sau khi làm sân golf thì hồ đã bị lấp một phần nên diện tích hiện nay cũng không lớn. Nguyên nhân do mưa to, đơn vị quản lý hồ không xả kịp, dẫn tới tràn đập rồi xảy ra vỡ.

Đây là lần thứ 2 đập chứa nước của sân golf Tam Đảo bị vỡ. Lần trước xảy ra vào năm 2008.

Theo UBND huyện Tam Đảo, mưa lớn cục bộ trên địa bàn huyện đã sang ngày thứ 2, nhiều hồ đập trên địa bàn huyện hiện nay mực nước đã dâng rất cao, nếu tiếp tục xảy ra mưa thì nguy cơ xảy ra các sự cố về đập là rất lớn.

Tàu cá ngư dân Việt Nam bị tố xâm phạm vùng nước Indonesia ngày một nhiều

Đài Á Châu Tự Do hôm 24 tháng 5 dẫn tin từ mạng báo Mongabay cho biết, các tổ chức dân sự về nghề cá của Indonesia mới đây đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ nước này gia tăng việc kiểm soát và bảo đảm an ninh khu vực biển gần quần đảo Natuna do nước này kiểm soát vì tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam xâm phạm ngày một nhiều. 

Khu vực quần đảo Natuna nằm ở phía đông nam của Việt Nam và phía đông bắc Indonesia. Vùng biển gần quần đảo này cũng là nơi hai nước vẫn còn khu vực đặc quyền kinh tế chồng lấn vẫn chưa được phân định.

Theo dữ liệu của tổ chức Sáng kiến Công lý Biển của Indonesia – IOJI (một cơ quan tư vấn), phần mềm định vị tàu AIS đã phát hiện 34 tàu cá Việt Nam, trong khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy 107 tàu cá Việt Nam ở phía bắc Natuna từ tháng hai đến tháng tư năm nay.

Mongabay trích lời của người đứng đầu Liên minh các ngư dân Natuna, Hendri, cho biết, ngư dân Indonesia thời gian gần đây phát hiện nhiều tàu cá treo cờ Việt Nam ở vùng biển này, gây ảnh hưởng đến ngư trường truyền thống của ngư dân Natuna.

Liên minh các ngư dân Natuna cho biết sản lượng đánh bắt cá của ngư dân bản địa đã bị giảm khoảng 50% do tình trạng này.

Người đại diện cho ngư dân Natuna cũng cáo buộc một số tàu cá Việt Nam thậm chí đã đi sát quần đảo, chỉ cách khoảng 38 hải lý và đi giữa ban ngày.

Theo IOJI, trong các năm từ 2015 đến 2019, cơ quan nghề cá của Indonesia đã bắt giữ 603 tàu nước ngoài vào đánh cá trộm, trong đó có 234 tàu cá Việt Nam. Tuy nhiên, trong hai năm tiếp theo, phía Indonesia chỉ bắt giữ được 54 tàu cá Việt Nam.

Nguyên nhân của tình trạng tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng biển Indonesia đánh bắt cá trái phép ngày một nhiều, theo Mongabay, là do tình trạng sụt giảm nguồn cá ở vùng biển Việt Nam khiến ngư dân phải đi đánh bắt xa bờ.

Các tàu cá của ngư dân Việt Nam thời gian qua cũng bị bắt giữ ở các nước láng giềng khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines.

Nghi án Tenma: Công tố viên nói công ty Nhật Bản đã hối lộ quan chức Việt Nam

BBC – Truyền thông Nhật ngày 23/05 đưa tin, các công tố viên Tokyo đã buộc tội ba người thuộc công ty nhựa Nhật Bản với tội danh hối lộ các quan chức hải quan và thuế Việt Nam để chi nhánh công ty này tại Việt Nam trốn nộp thuế.

Đơn vị điều tra đặc biệt của Văn phòng Công tố quận Tokyo ngày 23/5 đã công bố cáo buộc đối với Kaneto Fujino, 69 tuổi, cựu chủ tịch Tenma Corp., Tsutomu Hosogoe, 57 tuổi, cựu giám đốc phụ trách kế hoạch doanh nghiệp và Haruhiko Yoshida, 51 tuổi, cựu chủ tịch Công ty Tenma Việt Nam, công ty con của Tenma.

Theo trang Asahi Shimbun, “Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Tenma Việt Nam phải trả số tiền tương đương 1,8 tỷ yên (14 triệu USD) tiền truy thu thuế cho năm 2017.”

“Để giảm số tiền đó, ba nghi phạm bị buộc tội đã đưa số tiền mặt trị giá khoảng 9,8 triệu yên cho quan chức hải quan tại văn phòng công ty con vào năm 2017”.

Tenma Việt Nam được miễn trả thuế sau khi đưa số tiền này, theo báo cáo của ủy ban bên thứ ba do Tenma thành lập.

Ông Hosogoe và ông Yoshida cũng bị buộc tội đưa khoảng 13,8 triệu yên cho các quan chức hải quan Việt Nam trong năm 2019 với mục đích tương tự.

Chủ tịch công ty mẹ Tenma Corp. tại Tokyo là Kaneto Fujino bị buộc tội duyệt chi các khoản tiền này, vốn bị cáo buộc là vi phạm Luật Phòng chống Cạnh tranh Không lành mạnh của Nhật Bản.

Tenma được cho là đã tự trình báo các khoản hối lộ này với giới công tố Tokyo và giới chức điều tra của Nhật đã thông qua các kênh ngoại giao để yêu cầu nhà chức trách Việt Nam hỗ trợ điều tra.

Ngay sau khi có tin liên quan đến vụ việc từ phía Nhật Bản vào khoảng giữa năm 2020, Tổng cục Hải quan đã tạm đình chỉ công tác đối với ông Trần Thành Tô – Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh, và ông Phạm Đức Thường – Vụ trưởng Vụ Dự toán thu thuế, nguyên Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh.

Báo chí trong nước vào tháng 12/2020 cho biết, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Chính phủ về kết quả thanh tra vụ việc ở Công ty Tenma Vietnam và cho rằng Công ty Tenma Vietnam không trốn thuế trong quá trình nhập khẩu linh kiện để sản xuất, xuất khẩu đúc.

Báo Thanh Niên trích lời Thứ trưởng  Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, qua thanh kiểm tra việc xử lý thuế với Công ty Tenma Việt Nam, dù xác định không làm thất thu thuế nhưng cũng có nhiều vấn đề tồn tại, nhưng việc kết luận có hối lộ đoàn kiểm tra sau thông quan hay đoàn kiểm tra thuế không thì vẫn chưa có thể kết luận được.

Facebook thu thêm 5% phí quảng cáo để nộp thuế ở Việt Nam

VnExpress – Từ 1/6, các khách hàng của Facebook sẽ phải nộp thêm 5% thuế giá trị gia tăng (VAT) khi chạy quảng cáo tại Việt Nam.

Nội dung này vừa được thông báo chính thức trên trang “Trung tâm trợ giúp doanh nghiệp” của Meta – công ty mẹ Facebook. Chính sách trên được áp dụng với các khách hàng đặt Việt Nam là quốc gia mục tiêu để chạy quảng cáo.

“VAT được thêm vào bất cứ khi nào bạn bị tính phí cho quảng cáo của mình, bất kể mua quảng cáo Facebook cho mục đích kinh doanh hay cá nhân”, thông báo nêu.

Công ty này khuyến nghị khách hàng thêm mã số thuế Việt Nam trong phần cài đặt thanh toán, dù việc này không bắt buộc để có thể bắt đầu chạy quảng cáo trên Facebook. Khi đã đăng ký VAT và cung cấp mã số thuế thì thông tin sẽ hiển thị trên biên lai quảng cáo của khách hàng. Điều này có thể giúp họ được hoàn một phần thuế VAT đã nộp theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế.

Tuy nhiên, Facebook lưu ý công ty không thể tư vấn thêm về các vấn đề thuế cho nhà quảng cáo. “Nếu bạn có câu hỏi về thuế, chúng tôi khuyên bạn nên liên hệ với cố vấn thuế hoặc cơ quan thuế địa phương”, thông báo viết.

Theo Bộ Tài chính, ngành thuế các năm qua đã thu thông qua các tổ chức tại Việt Nam (thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài) gần 5.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn đã nộp thuế như Facebook đóng 1.694 tỷ đồng, Google là 1.618 tỷ, Microsoft nộp 576 tỷ. Riêng năm 2021, số thu thuế từ dịch vụ xuyên biên giới đạt 1.317 tỷ đồng, tăng 15,2% so với năm 2020.

Có thể bạn quan tâm: