Mục lục bài viết
Bắt 2 nguyên phó chủ tịch tỉnh Lào Cai
Thanh Niên – Ngày 23/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai ra quyết định số 06/QĐ-KTBSVA bổ sung Quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và ra các quyết định khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 4 bị can để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Các bị can gồm: Nguyễn Thanh Dương (SN 1959), nguyên ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Lê Ngọc Hưng (SN 1960), nguyên ủy viên Ban chấp hành đảng bộ tỉnh, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh; Mai Đình Định (SN 1961), nguyên ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, nguyên trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy TP Lào Cai, nguyên giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai; Phan Văn Cương (SN 1963), hiện là Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai.
Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai, 4 bị can này bị khởi tố để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên.
Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai cũng ban hành các quyết định khởi tố bị can và lệnh khám xét, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Văn Bình (62 tuổi), nguyên thành viên Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam.
Các bị can bị khởi tố, bắt tạm giam được cho là liên quan đến dự án núp bóng xây khách sạn nhưng thực chất là khai thác quặng apatit trái phép của Công ty TNHH xây dựng thương mại Lilama triển khai tại xã Đồng Tuyển, TP. Lào Cai.
Liên quan đến vụ án này, ngày 11/8, Công an tỉnh Lào Cai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Mạnh Thừa (63 tuổi), nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama để điều tra những vi phạm trong việc thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép.
Việt Nam có thể thay thế Ấn Độ, Indonesia cung ứng nông, lâm, thủy sản cho Anh
NLĐ – Thông tin trên được các diễn giả chia sẻ tại phiên thảo luận trong Hội thảo “Khai thác các tiềm năng thị trường vương quốc Anh, tận dụng lợi thế của UKVFTA” do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam tổ chức ở TP.HCM ngày 23/6.
Theo các diễn giả, ngoài tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản vốn là thế mạnh của Việt Nam cũng đang có tiềm năng xuất khẩu lớn sang thị trường Anh. Với việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, Việt Nam có tiềm năng trở thành đối tác cung ứng các sản phẩm thực phẩm, nông sản lớn vào các chuỗi siêu thị của Anh.
Nhờ được giảm thuế nhập khẩu vào Anh về 0% sau ngày 1/1/2021 nên nhiều hàng hóa của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại của các nước xuất khẩu khác sang Anh.
Tuy nhiên, nhiều DN xuất khẩu của Việt Nam còn vướng mắc trong các khâu tìm kiếm đối tác, nắm bắt nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng và thủ tục xuất khẩu cần có sang thị trường Anh, các rủi ro về hợp đồng, thanh toán và cách phòng tránh.
Ông Oliver Todd, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM, Giám đốc Thương mại và đầu tư Anh tại Việt Nam, đánh giá cao vị thế đối tác thương mại của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, tin tưởng rằng Việt Nam có thể thay thế các nước khác như Ấn Độ, Indonesia để trở thành nhà cung ứng mới trong lĩnh vực nông thủy sản cho Anh.
Yêu cầu báo cáo vụ hàng chục hecta đất công ‘lạc’ vào nhà cán bộ
Ngày 23/6, phóng viên báo Dân Việt đã có buổi làm việc trực tiếp với Bí thư Huyện ủy Vân Canh (tỉnh Bình Định) Lê Bá Thành liên quan đến việc xử lý trách nhiệm để xảy ra sai phạm, khiến hàng chục hecta đất công ‘lạc’ vào nhà cán bộ xã Canh Hoà, không đúng quy định.
Thực trạng cấp đất lâm nghiệp cho cán bộ xã tại xã Canh Hòa theo dự án 672 được Báo Điện tử Dân Việt phản ánh qua loạt bài “cấp nhầm đất” cho cán bộ từ năm 2020.
Đến nay, vụ việc đã được cơ quan chức năng có kết luận, có 5 trường hợp, trong đó 2 nguyên Chủ tịch UBND xã đã được UBND huyện Vân Canh cấp đất công trái luật.
Đáng chú ý, loạt cán bộ, nguyên cán bộ vi phạm có trách nhiệm bị đề nghị xử lý nghiêm về mặt Đảng và chính quyền, cụ thể gồm các ông: Lưu Mạnh Hùng – nguyên cán bộ địa chính xã Canh Hoà, Đoàn Văn Mức và Đoàn Văn Môn đều là nguyên Chủ tịch UBND xã Canh Hoà, Nguyễn Tiến Sĩ – cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Vân Canh, Phạm Thế Phong hiện là Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Vân Canh, Nguyễn Văn Kỳ – nguyên Phó Trưởng phòng TNMT huyện Vân Canh và Nguyễn Trọng Hường – nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh người ký quyết định giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 5 hộ dân không đúng theo quy định.
Theo kết luận Công an huyện Vân Canh, tháng 10/2008, ông Đoàn Văn Mức (nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch HĐND xã Canh Hoà, thời điểm xin giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ông Mức đang giữ chức Chủ tịch UBND xã), có viết đơn xin giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất có diện tích 150.277m2.
Trong đơn, ông Mức khai nguồn gốc đất này là đất do bản thân tự khai hoang vào năm 1996 nhưng thực tế ông Mức không khai hoang, quản lý, sử dụng thửa đất này. Theo quy định, diện tích đất này do UBND xã Canh Hòa quản lý.
Hành vi của ông Mức được cơ quan chức năng xác định, dù không đủ điều kiện, không có đất nhưng ông Mức lợi dụng sự ảnh hưởng của mình tác động đến ông Lưu Mạnh Hùng là cán bộ địa chính xã, để xin cấp đất trái quy định.
Ông Đoàn Văn Môn cũng viết đơn xin giao đất và cấp sổ đỏ đối với thửa đất có diện tích 100.065 m2; ông Trần Điệp xin cấp sổ đỏ thửa đất 147.311m2; ông Đoàn Văn Hoài xin cấp sổ đỏ thửa đất 150.277 m2; ông Trần Trung Thạch xin cấp sổ đỏ thửa đất 71.391 m2.
Trong đơn, 4 người này cũng khai nguồn gốc đất này là đất do bản thân tự khai hoang vào năm 1996 nhưng thực tế cả 4 người đều không khai hoang quản lý, sử dụng các thửa đất này. Đây là đất quy hoạch rừng sản xuất và đất lâm nghiệp do xã Canh Hòa quản lý.
Với những sai phạm trên, Công an huyện Vân Canh đã đề nghị thu hồi diện tích đất được cấp sổ đỏ trái pháp luật đối với 5 trường hợp, đồng thời đề nghị xử lý kỷ luật các cán bộ liên quan.
Gần 1,7 tỷ USD hải sản Việt xuất đi các nước
VnExpress – Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu hải sản đạt 1,7 tỷ USD. Đây là mặt hàng chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Trong đó, cá ngừ tăng trưởng 59% – mức cao nhất, đạt hơn 462 triệu USD; cua ghẹ, giáp xác khác và mực, bạch tuộc tăng lần lượt 47% và 28%…
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, mặc dù ảnh hưởng bởi chính sách “Zero Covid” từ Trung Quốc nhưng sức tiêu thụ hải sản trên thế giới vẫn tăng cao. Đặc biệt, chiến tranh Nga – Ukraine làm tăng giá hàng hóa khi chi phí đầu vào leo thang nhưng nhờ cân đối chi phí, hàng Việt ngày càng có sức hút và cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Pháp là những thị trường tiêu thụ sản phẩm cua ghẹ chính của Việt Nam, chiếm hơn 91% tổng giá trị xuất khẩu. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cua, ghẹ sang Mỹ tăng liên tục nhờ nước này đã mở cửa hoàn toàn trở lại.
Tương tự với EU, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam cũng phục hồi, trong đó, Pháp đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong khối.
Trong bối cảnh thị trường thế giới tăng nhập hải sản, tình hình trong nước lại diễn biến thiếu tích cực khi hoạt động khai thác thủy sản giảm vì chi phí khai thác cao. Do vậy, nguồn nguyên liệu hải sản để chế biến xuất khẩu tiếp tục là bài toán khó với các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay.
Có thể bạn quan tâm: