Huyện không cho người chưa tiêm mũi 4 đi khỏi nơi cư trú

VnExpress – Những người chưa tiêm mũi 4 vắc-xin phòng COVID-19 ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) không được đi khỏi nơi cư trú cũng như giải quyết các thủ tục hành chính.

Quy định này được nêu trong thông báo của UBND huyện Mỹ Xuyên ngày 21/6. Những trường hợp chưa tiêm mũi 4 cũng không được tham gia các hoạt động công cộng.

Ông Đặng Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, cho biết hiện tỷ lệ người dân trong độ tuổi tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 đạt gần 100%. Trong khi tỷ lệ tiêm mũi 4 chỉ mới đạt khoảng 15%.

Ông phương nói, người dân lơ là trong việc phòng, chống COVID-19, nên huyện mới có biện pháp hành chính trên. Ông Phương cũng cho biết, tỉnh Sóc Trăng chưa có chỉ đạo vấn đề trên nhưng địa phương căn cứ tình hình thực tế, đưa ra yêu cầu trên.

Nguồn tin trên cho hay, trước việc các tỉnh miền Tây đang tồn hàng trăm nghìn liều vắc-xin… Bộ Y tế giục 13 tỉnh nhận ngay vắc-xin để tiêm mũi ba, bốn tránh lãng phí vắc-xin.

Thủ tướng Hun Sen nói: ‘Tôi không có quyền nhượng đất cho Việt Nam’

BBC – Thủ tướng Campuchia Hun Sen tiếp tục lên án các cáo buộc rằng ông bán đất Campuchia cho Việt Nam.

Thông điệp được ông Hun Sen đưa ra ở Tboung Khmum vào ngày 20/06 trong khi dự lễ kỷ niệm 45 năm ngày chế độ Pol Pot sụp đổ cùng với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

“Nhiều năm qua Việt Nam và Campuchia luôn nỗ lực trong công tác biên giới; nhờ đó chúng ta đã ký văn kiện công nhận thành quả 84% phân giới cắm mốc. Chúng ta đang tiếp tục giải quyết 16% còn lại. Hai bên đang tiếp tục thảo luận với nhau.”

“Tôi xin khẳng định với nhân dân Campuchia trong và ngoài nước, thông qua báo chí truyền thông và trước mặt Ngài Thủ tướng Việt Nam rằng tôi không có quyền cho Việt Nam đất, dù chỉ 1 milimet, và tôi cũng không muốn đất Việt Nam dù chỉ 1 milimet.”

“Tôi chỉ tuân theo những quy tắc do thực dân Pháp đặt ra. Và Việt Nam không cần lấy đất của chúng ta và chúng ta cũng không cần lấy đất của Việt Nam. Đối với Vương quốc Thái Lan và Lào cũng vậy,” Thủ tướng Hun Sen được Khmer Times dẫn lời.

Trong bài phát biểu này, ông Hun Sen cảm ơn Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ ông và giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ Pol Pot.

Ông cũng bác bỏ tuyên bố rằng sự can thiệp của quân đội Việt Nam vào Campuchia là một “cuộc xâm lược”.

Vào tháng 12/2021, các lãnh đạo Việt Nam và Campuchia thống nhất tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng và cam kết đẩy nhanh tốc độ phân định 16% đường biên giới đất liền còn lại.

Đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia dài khoảng trên 1.200km.

Điểm khởi đầu ở vị trí là giao điểm đường biên giới giữa ba nước Việt Nam – Campuchia – Lào, điểm kết thúc ở vị trí cuối cùng của đường biên giới đất liền trên bờ Vịnh Thái Lan tiếp giáp giữa tỉnh Kiên Giang (Việt Nam) và tỉnh Kampot (Campuchia).

Quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia rất gắn bó nhưng cũng đối diện nhiều vấn đề dễ phát sinh tranh cãi, liên quan tới quá khứ cuộc chiến giữa Việt Nam với Khmer Đỏ, đường biên giới trên bộ chưa cắm mốc xong và sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Campuchia.

Trong những năm qua, Trung Quốc đã gia tăng đầu tư, viện trợ và thậm chí có thông tin Trung Quốc sẽ mở căn cứ quân sự tại Campuchia.

Nga, Việt Nam thảo luận các dự án khí đốt mới giữa chế tài của phương Tây

Voatiengviet – Nga tuyên bố Việt Nam có thể tham gia vào các dự án sản xuất khí đốt ở nước này và có thể cung cấp dầu cho quốc gia Đông Nam Á trong lúc Matxcova đang chịu các chế tài của phương Tây do tiến hành cuộc xâm lược ở Ukraina trong gần 4 tháng qua.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak được Interfax trích lời nói với các phóng viên bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg hôm 17/6 rằng: “Trong cuộc gặp với phía Việt Nam, chúng tôi đã thảo luận các dự án hợp tác tiềm năng do các công ty của chúng tôi khai triển”. 

Cùng đưa tin về việc này, TASS, hãng tin lớn nhất của nhà nước Nga, trích lời ông Novak nói rằng phía Nga và Việt Nam đã thảo luận về các dự án hợp tác sản xuất mới ở Nga.

Còn theo Interfax, hãng tin độc lập của Nga, ông Novak cho biết rằng Nga “cũng đã thảo luận các dự án mới để phát triển các mỏ khí đốt ở Việt Nam” và các công ty chủ chốt của Nga tham gia hợp tác gồm Zarubezhneft và Gazprom.

Zarubezhneft, tập đoàn dầu khí nhà nước Nga, hiện đang có 49% vốn sở hữu trong liên doanh VietsoPetro, hiện đang cung cấp khoảng 1/3 sản lượng dầu thô của Việt Nam. Trong khi đó, Gazprom, tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga, cũng có nhiều dự án khai thác dầu khí ở Việt Nam, trong đó có dự án hợp tác với VietsoPetro được ký cách đây 3 năm.

Truyền thông Việt Nam chưa đưa tin về phát biểu của Phó Thủ tướng Novak về các dự án tiềm năng mới giữa Nga và Việt Nam. Chỉ có trang tin Sputnik của Nga phiên bản tiếng Việt trích dẫn ông Novak nói rằng Việt Nam quan tâm đến việc tham gia các dự án sản xuất dầu tại Liên bang Nga.

Vẫn theo Sputnik, ông Novak còn cho biết rằng Nga đã trao đổi về việc cung cấp dầu và các sản phẩm dầu đến Việt Nam.

Ông Novak không đưa ra chi tiết về các dự án hợp tác giữa hai nước nhưng cho biết “mọi thứ đều tốt, đều tích cực” và rằng hai bên “sẽ làm việc cùng nhau,” theo Interfax.

Trong tuyên bố chung về tầm nhìn quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga đến năm 2030 được đưa ra hồi cuối năm ngoái, Việt Nam nói sẽ ủng hộ khai triển các dự án hiện có hoặc mới với sự tham gia của PetroVietnam và các công ty Nga như Zarubezhneft và Gazprom.

Dù kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga không nhiều, kém xa so với gần 100 tỷ USD giữa Việt Nam và Mỹ, nhưng hợp tác với Nga chiếm khoảng 85% tổng sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam. Liên doanh VietsoPetro, sau 40 năm hợp tác, vẫn là trụ cột của ngành thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam.

Việt Nam, nằm trong số các quốc gia bỏ phiếu trắng đế tránh lên án cuộc xâm lược của Nga tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trước khi bỏ phiếu chống lại một nỗ lực khác do Mỹ dẫn đầu nhằm đình chỉ Nga, nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam, khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Gánh nặng giá cả leo thang

Thanh Niên – Giá xăng tăng không có điểm dừng đẩy giá của tất cả các mặt hàng khác tăng theo khiến người dân hết sức lo lắng về gánh nặng chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Cuối tuần trước mới nhận lương, anh Lương Ngọc Tài, nhân viên văn phòng ở Q.10 (TP.HCM), quyết định chở vợ con đi ăn món mì yêu thích ở quán quen trên đường Tô Hiến Thành.

Anh Tài cho biết: Đây là quán quen nhiều năm, trước đây tuần nào anh cũng ghé, nhưng từ sau tết đến nay chỉ đến khoảng một lần mỗi tháng bởi cả năm nay tiền lương không tăng mà giá cả mọi thứ đều đội lên nên phải hạn chế chi tiêu tới mức tối đa.

Cụ thể, anh cho biết tô mì thập cẩm tại quán này trước chỉ có 35.000 đồng; sau dịch, mở cửa trở lại thì giá lên 40.000 đồng. Đến sau tết, vào đợt xăng tăng giá mạnh, tô mì lên 45.000 đồng và đợt này anh Tài ghé vào thì giá đã là 50.000 đồng. “Họ tăng giá liên tục nhưng thật tình mình thấy cũng hợp lý, chỉ tại túi tiền mình ít, không đủ trang trải cuộc sống nên phải cắt giảm việc ăn ngoài. Chứ mình đọc báo, xem đài thấy đề xuất bỏ phí, giảm thuế gì đó để hạ giá xăng mà chờ mãi vẫn chưa thấy. Cứ tình hình này kéo dài, dân văn phòng như mình gánh gồng không nổi nữa đâu”, anh Tài lo lắng.

Tâm trạng của anh Tài cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều người dân hiện nay.

Từ ngày 15.6, giá trứng gà, trứng vịt trong chương trình bình ổn giá của TP.HCM tiếp tục điều chỉnh tăng 2.000 đồng/vỉ 10 quả. Trước đó, đầu tháng 4, giá trứng bình ổn cũng được điều chỉnh tăng từ 1.500 – 2.000 đồng/vỉ 10 quả tùy loại.

Người dân thắt lưng buộc bụng khiến sức mua trên thị trường giảm mạnh. Tiểu thương ở nhiều chợ tại TP.HCM cho biết: Hàng hóa tươi ngon đủ loại là vậy nhưng bán chậm. Chi phí cuộc sống là những khoản cố định, trong khi giá hàng hóa liên tục tăng nên người tiêu dùng có muốn chi tiêu nhiều hơn cũng không thể vì không có khoản nào bù lại. Chính vì vậy giá càng tăng thì sức mua càng giảm; giảm từ thói quen ăn thịt cá chuyển sang ăn rau củ nhiều hơn để tiết kiệm đồng nào hay đồng đó.

Khảo sát của PV cho thấy, tháng 3 giá cả nhiều hàng quán bình dân như cơm, mì, bún, phở… khoảng 35.000 – 45.000 đồng/phần thì đến nay đã tăng thêm ít nhất 5.000 đồng/phần. Một ổ bánh mì cũng tăng ít nhất 2.000 – 5.000 đồng lên mức 22.000 – 25.000 đồng/ổ. Cứ như thế, mọi thứ đua với giá xăng dầu và vắt kiệt túi tiền của không ít người.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, một trong hai đơn vị cung cấp trứng bình ổn giá, cho biết: “Chi phí đầu vào vẫn cứ tăng chưa có điểm dừng. Việc thành phố cho điều chỉnh giá vừa qua chỉ làm giảm một chút áp lực thôi chứ chưa thể hết lo. Với tư cách là doanh nghiệp (DN) tham gia bình ổn giá, công ty cố gắng duy trì hoạt động vì trách nhiệm cộng đồng, giữ giá được đến lúc nào hay lúc đó. Nhưng nếu giá xăng tăng cứ kéo mọi thứ tăng giá, DN chịu đựng hết nổi thì lại phải xin điều chỉnh tiếp”.

Có thể bạn quan tâm: