Nhân viên y tế bị đánh trong phòng hiệu trưởng vì tố tiêu cực

VTC – Ngày 19/5, UBND thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) cho biết đã có kết luận thanh tra vụ bà Trần Thị Huệ – nhân viên y tế Trường THCS Quảng Thọ tố ông Trương Đình Lễ – Hiệu trưởng trường này, có tiêu cực trong công tác quản lý thu, chi tài chính.

Bà Huệ cũng là người bị bà Trần Thị Việt Hồng, kế toán của ngôi trường nói trên, hành hung ngay tại phòng hiệu trưởng trong giờ hành chính.

Theo UBND thị xã Ba Đồn, về nội dung tố cáo ông Lễ và bà Hồng có nhiều sai phạm trong công tác quản lý thu, chi tài chính, kết luận thanh tra nêu rõ tố cáo không có cơ sở, có nội dung tố cáo đúng một phần, có nội dung tố cáo sai.

Riêng với nội dung tố cáo việc bà Huệ bị bà Hồng hành hung, đánh đập bị thương trong giờ hành chính tại phòng hiệu trưởng, kết luận thanh tra chỉ ra là đúng.

UBND thị xã Ba Đồn yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật ông Trương Đình Lễ – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường; bà Trần Thị Việt Hồng – kế toán và bà Trần Thị Huệ – nhân viên Y tế Trường THCS Quảng Thọ.

Đường sắt Nhổn – ga Hà Nội lùi tiến độ, ‘đội’ vốn thêm 5.000 tỷ đồng

Thanh Niên – Báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, dự án đường sắt Nhổn – ga Hà Nội đang triển khai 10/10 gói thầu chính; tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 74,63% (trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 95,2%; tiến độ thi công đoạn ngầm đạt 33%).

Nguyên nhân tiến độ chậm trễ được cho biết do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm chậm trễ, gián đoạn sản xuất, nhập khẩu thiết bị và huy động chuyên gia từ châu Âu, dẫn đến các gói thầu thiết bị kéo dài và tăng chi phí. Ngoài ra, việc chậm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật cũng ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Mặt khác, việc gia hạn thời gian hợp đồng và bổ sung chi phí do việc kéo dài thời gian dẫn đến các tranh chấp với nhà thầu quốc tế, gây khó khăn cho cơ quan quản lý của Việt Nam trong việc lựa chọn áp dụng quy định để giải quyết tranh chấp; các vướng mắc liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị.

Ngoài ra, các vướng mắc liên quan đến điều chỉnh Hợp đồng Tư vấn Systra (hợp đồng trọn gói) vẫn chưa được xử lý xong. Theo MRB, tư vấn dự án Systra được chỉ định thông qua Nghị định thư giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam ngay từ đầu dự án nên việc quản lý thực hiện và thương thảo, điều chỉnh hợp đồng của chủ đầu tư với tư vấn luôn gặp khó khăn. Đơn vị tư vấn chưa cung cấp đầy đủ, hiệu quả cho chủ đầu tư các giải pháp giải quyết các vướng mắc.

Đến nay có tới 9/10 gói thầu cần phải ký kết các phụ lục gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng.

Để tháo gỡ, MRB đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo Chính phủ xin điều chỉnh thời gian hoàn thành và bổ sung nguồn vốn cho dự án metro Nhổn – ga Hà Nội.

Cụ thể, ngoài đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ giai đoạn 2009 – 2022 thành 2009 – 2029. MRB cũng đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là 34.532 tỉ đồng, tăng khoảng 4.905,24 tỷ đồng (tương đương khoảng 202,81 triệu Euro).

Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội được triển khai từ năm 2009, là tuyến đường sắt đầu tiên được khởi công của Hà Nội, chiều dài 12,5 km (gồm 8,5 km trên cao và 4km đi ngầm), sử dụng 10 đoàn tàu. Tổng mức đầu tư dự án 1,176 tỉ Euro, từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.

Hoàng Anh Gia Lai bị phạt 3 tỉ đồng, đình chỉ giao dịch chứng khoán 5 tháng

NLĐ – Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa xử phạt 3 tỉ đồng Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch cổ phiếu HNG.

Ngoài việc bị xử phạt 3 tỷ đồng, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng đối với Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai. Quyết định xử phạt có hiệu lực kể từ ngày 17/5.

Lãnh đạo các sở thông tin về hỗ trợ thuê nhà, nguyên nhân tăng học phí

NLĐ – Tại cuộc họp báo định kỳ chiều 19/5, Bảo hiểm Xã hội TP.HCM thông tin hiện khoảng 15.000 người đã được duyệt hồ sơ thuê nhà. Trong khi đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM lý giải nguyên nhân tăng học phí.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM (LĐ-TB-XH), chia sẻ thông tin trên tại cuộc họp báo định kỳ chiều 19/5.

Ông Lâm cho biết theo thống kê từ các quận, huyện, TP. Thủ Đức, có gần 1,2 triệu người lao động trên địa bàn TP.HCM có nhu cầu nhận hỗ trợ tiền thuê nhà trọ với tổng kinh phí dự kiến gần 2.100 tỷ đồng.

Cụ thể, hơn 987.000 người lao động đang làm việc sẽ được hỗ trợ, trong đó số lao động đang làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất là 195.000 người, với tổng kinh phí 1.480 tỉ đồng (1,5 triệu đồng/ người) và hơn 205.000 người quay lại thị trường lao động cũng được hỗ trợ tổng số tiền hơn 616 tỉ đồng (3 triệu đồng/người).

Về cách chi hỗ trợ, sau khi được UBND TP.HCM phê duyệt, số tiền này sẽ chuyển tài khoản của UBND 22 quận, huyện và TP. Thủ Đức, sau đó chuyển về tài khoản của các doanh nghiệp.

Theo ông Lâm, ngành bảo hiểm xã hội sẽ duyệt hồ sơ doanh nghiệp gửi đến trong 2 ngày làm việc. Hiện 1.439 doanh nghiệp đã gửi hồ sơ và khoảng 15.000 người đã được duyệt. “Số người được duyệt sẽ tăng lên hàng ngày. Thời gian chi trả không quá 2 ngày cho người lao động” – ông Lâm nói.

Về việc tăng học phí, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết nhiều năm nay TP không tăng học phí. Mặc dù phải thực hiện theo nghị định 81 của Chính phủ (về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, ban hành ngày 27/8/2021) nhưng do đại dịch Covid-19, đến năm học này, TP vẫn giữ nguyên học phí theo mức cũ của nghị định 86.

Đến thời điểm này, nghị định 86 quy định về học phí của các cơ sở mầm non, phổ thông công lập đã hết hiệu lực, sở bắt buộc phải đề xuất mức học phí mới theo nghị định 81. Việc đề xuất này là sự chuẩn bị cho kỳ họp HĐND TP.HCM vào tháng 7/2022.

Trước việc dư luận bức xúc vì mức học phí mới tăng gấp 5 lần ở bậc THCS và gấp hơn 2 lần cho bậc THPT, ông Minh chia sẻ sở vẫn đang đề xuất với TP mức “sàn” học phí thấp nhất trong khung của nghị định 81. Bên cạnh đó, sở vẫn tiếp tục đề xuất miễn giảm học phí cho học sinh THCS dù Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn.

Có thể bạn quan tâm: