Mục lục bài viết
Ba cháu bé tử vong dưới ao
VnExpress – Trưa 16/5, anh Trần Đại Lâm trong lúc dọn vườn nhà ở xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (Bình Phước) thấy hai đôi dép trẻ con ở ao. Nhớ lại buổi sáng trong lúc làm việc thấy ba cháu bé đi chơi gần đó, anh lao xuống kiểm tra phát hiện ba thi thể.
Ao xảy ra tai nạn rộng khoảng 50m2, sâu 3m. Tại vị trí hai đôi dép, công an phát hiện vết trượt dài từ trên bờ xuống ao. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ việc.

Từ đầu tháng 5 đến nay, Bình Phước xảy ra bốn vụ tai nạn khiến 10 trẻ chết đuối. Ngoài ba cháu bé trên, còn bốn học sinh lớp 11, một học sinh lớp 3 và hai học sinh lớp 9 gặp nạn.
‘Choáng’ với đề kiểm tra học kỳ ‘quảng cáo’ rượu ở Đồng Nai
Tuoitre – Ngày 16/5, lãnh đạo Phòng Giáo dục và đào tạo TP. Biên Hòa, Đồng Nai cho hay đã chỉ đạo ban giám hiệu Trường THCS Long Bình Tân (phường Long Bình Tân) rà soát việc phụ huynh phản ánh nhà trường ra đề kiểm tra có nội dung quảng cáo về rượu gây tranh luận.
Trước đó, một số phụ huynh Trường THCS Long Bình Tân phản ánh đề kiểm tra môn hóa học lớp 9, học kỳ 2 năm học 2021 – 2022 (ngày 11-5) có nội dung quảng cáo về rượu.
Cụ thể, trong câu 3 của đề kiểm tra có nội dung:
“Làng Vân thuộc thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Bắc Giang (chính xác phải là huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là nơi có truyền thống nấu rượu từ lâu đời. Cùng với thời gian, cái tên làng Vân lại trở thành thương hiệu của một loại rượu nổi tiếng khắp cả nước: Rượu làng Vân. Không giống với các loại rượu khác, rượu làng Vân uống êm, vị đậm, uống xong có cảm giác lâm li hương vị đặc biệt trong họng và không đau đầu.
Trên nhãn của các chai rượu đều ghi số 350.
a. Hãy giải thích ý nghĩa của số trên?; b. Tính thể tích rượu etylic nguyên chất có trong 500ml rượu 350?”
Sau khi đề kiểm tra được chia sẻ, nhiều phụ huynh đã bày tỏ bức xúc về cách ra đề của nhà trường. Một phụ huynh nhận định: “Rất phản cảm. Thay vì giáo dục các em tác hại của rượu thì nhà trường lại ra đề như quảng cáo, khuyến khích các em uống rượu”.
Uống nhầm nước làm mát ôtô vì tưởng là bia
VnExpress – Các bác sĩ Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ngày 16/5 thông tin đơn vị này mới tiếp nhận hai bệnh nhân đến khám trong tình trạng hoảng sợ do uống nhầm nước làm mát động cơ ôtô.

Bệnh nhân cho hay được người quen cho hai lon nước màu xanh, màu đỏ, tưởng là chai nước giải khát nên hai vợ chồng lấy ra uống. Thấy nước không có mùi vị, người bệnh tra cứu chữ trên vỏ lon mới phát hiện đây là nước làm mát động cơ ôtô.
Hai vợ chồng được rửa dạ dày tại Khoa Cấp cứu và chuyển vào Trung tâm Hồi sức tích cực theo dõi. Nhờ phát hiện và xử trí kịp thời, người bệnh may mắn không gặp triệu chứng nghiêm trọng, xuất viện sau ba ngày.
Chủ quan với xăng dầu, sẽ trả giá!
Tuổi Trẻ – Gần 30.000 đồng/lít xăng, mức kỷ lục. Đâu chỉ kêu lên thế là xong. Tuổi Trẻ có bài “Cơm phở ăn theo giá xăng tăng”. Người giữ tiền chi tiêu trong gia đình than: phải tằn tiện lại. Doanh nhân bạc đầu vì thứ gì cũng tăng.
Các bộ ngành, địa phương làm công trình cũng nghẹt thở vì vốn vượt dự toán. Thật ra, giá mới nóng, chưa sốt, càng chưa thể gọi là bão giá. Nếu sốt như nhiều nước, chúng ta còn vất vả hơn nhiều, rất nhiều.
Những con số về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lúc này chưa nói lên sức nóng của giá cả. Tình hình sẽ thay đổi nhanh trong những tuần tới khi giá xăng dầu đã lan vào giỏ thực phẩm, mâm cơm của người dân và chưa dừng ở đó.
Giá xăng dầu đẩy giá hàng hóa và dịch vụ tăng đã ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến đời sống của 35% dân số sống ở đô thị. Nếu để giá chuyển từ nóng sang sốt, hệ lụy rất lớn, lạm phát trở lại. Nền kinh tế vẫn cần có lạm phát để kinh tế phát triển, như Việt Nam đặt ra mục tiêu lạm phát cả năm là 4%. Nhưng khi lạm phát tăng cao hơn mục tiêu sẽ gây sức ép tăng lãi suất, khi đó toàn bộ bài toán chi phí của mọi nhà, mọi doanh nghiệp, đất nước bị đảo lộn, sự ổn định kinh tế vĩ mô – nền tảng để có sự thịnh vượng – bị đe dọa. Bởi thế, cần phải chủ động từ xa để hạn chế thấp nhất tình trạng giá chuyển từ nóng sang sốt. Liệu chúng ta đã quyết liệt, đột phá để hạ nhiệt giá xăng dầu?
Chúng ta đã giảm 50% thuế môi trường nhưng giá xăng vẫn lên 30.000 đồng/lít do giá thế giới vẫn tăng. Chẳng lẽ xuôi tay? Hay chúng ta hài lòng “nhờ giảm 50% thuế môi trường nên giá xăng không tăng nóng!?”. Không, chúng ta cần kiên trì mục tiêu giải vây áp lực tăng giá, trong đó có hạ nhiệt đà tăng giá xăng dầu, không để người dân, doanh nghiệp “ngụp lặn” trong cơn sốt giá. Cần kiên trì mục tiêu này bởi vì chúng ta vẫn còn “thuốc” để giải nhiệt giá xăng dầu. Đó là còn 50% thuế môi trường (tương ứng 2.000 đồng/lít), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng… Đến nay, người dân đô thị mua xăng có thuế tiêu thụ đặc biệt để duy trì sinh hoạt và kiếm sống. Thiếu máy lạnh, thuốc lá, rượu bia – mặt hàng cùng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như xăng – không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Nhưng không có xăng, mọi thứ sẽ đảo lộn. Có “thuốc” mà không dùng, đó là điều đáng trách.
Tất nhiên, giảm thuế, thậm chí đưa thuế tiêu thụ đặc biệt xăng về 0% sẽ tạo ra giá xăng trong nước rẻ hơn, sẽ có buôn lậu, xăng dầu từ nội địa chảy ngược qua biên giới. Nhưng buôn lậu xăng dầu chỉ là phản ứng phụ, thậm chí rất nhỏ nếu chống buôn lậu tốt. Không thể đẩy phản ứng phụ này lên thành triệu chứng để lấy đó làm lý do chưa dùng thuế tiêu thụ đặc biệt để kềm giá xăng. Hơn nữa, việc giảm một phần hay đưa về 0% sắc thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường với xăng dầu… cũng chỉ là tạm thời để bình ổn thị trường. Nhà nước sẽ áp lại các sắc thuế này khi thị trường thế giới hạ nhiệt.
Áp lực tăng giá quá lớn. Chúng ta có hai lựa chọn: kiên trì giải vây giá xăng dầu hoặc chờ giá chuyển từ nóng sang sốt rồi dập lửa. Có lẽ số đông sẽ chọn phương án thứ nhất bởi giải pháp hợp lý, triển khai sớm sẽ hạn chế được hậu quả cho từng gia đình, doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì vậy, cho dù đã có gói 350.000 tỉ đồng để phục hồi kinh tế hậu COVID-19, vẫn cần chi thêm nguồn lực để giải vây giá xăng dầu. Trong đó, giải vây giá xăng dầu là ứng phó với tình hình giá cả thế giới tăng. Đừng để lạm phát cao hành hạ người dân, làm giảm hiệu quả của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Có thể bạn quan tâm: