Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam điện đàm với Ngoại trưởng Nga về xung đột Ukraine

Tối 15/3 (giờ Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov về tình hình xung đột tại Ukraine.

Tại điện đàm, ông Sơn tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam, theo đó các tranh chấp, bất đồng quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, nhất là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.

Ông Sơn đề nghị các bên trong xung đột Nga – Ukraine kiềm chế, giảm căng thẳng.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết Việt Nam sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế đóng góp cho quá trình này.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị phía Nga tiếp tục tổ chức các hành lang nhân đạo và có biện pháp bảo đảm an toàn cho dân thường, trong đó có người Việt Nam ở Ukraine, sơ tán ra khỏi các vùng chiến sự.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đánh giá cao vai trò và đóng góp của Việt Nam cho hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển trong khu vực và trên thế giới; chia sẻ những diễn biến gần đây về tình hình xung đột tại Ukraine; khẳng định sẽ cố gắng hết sức hỗ trợ sơ tán an toàn công dân Việt Nam ra khỏi các khu vực chiến sự.

Bắt tạm giam cựu Tổng giám đốc VEC Mai Tuấn Anh

Thanh Niên – Ngày 15/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an cho biết đã khởi tố vụ án hình sự để điều tra các sai phạm xảy ra tại Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan (vụ án giai đoạn 2).

Căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được, C03 đã khởi tố bị can, thực hiện các lệnh khám xét, lệnh bắt tạm giam đối với ông Mai Tuấn Anh, cựu Tổng giám đốc, cựu Chủ tịch HĐTV VEC, về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Văn Tám, cựu Tổng giám đốc VEC, cựu Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cùng tội danh này, C03 còn khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 người khác đều là cựu lãnh đạo VEC và các đơn vị liên quan.

Theo C03, các bị can nêu trên đã có hành vi buông lỏng quản lý chỉ đạo điều hành thực hiện dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư công trình xây dựng trong quá trình tổ chức thi công, xác nhận nghiệm thu các gói thầu thuộc giai đoạn 2 của dự án này, dẫn đến đưa công trình xây dựng không đảm bảo chất lượng vào khai thác sử dụng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước.

Trong giai đoạn 1 của vụ án này, C03 đã khởi tố 36 bị can. Cuối tháng 11 năm ngoái, vụ án đã được TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm.

Cơ quan tố tụng xác định, dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài gần 140km. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án dài 65 km, từ TP. Đà Nẵng tới TP. Tam Kỳ (Quảng Nam), giai đoạn 2 dài hơn 74km với tổng mức đầu tư hơn 34.500 tỉ đồng. Dự án được khởi công năm 2013 và từ năm 2017 đã đưa vào sử dụng 65km của giai đoạn 1; năm 2018, thông xe giai đoạn 2. Tuy nhiên, khi vừa đi vào sử dụng, trên đường cao tốc đã xuất hiện rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc vận hành khai thác,

Căn cứ kết quả điều tra và kết luận giám định xác định chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với 7/7 gói thầu thuộc giai đoạn 1 (65km) của dự án không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án…

Mặc dù giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo nhưng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã tiến hành nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 811 tỉ đồng cho các đơn vị.

Vụ xô xát ở thủy điện Mây Hồ: Đưa nhiều người về trụ sở công an để điều tra

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 15-3, ông Vương Trinh Quốc – chủ tịch UBND thị xã Sa Pa – cho biết thị xã đã yêu cầu Công ty TNHH năng lượng Mây Hồ (Công ty Mây Hồ) tạm dừng thi công hạng mục đập đầu mối thủy điện Mây Hồ (xã Ngũ Chỉ Sơn) – nơi xảy ra vụ xô xát làm 8 người bị thương.

“Cơ quan công an đang thu thập các thông tin, phân loại các trường hợp để điều tra nguyên nhân, xử lý theo quy định”, ông Quốc nói.

Ngày 15-3, Công an thị xã Sa Pa đã di lý toàn bộ số tang vật, phương tiện, các đối tượng có liên quan về trụ sở công an thị xã để điều tra, làm rõ.

Đại tá Phạm Gia Chiến – trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Lào Cai – cho biết sau khi tiếp nhận tin báo, lực lượng công an đang tập trung xác minh để xem xét, quyết định việc có hay không khởi tố vụ án.

“Hiện cơ quan công an đang tiến hành xác minh các đối tượng, diễn biến vụ việc và nạn nhân. Quan điểm của Công an tỉnh Lào Cai là sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, sai đến đâu xử lý đến đó”, đại tá Chiến nói.

20 tấn nội tạng không nguồn gốc suýt tuồn vào Việt Nam

VnExpress – Phạm Văn Ba, 34 tuổi, lái bè mảng ra đường phân định vịnh Bắc Bộ nhận 20 tấn nội tạng động vật để chở về Việt Nam thì bị bắt giữ lúc 5h30 ngày 15/3.

Chiếc bè chở nội tạng bị Đội tuần tra, kiểm soát Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh bắt giữ tại khu vực cách đảo Trần, huyện Cô Tô, khoảng 11 km về hướng đông nam. Bè mảng vỏ gỗ, lắp hai máy tổng công suất 560 CV, chở khoảng 20 tấn nội tạng động vật, đều là nầm lợn được đóng trong thùng xốp, bên ngoài bọc bao dứa. Trên bè ngoài Ba, còn 10 người đàn ông khác.

Theo Biên phòng Quảng Ninh, tại thời điểm kiểm tra, Ba không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số nội tạng động vật trên, phương tiện không có giấy tờ đăng ký, người điều khiển bè không có chứng chỉ chuyên môn.

Ba khai, vận chuyển thuê số nội tạng cho một người không rõ danh tính. Sáng cùng ngày, Ba lái bè mảng ra đường phân định vịnh Bắc Bộ (vùng biển tiếp giáp giữa Việt Nam và Trung Quốc) nhận hàng để chở về Việt Nam.

TP.HCM yêu cầu công khai giá trúng thầu bộ xét nghiệm Covid-19

Zingnews – Nhằm bảo đảm cung cấp trang thiết bị y tế, test nhanh cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND TP.HCM có văn bản hôm 15/3 đặt ra yêu cầu cụ thể cho các đơn vị cấp dưới.

Theo đó, Sở Y tế có nhiệm vụ giao bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, đại lý bán lẻ niêm yết giá xét nghiệm, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp đăng tải giá trúng thầu bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 tại địa phương. Danh sách trang thiết bị y tế đã bị thu hồi số lưu hành, giấy phép nhập khẩu cũng phải công khai trên Cổng thông tin điện tử TP.HCM và cơ quan truyền thông.

Sở Công Thương xem xét tháo gỡ khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên vật liệu sản xuất test nhanh Covid-19. Các đơn vị sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế chủ động tăng sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu sử dụng và đảm bảo bình ổn giá trang thiết bị.

UBND TP.HCM giao Thanh tra Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở Tài chính, Công an TP.HCM, Cục Quản lý thị trường và quận, huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo quy định của Bộ Y tế.

Các đơn vị trên phải kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; ngăn chặn hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế, nhất là test nhanh để đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.

Văn bản khẩn này được ban hành nhằm thực hiện công điện ngày 3/3 của Bộ Y tế về bảo đảm cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Bộ Công an và công an các tỉnh, thành liên tục phát hiện sai phạm trong việc mua kit test Covid-19 của công ty Việt Á với giá cao và quy trình không minh bạch. Công ty này cũng bị phát hiện đưa tiền “lót tay” cho nhiều cán bộ, lãnh đạo của CDC các tỉnh.

Có thể bạn quan tâm: