Mục lục bài viết
Nghệ An phê bình 4 chủ tịch địa phương vì liên quan cao tốc Bắc – Nam
Tuổi Trẻ – Ngày 13/3, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cho biết ông Lê Hồng Vinh – phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – vừa có công văn hỏa tốc gửi thường trực và chủ tịch UBND các địa phương về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An.
UBND tỉnh Nghệ An đã phê bình lãnh đạo 4 huyện, thị xã do chậm giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc – Nam và ra ‘tối hậu thư’ đến ngày 25/3 phải hoàn thành. Sau các thời gian nêu trên, địa phương nào không hoàn thành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Các lãnh đạo 4 huyện gồm; huyện Diễn Châu, Yên Thành, Hưng Nguyên và thị xã Hoàng Mai.
Dự án cao tốc Bắc – Nam, đoạn qua Nghệ An có chiều dài gần 88km đi qua 6 địa phương. Trong đó có 79,31km qua đất nông nghiệp và 8,53km qua đất khu dân cư. Kinh phí giải phóng mặt bằng tổng thể dự kiến hơn 2.760 tỷ đồng.
Chính phủ yêu cầu đơn giản trình tự thống kê ca COVID-19
VnExpress – Ngày 13/3, Nghị quyết nêu Bộ Y tế cần rà soát, đánh giá lại tiêu chí cấp độ dịch, các quy định về quản lý người nhiễm Covid-19, F1 để điều chỉnh sát thực tế. Bộ tham khảo kinh nghiệm quốc tế, có biện pháp phù hợp, tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. Quy trình chăm sóc F0 tại nhà cần hoàn thiện hơn nữa.
Chính phủ yêu cầu các địa phương hạn chế tập trung đông người không cần thiết, nhất là trong lễ hội. Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cần tiếp tục thần tốc hơn nữa. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm nếu tiêm vaccine chậm. Các địa phương nếu cần hỗ trợ nhân lực, vật tư, thuốc phải báo cáo ngay Bộ Y tế; không để quá tải hệ thống y tế.
Việc mở cửa trường học cần kiểm soát và xử lý kịp thời ca nhiễm, giữ mức độ an toàn cao nhất cho học sinh, giáo viên.
Chính phủ yêu cầu sửa ngay các quy định với khách nhập cảnh cho phù hợp với tình hình; hoàn thiện phương án mở cửa du lịch. Bộ Y tế khẩn trương tiếp nhận vaccine và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; tham mưu việc tiêm vaccine mũi thứ tư. Người dân sẽ được tạo thuận lợi khi tiếp cận thuốc điều trị Covid-19; giá kit xét nghiệm được kiểm soát chặt chẽ.
Hồi đầu tháng 3/2021, Bộ Y tế đề xuất dừng thông báo số ca nhiễm Covid-19 hằng ngày, để tránh gây hoang mang và chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.
Tăng giá lan ra nhiều mặt hàng
Tuổi Trẻ – Nhiều doanh nghiệp cho biết áp lực tăng giá hàng hóa ngày càng lớn. Những mặt hàng thiết yếu như mì, dầu ăn, đường, bột, sữa… đã điều chỉnh tăng giá dưới sức ép của giá xăng, dầu tăng mạnh.
Mới đây, nhiều sản phẩm ăn liền Acecook Việt Nam cũng đã tăng giá 10% sau nhiều năm giữ giá. Những năm trước, chi phí nguyên vật liệu, nhiên liệu và vận chuyển đều tăng nhưng Acecook Việt Nam đã nỗ lực để kìm giá, tuy nhiên đến nay tình hình đã đến mức doanh nghiệp không thể bù lại được.
Mặt hàng dầu ăn hiện có mức tăng mạnh hơn, một số thương hiệu tăng đến 135% so với trước dịch. Riêng nhóm hàng hóa mỹ phẩm tăng thưa hơn nhưng cũng đã tăng lai rai từ sau tết đến nay với mức tăng từ 2 – 10% tùy loại, mặt hàng sữa tăng khoảng 5%.
Giám đốc một doanh nghiệp (DN) chuyên về nguyên liệu pha chế, nước uống cũng cho biết từ giữa tháng 4 sẽ điều chỉnh giá bán với mức tăng 25% so với giá niêm yết hiện nay.
“Biết giá nhiều mặt hàng tăng, các đại lý muốn ôm hàng để kéo dài thời gian bán giá cũ nhưng gần như không có hàng. Nhà sản xuất nói họ đang chịu sức ép tăng giá rất lớn”, một đại lý phân phối hàng thiết yếu ở Q.Tân Bình cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Việt Anh – phó chủ tịch Hội Cao su – nhựa TP.HCM – cho biết trước đây giá nhựa nguyên liệu chỉ ở mức khoảng 1.000 USD/tấn, thời điểm dịch bệnh xuống 800 – 900 USD/tấn, song hiện đã lên mức khoảng 1.300 USD/tấn và dự báo vẫn còn tăng.
Trước đây các DN xuất bán hàng trăm ngàn tấn thì hiện chỉ bán mỗi đợt 10.000 – 30.000 tấn. Theo ông Việt, khi giá nguyên liệu tăng 30%, cộng với khó khăn nguồn cung sẽ tác động đến giá thành đầu ra. Tuy vậy, độ trễ của đợt tác động này sẽ khoảng một tháng, do đó khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4 sẽ có đợt tăng giá các sản phẩm đầu ra.
Ông Nguyễn Thanh Trung – chủ tịch HĐQT Công ty CP Tôn Đông Á – cũng cho hay xăng dầu tăng giá đã tác động lập tức đến chi phí vận chuyển của DN này và các chi phí nhiên liệu cũng tăng lên. Bên cạnh đó, một số mặt hàng đã tăng giá chào mới so với tháng 1-2 lên đến 20 – 30%.
Theo ông Trung, hiện DN này đang sản xuất nguyên liệu dự trữ, do đó cuối tháng 3 và tháng 4 giá các sản phẩm sẽ đội giá tương ứng với giá nguyên liệu.
Đưa nhà máy về tỉnh tìm công nhân
VnExpress – Mở rộng nhà máy về các tỉnh giúp doanh nghiệp dễ tuyển công nhân, giảm áp lực khi lao động phổ thông ở thành phố thiếu hụt, khó tìm.
Sau giãn cách, hoạt động sản xuất của Tổng công ty may Nhà Bè (quận 7) phục hồi, đơn hàng được lấp đầy đến hết quý 3/2022, đòi hỏi doanh nghiệp đẩy mạnh tuyển mới công nhân. Để thu hút lao động, nhà máy ở TP HCM tăng năng suất lao động, nâng thu nhập mỗi tháng lên 10-15 triệu đồng cùng nhiều phúc lợi như lương tháng 13, thưởng năng suất, thâm niên, đào tạo nghề, tặng học bổng cho con công nhân, sửa nhà cho người khó khăn…
“Tuy nhiên, kiếm người ở thành phố không hề dễ”, bà Lê Thị Hà Chi, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cho biết. Nhiều tháng liền, bộ phận tuyển dụng ở TP HCM chưa tuyển đủ số lượng trong khi yêu cầu tăng mới chỉ 20%, thấp nhất so với các nhà máy cùng hệ thống.
Trong khi TP HCM gặp khó, các tỉnh có phần dễ hơn, mỗi ngày nhận hồ sơ cao gấp 2-3 lần. Theo bà Chi, nếu ở thành phố, doanh nghiệp phải trả lương 10 triệu đồng mỗi tháng mới giữ được công nhân thì ở tỉnh chỉ cần 7 triệu đồng có thể tuyển được lao động do họ làm việc gần nhà, chi phí sinh hoạt thấp.
5 năm qua, May Nhà Bè mở rộng sản xuất về 10 tỉnh thuộc khu vực miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên. Tổng công ty quy mô 20.000 lao động nhưng có đến 15.000 người làm việc ở các nhà máy tại địa phương. Bà Chi nói đưa nhà máy về tỉnh giúp doanh nghiệp tăng năng lực sản xuất. Chi phí nhân công thấp hơn nên nhà máy tạo lợi thế cạnh tranh về giá thu hút khách hàng, tạo thêm đơn hàng. Thu nhập cho người lao động từ đó cũng tăng thêm.
Tương tự, mấy năm qua Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi), chuyên sản xuất giày da, 100% vốn Hàn Quốc, đã xây thêm nhà máy ở An Giang để chủ động nguồn lao động.
Có thể bạn quan tâm: