Giá xăng dầu có thể tăng 5.000 – 8.000 đồng mỗi lít vào ngày 11/3

Tuoitre – Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc lấy ý kiến dự án nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới liên tục tăng cao ảnh hưởng đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước và công tác tạo nguồn của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Theo Bộ Công thương, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã lên mức 125,68 USD/thùng đối với dầu WTI và dầu Brent là 130,53 USD/thùng (ngày 9-3) và vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trong khi đó, giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu đã tăng lên mức 142 – 158 USD/thùng (giá ngày 7-3), tăng 51 – 69 USD/thùng so với giá ngày đầu tháng 1-2022.

Bộ Công thương cho hay mức giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới nêu trên sẽ tác động lớn đến giá xăng dầu thành phẩm trong nước, đẩy giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 11-3 có thể tăng 5.000 – 8.000 đồng/lít/kg tùy loại (tương đương tăng từ 27 – 44%) so với giá xăng dầu đầu năm 2022, làm ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung của cả nước năm nay.

Trong khi đó, công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn nhiều, hiện còn khoảng 620 tỉ đồng, quỹ bình ổn tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang ở mức âm.

Để có dư địa điều hành, bình ổn giá xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng mạnh ảnh hưởng đến giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trong nước. Bộ Công thương kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức cao hơn tại dự thảo nghị quyết, cụ thể giảm 50% so với mức thuế bảo vệ môi trường hiện tại đang áp dụng đối với các mặt hàng xăng dầu.

Với mức giảm này, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol) sẽ giảm 2.000 đồng/lít, dầu diesel là 1.000 đồng/lít, dầu hỏa là 500 đồng/lít, dầu mazut là 1.000 đồng/kg, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít và đối với mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg.

Đề xuất người nhập cảnh không cần có xác nhận tiêm vaccine COVID-19

VnExpress – Theo dự thảo phòng chống COVID-19 với người nhập cảnh đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế đề xuất người nhập cảnh qua đường hàng không cần có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV bằng phương pháp PCR trong 72h hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong 24h trước khi về Việt Nam, trừ trẻ em dưới 2 tuổi. Giấy chứng nhận xét nghiệm được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp.

Những người này không cần xét nghiệm sau khi nhập cảnh, nhưng cần thực hiện các biện pháp phòng dịch như người đã lưu trú tại Việt Nam.

Người nhập cảnh qua đường khác cần có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Những người chưa có thì xét nghiệm PCR hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính trong 24h kể từ khi nhập cảnh.

Tất cả người nhập cảnh phải khai báo y tế và dùng ứng dụng PC-Covid trong suốt thời gian lưu trú tại Việt Nam. Tại cửa khẩu, người có triệu chứng nhiễm COVID-19 thì báo ngay cơ quan y tế.

Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc xét nghiệm COVID-19; trẻ chưa được tiêm vaccine hoặc chưa từng bị nhiễm COVID-19 khỏi bệnh, được tham gia hoạt động ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.

Bộ Y tế nêu rõ, cơ sở đề thực hiện các đề xuất trên là Việt Nam đã chuyển hướng chống dịch sang thích ứng an toàn. Đến nay, cả nước đã bao phủ vaccine diện rộng, có kế hoạch tiêm cho nhóm trẻ từ 5 tuổi.

Đình chỉ giám đốc cảng cá lớn nhất Thanh Hóa phục vụ điều tra vụ án đánh bạc

Tuổi Trẻ – Ngày 9/3, nguồn tin từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, giám đốc sở này vừa ký quyết định đình chỉ chức vụ giám đốc Ban quản lý cảng cá Lạch Hới ở TP. Sầm Sơn đối với ông Nguyễn Văn Tuyên.

Ông Tuyên bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra vụ án “đánh bạc” mà Công an TP. Sầm Sơn đang điều tra.

Cảng cá Lạch Hới nằm ở phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, là bến cảng, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, với sức chứa hàng trăm tàu lớn đánh bắt hải sản xa bờ.

Kon Tum: 2 thủy điện chiếm đất, đổ thải trái phép

Thanh Niên – Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất kết luận thanh tra các dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trong đó, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã phát hiện nhiều sai phạm xảy ra tại dự án thủy điện Thượng Kon Tum (tại H.Kon Rẫy và H.Kon Plông) và dự án thủy điện Đắk Re (tại xã Hiếu, H.Kon Plông).

Dự án thủy điện Đắk Re do Công ty CP thủy điện Thiên Tân làm chủ đầu tư, có quy mô 60 MW, tiến độ thực hiện từ năm 2007 – 2021. Theo TTCP, mặc dù đã điều chỉnh tiến độ 4 lần với tổng thời gian là 10 năm, và thực tế dự án đã thực hiện trong 12 năm nhưng đến nay vẫn dang dở. Dù vậy, Sở KH-ĐT tỉnh Kon Tum đã không theo dõi, buông lỏng quản lý, giám sát.

Dự án thủy điện Đắk Re triển khai thi công từ 2016 khi chưa đủ điều kiện khởi công, đây là hành vi chiếm đất, nhưng cơ quan chức năng không xử lý. Đồng thời, tại thời điểm thanh tra, dự án chậm tiến độ đủ điều kiện thu hồi tiền ký quỹ, nhưng cơ quan chức năng không thực hiện là thiếu trách nhiệm. TTCP yêu cầu chủ đầu tư nộp về tài khoản tạm giữ của TTCP hơn 21 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vi phạm.

Đồng thời, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư thủy điện Đắk Re còn chiếm dụng đất trái phép để thi công đường dây điện 22 KV từ nhà máy tới đập trên đất rừng. Diện tích rừng này chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng.

Tương tự, tại dự án thủy điện Thượng Kon Tum do Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh làm chủ đầu tư. Công ty này thay đổi địa điểm thực hiện dự án và tăng diện tích đất đã chiếm dụng trước đó lên 109 ha, nhưng UBND tỉnh Kon Tum đã không yêu cầu chủ đầu tư lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường là trái quy định.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kon Tum còn không yêu cầu công ty nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển mục đích sang phi nông nghiệp với diện tích 48 ha. Việc này đã gây thất thoát ngân sách nhà nước số tiền hơn 4,6 tỉ đồng.

Đáng chú ý, mặc dù Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh chưa được UBND tỉnh Kon Tum ban hành quyết định cho thuê đất để xây dựng công trình ngầm là tuyến năng lượng, nhưng công ty đã thực hiện xây dựng từ năm 2015. TTCP xác định đây là hành vi chiếm đất.

TTCP cũng xác định khi dự án thủy điện Đắk Re điều chỉnh quy mô từ 30 MW lên 60 MW, diện tích dự án tăng từ 175 ha lên 192 ha, nhưng chủ đầu tư đã không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường. Khi thi công kênh thông hồ, chủ đầu tư đã trực tiếp đổ thải tại 2 vị trí thuộc đất rừng và đất nương rẫy của người dân là không đúng quy định. TTCP đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo xác định khối lượng chất thải đã đổ trái quy định và xử phạt hành chính. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng ban đầu.

Nghiêm trọng hơn, đối với dự án thủy điện Thượng Kon Tum, mặc dù Bộ TN-MT đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án với 2 khu vực làm bãi trữ, bãi thải với diện tích 60 ha; nhưng UBND tỉnh Kon Tum chưa có quyết định cho thuê đất để làm bãi trữ mà công ty đã tự ý đổ đất, đá thải với khối lượng lên đến hàng triệu m3. TTCP cho rằng tỉnh Kon Tum cần yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng sử dụng đất như ban đầu. Nếu không khắc phục được hậu quả, TTCP sẽ chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Có thể bạn quan tâm: