Bắc Bộ mưa giông

Vietnamnet – Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, tối hôm nay (1/6), ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa rào và giông, riêng khu vực Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng 30-60mm, có nơi trên 100mm.

Ngoài ra, trong chiều và tối 1/6, ở Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và giông; cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 60mm. Mưa giông ở Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 2/6 (thời gian mưa giông tập trung vào chiều và tối).

Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, Tây Nguyên và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Trong khi đó, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ. Độ ẩm thấp nhất trong ngày từ 50-65%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12-16 giờ.

Từ ngày 2-6/6, ở khu vực Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-38 độ, có nơi trên 39 độ.  Độ ẩm thấp nhất trong ngày từ 45-55%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12-17h.

Từ ngày 3 – 5/6, nắng nóng có khả năng xảy ra trên khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ, Sơn La và Hòa Bình với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ. Độ ẩm thấp nhất trong ngày từ 50-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 13-16h.

Từ ngày 6/6, nắng nóng ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng dịu dần.

Bộ Y tế có tân thứ trưởng

VnExpress – Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý môi trường y tế, được Thủ tướng bổ nhiệm làm Thứ trưởng Y tế, ngày 31/5.

Bà Liên Hương năm nay 49 tuổi, quê Hưng Yên, trình độ tiến sĩ, bác sĩ, từng nhiều năm công tác tại Cục Quản lý môi trường y tế, được bổ nhiệm làm Cục trưởng năm 2015.

Trong thời gian Việt Nam chống COVID-19, Cục Quản lý môi trường y tế đề xuất nhiều biện pháp như cách ly F0, F1 tại nhà; xây dựng dự thảo hướng dẫn thích ứng an toàn COVID-19; không phun khử khuẩn ngoài trời và trên người…

Bộ Y tế hiện có bốn thứ trưởng là bà Nguyễn Thị Liên Hương và các ông Nguyễn Trường Sơn, Trần Văn Thuấn, Đỗ Xuân Tuyên. Bộ trưởng là ông Nguyễn Thanh Long.

Bộ trưởng gợi ý về hầm ngầm chống ngập ở Hà Nội, giáo sư nói ‘không khả thi’

Voatiengviet – Sau khi Hà Nội bị ngập nặng hôm 29/5 và nhiều người dân tỏ ra bất mãn về tình trạng thoát nước kém cỏi ở thủ đô mỗi khi có mưa to, vị Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng đã đến lúc Hà Nội tính đến các công trình ngầm để chống ngập.

Tuy nhiên, một giáo sư đúng chuyên ngành nói với VOA rằng đề xuất của bộ trưởng là “quá tốn kém, không khả thi”.

Báo chí và mạng xã hội trong những ngày vừa qua tràn ngập các hình ảnh về trận ngập lụt ở Hà Nội do một cơn mưa kéo dài trong 2 tiếng với lượng mưa lên đến 181 milimet.

Các trang mạng xã hội có đông thành viên như Beatvn, Chuyện của Hà Nội ẩn ý gọi thủ đô là “thành phố biển Hà Nội”, kèm theo là ảnh về các điểm ngập nặng, thu hút hàng chục nghìn người bày tỏ phản ứng và đưa ra bình luận.

Một đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội nói với báo giới rằng lượng mưa hôm 29/5 lớn gấp đôi năng lực của hạ tầng thoát nước trong thành phố.

Bộ trưởng Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu với các phóng viên trong nước hôm 30/5 rằng khi xảy ra mưa lớn dồn dập tập trung vào một thời điểm thì không có hạ tầng nào có thể chịu đựng được, kể cả ở các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, Châu Âu, nói gì đến Việt Nam.

Khi được hỏi cần có giải pháp gì cho tình trạng cứ mưa lớn là ngập ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, vốn gây ra nhiều bất bình trong người dân bấy lâu nay, Bộ trưởng Hà đáp lại rằng “Trong trường hợp thời tiết cực đoan, phải tính toán hệ thống để trữ nước” và ông nêu một ví dụ là “Nhật Bản có khu vực người ta bố trí những đường ngầm ở dưới, gọi là hầm chứa lớn ở dưới … là nơi chứa nước”.

Bộ trưởng Hà nói thêm: “Hoặc bố trí trường học, sân vận động, cánh đồng lúa trong trường hợp thấy rằng có thể ngập vào những nơi xung yếu thì điều chỉnh cái van trong hệ thống đó để người ta đưa những nơi đó thành nơi chứa nước”.

“Đó là giải pháp mà các nước làm, tất nhiên là đắt đỏ, nhưng quan trọng là tầm nhìn, thiết kế và đầu tư hạ tầng và nó phải đồng bộ”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Nhận xét về điều mà ông Hà nhắm đến, giáo sư Đặng Hùng Võ, người từng là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Việt Nam, nói với VOA:

“Tôi cho rằng đấy là giải pháp mang tính đọc sách tạo ra thôi chứ rất khó khả thi ở Việt Nam hiện nay”.

Giáo sư Võ đánh giá rằng sẽ có hai trở ngại chính đối với ý tưởng xây các công trình ngầm để chống ngập cho các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM, đó là tiền và sự quan liêu. Ông phân tích chi tiết hơn:

“Chúng ta đi vào ngay một giải pháp cần rất nhiều tiền thì chắc chắn không phù hợp với Việt Nam vì chi ngân sách của Việt Nam và tiền vay của đất nước đã quá lớn. Nếu chúng ta vay để làm giống như Nhật, đấy là phương án tôi cho rằng quá tốn kém, hiệu quả kinh tế không cao. Chúng ta sử dụng ngay những giải pháp hiện đại thì chưa chắc phù hợp với trình độ quản lý của Việt Nam hiện nay”.

Lưu ý rằng việc quản lý các hầm chứa nước ngầm hiện đại đòi hỏi trình độ cao, trong khi ngay hiện tại, cách thức điều hành, quản lý của Việt Nam với các công trình bề mặt vẫn còn những yếu kém, giáo sư Võ cảnh báo rằng nếu Việt Nam xây hầm chứa nước, rất có thể không bao lâu sau các hầm đó sẽ bị tắc nghẽn, không chứa được nước nữa, hoặc bị ô nhiễm.

Với hiểu biết chuyên môn của mình, vị giáo sư cũng là cựu thứ trưởng tài nguyên-môi trường cho rằng giải pháp “thực tế hơn và rẻ hơn” cho Hà Nội là phải làm sống lại các con sông đô thị đã chết, cố gắng tạo ra hệ thống sông đô thị trong xanh kết nối với nhau, sao cho thoát nước ra sông Hồng. Ông Võ nói thêm:

“Chúng ta phải vận hành hệ thống sông đô thị trước đã rồi hãy nói đến các giải pháp như ở Nhật hay một nước nào tiên tiến”.

Vị giáo sư khẳng định rằng tình trạng ngập lụt ở Hà Nội thực chất là hậu quả mà thành phố phải gánh chịu do nhà chức trách thực thi quy hoạch một cách vô nguyên tắc, đã để cho nhiều ao, hồ, sông tự nhiên bị “chết gần hết và ô nhiễm”. Ông Võ cũng cảnh báo rằng không ít thành phố khác ở Việt Nam đang đi vào vết xe đổ của Hà Nội và điều tương tự rất có thể sẽ xảy ra ở những nơi đó.

‘Đề xuất sở hữu chung cư 50 năm là không phù hợp’

VnExpress – Theo các chuyên gia, việc chỉ cấp sổ hồng căn hộ 50-70 năm đi ngược lại tâm lý sở hữu nhà lâu dài của đa số dân đô thị.

Mới đây, trong đề cương luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã đề xuất quy định thời hạn sử dụng chung cư chỉ từ 50-70 năm thay vì lâu dài như từ trước đến nay. Có 2 phương án được đề xuất, là sổ hồng cấp cho căn hộ chung cư sẽ có thời hạn lâu dài như hiện nay, hoặc sẽ có thời hạn 50 năm, 70 năm.https://vnexpress.net/de-xuat-so-huu-chung-cu-50-nam-la-khong-phu-hop-4470354.html

Lý do đưa ra đề xuất trên là, theo các quy định hiện hành, thời hạn sử dụng của công trình được xác định theo hồ sơ thiết kế xây dựng công trình hoặc theo thời hạn sử dụng thực tế.

Từ khi được công bố, đề xuất này đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các chuyên gia bất động sản. Các chuyên gia cho rằng hiện nay chưa phải lúc giới hạn thời gian sở hữu nhà chung cư. Thậm chí có ý kiến phản đối đề xuất rút ngắn thời hạn sử dụng chung cư xuống còn 50-70 năm vì không phù hợp với thị hiếu và tâm lý sở hữu tài sản lâu dài của đại đa số cư dân đô thị.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư như dự thảo đề cương luật Nhà ở (sửa đổi). Theo ông Châu, tại thời điểm hiện nay chưa nên áp dụng việc này mà chỉ giới hạn thời gian sử dụng chung cư khi công trình này đã bị xuống cấp nghiêm trọng với sự giám định chất lượng kỹ lưỡng.

Ông Châu cho rằng, xét theo tâm lý của đại đa số người Việt đều mong muốn sở hữu nhà ở lâu dài và thói quen sử dụng nhà chung cư chỉ mới từng bước được định hình trong một thập niên trở lại đây, đề xuất này có thể khiến thị trường chung cư bị “thất sủng” thậm chí suy giảm.

Chủ tịch HoREA phân tích thêm, đối với nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh phải tổ chức kiểm định chất lượng công trình này nhưng vẫn phải đảm bảo quyền sở hữu căn hộ, diện tích xây dựng khác và quyền sử dụng đất của các chủ sở hữu nhà chung cư theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở. Tuy nhiên, không vì lý do nhà ở, công trình xây dựng có niên hạn sử dụng mà lại đề xuất quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư là không phù hợp.

Còn ông Lê Nết, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế cho rằng các đề xuất chung cư chỉ được sở hữu 50-70 năm nên lấy ý kiến người dân một cách rộng rãi, xem mức độ đồng thuận của số đông đến đâu. Nếu được đa số người dân ủng hộ thì mới áp dụng vào thực tiễn. Trường hợp đa số người dân không đồng tình, cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan xây dựng pháp luật cần cân nhắc một cách thận trọng, thậm chí chưa nên áp dụng tại thời điểm này.

Có thể bạn quan tâm: