Một số sàn tài chính sử dụng đồng tiền ảo Bitcoin hoạt động theo mô hình đa cấp biến tướng, lấy tiền người sau trả cho người trước, với chiêu trò lãi suất lên tới 30%-80%/năm.
Triệt phá nhiều đường dây Bitcoin lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng
Mới đây, Cục CS phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50 – Bộ Công an) phối hợp với CA tỉnh Đồng Nai đã triệt phá đường dây huy động vốn công nghệ cao với số tiền chiếm đoạt lên đến 140 tỷ đồng. Đồng thời, đối tượng cầm đầu Nguyễn Minh Phương (39 tuổi; trú tại TP Biên Hòa) cùng 2 đồng phạm bị bắt giữ, theo báo Người Lao động,
Theo hồ sơ vụ án, Phương cùng 2 đồng phạm đã góp vốn thành lập Công ty CP Phương Thái An rồi thuê người lập trang web nhằm huy động vốn, kêu gọi rất nhiều người đầu tư tiền vào hệ thống. Để nhận 1 mã ID (mã tiền ảo), mỗi người tham gia phải đóng hơn 10 triệu đồng.
Thủ đoạn lừa đảo của nhóm này là giới thiệu cho người tham gia mô hình thu lợi “khủng” trong thời gian ngắn. Với 1 mã ID, cứ 5 ngày sẽ được tiền lãi 2,2 triệu đồng nên nhiều người đã lao vào đầu tư.
Sau đó, nhóm Phương đã lấy tiền của người trước trả cho người sau, phần còn lại chia nhau, số tiền lừa đảo ước tính 140 tỷ đồng. Đến khi bị triệt phá, hệ thống đa cấp của nhóm này đã thu được 21.405 mã khách hàng.
Không chỉ riêng vụ việc trên, thời gian qua, lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố đã điều tra, xử lý rất nhiều vụ liên quan đến tiền ảo Bitcoin. Những chiêu trò, biến tướng hoạt động dưới nhiều hình thức đều nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tiền một cách bất hợp pháp của người dân.
CA tỉnh Gia Lai cũng vừa triệt phá một vụ lừa đảo tiền ảo Bitcoin. Chỉ trong thời gian ngắn, địa bàn tỉnh này có khoảng 1.900 ID, tức 1.900 Bitcoin tham gia mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp ngân hàng cộng đồng Bitcoin. Các đối tượng lừa đảo đã chiếm đoạt trên 22 tỷ đồng của người dân trong vùng.
Điều đáng nói, trong số 300 người bị lừa đảo, có đến một phần ba số người không biết cách giao dịch trực tiếp mà phải nhờ người giới thiệu trung gian hoặc các đối tượng lừa đảo thực hiện.
Trước đó, tháng 8/2016, Công an quận Bắc Từ Liêm đã bắt giữ 3 đối tượng và lập hồ sơ, xử lý vi phạm liên quan đến mạng đa cấp Boss-bitcoin.com…
Hoàn thiện khung pháp lý quản lý tiền ảo
Theo pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, Bitcoin hay các loại tiền ảo khác đều không được sử dụng như một loại tiền tệ.
Hơn nữa, tất cả hệ thống máy chủ có thể cung cấp mã điện tử nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, vì thế, chỉ xử lý những người xác định được tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc vi phạm quy định sử dụng mạng máy tính.
Do đó, Bộ Tư pháp xác định, nhóm nhiệm vụ cơ bản hiện nay bên cạnh việc rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam thì cần đề nghị sửa đổi bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu, đề xuất bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế; đề xuất biện pháp phòng chống, xử lý vi phạm…
Tháng 8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Hoàn thiện khung pháp lý quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo nhằm ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả các rủi ro, cụ thể hóa các chế định về quyền tài sản trong lĩnh vực này, theo Báo Nhân dân.
Hoàng Minh (TH)